Bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa cho sinh viên sư phạm trong giai đoạn hiện nay

0
1236

Việt Nam đã và đang bước vào thời kỳ hội nhập vô cùng sôi động. Quá trình toàn cầu hóa, quốc tế hóa đưa Việt Nam vươn mình với những thành tựu tinh hoa văn hóa nhân loại, những luồng tư tưởng cấp tiến. Trong đó, nổi lên là sự du nhập và tiếp cận những trào lưu tư tưởng phương Tây hiện đại và thời thượng. Lối sống này bắt đầu bám rễ trong đời sống con người hiện đại, nhất là sinh viên thanh niên, tầng lớp rất dễ đón nhận và tiếp thu nhanh chóng những cái mới và lạ. Cơ chế thị trường và sự giao lưu văn hóa thời kỳ hội nhập có những thay đổi mang chiều hướng tích cực, song cũng có những biểu hiện mang chiều hướng tiêu cực, trong đó có lối sống thực dụng. Mặc dù lối sống thực dụng có thể trang bị cho các bạn sinh viên sư phạm một tư duy thông minh, một lối sống tự lập khiến các em trở nên năng động, tự tin, nhạy cảm để cân bằng trong nhịp sống gấp gáp, đầy thách thức. Nhưng lối sống này của một bộ phận sinh viên là sự tính toán thiệt hơn, hưởng thụ, thậm chí bị cuốn theo lối sống vô cảm, chưa có lí tưởng học tập để cống hiến, bồi dưỡng đạo đức, lối sống văn hóa theo yêu cầu của xã hội.

       Dưới ảnh hưởng của cơ chế thị trường và xu hướng giao lưu văn hóa, mục đích và lý tưởng sống có biểu hiện thay đổi theo chiều hướng đề cao chủ nghĩa cá nhân, một bộ phận sinh viên đã đồng nhất nhu cầu vật chất với lý tưởng, mục đích sống, các em sẽ đánh mất lý tưởng cao đẹp. Có nhiều sinh viên cho rằng: Các em học tập là vì “điểm số”, “bằng cấp” để sau này ra trường có nhiều cơ hội xin việc làm. Nhiều sinh viên sư phạm có tâm thế bấp bênh, thiếu tinh thần nên những bạn này thường không tham gia vào bất cứ một hoạt động tình nguyện xung kích nào, mà chỉ giới hạn ở mức bắt buộc thì tham gia nên không có cơ hội để bồi dưỡng và nâng cao tinh thần, lý tưởng, đạo đức và lối sống văn hóa. Sinh viên sư phạm là những người đã ở độ tuổi trưởng thành, các mối quan hệ không chỉ bó hẹp trong gia đình, nhà trường mà cả các mối quan hệ ở bên ngoài. Đối tượng giao tiếp của các em là người thân, thầy cô giáo, bạn bè, học sinh và những người xung quanh. Hoạt động giao tiếp của các em vì thế mà diễn ra ở mọi nơi. Nhìn nhận một cách khách quan, về cơ bản các em vẫn giữ được các chuẩn mực, mô phạm với quy tắc đạo đức xã hội truyền thống như tinh thần ý thức cộng đồng, tương thân tương ái, truyền thống “tôn sư trọng đạo” trong quan hệ với thầy cô, nhẹ nhàng ân cần với học sinh. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt ưu điểm, giá trị tích cực này, một bộ phận sinh viên bộc lộ lối sống, cách ứng xử vụng về. Thiếu ý thức tu dưỡng rèn luyện đạo đức, nên dễ rơi vào các hoạt động không lành mạnh, đua đòi theo bạn bè.

Lối sống này được hình thành từ rất nhiều nguyên nhân:

  * Nguyên nhân chủ quan:

    Bắt nguồn từ chính bản thân người sinh viên. Bước chân vào giảng đường học tập chuyên nghiệp, đồng nghĩa với việc sinh viên được sống trong một môi trường tự do, có cơ hội để lạm dụng sự tự do nếu như họ không ý thức được bản thân mình. Có những sinh viên ngại tu dưỡng, rèn luyện, phẩm chất đạo đức đã hình thành nên tư tưởng tự thỏa mãn dẫn đến suy giảm tinh thần rèn luyện.

