Bài: Đoàn Thị Hằng Nga
Vị trí của giáo dục Mầm non trong chiến lược “Phát triển nguồn lực con người” đã và đang được Đảng và nhà nước ta rất quân tâm. Chúng ta đều biết tầm vóc của đứa trẻ lớn lên hàng ngày bởi vì cơ thể trẻ em là cơ thể đang lớn, đang phát trển không ngừng theo từng giai đoạn. Sự phát triển thể chất của trẻ được đánh giá dựa vào một số chỉ số thông thường như: chiều cao, cân nặng, vòng ngực, vòng đầu, tỉ lệ các phần của cơ thể.
Trong quá trình giáo dục thể chất cho trẻ mầm non, các nhiệm vụ giáo dục thể chất được hoàn thành bằng các hình thức khác nhau, là sự tổng hợp giáo dục về những hoạt động vận động nhiều dạng của trẻ, mà cơ bản là tính tích cực vận động của trẻ. Sự tổng hợp những hình thức đó tạo nên một chế độ vận động nhất định, cần thiết cho sự phát triển đầy đủ về thể chất và củng cố sức khỏe cho trẻ. Ở trường mầm non sử dụng hình thức giáo dục thể chất qua các hoạt động học thể dục, trò chơi vận động, trò chơi dân gian, chế độ dinh dưỡng.
Trong chương trình chăm sóc giáo dục trẻ, phát triển thể lực thông qua phát triển vận động là một nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với trẻ mầm non. Phát triển vận động là một trong những điều cơ bản để trẻ nhận thức thế giới xung quanh, trẻ biết nhiều kỹ năng vận động thì trẻ càng có nhiều cơ hội tiếp xúc, khám phá thế giới xung quanh tạo điều kiện tốt để trẻ tham gia vào nhiều hoạt động và trẻ sẽ tích luỹ được nhiều kinh nghiệm qua các hoạt động đó, nhờ thế mà vốn kiến thức của trẻ được tăng lên, đồng thời khi thực hiện các yêu cầu của vận động cũng giúp thêm cho trẻ rèn một số kỹ năng nhận thức như sự chú ý, tính kiên trì…Trong quá trình tham gia vào các trò chơi vận động trẻ còn được phát triển thêm cả về mặt tình cảm xã hội cũng như thẩm mỹ. Khi nói đến thể lực chúng ta có thể nghĩ ngay rằng đó là chất lượng của cơ thể con người có thể sử dụng vào thực tiễn một việc nào đó trong học tập, lao động, thể thao… Phạm trù thể chất bao gồm các mặt sau:
Tầm vóc cơ thể là trạng thái phát triển và hình thái, cấu trúc cơ thể bao gồm sự sinh trưởng hình thể và tư thế thân người của một cơ thể. Sinh trưởng chủ yếu chỉ qua quá trình biến đổi dần về khối lượng cơ thể từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ nhẹ đến nặng.
Năng lực tham gia vận động thể lực của một cơ thể, đây là một nhân tố hết sức quan trọng nó thúc đẩy và giúp cho các chức năng sinh lý của cơ thể phát triển một cách nhịp nhàng.
Khả năng thích ứng của cơ thể đối với môi trường bên ngoài, trong đó có khả năng chống lại bệnh tật. Trạng thái tâm lý là chỉ tình cảm, ý chí, cá tính của con người, nếu một con người có trạng thái tâm lý tốt thì cơ thể sẽ phát triển khỏe mạnh.
Theo Jean Piaget: Trẻ nhỏ có vai trò tích cực trong sự phát triển nhận thức của mình thông qua sự tương tác qua lại tích cực với cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Chơi là hình thức cơ bản giúp trẻ phát triển khả năng suy nghĩ và sự giao tiếp tích cực của trẻ, vai trò của giáo viên là khai thác các tình huống và các vật liệu trong môi trường để khuyến khích trẻ chơi. Hoạt động cùng nhau, hoạt động hợp tác giữa cô và trẻ, hoạt động cá nhân kết hợp với hoạt động nhóm có tác dụng to lớn trong phát triển trí thông minh và trong phát triển nhân cách.
Có thể nói, trò chơi vận động là hình thức hoạt động phát triển thể lực phù hợp và có hiệu quả nhất ở lứa tuổi mầm non nói chung và trẻ mẫu giáo nhỡ nói riêng. Trò chơi vận động không những giúp trẻ phát triển về thể lực mà còn phát huy tính tích cực, ham muốn vận động. Vì vậy mỗi giáo viên cần quan tâm đến trò chơi vận động và sử dụng một cách tối đa để giúp trẻ phát triển toàn diện.
