Những đóng góp vĩ đại của Ph.Ăngghen đối với sự hình thành, phát triển của chủ nghĩa Mác và phong trào công nhân quốc tế

0
887

Phriđơrich Ăngghen (Friedrich Engels) là nhà lý luận chính trị, là một triết gia và nhà khoa học người Đức thế kỷ 19, người cùng với Các Mác (Karl Marx) đã sáng lập và phát triển chủ nghĩa cộng sản và là lãnh tụ của phong trào công nhân thế giới và Quốc tế I.

1. Cuộc đời và sự nghiệp của Ph.Ăng-ghen

Phriđơrich Ăngghen (Friedrich Engels) là nhà lý luận chính trị, là một triết gia và nhà khoa học người Đức thế kỷ 19. Người cùng với Các Mác (Karl Marx) sáng lập học thuyết Mác – học thuyết khoa học, cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới.

Phriđơrich Ăngghen sinh ngày 28/11/1820 ở thành phố Barmen tỉnh Ranh, Vương quốc Phổ (ngày nay là nước Đức) trong một gia đình là chủ xưởng dệt. Năm 14 tuổi, Ph.Ăng-ghen học tại thành phố Barmen và đã sớm bộc lộ năng khiếu về ngoại ngữ. Tháng 10/1834, Ph.Ăng-ghen chuyển sang học ở trường trung học Elberfelder, một trường tốt nhất ở Phổ thời bấy giờ.

Năm 1837, Ph.Ăng-ghen buộc phải rời bỏ trường trung học khi chưa tốt nghiệp để bắt đầu công việc buôn bán ở Văn phòng theo yêu cầu của bố. Trong thời gian này Ông tự học các ngành sử học, triết học, văn học, ngôn ngữ và thơ ca.

Cuối năm 1839, Ph.Ăng-ghen bắt tay vào nghiên cứu các tác phẩm của Hê-ghen, chịu ảnh hưởng tư tưởng của ông, song có bước phát triển là vận dụng phép biện chứng của Hêghen vào thực tiễn.

Năm 1944 Ph.Ăng-ghen gặp Các Mác tại Paris, hai ông hợp tác viết các công trình nổi tiếng trong đó có tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức”. Tháng 4/1848 Ph.Ăng-ghen cùng với C.Mác trở về Đức tham gia cuộc cách mạng Đức.

Tháng 11/1850, Ph.Ăng-ghen buộc phải chuyển đến Manchester (Anh) và lại bắt đầu làm việc ở Văn phòng thương mại. Điều này tạo điều kiện cho Ph.Ăng-ghen có thể giúp đỡ về vật chất cho C.Mác hoạt động cách mạng. Ph.Ăng-ghen đặc biệt chú ý nghiên cứu các môn khoa học tự nhiên, quân sự, chính sách quốc tế. Cùng với C.Mác, Ph.Ăng-ghen tham gia lãnh đạo Quốc tế Cộng sản I.

Năm 1871, Ph.Ăng-ghen tham gia vào việc tổ chức chiến dịch bảo vệ Công xã Pari. Trong thời gian này, Ph.Ăng-ghen đã viết một số tác phẩm có giá trị lý luận, đặc biệt là cuốn “Chống Đuyrinh” (1878), góp phần to lớn cho việc hoàn thiện lý luận cho chủ nghĩa Mác.

Sau khi C.Mác qua đời (1883), Ph.Ăng-ghen là người lãnh đạo tổ chức những người theo chủ nghĩa xã hội ở châu Âu, chuẩn bị cho in tập 2 và 3 của bộ Tư bản mà C.Mác chưa kịp hoàn thành. Ph.Ăng-ghen viết nhiều tác phẩm nổi tiếng vào những năm cuối đời, như: “Nguồn gốc gia đình”, “Chế độ tư hữu và Nhà nước” (1884), “Lút-vích Phoi ơ bắc và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức” (1886), “Biện chứng tự nhiên”, “Vấn đề nông dân ở Pháp và Đức” (1894)….

Ngày 5/8/1895, Ph.Ăngghen đã qua đời tại Luân Đôn, thọ 75 tuổi.

