Nhớ kỷ niệm về thăm Đền Hùng trong một chuyến công tác đặc biệt

0
323

“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.
                               (Ca dao)

Đang ngồi soạn bài, nghe tiếng con trai đọc những câu ca dao trên, tôi chợt giật mình. Tôi giật mình bởi, ngày giỗ tổ Hùng Vương năm 2023 đã đến rất gần. Tháng 11/2020 tôi đã được đến thăm Đền Hùng, mặc dù không phải là ngày chính hội nhưng đó là một kỷ niệm rất đẹp trong một chuyến công tác đặc biệt. Tôi cùng với Đoàn cán bộ, giảng viên của trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên tham dự Hội thi Giảng viên giỏi Nghiệp vụ sư phạm Toàn quốc lần thứ nhất do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Năm đó, trường Đại học Hùng Vương là đơn vị đăng cai Hội thi.

Ngay khi đến Việt Trì, Phú Thọ, địa điểm đầu tiên chúng tôi đến chính là Đền Hùng. Tại đây, Đoàn chúng tôi đã hiểu rõ hơn về nguồn gốc của ngày lễ trọng đại này.

Lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương chọn nhật kỳ tiến hành vào mùa thu, là mùa tổ chức các lễ hội có lịch sử cổ xưa hơn các lễ hội mùa xuân. Đến năm 1917 mới có quy định chính thức của triều Nguyễn (đời vua Khải Định) lấy ngày mồng Mười tháng Ba hàng năm làm ngày “quốc tế” (Quốc lễ, quốc giỗ).

Sau cách mạng tháng Tám (1945) Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều về thăm viếng. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ Tịch nước số 22/SL – CTN ngày 18 tháng 2 năm 1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương – hướng về cội nguồn dân tộc. Trong ngày Giỗ Tổ năm Bính Tuất (1946) – năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng – Quyền Chủ tịch nước đã dâng 1 tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và 1 thanh gươm quý nhằm cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần về thăm Đền Hùng, lần thứ nhất là ngày 19/9/1954 và lần thứ hai là ngày19/8/1962. Tại đây Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.

Năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Ngành Văn hóa thông tin – thể thao phối hợp với các ngành chức năng đã tổ chức lễ hội trong thời gian 10 ngày (từ 1/3 đến 10/3 âm lịch).

Tại Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 06/11/2001 về Nghi lễ Nhà nước, trong đó có nội dung quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương:

“Năm chẵn” là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “0”; Bộ Văn hoá – Thông tin và Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ hội; mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự Lễ dâng hương.

“Năm tròn” là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “5”; Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự Lễ dâng hương.

“Năm lẻ” là số năm kỷ niệm có các chữ số cuối cùng còn lại. Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời lãnh đạo Bộ Văn hoá – Thông tin dự lễ dâng hương và tổ chức các hoạt động trong lễ hội.

Ngày 02/4/2007, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn – QUỐC LỄ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.

Sau khi thắp hương các Vua Hùng, chúng tôi bắt đầu tập trung cao độ để chuẩn bị các phần thi của Đoàn. Kết quả đã không phụ công sức ngày đêm ôn luyện. Đoàn chúng tôi đã đạt giải Nhì toàn đoàn trong Hội thi, trong đó có 01 giải Nhì và 01 giải Ba cá nhân. Đến bây giờ, tôi vẫn luôn kể cho các con cũng như học trò của mình nghe kỷ niệm về thăm Đền Hùng trong một chuyến công tác đặc biệt như thế.

Một số hình ảnh tại Đền Hùng và trong Hội thi của Đoàn:

Ảnh 1: Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại TP Việt Trì, Phú Thọ

Ảnh 2: Đoàn công tác chụp ảnh tại Đền Hùng

Ảnh 3: Đội thi giảng viên giỏi Nghiệp vụ sư phạm Trường CĐSP Điện Biên tại hội thi “Giảng viên giỏi Nghiệp vụ sư phạm toàn quốc tại Phú Thọ

 Tác giả: Đỗ Thị Thanh Tuyền

BÌNH LUẬN