Cách mạng công nghiệp là cuộc cách mạng trong lĩnh vực sản xuất; là sự thay đổi cơ bản các điều kiện kinh tế xã hội, văn hóa và kỹ thuật. Cuộc cách mạng công nghiệp xuất phát từ nước Anh sau đó lan tỏa ra toàn thế giới. Nền kinh tế giản đơn, quy mô nhỏ, dựa trên lao động chân tay được thay thế bằng công nghiệp và chế tạo máy móc quy mô lớn.
Cách mạng công nghiệp đầu tiên diễn ra ở cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra từ nửa sau thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 bắt đầu khoảng 1969, sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất.
Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (Hay Cách mạng Công nghiệp 4.0) bắt đầu vào đầu thế kỉ 21, tiếp sau những thành tựu lớn từ lần thứ 3 để lại được hình thành trên nền tảng cải tiến của cuộc cách mạng số, với những công nghệ mới như in 3D, robot, trí tuệ nhân tạo, Internet of Things, S.M.A.C, công nghệ nano, sinh học, vật liệu mới,… Hiện tại cả thế giới đang ở trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng này và là chiến lược bản lề cho các nước đang phát triển tiến đến để theo kịp với xu hướng thế giới và mở ra bước ngoặt mới cho sự phát triển của con người.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại nhiều nước phát triển. Cùng với đó là những hứa hẹn về cuộc “đổi đời” của các doanh nghiệp tại Việt Nam nếu đón được làn sóng này. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tiến triển theo một hàm số mũ chứ không phải là tốc độ tuyến tính.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý.
Trên lĩnh vực công nghệ sinh học: Cách mạng Công nghiệp 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong Nông nghiệp, Thủy sản, Y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu.
Trên lĩnh vực Kỹ thuật số trong CMCN 4.0 những yếu tố cốt lõi sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối – Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).
Trí tuệ nhân tạo (AI: Artificial Intelligence) có thể được định nghĩa như một ngành của khoa học máy tính liên quan đến việc tự động hóa các hành vi thông minh. Trí tuệ của máy móc được tạo ra bởi con người. Robot Sophia được kích hoạt để hoạt động vào 19/4/2015. Sophia là Robot đầu tiên được Ả Rập Saudi cấp quyền công dân như con người vào 25/10/2017. Chức năng chính của Sophia là trò chuyện với con người.
Internet of Things (IoT) là một kịch bản của thế giới, khi mà mỗi đồ vật, con người được cung cấp một định danh của riêng mình, và tất cả có khả năng truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu qua một mạng duy nhất mà không cần đến sự tương tác trực tiếp giữa người với người, hay người với máy tính. IoT đã phát triển từ sự hội tụ của công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và Internet.
Ứng dụng của IoT là Quản lý và lập kế hoạch quản lý đô thị; Quản lý môi trường; Phản hồi trong các tình huống khẩn cấp; Mua sắm thông minh; Quản lý các thiết bị cá nhân; Tự động hóa ngôi nhà; Đồng hồ đo thông minh;
Cuối cùng là lĩnh vực Vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…) và công nghệ nano.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 kết nối các hệ thống nhúng và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa Công nghiệp, Kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong. Công nghiệp 4.0 tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các “nhà máy thông minh” hay “nhà máy số”. Trong các nhà máy thông minh này, các hệ thống vật lý không gian ảo sẽ giám sát các quá trình vật lý, tạo ra một bản sao ảo của thế giới vật lý. Với IoT, các hệ thống vật lý không gian ảo này tương tác với nhau và với con người theo thời gian thực, và thông qua IoS thì người dùng sẽ được tham gia vào chuỗi giá trị thông qua việc sử dụng các dịch vụ này.
Nhiều thành phố như Cincinnati, Ohio đã tuyên bố trở thành “Thành phố trình diễn công nghiệp 4.0”, một số quốc gia như Ấn Độ, Việt Nam cũng tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ cho Industry 4.0 vì những lợi ích mà nó mang lại quá lớn. Các doanh nghiệp, cả công ty sản xuất, công ty công nghệ lẫn dịch vụ, cũng đang sử dụng ý tưởng mà Industry 4.0 mang đến để cải tiến từng chút một trong quy trình hoạt động của mình.
Cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến cho nhân loại cơ hội để thay đổi bộ mặt các nền kinh tế, nhưng cũng đặt ra rất nhiều thách thức cho con người và với Việt Nam. Việt Nam phải nắm bắt được cơ hội, vượt qua thách thức tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như thế nào để đạt được kết quả tốt nhất.
Trích nguồn: https://news.zing.vn/cach-mang-cong-nghiep-40-la-gi.html.
(http://babil.info/cuoc-cach-mang-khoa-hoc-cong-nghe-4-0-co-gi-noi-bat/)
Hình 1: Lịch sử 4 cuộc cách mạng công nghiệp.
Hình 2: Internet of Things. (http://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe)
Hình 3: Trí tuệ nhân tạo (AI: Artificial Intelligence)
(https://baomoi.com/) Hình 4: Công nghiệp 4.0.
Người sưu tầm và biên tập: Nguyễn Thị Như Na.