  1. Những đóng góp vĩ đại của Ph.Ăngghen đối với sự hình thành, phát triển của chủ nghĩa Mác và phong trào công nhân quốc tế

Trong suốt 40 năm gắn liền với C.Mác, Ph.Ăngghen đã dành trọn cuộc đời mình cho việc xây dựng nên một học thuyết khoa học hoàn bị và có vai trò to lớn trong việc cỗ vũ, khích lệ và trở thành vũ khí lý luận cho giai cấp vô sản đấu tranh giải phóng giai cấp mình và giải phóng xã hội loài người. Những đóng góp vĩ đại của Ph.Ăngghen đối với sự hình thành, phát triển chủ nghĩa Mác cũng như phong trào công nhân quốc tế được thể hiện ở những khía cạnh chủ yếu sau:

Thứ nhất, Ph.Ăngghen đã có đóng góp to lớn trong việc xây dựng học thuyết Mác trên cả ba bộ phận cấu thành là triết học, chủ nghĩa xã hội khoa học và kinh tế chính trị học.

Trên lĩnh vực triết học, cũng như C.Mác, Ph.Ăngghen tuy xuất thân từ phái Hêghen trẻ nhưng ông đã có công lao to lớn trong việc xây dựng chủ nghĩa duy vật biện chứng. Mặc dù trong khi khẳng định quan điểm duy vật về lịch sử là một trong hai phát kiến vĩ đại của C.Mác, Ph.Ăngghen cũng có công lao to lớn cung cấp những luận chứng thuyết phục để chứng minh tính chất duy vật triệt để của học thuyết Mác trong lĩnh vực lịch sử, xã hội; làm cho chủ nghĩa duy vật trở nên hoàn bị và là “công cụ nhận thức vĩ đại” của con người. Đặc biệt, bằng việc chỉ ra những quy luật của giới tự nhiên, Ph.Ăngghen không chỉ khẳng định tính thống nhất vật chất của thế giới mà còn làm sáng tỏ thêm mối quan hệ giữa triết học và khoa học tự nhiên. Với điều này, Ph.Ăngghen đã cùng với C.Mác xây dựng được một hệ thống lý luận triết học hoàn chỉnh với những quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử.

Trên lĩnh vực chủ nghĩa xã hội khoa học, với những trải nghiệm trong thời gian dài ở Anh, Pháp, Đức cùng thời gian cộng tác với C.Mác, Ph.Ăngghen đã tạo lập và hoàn thiện những quan điểm về chủ nghĩa xã hội khoa học mà linh hồn của lý luận đó là làm sáng tỏ sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân – giai cấp có khả năng tổ chức và lãnh đạo xã hội thông qua Đảng Cộng sản, tiến hành cải biến xã hội từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội trên phạm vi từng nước và trên thế giới. Có thể nói, nhờ có lý luận này, giai cấp công nhân đã từng bước bước lên vũ đài chính trị và xác lập được vai trò to lớn của mình. Cùng với C.Mác, Ph.Ăngghen đã có công lao trong việc cung cấp những luận cứ thuyết phục để biến chủ nghĩa xã hội từ không tưởng trở thành chủ nghĩa xã hội khoa học. Vì vậy, “những chiến lược, sách lược cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và sự hình thành các chính đảng vô sản mà ông đưa ra trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời hoạt động lý luận và thực tiễn cách mạng của ông là một cống hiến lớn vào kho tàng chủ nghĩa xã hội khoa học”(1).

Trên lĩnh vực kinh tế chính trị học, Ph.Ăngghen đã chứng tỏ là một nhà kinh tế học xuất sắc khi đã chỉ ra được những quy luật vận động của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, bóc trần bản chất bóc lột giá trị thặng dư của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Đặc biệt, khi giúp C.Mác hoàn thành nốt những tập bản thảo còn dang dở của bộ “Tư bản”, Ph.Ăngghen cũng đã góp phần quan trọng trong việc luận giải những tư tưởng lớn của C.Mác về đặc trưng của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.

Như vậy, có thể nói, “chủ nghĩa Mác trên tất cả các phương diện cấu thành của nó, từ nội dung đến phương pháp, từ những mầm mống đầu tiên đến khi có một diện mạo trưởng thành, từ những luận chiến đanh thép để tự bảo vệ trước những đòn tấn công, xuyên tạc của kẻ thù cho đến những tổng kết thực tiễn đặc sắc và những dự báo khoa học về xã hội tương lai đều in đậm dấu ấn những đóng góp kiệt xuất của Ph.Ăngghen”(2).

