Nội dung chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một ở trường mầm non hiện nay

0
173

Vào lớp Một là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng trong thời kỳ ấu thơ của trẻ. Các nhà nghiên cứu gọi giai đoạn này với nhiều tên gọi khác nhau. Maurce Debesce, nhà tâm lý học Pháp gọi lứa tuổi này là: “Trang sử mới của cuộc đời đứa trẻ”, Hồ Ngọc Đại gọi đó là “bước ngoặt hành phúc”, Nguyễn Ánh Tuyết gọi đây là “bước ngoặt 6 tuổi”, một số nhà nghiên cứu khác gọi đó là “Cửa ải phân chia hai cuộc sống khác nhau” hoặc “cửa ải lớp Một”. Đây là quá trình rất cần có sự tổ chức, hướng dẫn và giáo dục đúng đắn của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu không được chuẩn bị tốt trước khi vào lớp Một thì có thể ở một số trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn khi bước vào môi trường tiểu học như thể chất kém, không muốn đi học, không theo kịp các bạn về nhận thức, nhút nhát, rụt rè, khả năng tập trung chú ý hạn chế, thiếu các kỹ năng cần thiết như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự lập, tự phục vụ, khó thích ứng với môi trường học tập ở trường tiểu học, khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ học tập và thiết lập các mối quan hệ với mọi người xung quanh,… Chính vì vậy, hoạt động chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một giữ một vai trò  đặc biệt quan trọng. Đó cũng là một trong nhiệm vụ của trường mầm non, của giáo viên dạy các lớp mẫu giáo lớn.

Hoạt động chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một ở trường mầm non được hiểu là những tác động từ nhà trường và đội ngũ giáo viên nhằm xây dựng những tiền đề, cơ sở trên mọi lĩnh vực phát triển cho trẻ, giúp trẻ đáp ứng được các yêu cầu của mục tiêu giáo dục mầm non.

Thực tiễn cho thấy hoạt động chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một đã được các cấp quản lý quan tâm chỉ đạo, các nhà quản lý trường mầm non cũng đã có những biện pháp tổ chức thực hiện và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn một số tồn tại như: Việc xây dựng và thực hiện mục tiêu, nội dung hoạt động chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một còn nặng về lĩnh vực nhận thức, coi trọng việc dạy chữ, dạy số mà ít chú trọng phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội, chậm đổi mới theo yêu cầu phát triển chương trình giáo dục mầm non trong giai đoạn hiện nay; chậm phát huy hiệu quả của các phương pháp, hình thức giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; mức độ phát triển phẩm chất, năng lực cho trẻ còn hạn chế. Vì vậy, việc xác định đầy đủ, toàn diện nội dung chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một là tiền đề cho việc thực hiện hoạt động chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một một cách khoa học, có hệ thống.

Căn cứ vào chương trình giáo dục lứa tuổi mẫu giáo hiện nay, có thể xác định các nội dung chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một bao gồm:

Chuẩn bị về mặt thể chất

          Sự thay đổi từ hoạt động học thông qua vui chơi mang tính tự do, thời gian ngắn ở trường mầm non sang hoạt động học với tính nề nếp, kỷ luật, và liên tục trong một ngày ở trường tiểu học đòi hỏi trẻ phải sẵn sàng về mặt thể lực, bao gồm cả chất và lượng. Về lượng, cần phát triển cân nặng, chiều cao giúp trẻ đạt chuẩn. Về chất, trẻ cần phát triển các nhóm cơ lớn, cơ nhỏ để phát triển cả vận động thô và vận động tinh, phát triển các giác quan, tăng cường sự dẻo dai, bền bỉ của cơ bắp và thần kinh, tăng cường sự chú ý, tập trung để sẵn sàng cho hoạt động học tập ở lớp Một.

Để đáp ứng yêu cầu trên về mặt thể chất, trường mầm non cần tổ chức thực hiện tốt cả hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng và hoạt động giáo dục trẻ. Chế độ dinh dưỡng ở trường mầm non chiếm phần lớn tổng năng lượng khẩu phần hàng ngày của trẻ. Vì vậy, để phát triển thể chất cho trẻ, nhà trường cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tổ chức giấc ngủ đảm bảo, tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ một cách khoa học. Đồng thời, tăng cường các hoạt động giáo dục thể chất, tích hợp phát triển thể chất qua các hoạt động khác như trò chơi, vẽ tranh, nặn,… giúp trẻ tăng cường vận động, rèn luyện và phát triển sự khéo léo, bền bỉ, dẻo dai, đặc biệt chú ý đến sự khéo léo của đôi bàn tay. Bên cạnh đó, cần giáo dục trẻ về an toàn vệ sinh dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân và an toàn cá nhân.

