Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Sách là thuốc bổ tinh thần” hay nhà văn nổi tiếng người Mỹ Mark Twain đã chỉ ra cho mỗi chúng ta rằng “Một người không đọc sách chẳng hơn gì kẻ không biết đọc”. Nhận thấy tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 04/11/2021, Thủ tướng chính phủ ký Quyết định số 1862/QĐ-TTg về việc Tổ chức ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày tổ chức “Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam” nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kĩ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập. Đây thật sự là niềm vui lớn cho những người yêu sách.
Theo sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông các hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba năm 2024 bám sát nội dung với thông điệp “Sách hay cần bạn đọc”; “Sách quý tặng bạn”; “Tặng sách hay – Mua sách thật”; “Sách hay: Mắt đọc -Tai nghe”. Đây là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội. Góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc. Là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách. Đồng thời, góp phần quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.
Việc lấy ngày 21/4 là ngày Sách Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là thời điểm ra mắt cuốn sách đầu tiên của Việt Nam là cuốn Đường Kách mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh – tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác giả lớn, một Danh nhân văn hóa, các tác phẩm của Người có giá trị không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế đón nhận. Việc chọn ngày Sách Việt Nam gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Người sẽ có ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời điểm diễn ra Ngày sách và Bản quyền Thế giới (23/4), nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích mọi người dân thế giới khám phá niềm yêu thích đọc sách. Việc tổ chức ngày Sách Việt Nam vào dịp này thể hiện sự hội nhập của văn hóa đọc Việt Nam với văn hóa nhân loại, sẽ hấp dẫn và lôi cuốn độc giả.
Hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay, trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên đã ban hành Kế hoạch số 172/KH-CĐSP ngày 22/3/2024 về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024. Theo đó các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam như: Viết bài tuyên truyền về mục đích ý nghĩa của Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam; tổ chức trưng bày, giới thiệu sách, tạp chí tại thư viện; tổ chức cho sinh viên tham quan và đọc sách tại thư viện; trình chiếu một số video “giới thiệu sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chiến thắng Điện Biên Phủ” của sinh viên để xem tại thư viện … diễn ra từ ngày 15/4 đến ngày 01/5/2024 với yêu cầu các hoạt động phải thiết thực, hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường, tạo sức lan tỏa, thu hút được đông đảo cán bộ, giảng viên và sinh viên trong nhà trường tham gia hưởng ứng./.
Sinh viên tìm đọc những cuốn sách hay và ý nghĩa tại thư viện Nhà trường.
Đoàn viên sinh viên của Nhà trường với cuộc thi xây dựng video “Giới thiệu sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến thắng Điện Biên Phủ” năm 2024.
Tác giả: Bùi Thị Hậu