Thứ hai, cùng với C.Mác, Ph.Ăngghen đã đưa chủ nghĩa Mác trở thành một học thuyết vừa mang tính khoa học, vừa mang tính cách mạng.

Ngay từ đầu, mục đích của cả C.Mác và Ph.Ăngghen khi xây dựng học thuyết của mình không phải mang tính lý luận thuần túy mà phải trở thành vũ khí tinh thần cho giai cấp công nhân. Vì vậy, trên hành trình của mình, Ph.Ăngghen đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về đời sống, tình cảnh của những người lao động, đặc biệt là giai cấp công nhân. Chính hoạt động của giai cấp công nhân ở Anh, Pháp, Đức… đã giúp cho Ph.Ăngghen từng bước hoàn thiện lý luận của mình trở thành một ngọn đuốc soi đường cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động cần lao. Phong trào công nhân đã tìm thấy ở triết học Mác vũ khí tinh thần của mình, còn triết học Mác tìm thấy ở phong trào công nhân vũ khí vật chất của mình: “Giống như triết học thấy giai cấp vô sản là vũ khí vật chất của mình, giai cấp vô sản cũng thấy triết học là vũ khí tinh thần của mình”(3). Nhờ đó, học thuyết Mác không chỉ mang tính khoa học mà còn mang tính cách mạng.

Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực tư tưởng để mang đến cho giai cấp công nhân vũ khí lý luận đấu tranh sắc bén, Ph.Ăngghen còn dành nhiều tâm sức để hoạt động thực tiễn và có đóng góp không nhỏ vào hoạt động của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Cùng với C.Mác, Ph.Ăngghen đã đấu tranh không khoan nhượng chống lại những khuynh hướng cải lương và biệt phái (của Pruđông, Latxan, Bacunin…) để thống nhất hàng ngũ quốc tế. Ph.Ăngghen là người đỡ đầu của Đảng Dân chủ – xã hội Đức và có ảnh hưởng to lớn đến hoạt động của Đảng. Những nhà xã hội chủ nghĩa Pháp, Áo, Hungari, Anh, Ba Lan, Tây Ban Nha, Italy, Nga, Hà Lan và nhiều nước khác đều nhận được sự giúp đỡ vô giá về tinh thần của Ph.Ăngghen. Vì vậy, đúng như V.I.Lênin nhận xét: “Sau bạn ông là Các Mác (mất năm 1883), Ph.Ăngghen là nhà bác học và là người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh”(4). Những đóng góp to lớn của Ph.Ăngghen đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã khiến Ph.Ăngghen xứng danh là “người thầy vĩ đại” của giai cấp công nhân toàn thế giới.

Thứ ba, Ph.Ăngghen đã không ngừng bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, cùng với C.Mác, Ph.Ăngghen đã nhiều lần bị chính quyền tư sản các nước trục xuất, kiện ra tòa vì tội “nói xấu”, “phỉ báng” chính quyền. Không chỉ có vậy, tư tưởng của các ông luôn bị chủ nghĩa cơ hội, xét lại xuyên tạc, bội nhọ, phản bác. Vì vậy, bên cạnh những tác phẩm có tính chất tuyên ngôn hay lý luận thuần túy, Ph.Ăngghen còn viết một số tác phẩm bút chiến để vạch trần luận điệu xuyên tạc, lừa bịp của những kẻ cơ hội, tư sản. Một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất cần phải kể đến là “Chống Đuyrinh”. Với tác phẩm này, Ph.Ăngghen đã có dịp trình bày một cách có hệ thống những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác. Đó là cách mà Ph.Ăngghen vừa bảo vệ, vừa phát triển chủ nghĩa Mác lên một tầm cao mới. Điều đáng trân trọng là trong bất cứ điều kiện, tình huống nào, Ph.Ăngghen cũng luôn tuyệt đối trung thành với hệ tư tưởng mà mình và C.Mác đã xây dựng lên.

Ph.Ăngghen không bảo vệ chủ nghĩa Mác một cách cực đoan, cứng nhắc. Ph.Ăngghen từng nhấn mạnh: “Học thuyết của chúng tôi không phải là một giáo điều mà là kim chỉ nam cho hành động”(5). Ông không coi học thuyết Mác là một hệ thống đóng, một cái gì đó đã xong xuôi mà cần bổ sung, phát triển bằng thực tiễn sinh động. Điển hình là việc cùng với C.Mác, Ph.Ăngghen đã bảy lần viết lại lời tựa cho tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Qua mỗi lần tái bản đã cho thấy Ph.Ăngghen luôn có ý thức bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác gắn với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi thời kỳ lịch sử.