Một số biện pháp phát triển thể chất cho trẻ mầm non:
Biện pháp 1: Sưu tầm lựa chọn các trò chơi vận động phù hợp với trẻ theo từng chủ đề
Sắp xếp các trò chơi theo đúng chủ đề là rất cần thiết. Tổ chức các trò chơi vận động nhằm phát huy tính tích cực chủ động của trẻ. Tích cực đưa trò chơi dân gian, kết hợp thay đổi một số lời hát của trò chơi cho phù hợp từng chủ đề, vào các hoạt động ở mọi lúc mọi nơi. Các trò chơi vận động và trò chơi dân gian được sưu tầm và sáng tạo sắp xếp phù hợp theo chủ đề.
* Chủ đề 1: Trường mầm non
Trò chơi vận động: “ Tung cao hơn nữa”; “Ai nhanh hơn”; “Tìm bạn”; “Ai giỏi nhất”; “ Về đúng nhà”;“ Đổi đồ chơi cho bạn”.
Trò chơi dân gian: “Trốn tìm”; “Nu na nu nống.
* Chủ đề 2: Bé và gia đình
Trò chơi vận động: “Bắt chước tạo dáng”; “Chuyền bóng”; “Ai nhanh nhất”; “Bé với cái bóng của mình”.
Trò chơi dân gian: “Tập tầm vông”; “Lộn cầu vồng”.
* Chủ đề 3: Nghề nghiệp
Trò chơi vận động: “Gánh gánh gồng gồng”; “Đuổi bắt” ; “Ai nhanh nhất”; “Hái hoa tặng cô”.
Trò chơi dân gian: “Bịt mắt bắt dê”; “Dung dăng dung dẻ”
* Chủ đề 4: Thế giới động vật
Trò chơi vận động: “Gà trong vườn rau”; “Cáo và thỏ”; “Nhũng con vật ngộ nghĩnh đáng yêu”;“Ai nhanh nhất”; “ Những chú ếch tài giỏi”;“Mèo và chim sẻ”; “Cho thỏ ăn”; “Tìm chuồng”.
Trò chơi dân gian: “ Cắp cua bỏ giỏ”; “ Kéo cưa lừa xẻ”; “ Xỉa cá mè”.
* Chủ đề 5: Thế giới thực vật
Trò chơi vận động: “Thi xem ai nhanh”;“Bé đi chợ tết”;“Bày mâm mũ quả”; “ Chuyền bóng qua đầu ”,“Trời nắng trời mưa”; “Về đúng vườn ”;“Gieo hạt”; “ Hái quả”;“ Chuyển quả ”.
Trò chơi dân gian :“Rồng rắn lên mây”;“Nu na nu nống”;“Ném còn “Mèo đuổi chuột”
* Chủ đề 7: Phương tiện và quy định về giao thông.
Trò chơi vận động: “Bánh xe quay”, “Ai nhanh nhất”;“Chèo thuyền ”; “Thuyền vào bến”; “Ô tô vào bến ”;“Đèn xanh, đèn đỏ”; “Máy bay”; “Ô tô và chim sẻ”; Về đúng bến”; “Tín hiệu”.
Trò chơi dân gian : “ Kéo cưa lừa xẻ”; “ Dung dăng dung dẻ”
* Chủ đề 8: Nước và các hiện tượng tự nhiên.
Trò chơi vận động: “Trời nắng trời mưa”; “Nắng mưa”;
“Nhảy qua suối”; “Tung và bắt bóng”; “Ném bóng vào chậu”.
Trò chơi dân gian :“ Nhảy lò cò”; “Lộn cầu vồng”.
* Chủ đề 9: Quê hương – Bác Hồ.
Trò chơi vận động: “Ai nhanh hơn”;“Thi xem tổ nào nhanh”; “Ai nhanh hơn”
Trò chơi dân gian: “Trốn tìm”; “Bịt mắt bắt dê”;“ Thả đỉa ba ba”.
