Bồi dưỡng nâng cao kĩ năng sư phạm cho giáo viên mầm non

0
1552

Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi. Giáo dục mầm non đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm xã hội và thẩm mỹ cho trẻ em. Những kỹ năng mà trẻ được tiếp thu qua chương trình chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục mầm non sẽ là nền tảng cho việc học tập và thành công sau này của trẻ. Nói đến giáo dục mầm non Bác Hồ kính yêu đã khẳng định: “Giáo dục mầm non tốt sẽ mở đầu cho một nền giáo dục tốt”.Trước tình hình đó, việc bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên là một yêu cầu cấp bách, trong đó có việc bồi dưỡng nâng cao kĩ năng sư phạm cho giáo viên mầm non.

Dạy học là hoạt động đặc thù cần nhiều kỹ năng. Chính vì vậy, người giáo viên mầm non cần trang bị cho mình nhiều kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng sư phạm để đáp ứng với thực tế đổi mới ngày càng cao trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Một giáo viên giỏi phải có hệ thống kỹ năng sư phạm được chuyên môn hóa cao, sâu sắc và luôn thích ứng với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Khi tiến hành bồi dưỡng kỹ năng sư phạm cần thiết cho đội ngũ giáo viên mầm non cần cụ thể hóa từng kỹ năng sư phạm để bồi dưỡng cho giáo viên đạt hiệu quả cao nhất.

– Kỹ năng sư phạm bắt buộc: Lợi thế của cô giáo mầm non chính là biết hát, biết múa và đọc truyện, biết cách sử dụng biến tấu nhạc cụ, biết cách làm đồ chơi… Đây là những kỹ năng bắt buộc các cô giáo tương lai cần nắm một cách thành thạo nếu muốn duy trì con đường “cô nuôi dạy trẻ”. Trong các cuộc thi do ngành phát động khi giáo viên tham gia là cơ hội để giáo viên nâng cao kỹ năng sư phạm bắt buộc, bên cạnh đó cần thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, tổ chức thi đua giữa các tổ chuyên môn, hội giảng chào mừng các ngày lễ lớn trong năm như: 20/10, 20/11, 8/3…vừa tạo được không khí vui vẻ, vừa là dịp để mỗi giáo viên rèn luyện năng khiếu, trau dồi chuyên môn của mỗi giáo viên mầm non.

– Trau dồi kỹ năng giao tiếp và ứng xử với trẻ nhỏ: Một cô giáo mầm non dạy tốt là người luôn có trình độ chuyên môn và lòng yêu nghề. Là người yêu thương con trẻ giống như người mẹ thứ 2 của trẻ. Chính bởi vậy, đội ngũ giáo viên cần thường xuyên trau dồi nhiều hơn để hoàn thiện bản thân mình trong cách ứng xử với trẻ nhỏ, học được cách giao tiếp với trẻ, thực sự hiểu trẻ, luôn là tấm gương cho trẻ noi theo. Đây là một trong những kỹ năng quan trọng nhất và thường xuyên được sử dụng xuyên suốt quá trình chum sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ.

– Kỹ năng giao tiếp với đồng nghiệp, phụ huynh của trẻ: Thiết lập mối quan hệ thân thiện cùng động nghiệp, phụ huynh trẻ rất quan trọng đối với giáo viên mầm non. Những mối quan hệ với đồng nghiệp, phụ huynh tốt đẹp sẽ giúp cho công việc trở nên nhẹ nhàng, sẽ làm cho bản thân giáo viên thấy yêu nơi mà mình công tác gắn bó hơn, làm việc hiệu quả hơn và hơn tất cả là bạn sẽ thấy yêu con trẻ hơn. Do vậy trường mầm non có biện pháp kiểm tra, giám sát chéo lẫn nhau giữa các giáo viên trong lớp, cạnh lớp, bên cạnh đó Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên kiểm tra đột xuất, định kỳ. Viết phiếu xin ý kiến của phụ huynh đối với công tác quản lý, 100% giáo viên trong toàn trường, từ đó rút kinh nghiệm, làm cơ sở cho công tác đánh giá, xếp loại giáo viên hàng năm.

– Kỹ năng soạn giáo án và tổ chức các trò chơi : Với nghề sư phạm mầm non không chỉ là sáng đến lớp rồi tối đi về mà còn đòi hỏi những giáo viên mầm non phải soạn trước giáo án kỹ càng, lựa chọn trò chơi, hoạt động cụ thể cho các con từng ngày để trẻ không thấy nhàm chán và giúp trẻ phát triển tốt một cách toàn diện. Là một giáo viên sư phạm giỏi cần phải biết cách đổi mới phương pháp giảng dạy mỗi ngày. Ban giám hiệu nhà trường lên lịch duyệt giáo án hàng tháng cho giáo viên theo tổ chuyên môn, đưa nội dung soạn giáo án vào sinh hoạt chuyên môn hàng tháng, bồi dưỡng kỹ năng soạn giáo án và tổ chức trò chơi vào các đợt thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp thành phố, cấp huyện, cấp tỉnh.

– Kỹ năng sơ cứu và hướng dẫn trẻ khi có những tai nạn xảy ra: Để chỉ đạo tốt công tác phòng chống tai nạn thương tích trong nhà trường, việc rèn kỹ năng sống cho trẻ vào các hoạt động, yêu cầu giáo viên cần trợ giúp các em biết cách xử lý những tình huống thường gặp trong cuộc sống như làm sao khi bị đứt tay, bị lạc đường…dùng những trò chơi đóng giả y tá để trẻ có thể hình dung được sự việc xảy ra và cách giải quyết, từ đó nâng dần ý thức tự lập cho trẻ. Mời giảng viên về nói chuyện với giáo viên về công tác phòng cháy, chữa cháy trong nhà trường, rèn kỹ năng sơ cứu cho giáo viên.

– Kỹ năng sử dụng thành thạo máy vi tính: Ban giám hiệu động viên, tạo điều kiện cho giáo viên trong nhà trường tự học để có chứng chỉ về tin học, mở mở các lớp bồi dưỡng tại trường để những giáo viên biết sử dụng thành thạo hướng dẫn những giáo viên chưa thành thạo CNTT. Qua đó, nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy của giáo viên mầm non.

Công tác bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chiến lược phát triển giáo dục. Mục tiêu của giáo dục mầm non là giáo dục trẻ phát triển toàn diện. Muốn đạt được mục tiêu này không có con đường nào khác là phải bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, chất lượng dạy học, kỹ năng sư phạm. Giáo viên phải thường xuyên học hỏi, cập nhập thông tin trình độ để có thể đáp ứng được nhu cầu học tập của trẻ, chính vì vậy việc bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là cơ hội để giáo viên có thể trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau. Song việc bồi dưỡng cần phải có kế hoạch cụ thể, sát thực, có như vậy mới mang lại hiệu quả cao.

Người viết bài: Phan Thị Lung

BÌNH LUẬN