Nâng cao năng lực thực tiễn cho giảng viên qua nghiên cứu thực tế ở cơ sở giáo dục mầm non

0
610

Trước yêu cầu của đổi mới giáo dục theo hướng giảm nội dung lý thuyết, tăng cường vận dụng, thực hành, bên cạnh năng lực tư duy lý luận, năng lực sư phạm, tư cách đạo đức… người giảng viên còn cần phải có năng lực thực tiễn. Năng lực thực tiễn không chỉ là đòi hỏi mang tính nội tại đối với giảng viên mà còn là yêu cầu khách quan nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng trong nhà trường.

  1. Năng lực thực tiễn là gì?

Năng lực thực tiễn là khả năng hiểu biết thực tiễn ở góc độ tư duy, nhận thức và được trải nghiệm trong thực tế trên cơ sở tư duy, nhận thức đó.

Người có năng lực thực tiễn là người biết vận dụng một cách linh hoạt lý luận vào thực tiễn, có khả năng giải quyết hiệu quả những tình huống nảy sinh trong thực tế, đồng thời có khả năng hướng dẫn người khác ứng xử kịp thời trong những hoàn cảnh và môi trường tương tự.

  1. Sự cần thiết nâng cao năng lực thực tiễn cho đội ngũ giảng viên

Về mặt lý luận

 Xuất phát từ “sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, học đi đôi với hành”.

Lý luận và thực tiễn là hai mặt của một vấn đề, gắn chặt và không tách rời nhau, trong đó lý luận chỉ đạo thực tiễn, thực tiễn vừa là tiêu chuẩn vừa là mục đích của lý luận. Quan điểm “lý luận gắn liền với thực tiễn”, “học đi đôi với hành” là nguyên lý giáo dục của nền giáo dục Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác – Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”. “Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên”. Sự gắn bó giữa lý luận và thực tiễn mang tính biện chứng, trong đó thực tiễn phải có lý luận soi đường, hướng dẫn, còn lý luận phải dựa trên cơ sở thực tiễn, phản ánh thực tiễn và phải luôn liên hệ với thực tiễn. Không có lý luận sẽ rơi vào chủ nghĩa kinh nghiệm; thiếu thực tiễn sa vào chủ nghĩa giáo điều và suy cho cùng, chủ nghĩa kinh nghiệm hay chủ nghĩa giáo điều đều là kết quả của tư duy chủ quan, duy ý chí cả trong hoạt động lý luận và thực tiễn.

Về mặt thực tiễn

Thứ nhất, xuất phát từ đặc trưng của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trong nhà trường và nhu cầu thực tế của người học.

Về mục tiêu: Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên mầm non có mục tiêu là trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ, góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đủ năng lực dạy học và thực hiện sự nghiệp đổi mới giáo dục. Với mục đích “học để làm việc”, sinh viên, học viên ngoài việc nắm bắt được hệ thống tri thức mang tính lý luận còn phải vận dụng vào thực tiễn công tác quản lý và công tác giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non. Do vậy, những kiến thức thực tiễn và việc vận dụng để giải quyết vấn đề thực tiễn là một đòi hỏi rất cao đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.

Về nội dung: Chương trình giáo dục mầm non, các nội dung bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên mầm non đều được xây dựng trên quan điểm tăng cường thực hành, vận dụng và dựa trên và nhu cầu của người học. Với sinh viên, nội dung dạy học phải có sự liên hệ, vận dụng với thực tiễn. Với học viên, nội dung dạy học phải bám sát thực tiễn, giúp người học giải quyết được những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Về đối tượng: 100% sinh viên ngành mầm non, cán bộ quản lý, giáo viên các trường mầm non. Đặc biệt đối tượng học viên là cán bộ quản lý, giáo viên các trường mầm non đang thực hiện nhiệm vụ quản lý và giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, có hiểu biết, có kinh nghiệm sâu sắc trong công tác thực tiễn. Học viên cần được trang bị kỹ năng và phương pháp giải quyết những vấn đề thực tiễn. Những kiến thức hàn lâm của giảng viên là cần thiết nhưng không thể lấp đầy những khoảng trống về kỹ năng, phương pháp lãnh đạo quản lý và giáo dục. Để làm được điều đó đòi hỏi giảng viên phải nâng cao năng lực thực tiễn nhằm đáp ứng yêu cầu của người học. Giảng viên phải đem đến cho học viên những gì học viên cần chứ không chỉ truyền đạt những gì mình có.

Thứ hai, xuất phát từ thực trạng năng lực thực tiễn của đội ngũ giảng viên.

Đội ngũ giảng viên của nhà trường hiện nay có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và nhiệm vụ đào tạo trong tình hình mới. Tuy nhiên chất lượng và hiệu quả công việc ở một vài cá nhân chưa cao. Tuy nhiên, năng lực thực tiễn của đội ngũ giảng viên còn hạn chế, giảng viên thiếu kinh nghiệm thực tiễn để áp dụng vào thực tế giảng dạỵ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên nhưng chủ yếu là do thiếu sự gắn kết giữa nhà trường với các cơ sở giáo dục mầm non, thiếu chương trình, kế hoạch bồi dưỡng giảng viên thông qua hoạt động thực tiễn hàng năm cũng như thiếu sự chủ động tự bồi dưỡng của đội ngũ giảng viên.

  1. Biện pháp nâng cao năng lực thực tiễn cho đội ngũ giảng viên qua nghiên cứu thực tế ở cơ sở giáo dục mầm non

          Một là, xác định nội dung nghiên cứu thực tế phù hợp

– Nội dung nghiên cứu thực tế phải phù hợp với nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng, với nhu cầu của sinh viên, học viên.

– Nội dung nghiên cứu thực tế phải xuất phát từ nhu cầu của giảng viên.

Hai là, kết hợp nhiều hình thức nghiên cứu thực tế

– Thông qua nghiên cứu khoa học

– Tham gia chỉ đạo kiến tập, thực tập của sinh viên, thực tế của học viên

– Tham gia sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học ở cơ sở giáo dục mầm non

– Thông qua dự giờ các tiết chuyên đề ở các cơ sở giáo dục mầm non.

– Tham quan, nghiên cứu thực tế ở cơ sở giáo dục mầm non,…

Ba là, xây dựng các tiêu chí đánh giá trước khi nghiên cứu thực tế cơ sở giáo dục mầm non để có định hướng rõ ràng cho việc nghiên cứu thực tế và phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.

Bốn là, Ban Giám hiệu cần tạo điều kiện và chỉ đạo các đơn vị hàng năm phải xây dựng kế hoạch nghiên cứu thực tế cơ sở. Đồng thời, phối hợp với các cơ sở giáo dục mầm non trong việc tổ chức nghiên cứu thực tế cho đội ngũ giảng viên.

Năm là, các đơn vị và giảng viên phải chủ động hơn nữa, nghiên cứu thực tế bằng nhiều hình thức, trong đó có cả tự nghiên cứu, phải coi đây là cách để nâng cao chất lượng bài giảng và đây cũng là giải pháp nâng cao chất lượng hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.

Trước những yêu cầu của nhiệm vụ mới, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của trường. Đội ngũ giảng viên phải hội đủ nhiều yếu tố, nhưng một yếu tố hết sức quan trọng là phải nâng cao năng lực thực tiễn, kiến thức thực tiễn cơ sở cho đội ngũ giảng viên, đây là điều mà nhà trường và mỗi giảng viên cần quan tâm hơn nữa để có thể nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.

Tác giả: Trần Thị Phương Thanh

BÌNH LUẬN