Tinh thần bảo vệ học thuyết Mác của Ph.Ăngghen đã được các học trò của ông kế thừa, khiến chủ nghĩa Mác ngày càng phát triển. V.I.Lênin – người đã không ngừng bảo vệ, phát triển học thuyết Mác nhiều lần nhấn mạnh: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”(6).

Chúng ta đang sống trong điều kiện rất khác so với thời của C.Mác và Ph.Ăngghen. Khoa học – công nghệ với những bước tiến nhảy vọt góp phần tạo ra lực lượng sản xuất mà xưa nay nhân loại chưa từng được chứng kiến. Không ít kẻ vội cho rằng thực tiễn đã có nhiều thay đổi nên nhiều quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về lịch sử xã hội loài người đã không còn phù hợp nữa, cần phải được thay thế bằng một hệ thống lý luận khác. Điều này đặt ra yêu cầu quan trọng đối với chúng ta là một mặt tiếp tục khẳng định những giá trị của chủ nghĩa Mác, mặt khác, cần phải bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác bằng thực tiễn phong phú của thời đại ngày nay.

  1. Vận dụng tư tưởng của Ph.Ănghen vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam

Những tư tưởng của Ph.Ăng-ghen về triết học, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học… đến nay vẫn giữ nguyên tính thời sự và có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc đổi mới đất nước ta, nhất là trong việc nhận thức và làm sáng tỏ quy luật vận động tất yếu của cách mạng Việt Nam, giúp chúng ta nhận thức đầy đủ hơn về mối quan hệ giữa mục tiêu và biện pháp phát triển nền kinh tế.

Thấm nhuần tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung, của Ph.Ăng-ghen về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”(8). Đảng ta đã tổng kết thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhận thức của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng rõ hơn, trên cơ sở đó Đảng đề ra và từng bước bổ sung, phát triển đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Kinh nghiệm và những bài học được tích lũy để Đảng ta từng bước hoàn thiện lý luận đổi mới, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhờ đó, nội lực của đất nước và dân tộc đã được huy động vào các mục tiêu phát triển, cùng với các nguồn ngoại lực ngày càng được tận dụng, khai thác có hiệu quả, bảo đảm cho sự nghiệp đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội của Nhân dân Việt Nam đi tới thắng lợi. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta khẳng định: “Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua 30 năm đổi mới khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Thành tựu và những kinh nghiệm, bài học đúc kết từ thực tiễn tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để đất nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới”(9).

Có thể nói, những cống hiến vĩ đại của Ph.Ăngghen đối với sự hình thành, phát triển của chủ nghĩa Mác và phong trào công nhân quốc tế là rất to lớn và không thể phủ nhận. Đặc biệt, sự kiên định, kiên trì và tinh thần đấu tranh không khoan nhượng của Ph.Ăngghen đã gợi mở cho chúng ta những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong việc bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, cấu phần quan trọng trong nền tảng tư tưởng của Đảng trước sự chống phá ngày càng tinh vi, quyết liệt của các thế lực thù địch hiện nay.

Tài liệu tham khảo

(1) Đoàn Minh Huấn – Nguyễn Chí Hiếu, “Tư tưởng của Ph.Ăngghen về vai trò của lý luận đối với chính đáng vô sản và ý nghĩa trong công tác phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học kỷ niệm 195 năm ngày sinh của Ph.Ăngghen: “Giá trị tư tưởng Ph.Ăngghen trong thời đại ngày nay”, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2016, tr.278.

(2) Hoàng Chí Bảo, “Cống hiến vĩ đại của Ph.Ăngghen trong lịch sử chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa xã hội”, trong sách: “Giá trị tư tưởng của Ph.Ăngghen trong thời đại ngày nay”, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2016, tr.26.

(3) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.625-626, 589.

(4) V.I.Lênin, Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.3.

(5) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.273.

(6) V.I.Lênin, Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.232.

(7) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.601.

(8) Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

(9) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016.

Người viết bài: Hà Thị Kim Tuyến

BÌNH LUẬN