Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911- 5/6/2021)

0
1028

Cách đây 110 năm, vào ngày 5-6-1911 tại bến Nhà Rồng (Sài Gòn), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên chiếc tàu mang tên Amiral La Touche De Tréville, tạm rời xa Tổ quốc, ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Cuộc hành trình qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với Chủ nghĩa Mác – Lênin, học thuyết Cách mạng tiên phong của thời đại.

Nguyễn Tất Thành sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước, gần gũi với nhân dân. Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh ra Người là nhà nho cấp tiến, có lòng yêu nước, thương dân sâu sắc. Tấm gương lao động cần cù, ý chí kiên cường vượt qua gian khổ của cụ Phó bản đến sự hình thành nhân cách của Nguyễn Tất Thành.

Vào những năm đầu thế kỷ XX, nước ta bị thực dân Pháp thống trị. Không cam chịu nô lệ, nhiều nhà yêu nước nổi tiếng như Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, Hoàng Hoa Thám, Lương Văn Can… đi tìm đường cứu nước, nhưng kết cục đều bị thất bại. Sống trong bối cảnh nước mất, các thế hệ người dân Việt Nam lúc ấy đều mong muốn đánh đuổi giặc Pháp, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Nguyễn Tất Thành sớm thấu hiểu tình cảnh nước mất, nhà tan và nỗi thống khổ của nhân dân. Người quyết định phải tìm ra con đường cứu nước mới nhằm đánh đuổi thực dân Pháp để cứu nước, cứu dân.

Ngày 5 tháng 6 năm 1911, từ Bến Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành trong công việc là người phụ bếp chính thức lên đường sang Pháp trên chiếc tàu buôn Đô đốc Latouche-Tréville để tìm “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho tổ quốc tôi”

Từ năm 1911 đến năm 1920, Nguyễn Tất Thành đã đến nhiều nước ở bốn châu lục là châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, châu Á, để nghiên cứu và học hỏi để tìm đường cứu nước. Năm 1919 các nước đế quốc thắng trận họp Hội nghị Véc-xây (Versailles) để phân chia thị trường thế giới. Nhân dịp này Nguyễn Ái Quốc (tên mới của Nguyễn Tất Thành)  thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, đã gửi tới Hội nghị Véc-xây bản yêu sách “tám điểm” đòi quyền tự do cho nhân dân Việt Nam.

Tháng 7 năm 1920 qua báo Nhân đạo (L’Humanité- Pháp), Nguyễn Ái Quốc đọc được tác phẩm “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I Lê nin. Sau này nhớ lại với niềm vui sướng khôn tả, Hồ Chí Minh viết: Luận cương của V.I Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.

Nguyễn Ái Quốc là đại biểu duy nhất của nhân dân Đông Dương tham dự Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp tại thành phố Tua (Tours). Tại Đại hội này Nguyễn Ái Quốc đã bảo vệ chủ nghĩa Mác, chống lại những người cơ hội, tố cáo tội ác của thực dân Pháp ở Đông Dương, kêu gọi giai cấp công nhân và nhân dân Pháp ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước thuộc địa khác. Tại Đại hội này Người đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

Từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Đường Kách mệnh”, đặc biệt là việc xuất bản tờ báo Thanh niên ra ngày 21-6-1925, Người đã chuẩn bị về đường lối chính trị để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong thời gian này, Người cũng tập trung cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ với việc Người lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925), tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ và gửi đi học ở Liên Xô … Khi điều kiện thành lập Đảng đã chín muồi, ngày 3/2/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức Cộng sản đã nhất trí thành lập một đảng thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau hơn 30 năm bôn ba nước ngoài, rời xa Tổ quốc, ngày 28/1/1941, Người về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, con đường duy nhất phải theo là con đường cách mạng dân tộc dân chủ do Đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo đánh đổ đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc, sau đó tiến lên thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Ngày 19/5/1941, giữa vùng núi rừng Pắc Bó, Người đã sáng lập Mặt trận Việt Minh, Mặt trận ra đời giữa lúc nhân dân Việt Nam, vận mệnh dân tộc đang trong cảnh nước sôi lửa nóng. Sự thành lập và hoạt động của Việt Minh đã trở thành nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945.

Nhìn lại hành trình ra đi tìm đường cứu nước 110 năm về trước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người Việt Nam chúng ta đều khắc ghi sâu trong tim, lòng biết ơn vô hạn đối với những hy sinh lớn lao mà Người đã trải qua trong suốt 30 năm bôn ba nơi đất khách quê người. Đó chính là mốc son quan trọng và thiêng liêng trong lịch sử giải phóng dân tộc Việt Nam. Toàn dân, toàn quân ta nguyện vững bước theo con đường cách mạng mà Đảng ta và Bác Hồ đã chọn, quyết tâm phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam trở thành một nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh để “sánh vai với các cường quốc, năm châu” như sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

Người viết: Ngô Thị Yến

BÌNH LUẬN