 * Nguyên nhân khách quan

    Nguyên nhân xuất phát từ phía gia đình của sinh viên: Vì phải bận bịu trong công cuộc mưu sinh khó khăn, vất vả dẫn đến nhiều gia đình không dành thời gian quan tâm đến con, ngược lại có những gia đình lại chiều chuộng con cái quá mức, bù đắp thời gian bên con bằng cách chu cấp tiền bạc, từ đó làm nảy sinh ở con cái tính ích kỷ, đua đòi và lối sống thích hưởng thụ. Do công nghệ thông tin ngày càng phát triển nên sinh viên dễ dàng truy cập và tiếp cận với những văn hóa phẩm đồi trụy, những tư tưởng phản động, nếu không có lập trường vững vàng rất dễ bị lôi kéo.

Nhằm khắc phục những tác động tiêu cực và tạo cơ hội để sinh viên được rèn luyện lý tưởng, đạo đức và xây dựng lối sống văn hóa phù hợp chúng ta cần chú trọng thực hiện một số giải pháp sau:

       Thứ nhất: GD tư tưởng chính trị, lý tưởng cách mạng cho sinh viên sư phạm

         Giúp sinh viên có được quan điểm thực tiễn nhưng không rơi vào thực dụng; biết coi trọng các giá trị tinh thần nhưng không rơi vào duy ý chí và thái độ cực đoan; có cái nhìn tích cực nhưng không rơi vào ảo tưởng.

         Khắc phục tư tưởng dao động, hoài nghi và rèn luyện tinh thần quyết tâm, ý trí kiên cường, vững vàng trước những tác động tiêu cực, nâng cao tinh thần cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc, lôi kéo của những kẻ chống phá Đảng và Nhà nước luôn nhằm vào những tầng lớp sinh viên dễ dao động.

       Thứ hai: Xây dựng môi trường văn hóa – xã hội lành mạnh cho sinh viên.

        Mác và Ăngghen đã khẳng định: “Con người tạo ra hoàn cảnh mức nào thì hoàn cảnh cũng tạo ra con người mức ấy”. Do đó, để xây dựng phát triển nhân cách cho sinh viên thì trước hết phải chủ động tạo ra môi trường văn hóa – xã hội lành mạnh, tạo ra điều kiện thuận lợi cho sự phát triển.

       Thứ ba: Kết hợp giữa giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội

          Để phát huy vai trò của gia đình trong việc xây dựng lối sống của con cái, tích cực cho sinh viên thì các gia đình cần phải: là tấm gương về nhân cách cho con cái noi theo. Chính trong lời nói, hành động và suy nghĩ trong sinh hoạt hàng ngày với các thành viên trong gia đình, với những người xung quanh chính là biện pháp tốt nhất trong giáo dục con. Cha mẹ luôn là người đồng hành cùng con, là chỗ dựa không chỉ về vật chất mà còn cả tinh thần, những lúc khó khăn có sự chia sẻ, đồng cảm và giúp đỡ nhau.

       Kết hợp chặt chẽ với nhà trường, xã hội: Coi trọng phát triển phẩm chất đạo đức của sinh viên sư phạm, là điều kiện tiên quyết trong suốt quá trình học tập và rèn luyện. Thu hút sinh viên vào các hoạt động bổ ích, thiết thực như câu lạc bộ nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, câu lạc bộ lí luận trẻ, tìm hiểu về truyền thống 1 số dân tộc thiểu số và các mạng, hoạt động văn hóa thể thao, các hoạt động từ thiện, tình nguyện… Đồng thời vận động sinh viên chống lại những loại hình văn hóa lạc hậu, phản động, đồi trụy. Thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện hoặc các diễn đàn về kỹ năng thực hành, kỹ năng giao tiếp và những kỹ năng cần thiết phục vụ cho học tập và cuộc sống. Quan trọng là bản thân sinh viên phải tự nhận thức và hoàn thiện lối sống của mình.

        Ngành Giáo dục cũng đã chỉ đạo tăng cường công tác “dạy người”, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho thanh niên học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục; tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để thực hiện công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

         Tại trường CĐSP Điện Biên, công tác giáo dục lý tưởng chính trị, đạo đức, lối sống văn hóa luôn được chú trọng trong đào tạo giáo viên Mầm non, sự cần thiết khi tạo ra môi trường học tập và rèn luyện đa dạng, phong phú cho sinh viên, nhằm phát triển năng lực và nhân cách người học, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Người viết bài: Đàm Mai Thương

BÌNH LUẬN