Nâng cao văn hóa ứng xử trên không gian mạng cho sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên trong bối cảnh chuyển đổi số

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động mạnh mẽ đến toàn xã hội, đặc biệt là đối với sinh viên nói chung và sinh viên trường CĐSP Điện Biên nói riêng. Để bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số, cần có những biện pháp giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho sinh viên có cách ứng xử phù hợp, nhận diện đúng đắn trước những mặt tiêu cực của một số mạng xã hội hiện nay.

Hiện nay, nhà trường thường xuyên có các hoạt động tuyên truyền, giáo dục và quản lý việc khai thác không gian mạng bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú nhằm định hướng sinh viên khai thác mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực từ không gian mạng. Do vậy, phần lớn quá trình sử dụng không gian mạng, sinh viên cơ bản có nhận thức đúng đắn về tác động của không gian mạng đến lối sống của bản thân; chủ động, khai thác và sử dụng không gian mạng để phục vụ những nhu cầu chính đáng như tìm kiếm tri thức, cập nhập những thông tin kinh tế, chính trị - xã hội và tìm kiếm cơ hội việc làm…

Thực tế hiện nay, không gian mạng ngày càng phát triển, ảnh hưởng đến sinh viên ngày càng tăng vì vậy mặt không tích cực của không gian mạng là còn ẩn chứa cả những tác hại nguy hiểm, thậm chí rất nguy hiểm trên rất nhiều phương diện; tuy nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào sinh viên. Nếu sinh viên có trình độ, bản lĩnh, phương pháp khai thác, sử dụng hiệu quả mạng xã hội để phục vụ cho quá trình học tập và công việc của mình thì mạng xã hội sẽ là công cụ hữu ích giúp sinh viên nâng cao trình độ, cập nhật tri thức, hình thành cách nghĩ, cách làm chủ động, sáng tạo, xây dựng thái độ, tình cảm tích cực, năng động, sáng tạo, khuyến khích sinh viên vươn lên, dám nghĩ, dám làm… Ngược lại, nếu sinh viên bản lĩnh không vững vàng, không thành thạo kỹ năng sử dụng, thì mạng xã hội sẽ là một “cạm bẫy” chứa đựng nhiều thông tin xấu, độc ảnh hưởng đến tình cảm, thái độ, hành vi của người dùng và có thể dẫn con người đến những bình luận, lời nói, việc làm, hành vi trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Trong thời gian gần đây, văn hóa ứng xử trên không gian mạng đang là vấn đề đáng quan tâm, bởi những phát ngôn, bình luận “thiếu văn hóa”, không phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục tốt đẹp của Việt Nam… gây bất bình cho mọi người và xã hội nói chung, các nhà trường nói riêng. Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát đòi hỏi phải đồng bộ cả về phương pháp, công nghệ, nguồn lực, cho đến các chế tài xử lý theo quy định của pháp luật. Lợi dụng sự phát triển của không gian mạng, các thế lực thù địch, phản động đăng tải, tuyên truyền nhiều nội dung xấu, độc; làm cho sinh viên có tư tưởng hoài nghi, dao động… dẫn đến có suy nghĩ, lối sống không lành mạnh, có nhiều đối tượng vi phạm pháp luật. Mặt khác, làm cho sinh viên suy giảm tinh thần đấu tranh chống lại những biểu hiện sai trái trong cuộc sống, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không lên án, né tránh những việc ảnh hưởng đến cá nhân, có thái độ vô cảm về chính trị, thiếu trách nhiệm với cộng đồng; chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân mà quên đi lợi ích tập thể, quên đi vinh dự và trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, tập thể cao trong học tập, công tác, rèn luyện. Nguy hại hơn, có thể dẫn đến sự phai nhạt lý tưởng, thiếu niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, biểu hiện bi quan, mất niềm tin khi gặp phải những khó khăn trong cuộc sống. 

Do đó, để giúp sinh viên hình thành văn hóa ứng xử chuẩn mực trên không gian mạng, cần phải sử dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp giáo dục, rèn luyện gắn với quản lý sinh viên. Trước hết, phải coi trọng các biện pháp giáo dục thông qua quá trình sư phạm, hoạt động tuyên truyền, giáo dục của các tổ chức trong các học viện, nhà trường; tận dụng tối đa các phương tiện hiện đại để tăng tính hiệu quả của các hình thức, biện pháp giáo dục, rèn luyện, quản lý sinh viên; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện rập khuôn, máy móc và buông lỏng công tác giáo dục văn hóa ứng xử cũng như công tác quản lý sinh viên… Từ đó, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của sinh viên trong văn hóa ứng xử trên không gian mạng một cách đúng đắn và chuẩn mực hơn.

Nhà trường tổ chức các chuyên đề về chuyển đổi số cho sinh viên các khóa nhằm thông tin đến các sinh viên về Luật An ninh mạng năm 2018, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, cẩm nang về chuyển đổi số của Bộ thông tin và Truyền thông.

Mọi hoạt động thông tin tuyên truyền, giáo dục phải hướng đến mục tiêu không ngừng bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường cách mạng, tinh thần cảnh giác để cán bộ, giảng viên, sinh viên luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, không dao động trong mọi tình huống; luôn có thái độ, hành vi đúng đắn khi tham gia vào môi trường không gian mạng. Công tác giáo dục, tuyên truyền phải làm rõ âm mưu của các thế lực thù địch trong sử dụng mạng truyền thông để tác động tâm lý sinh viên; làm rõ các thủ đoạn đã, đang và sẽ được các thế lực thù địch sử dụng để lôi kéo, kích động sinh viên; khuyến cáo sinh viên cảnh giác trước thông tin trên các trang mạng xã hội.

Phát huy vai trò tự giác của sinh viên trong tự học, tự rèn nâng cao nhận thức về không gian mạng có ý nghĩa quan trọng, tác động tích cực đến chất lượng, hiệu quả xây dựng văn hóa của sinh viên trên không gian mạng. Thực chất, đó là quá trình sinh viên chủ động học tập, bổ sung kiến thức, tiếp nhận thông tin từ không gian mạng một cách khoa học, khai thác những ưu điểm của không gian mạng phục vụ cho học tập, phân biệt được những thông tin xấu, độc từ không gian mạng. Từ nhận thức đúng đắn, sinh viên sẽ nỗ lực và tự giác trong việc lựa chọn nội dung truy cập không gian mạng phù hợp, phân bổ thời gian hợp lý, từ đó sẽ tránh được là những tác động tiêu cực của không gian mạng./.

Tác giả: Giáp Thị Phương Thảo

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 47
Hôm nay: 167
Tháng hiện tại 4660
Tổng lượt truy cập: 11948

Liên kết website

Tin tức Sở GD&ĐT Điện Biên