Biện pháp 2: Chuẩn bị đồ dùng đồ chơi, địa điểm trước khi tổ chức cho trẻ tham gia vào các trò chơi vận động
Trò chơi vận động thu hút được nhiều trẻ tham gia chơi.Vậy muốn tổ chức tốt các trò chơi vận động có kết quả cần làm tốt các bước sau:
Bước 1. Chuẩn bị đồ dùng đồ chơi
Đồ dùng đồ chơi của các trò chơi vận động cũng vô cùng đa dạng và phong phú, mang tính đặc trưng và được thiết kế dựa vào cách chơi và luật chơi của từng trò chơi. Mỗi trò chơi vận động có một hoặc nhiều loại đồ dùng, đồ chơi tương ứng mà thiếu nó thì trò chơi không thể tiến hành được.
Ngoài những đồ dùng, đồ chơi có sẵn, có thể làm thêm được một số đồ dùng tự tạo khác để phục vụ cho các trò chơi của trẻ và phù hợp với nội dung chơi:
+ Mô hình đầu xe ô tô, xe máy, xe đạp những mô hình phương tiện giao thông ứng dụng vào trò chơi “ Tín hiệu” ở chủ điểm giao thông.
+ Mũ các con vật, tranh ảnh, các con rối là các con vật phục vụ cho trò chơi “ Tìm về đúng chuồng”; “ Bắt bướm”. Và các đồ dùng đó được làm từ các nguyên vật liệu phế thải đã qua sử dụng như: Vỏ hộp sữa, bìa cứng, thùng cát tông, quả bóng nhựa bị xịt hơi, xốp, ống nước nhựa, giấy màu, giấy báo, lốp xe máy, lốp ô tô,… đã được thiết kế tạo ra những đồ dùng phù hợp với từng trò chơi tương ứng với từng chủ đề.
Bước 2. Chuẩn bị địa điểm để tổ chức cho trẻ chơi
Địa điểm tổ chức các trò chơi vận động cho trẻ là yếu tố rất quan trọng và cần thiết. Nếu lựa chọn được địa điểm chơi phù hợp giúp cho trẻ hứng thú khi tham gia vào trò chơi sẽ đem lại hiệu quả cao từ đó giúp cho trẻ phát triển tốt về thể lực. Mỗi trò chơi vận động đều có một cách chơi khác nhau. Chính vì vậy trước khi tổ chức cho trẻ chơi các trò chơi vận động giáo viên cần nắm rõ cách chơi, luật chơi, đặc điểm của từng trò chơi để từ đó lựa chọn địa điểm cho phù hợp. Có trò chơi mang tính chất tập thể thường có số lượng người tham gia chơi đông đòi hỏi địa điểm chơi phải rộng như trò chơi: “Đuổi bắt”; “Kéo co”; “Rồng rắn lên mây”; “Mèo đuổi chuột”; “Thả đỉa ba ba”; “Mèo và chim sẻ”; “Ô tô và chim sẻ”. Tiến hành tổ chức cho trẻ chơi ngoài sân trường bằng phẳng có lát gạch đảm bảo an toàn và đủ diện tích cho trẻ. Các trò chơi vận động có thể tổ chức cho trẻ chơi ở bãi cỏ nhằm tạo cho trẻ được vui chơi tự do, gần gũi với thiên nhiên và đảm bảo cho trẻ khi ngã sẽ không bị đau hoặc xước da như các trò chơi: “Gà trong vườn rau”; “ Bịt mắt bắt dê”; “ Trốn tìm ”… Nhưng có những trò chơi trẻ chơi theo nhóm nhỏ như trò chơi: “Tập tầm vông”; “Chi chi chành chành”; “Lộn cầu vồng ”; “Bắt bướm ”; “Đàn chuột con”…. tổ chức cho trẻ chơi trong lớp.
Biện pháp 3: Sáng tác lời ca, thủ thuật tạo hứng thú cho trẻ khi chơi trò chơi vận động
Sưu tầm, sáng tác lời ca, đồng dao
+ Để các trò chơi vận động không bị nhàm chán, tăng thêm hứng thú cho trẻ, kích thích trẻ hoạt động tích cực, mạnh dạn, tự tin, yêu cầu của giáo viên phải luôn điều chỉnh hình thức, nâng cao yêu cầu của trò chơi, đưa thêm trò chơi mới thay đổi nhịp độ, đội hình…
+ Sưu tầm, sáng tác các bài ca dao, đồng dao phù hợp đưa vào trò chơi
+ Dùng các âm thanh, tín hiệu để thu hút trẻ lại, sau đó giới thệu tên trò chơi, cách chơi, luật chơi. Dùng lời nói để động viên, khuyến khích trẻ hứng thú tham gia vào trò chơi:
Dạy trẻ học thuộc lời ca, lời đồng dao
+ Thường thì các trò chơi vận động nhằm phát triển về các cơ tay, cơ chân, đều có lời ca, lời hát, đồng dao kèm theo khi trẻ chơi trẻ thường vừa hát vừa chơi hoặc đọc đồng dao nào đó. Các lời hát, đồng dao khiến cho không khí của trò chơi vui vẻ, nhộn nhịp hơn.
