MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN CHUNG VỀ QUY PHẠM PHÁP LUẬT

0
167

ĐẶT VẤN ĐỀ

Các quan hệ xã hội được điều chỉnh bởi rất nhiều các quy tắc khác nhau như quy tắc đạo đức, phong tục tập quán, tôn giáo, pháp luật, chính trị. Khi nhà nước  ra đời, nhà nước sử dụng các quy tắc pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Vậy các quy tắc pháp luật là gì? Nó có đặc điểm và cấu trúc như thế nào? Trong bài viết này tác giả xin làm rõ một số vấn đề lí luận chung về quy phạm pháp luật.

NỘI DUNG

  1. Khái niệm quy phạm pháp luật

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 sửa đổi bổ sung năm 2020 được quy định tại khoản 1 Điều 3 quy định như sau:

Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện.

  1. Đặc điểm:

– Là quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do nhà nước ban hành. (Quy phạm pháp luật chính là pháp luật thể hiện cụ thể là các điều luật cụ thể nên chỉ có nhà nước mới có quyền ban hành).

– Quy phạm pháp luật được thể hiện dưới hình thức nhất định rõ ràng, chặt chẽ, chính xác. Đối với Nhà nước ta, quy phạm pháp luật được thể hiện dưới hình thức văn bản pháp luật của Nhà nước. Ví dụ như Hiến pháp, các bộ luật…

– Quy phạm pháp luật được sử dụng nhiều lần trong cuộc sống. Quy phạm pháp luật được sử dụng trong tất cả mọi trường hợp khi xuất hiện những điều kiện, hoàn cảnh đã được dư liệu. Đây chính là thuộc tính phổ biến của pháp luật.

Ví dụ: Điều 123 Tội giết người trong Bộ luật Hình sự 2015 được áp dụng với mọi cá nhân có hành vi giết người không phân biệt họ là ai.

– Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự mà nội dung thể hiện 2 mặt cho phép và bắt buộc nghĩa là chỉ ra quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên tham gia quan hệ xã hội mà quy phạm pháp luật điều chỉnh. (Khi ta đọc 1 quy phạm pháp luật chúng ta sẽ biết mình được phép làm gì hay phải làm gì, không được làm gì).

– Quy phạm pháp luật có tính hệ thống là giữa các quy phạm pháp luật có sự liên hệ chặt chẽ với nhau tạo thành 1 hệ thống pháp luật cùng điều chỉnh các quan hệ xã hội và xây dựng.

Ví dụ: Giữa các điều luật trong một bộ luật luôn thống nhất, không mâu thuẫn nhau, giữa các văn bản luật cũng phải bảo đảm thống nhất từ trên xuống dưới.

  1. Cơ cấu của quy phạm pháp luật

    Cơ cấu của quy phạm pháp luật là các bộ phận (các phần) hợp thành. quy phạm pháp luật. Thống thường quy phạm pháp luật được hợp thành từ 3 phần.

* Giả định:

     Là bộ phận của quy phạm pháp luật nêu lên giả thiết, những điều kiện, hoàn cảnh có thể xảy ra trong cuộc sống mà con người gặp phải và cần phải xử sự (hành động hay không hành động) theo những quy định của Nhà nước trong giả định còn nêu ra các chủ thể (cá nhân, tổ chức) nào ở vào điều kiện hoàn cảnh đó (có thể có 1 điều kiện hoàn cảnh, có thể có nhiều điều kiện hoàn cảnh được nêu ra).

Ví dụ 1: Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, Điều 132. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

  1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Gỉa định trong quy phạm này là: Chủ thể “Người nào” Các điều kiện giả thiết đặt ra là: 1 “thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”, 2“tuy có điều kiện mà không cứu giúp”, 3“dẫn đến hậu quả người đó chết”.

Ví dụ 2: Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, Điều 123. Tội giết người.

  1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
  2. a) Giết 02 người trở lên;
  3. b) Giết người dưới 16 tuổi;
  4. c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

…………

Giả định trong quy phạm này là: Chủ thể “Người nào” “giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây” chỉ cần một trong các trường hợp a, b, c …

* Quy định:

    Là một bộ phận của quy phạm pháp luật trong đó nêu lên cách quy tắc xử sự mà tổ chức hay cá nhân ở vào điều kiện, hoàn cảnh đã nêu trong phần giả định của quy phạm pháp luật được phép thực hiện hoặc tuân theo. (Họ phải làm gì, không được làm gì, làm như thế nào?)

