Phát huy thành tựu 55 thực hiện Di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước

0
90

Cách đây 55 năm (năm 1969), trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng. Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng), Di chúc của Bác là văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, nhân cách của một con người, một lãnh tụ mà cả cuộc đời vì nước, vì dân, không màng đến danh lợi bản thân

Di chúc của Bác có giá trị soi chiếu đến tận ngày nay. Di chúc đề cập tới nhiều vấn đề, về đổi mới, phát triển đất nước thế nào, về xây dựng Đảng, bồi dưỡng thế hệ sau…, với tinh thần đổi mới, bởi vì toàn bộ Di chúc hướng tới tương lai, xây dựng lại TP, làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Có thể nói rằng, ý nghĩa của Di chúc như một cương lĩnh hành động của Đảng từ khi Bác đi xa. Đó là những vấn đề lớn lao, những vấn đề chiến lược của cách mạng.

Trong 55 năm qua, soi vào những điều Bác căn dặn trong Di chúc, đến nay, Đảng đã thực hiện rất thành công trên nhiều phương diện để bảo vệ và xây dựng đất nước. Như các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, 55 năm thực hiện Di chúc của Người và sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước đã “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Bác trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội…

Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình với thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.300 USD năm 2023, tăng gần 60 lần so với năm 1986. Quy mô nền kinh tế từ 4,5 tỷ USD năm 1986 đã tăng lên 430 tỷ USD năm 2023, đứng thứ 35 thế giới. Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới.

Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai đồng bộ, toàn diện, là điểm sáng ấn tượng, ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh. Việt Nam đã mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 quốc gia, trong đó có nhiều nền kinh tế lớn.

Các thành phố phát triển theo mục tiêu đô thị hiện đại, văn minh, thông minh và đáng sống. Với những người đã đi qua nhiều giai đoạn phát triển của đất nước càng thấy rõ được sự thay đổi to lớn trên tất cả các vùng miền của đất nước; và hiểu rõ được, cơ đồ, vị thế ấy, là kết hợp giữa sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với đường lối chính trị đúng đắn, phương pháp cách mạng thích hợp và khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Nội dung lớn Bác nói đến trong Di chúc là về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Qua nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc đã phân tích, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành một thời lượng lớn để nói về việc xây dựng Đảng. Bởi từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng của các thời kỳ trước, trong việc đấu tranh giải phóng dân tộc, cuộc Cách mạng Tháng Tám, trong các cuộc kháng chiến tiếp theo… bên cạnh những mặt tốt, mặt đúng đắn cũng đã bắt đầu bộc lộ những biểu hiện tiêu cực. Người đã sớm nhìn thấy những nguy cơ về sự suy thoái đạo đức, lối sống, nguy cơ về chủ nghĩa cá nhân…

Người cũng đã cảnh báo về những nguy cơ có thể gặp phải với một đảng sau khi giành được thắng lợi đó là tính kiêu ngạo, sự dốt nát và tham nhũng. Chính vì vậy, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”; “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình” để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng.

Đọc lại Di chúc càng thấy được những điều căn dặn của Bác Hồ rất căn bản. Cái gốc của người cách mạng vẫn là đạo đức. Bác viết: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”” – PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nói.

Thực hiện những chỉ dẫn của Bác trong Di chúc, suốt 55 năm qua, Đảng đã không ngừng chăm lo tự xây dựng, chỉnh đốn cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Chú trọng xây dựng những giá trị chuẩn mực đạo đức cán bộ; không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền của Đảng. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chế độ kiểm tra, giám sát, quản lý cán bộ, đảng viên và kiểm soát quyền lực.

Có thể nói rằng, các nghị quyết của Đảng trong những năm qua luôn thấm đẫm tư tưởng và việc làm cụ thể hiện thực hóa những điều Bác dặn. Những quyết tâm phòng, chống “giặc nội xâm” và quyết xử lý các tiêu cực của cán bộ, đảng viên được làm đến nơi đến chốn.

Điều này thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong việc làm trong sạch đội ngũ, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý. Việc làm này rất bài bản, trách nhiệm, hiệu quả và tạo ra được chuyển biến trong lãnh đạo của Đảng. Quan trọng đó là củng cố niềm tin của Nhân dân, bồi đắp thêm tinh thần đoàn kết.

Thực tế đó đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ về điều Bác đã viết trong Di chúc, chống lại những gì cũ kỹ, hư hỏng là cuộc chiến đấu khổng lồ mới có thể tạo ra “những cái mới mẻ, tốt tươi”. Đó là những vấn đề đang cần phải tiếp tục thực hiện. Hơn nữa, để thúc đẩy tinh thần tự hào, ý thức rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên, người dân, vẫn cần tiếp tục tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp để học tập, thực hiện di nguyện của Người, tạo chuyển biến tích cực, khơi dậy thêm lòng tự hào, trách nhiệm của mỗi đảng viên, cán bộ và Nhân dân cả nước. Nghiên cứu Di chúc để suy ngẫm những vấn đề đổi mới hiện nay. Từ bản Di chúc, tư tưởng của Bác soi sáng cho công cuộc đổi mới hôm nay như là một sự tổng kết từ chính thực tiễn Việt Nam của chúng ta chứ không phải giáo điều. Bản Di chúc có sự thiêng liêng, vì thế tập hợp được đoàn kết  được dân tộc để tiến lên sự nghiệp vẻ vang hơn, tới thắng lợi cuối cùng và tạo nên niềm tin tất thắng.

Người viết: Ngô Thị Yến

BÌNH LUẬN