Chuẩn bị về mặt nhận thức

          Ở trường mầm non, nội dung chuẩn bị về mặt nhận thức giúp trẻ sẵn sàng vào lớp Một bao gồm: Cung cấp cho trẻ những kiến thức, hiểu biết cần thiết về môi trường tự nhiên, xã hội, về một số hình hình học, không gian, thời gian, về âm nhạc và tạo hình; khơi dậy sự tò mò, ham hiểu biết ở trẻ và ở mức độ cao hơn, đó là hình thành khả năng suy luận và khả năng sáng tạo của trẻ. Như vậy, những nội dung chuẩn bị về mặt nhận thức vừa phải đáp ứng được yêu cầu cung cấp những tri thức nền tảng, cơ bản, cần thiết cho trẻ trước khi vào lớp Một, vừa phải đáp ứng yêu cầu phát triển nhu cầu hiểu biết, nhu cầu học tập và sáng tạo ở trẻ.

Trẻ làm quen với chữ cái. Nguồn Internet

Chuẩn bị về mặt ngôn ngữ và giao tiếp

          Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp để trẻ có thể tham gia mọi hoạt động trong nhà trường, trao đổi ý kiến với thầy cô, bạn bè, đặc biệt cần thiết khi trẻ bắt đầu học đọc, học viết.

          Nội dung chuẩn bị về mặt ngôn ngữ và giao tiếp cho trẻ 5 tuổi ở trường mầm non bao gồm: Khả năng nghe hiểu lời nói, hiểu được sắc thái biểu cảm trong lời nói, ý nghĩa của những câu chuyện, thơ, ca đơn giản; khả năng sử dụng lời nói để giao tiếp, bày tỏ ý kiến, cảm xúc, nhu cầu; khả năng thực hiện được một số quy tắc thông thường trong giao tiếp như điều chỉnh giọng nói, thái độ, cảm xúc, biết lắng nghe và hỏi lại; Hứng thú với việc đọc, viết và có một số hiểu biết ban đầu về đọc, viết như nhận biết được bảng chữ cái, biết kể truyện theo tranh,…

          Chuẩn bị tốt những nội dung về mặt ngôn ngữ và giao tiếp giúp trẻ không bỡ ngỡ với việc học đọc, học viết ở trường tiểu học, đồng thời giúp trẻ tự tin giao tiếp, hòa nhập với môi trường học tập mới.

Trẻ học kỹ năng giao tiếp. Nguồn Internet

Chuẩn bị về mặt tình cảm và kỹ năng xã hội

Để chuẩn bị vào lớp Một, ngoài việc chuẩn bị về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ và giao tiếp, trẻ còn cần được chuẩn bị cả về tình cảm và kỹ năng xã hội. Nội dung chuẩn bị về mặt tình cảm và kỹ năng xã hội trước khi trẻ vào lớp Một bao gồm:

Giúp trẻ trẻ nhận thức được về bản thân bao gồm các thông tin cơ bản như tên, tuổi, giới tính, sở thích, khả năng riêng của bản thân.

Giáo dục trẻ tin tưởng vào khả năng của bản thân, mạnh dạn, tự tin chủ động, vui thích và nỗ lực đến cùng khi thực hiện công việc.

Giúp trẻ hình thành và phát triển khả năng cảm nhận được cảm xúc của người khác và biết ứng xử phù hợp như biết an ủi, động viên bạn bè,…đồng thời, trẻ biết thể hiện cảm xúc của bản thân, kiểm soát cảm xúc tiêu cực.

Hướng dẫn và hỗ trợ trẻ xây dựng mối quan hệ tích cực với bạn bè, người lớn như chủ động giao tiếp, chia sẻ đồ chơi, chờ đợi, thay vai trong các trò chơi, hướng dẫn, giúp đỡ bạn thực hiện nhiệm vụ, …

Hướng dẫn trẻ cách thức hợp tác với bạn bè mọi mọi người để trẻ có thể hòa đồng và thực hiện nhiệm vụ theo nhóm như hướng dẫn trẻ biết lắng nghe, biết trao đổi ý kiến, biết phân công và phối hợp hoạt động,…

Giáo dục trẻ biết tôn trọng người khác và có hành vi ứng xử phù hợp với tự nhiên, môi trường và xã hội.

Chuẩn bị về mặt thẩm mỹ

Nhận biết về cái đẹp, yêu cái đẹp là một trong những phẩm chất cần xây dựng ở trẻ. Vào lớp Một, các hoạt động âm nhạc, tạo hình được phát triển thành các môn học cụ thể. Vì vậy, ở cuối giai đoạn mầm non, trẻ cần được cung cấp những tri thức ban đầu về cái đẹp trong tự nhiên, cuộc sống và trong những tác phẩm nghệ thuật. Giáo viên cũng cần tạo môi trường hoạt động giúp trẻ yêu thích các hoạt động nghệ thuật, tự tin thể hiện cảm xúc, khả năng sáng tạo nghệ thuật.

          Như vậy, nội dung chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một bao gồm cả năm lĩnh vực của chương trình giáo dục lứa tuổi mẫu giáo. Mỗi lĩnh vực đều có vai trò, vị trí quan trọng, do đó, quá trình thực hiện cần thực hiện đồng bộ, không nên quá coi trong hay xem nhẹ một lĩnh vực nào, từ đó mới có thể giúp trẻ phát triển toàn diện, sẵn sàng cho việc bước vào môi trường giáo dục mới ở bậc Tiểu học.

Tác giả: Trần Thị Phương Thanh

BÌNH LUẬN