Biện pháp 4: Tổ chức các trò chơi vận động mọi lúc mọi nơi phù hợp với tính chất của hoạt động
Trò chơi vận động là hoạt động cần thiết đối với trẻ. Theo chương trình GDMN mới, giáo viên có thể tổ chức cho trẻ qua các hoạt động giáo dục sau:
+ Thời gian đón trẻ vào buổi sáng và trả trẻ vào buổi chiều.
+ Trong các buổi vui chơi trong lớp hoặc ngoài trời.
+ Trong các giờ hoạt động học.
* Với giờ hoạt động học:
Giờ thể dục: Một giờ thể dục thường chỉ cung cấp cho trẻ một vận động mới và một vận động ôn. Nên giáo viên cần tổ chức vận động ôn cho trẻ thông qua trò chơi vận động nhằm rèn luyện thân thể khỏe mạnh củng cố tố chất nhanh, khéo, luyện tập cho trẻ khả năng phản ứng nhanh đúng theo tín hiệu. Đồng thời phát huy tính tích cực của trẻ khi tham gia hoạt động. Nên lựa chọn các trò chơi vận động nhằm rèn luyện thân thể khoẻ mạnh, hoạt bát và năng động. Nhiều trò chơi đòi hỏi trẻ phải mạnh mẽ, nhanh chân, nhanh mắt, nhanh miệng. Trẻ phải có sức khỏe mới có thể vui chơi và ngược lại vui chơi giúp cho trẻ thêm khỏe mạnh và năng động.
Hoạt động khám phá: Khi lựa chọn trò chơi cần đáp ứng tiêu chí sau: Nhằm phát triển nhận thức, phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Cung cấp cho trẻ kỹ năng chơi theo nhóm, kỹ năng sử dụng đồ dùng đồ chơi. Rèn luyện trí nhớ và khả năng tư duy cho trẻ.
Trong giờ làm quen văn học: Để tránh tình trạng trẻ bị nhàm chán mệt mỏi khi ngồi nghe cô kể chuyện nên tổ chức đan xen những trò chơi vận động để nhằm thay đổi trạng thái giữa động và tĩnh cho trẻ. Từ nội dung câu chuyện chuyển sang trò chơi một cách nhẹ nhàng để trẻ thông qua “ Chơi mà học, học mà chơi”.
* Với hoạt động ngoài trời:
Tận dụng không gian rộng và thoáng mát, lựa chọn các trò chơi vận động, trò chơi dân gian nhằm rèn luyện sự nhanh nhẹn và phát triển thể lực cho trẻ như trò chơi: “Rồng rắn lên mây”; “Cáo và thỏ”; “ Trốn tìm”; “Thả đỉa ba ba”; “Mèo đuổi chuột”… Ngoài ra các trò chơi này thường tổ chức cho cả lớp được chơi, luôn động viên tất cả trẻ tham gia vào trò chơi càng đông càng vui khi tất cả cùng nhau tham gia chơi trò chơi cùng bạn chơi sẽ tạo sự gắn bó đoàn kết tạo sự thân thiện giữ các bé với nhau.
* Với hoạt động góc: Bên cạnh việc tổ chức cho trẻ chơi các trò chơi vận động trong giờ học, hoạt động ngoài trời trẻ còn được chơi các trò chơi vận động trong giờ hoạt động góc. Trẻ chơi với các dụng cụ ở góc vận động trẻ sử dụng lốp xe ô tô, lốp xe máy hỏng để chơi lăn lốp xe, bật nhảy, ném trúng đích… Hoặc trẻ có thể sử dụng những chiếc tạ làm từ những quả bóng nhựa để phát triển khả năng vận động của đôi tay. Qua đây phát triển hơn và hoàn thiện hơn về thể lực. Tổ chức cho trẻ chơi các trò chơi vận động theo nhóm nhỏ trong một không gian hẹp: “Kéo cưa lừa xẻ”; “ Chi chi chành chành”; “Cắp cua bỏ giỏ”….