Ví dụ 1: Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, Điều 132. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

  1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Quy định trong quy phạm này là: Phải thực hiện một hành vi nhất định đó là: Bất kỳ ai nếu ở trong trường hợp đã nêu ở phần giả định phải thực hiện hành vi cứu giúp người đang bị nạn nguy hiểm đến tính mạng.

Ví dụ 2: Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, Điều 123. Tội giết người.

  1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
  2. a) Giết 02 người trở lên;
  3. b) Giết người dưới 16 tuổi;
  4. c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

…………

Quy định trong quy phạm này là không được thực hiện một hành vi nhất định đó là: Bất kỳ ai cũng không được thực hiện hành vi giết người.

* Chế tài

    Là một bộ phận của quy phạm pháp luật nên lên những biện pháp tác động mà nhà nước dự kiến sẽ áp dụng đối với tổ chức hay cá nhân nào không thực hiện đúng mệnh lệnh mà nhà nứơc đã nêu ở phần quy định của quy phạm pháp luật.

Ví dụ 1: Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, Điều 132. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

  1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Chế tài trong quy phạm này là: Nếu không thực hiện hành vi cứu giúp người bị nạn đang nguy hiểm đến tính mạng nhà nước sẽ áp dụng biện pháp xử lý “thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

Ví dụ 2: Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, Điều 123. Tội giết người.

  1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
  2. a) Giết 02 người trở lên;
  3. b) Giết người dưới 16 tuổi;
  4. c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

…………

Chế tài trong quy phạm này là: Nếu thực hiện hành vi giết người nhà nước sẽ áp dụng biện pháp xử lý “thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”.

  1. Phân loại quy phạm pháp luật

– Căn cứ vào đối tượng điều chỉnh, quy phạm pháp luậtđược chia thành:

+ Quy phạm pháp luật hình sự;

+ Quy phạm pháp luật hành chính;

+ Quy phạm pháp luậtdân sự;

+ Quy phạm pháp luậtkinh tế.

– Căn cứ vào nội dung, quy phạm pháp luật được chia thành:

+ Quy phạm pháp luật định nghĩa là Quy phạm pháp luật xác định, giải thích định nghĩa khái niệm pháp lý.

Ví dụ 1: Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 sửa đổi bổ sung năm 2020 được quy định tại khoản 1 Điều 3 quy định như sau: (Đây là quy phạp pháp luật định nghĩa. Quy phạm pháp luật là…)

Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện.

Ví dụ 2: Theo quy định củaLuật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 sửa đổi bổ sung năm 2020 quy định tại Điều 2 như sau: (Đây là quy phạp pháp luật định nghĩa. Văn bản quy phạm pháp luật là…)

“Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.”

+ Quy phạm pháp luậttrực tiếp điều chỉnh hành vi của tổ chức cá nhân.

Ví dụ: Quy phạm quy định về hơp đồng lao động người lao động có quyền, nghĩa vụ sau: 1, 2, 3.. Người sử dụng lao động có quyền, nghĩa vụ sau: 1, 2, 3…

– Căn cứ vào hình thức mệnh lệnh, quy phạm pháp luật được chia thành:

+ Dứt khoát một cách xử sự. Ví dụ: như Điều 123 Bộ luật hình sự là không được giết người; Điều 132 Bộ luật hình sự là phải thực hiện hành vi cứu giúp.

+ Tuỳ nghi lựa chon cách xử sự Ví dụ: Điều 33 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Mọi người có quyền tham gia kinh doanh hoặc không kinh doanh mà không bị bắt buộc.

+ Hướng dẫn: hướng dẫn thực hiện.

Ví dụ: Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 Điều 22 Hồ sơ đăng ký công ty cổ phần gồm các loại giấy tờ:

  1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
  2. Điều lệ công ty.
  3. Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.
  4. Bản sao các giấy tờ sau đây:

a, b, c

KẾT LUẬN

Để thực hiện đúng luật, chúng ta cần hiểu rõ được từng bộ phận cấu thành của quy phạm pháp luật để biết được trong những điều kiện cụ thể mà pháp luật quy định mình cần phải làm gì, không được làm gì và nếu không thực hiện đúng thì sẽ bị nhà nước áp dụng các biện pháp cưỡng chế nào.

Tài liệu tham khảo

  1. Trường Đại học Luật Hà nội (2017) Giáo trình lí luận chung về Nhà nước và pháp luật. NXB Công an nhân dân
  2. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2020.
  3. Bộ luật dân sự 2015

Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi vổ sung năm 2017

Tác giả: Lê Trọng Hiếu – khoa Bồi Dưỡng

BÌNH LUẬN