SỰ PHÁT TRIỂN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC MẦM NON CỦA VIỆT NAM QUA CÁC GIAI ĐOẠN
Từ sau năm 1975 đến nay, Giáo dục mầm non đã trải qua các thời kì xây dựng và phát triển. Qua từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội, chương trình chăm sóc - giáo dục trẻ mầm non ra đời, đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước trong từng giai đoạn.
1. Giai đoạn 1976-1986
Lần đầu tiên trong lịch sử của giáo dục Việt Nam đã nghiên cứu xây dựng Chương trình nuôi dạy trẻ nhà trẻ và Chương trình mẫu giáo cải tiến được tiến hành nghiên cứu xây dựng trên cơ sở khoa học giáo dục mầm non theo từng độ tuổi. Trong từng lứa tuổi đã đưa ra mục tiêu, nội dung, phương pháp…, chăm sóc giáo dục trẻ có sự khác nhau. Chương trình này có tác dụng tích cực đến sự phát triển trí tuệ, ngôn ngữ và hình thành nhân cách ban đầu cho trẻ. Nội dung giáo dục được cấu trúc theo hai phương thức: giáo dục và giáo dưỡng. Hạn chế lớn nhất của chương trình là quy trình lên lớp diễn ra cứng nhắc, phương pháp giảng dạy áp đặt, chưa có đồ dùng cho trẻ thao tác. Đây là thời kỳ phổ thông hoá mầm non.
2. Giai đoạn từ năm 1987 đến đầu thập kỉ 90
Chương trình Giáo dục mầm non giai đoạn từ 1987 đến đầu thập kỉ 90 đã khắc phục những tồn tại của Chương trình nuôi trẻ nhà trẻ và Chương trình mẫu giáo cải tiến, tiếp tục thực hiện những chủ trương đổi mới và phát triển chương trình giáo dục mầm non. Nội dung chương trình được xây dựng theo nguyên tắc cơ bản của giáo dục mầm non, đồng thời chương trình dựa trên các nguyên tắc chỉ đạo chung mang tính khoa học phù hợp độ tuổi mầm non được dựa trên cơ sở lí thuyết hoạt động cho trẻ phù hợp với đặc điểm phát triển của từng lứa tuổi, kết hợp hài hòa giữa nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục để trẻ phát triển toàn diện, lấy hoạt động vui chơi làm con đường cơ bản để hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Mặt khác, chương trình còn được xây dựng trên cơ sở chú trọng giáo dục trẻ trong quá trình hoạt động, nhấn mạnh tổ chức các hoạt động chủ đạo phù hợp với từng độ tuổi. Tuy nhiên, nội dung và phương pháp hướng dẫn quá chi tiết cụ thể dẫn đến tình trạng áp dụng một cách đồng loạt, máy móc trong cả nước. Chương trình không tính đến đặc điểm riêng, điều kiện thực tiễn riêng của từng vùng miền, từng địa phương, hay từng trường, lớp cũng như đặc điểm khác nhau của trẻ. Chương trình làm hạn chế sự chủ động, sáng tạo của giáo viên do bị phụ thuộc vào kế hoạch chung của trường và phụ thuộc vào tài liệu hướng dẫn gợi ý.
3. Giai đoạn từ 1995 đến 2002
Lần đầu tiên, nội dung chương trình đã tổ chức các nội dung giáo dục theo hướng tích hợp chủ đề và đổi mới hình thức tổ chức hoạt động giáo dục theo hướng tiếp cận tích hợp. Trong đó, mỗi chủ đề đều xác định các đơn vị kiến thức, kĩ năng, thái độ cần cung cấp và hình thành ở trẻ và đều nhằm phát triển tổng thể các mặt: thể lực, ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm, xã hội. Sử dụng hình thức mạng “mở” giúp giáo viên nhìn rõ các mối liên quan giữa các nội dung kiến thức và các hoạt động mang tính tích hợp trong phạm vi chủ đề này với chủ đề khác. Đồng thời Chương trình còn khuyến khích giáo viên áp dụng các phương pháp dạy học khác nhau một cách sáng tạo. Tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học. Giáo viên có thể xác định, lựa chọn và tổ chức nhiều hoạt động để tạo điều kiện cho trẻ có thể “học” qua chơi, “học” qua thực hành. Nhờ đó, trẻ có thể lĩnh hội kiến thức và kĩ năng liên quan đến chủ đề một cách tự nhiên và có được những kinh nghiệm mang tính tích hợp cần cho cuộc sống của trẻ. Chương trình chính là khâu đổi mới cơ bản, đổi mới thực hiện từ những năm 2000 đến năm 2009, tạo điều kiện cho đổi mới một cách đồng bộ toàn bộ chương trình, là một bước đệm quan trọng để chuyển sang chương trình Giáo dục mầm non hiện nay.
4. Giai đoạn từ năm 2009 đến nay
Chương trình Giáo dục mầm non hiện hành được biên soạn trên cơ sở quy định của Luật Giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo kí ban hành Thông tư số 17/2009/TTBGDĐT ngày 25/7/2009. Chương trình đã qua hai lần sửa đổi bổ sung theo Thông tư số 28/2016/TT-BGDĐT ngày 30/12/2016 và Thông tư số 51/2020/TT-BGDĐT ngày 31 /12/2020
Hoạt động Giáo dục dinh dưỡng- trường Mầm non Noong Bua
Chương trình có độ mở, cho phép linh hoạt nhằm tăng cường tính chủ động của giáo viên trong việc lựa chọn nội dung giáo dục cụ thể phù hợp với khả năng của trẻ và điều kiện thực tế của địa phương. Chương trình giáo dục mầm non cấp quốc gia mang tính chất khung, chỉ cung cấp những nội dung cơ bản cốt lõi mang tính chuẩn mực. Trẻ được học một cách tích cực qua tìm hiểu, trải nghiệm, môi trường cho trẻ hoạt động được quan tâm. Chương trình hiện hành đòi hỏi giáo viên luôn luôn phải sưu tầm, tìm tòi những bài mới, có nội dung mới để cung cấp kiến thức cho trẻ thông qua chủ đề.
5. Chương trình Giáo dục mầm non từ năm 2029
Trước sự phát triển của công nghệ 4.0 cùng với sự đổi mới của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Giáo dục mầm non đang có sự đổi mới mạnh mẽ. Tháng 10/2023 Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo Chương trình Giáo dục mầm non mới. Với quan điểm xây dựng chương trình Giáo dục mầm non theo hướng tiếp cận (quan điểm tiếp cận) phát triển năng lực người học dựa trên trục phát triển tình cảm - xã hội và liên thông với Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Đồng thời phát huy các giá trị văn hóa của địa phương, cộng đồng trẻ sinh sống; thích ứng và hòa hợp đa văn hóa, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đa dạng; giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương và những giá trị truyền thống của quốc gia Việt Nam. Xây dựng chương trình gắn với các vấn đề thời sự của cuộc sống hiện nay trong xu thế phát triển của thời đại và hội nhập quốc tế: bản sắc văn hóa, giáo dục kĩ năng sống cho trẻ, công nghệ số, tiếng Anh/ngôn ngữ thứ hai, quyền trẻ em, bình đẳng giới, giáo dục bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh.
Lộ trình dự kiến từ năm học 2025-2026 đến năm 2027-2028 thí điểm triển khai Chương trình Giáo dục mầm non mới ở một số cơ sở giáo dục mầm non; năm học 2029-2030 bắt đầu triển khai đại trà chương trình mới trên phạm vi toàn quốc.
Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Thuý