Bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin trước âm mưu của các thế lực thù địch

0
539

Đảng ta luôn khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động,…”1. Tuy nhiên, các thế lực thù địch luôn tìm cách phủ nhận, tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta để chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Vì vậy, việc bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin trước âm mưu của các thế lực thù địch là rất cần thiết.

Vào những năm 90 của thế kỷ XX, sau sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, các thế lực thù địch đã lợi dụng sự kiện này để xuyên tạc bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin và lớn tiếng cho rằng, sự ra đời của chế độ xã hội chủ nghĩa theo lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin là một sai lầm của lịch sử; ý tưởng xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa chỉ là “viển vông”, “phi thực tế”. Chúng đánh đồng, quy chụp rằng, sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội hiện thực là sự lỗi thời, lạc hậu của chính chủ nghĩa Mác – Lênin. Thất bại của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu chính là “sự cáo chung” của chủ nghĩa xã hội.

Sự thật là, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó có nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự khủng hoảng và sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội Xôviết là do duy trì quá lâu mô hình kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp và chậm đổi mới cơ chế kinh tế, hệ thống quản lý, chậm đổi mới mô hình xã hội chủ nghĩa. Còn nguyên nhân chủ yếu, trực tiếp là: Trong cải tổ, Đảng cộng sản Liên xô đã mắc sai lầm rất nghiêm trọng về đường lối chính trị, tư tưởng và tổ chức và chủ nghĩa đế quốc đã can thiệp toàn diện, vừa tinh vi, vừa trắng trợn, thực hiện được “diễn biến hòa bình” trong nội bộ Liên xô và các nước Đông Âu. Như vậy, sự phá hoại của chủ nghĩa đế quốc cùng với sự phản bội từ bên trong và từ trên “chóp bu” của cơ quan lãnh đạo cao nhất là nguyên nhân trực tiếp làm cho Liên xô sụp đổ. Và sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu là sự sụp đổ của một mô hình của chủ nghĩa xã hội trong quá trình đi tới mục tiêu chủ nghĩa xã hội. Nó không đồng nghĩa với “sự cáo chung” của chủ nghĩa xã hội với tư cách là một hình thái kinh tế – xã hội mà loài người đang vươn tới.

Trong những năm gần đây, tận dụng xu hướng quốc tế hóa, toàn cầu hóa nền kinh tế; những thành tựu từ các cuộc cách mạng công nghiệp, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chủ nghĩa tư bản đã tiến hành điều chỉnh, thích nghi về quan hệ sản xuất. Sự điều chỉnh đó trên thực tế đã làm cho chủ nghĩa tư bản tiếp tục có những điều kiện để phát triển. Từ đây một số học giả tư sản đã cố tình xuyên tạc và lập luận rằng, C.Mác đã gắn cho giai cấp công nhân cái sứ mệnh mà nó không có chỉ bởi vì ông thương cảm, đó là giai cấp nghèo khổ; rằng, hiện nay địa vị của giai cấp công nhân đã có sự thay đổi căn bản, một bộ phận công nhân không còn bị bóc lột như trước nữa, đã trở nên “trung lưu hóa”, thậm chí trở thành “nhà tư bản”, cho nên không còn sứ mệnh lịch sử đó nữa. Dùng sự nghèo khổ làm cơ sở để luận giải cho sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là luận điệu hết sức xuyên tạc và thiếu căn cứ. Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân được quy định bởi địa vị kinh tế – xã hội của chính nó chứ không phải vì là “giai cấp nghèo khổ” nên họ có sứ mệnh lịch sử. Đúng là hiện nay đời sống của một bộ phận công nhân ở các nước tư bản được cải thiện đáng kể, nhưng đó chỉ là sự phản ánh một phần mức sống của họ so với giá trị sức lao động của họ làm ra trong những điều kiện mới. Cũng cần phải hiểu rằng: sự cải thiện đó hiển nhiên không đến từ lòng thương cảm hay sự thay đổi của giai cấp tư sản mà nó đã phải đánh đổi bằng máu, mồ hôi, nước mắt của bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu dân tộc trong các cuộc cách mạng. Vì vậy, “hiện tại, chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp tục xảy ra2.

Bất chấp sự chống phá điên cuồng của kẻ thù và những thăng trầm lịch sử, chủ nghĩa Mác – Lênin luôn và ngày càng tỏ rõ sức sống mạnh liệt, sự lan tỏa sâu rộng và ý nghĩa vượt tầm thời đại.

Ngay khi ra đời, chủ nghĩa Mác – Lênin đã trở thành vũ khí lý luận, nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của các Đảng Cộng sản và giai cấp công nhân trên toàn thế giới. Chính những giá trị khoa học, cách mạng vĩ đại ấy đã khiến giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình, công bằng trên thế giới hưởng ứng, nhiệt thành đón nhận và kiên quyết đấu tranh bảo vệ cho chủ nghĩa Mác – Lênin, cũng như áp dụng trong thực tiễn đấu tranh cách mạng. Chủ nghĩa Mác – Lênin đã nhanh chóng xâm nhập vào phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, và làm thay đổi toàn bộ diện mạo thế giới, cũng như tính chất thời đại.

Ngay từ đầu những năm 20 của thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin3. Và đến nay, những Đảng Cộng sản chân chính, những dân tộc, tầng lớp, giai cấp yêu chuộng hòa bình vẫn luôn trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa  Mác – Lênin, lấy chủ nghĩa  Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng cho mọi hành động.

Hơn 90 năm qua, kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện thực tiễn của đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân, toàn dân ta thoát khỏi tình trạng đói nghèo, lạc hậu, kém phát triển, từng bước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng quan hệ quốc tế rộng rãi… Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Thành tựu ấy đã khẳng định cho sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, sự quản lý, điều hành hiệu quả của Nhà nước, những bước đi đúng đắn trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, sự nỗ lực không biết mệt mỏi của toàn đảng, toàn dân và toàn quân ta. Hơn thế nữa, nó khẳng định được tính đúng đắn, cách mạng, khoa học, triệt để và sự trường tồn bất diệt của chủ nghĩa Mác – Lênin trong điều kiện cách mạng mới./.

———–

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t. 51 (tháng 6 đến tháng 12 –  1991), Nxb CTQG, H, 2007, tr. 147
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật. Hà Nội, 2011, tr.68.
  3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.89.

Tác giả: Hà Thị Kim Tuyến

BÌNH LUẬN