Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên đào tạo sinh viên cao đẳng ngành Giáo dục mầm non gắn với thực tiễn đổi mới chương trình giáo dục mầm non

0
57

Tháng 4 năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Uỷ ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Chủ tịch Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo đã khẳng định vị trí, tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục và đào tạo với sự phát triển đất nước, Thủ tướng nhấn mạnh, giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, nhận thức vậy để tiếp cận giải quyết vấn đề của giáo dục theo hướng tổng thể, toàn diện, bao trùm nhưng phải căn cứ vào chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Theo Thủ tướng, thực trạng giáo dục mầm non còn nhiều bất cập, khó khăn, muốn thực hiện được mục tiêu của Đảng, cần giải quyết, tháo gỡ khó khăn từ thực tiễn đó. Thủ tướng cũng chỉ đạo cần làm rõ nội hàm của đổi mới giáo dục mầm non phù hợp với quan điểm phát triển giáo dục của Đảng, pháp luật của Nhà nước là phát triển toàn diện con người, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, phù hợp với thực tiễn, hoàn cảnh của đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Đến năm 2030, giáo dục mầm non cần tập trung vào 3 mục tiêu sau:

Thứ nhất, đổi mới Chương trình giáo dục mầm non theo tiếp cận năng lực, tôn trọng quyền của trẻ em, dựa trên trục tình cảm – xã hội phù hợp với tâm sinh lý độ tuổi và sự phát triển toàn diện của trẻ em về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, đặt nền móng để hình thành những giá trị cốt lõi của con người Việt Nam.

Thứ hai, tăng cơ hội tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng cho trẻ em mầm non thông qua thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo; nâng cao cơ hội tiếp cận và chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nhà trẻ và nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Thứ ba, ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư; coi trọng phát triển giáo dục hoà nhập và vấn đề công bằng trong xây dựng, triển  khai các chính sách nhà nước dựa trên quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Chương trình giáo dục mầm non mới tiếp cận hình thành năng lực, phẩm chất của trẻ định hướng tình cảm, xã hội thể hiện rõ ở các thành tố của chương trình được thể hiện qua mục tiêu, nội dung của chương trình và kết quả mong đợi ở từng lĩnh vực; định hướng phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục, đánh giá sự phát triển của trẻ; được thống nhất phối hợp thực hiện giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng. Kết quả có được sau quá trình giáo dục chính là sự vận dụng những hiểu biết, thái độ và kỹ năng được hình thành để giải quyết vấn đề trong thực tiễn.

Chương trình Giáo dục mầm non đổi mới trên cơ sở kế thừa và phát triển những ưu điểm của Chương trình Giáo dục mầm non hiện hành, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam và phù hợp với xu thế quốc tế. Đồng thời chương trình đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực trẻ em theo định hướng tình cảm xã hội phù hợp với đặc điểm tâm lý, sinh lý trẻ em mầm non.

Để sinh viên tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của người giáo viên mầm non, trong những năm gần đây trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên đã có nhiều biện pháp giúp sinh viên vừa tiếp thu được kiến thức vừa rèn luyện được các kỹ năng nghề nghiệp, đặc biệt là sinh viên được tăng cường trải nghiệm ở các cơ sở giáo dục mầm non ngay từ giai đoạn Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thực nghiệm đổi mới chương trình giáo dục mầm non.

Trước đây quá trình đào tạo thường được tổ chức cho sinh viên hoàn thành các môn học, sau đó sinh viên đến trường mầm non thực tập; như vậy trong khoảng thời gian ngắn, sinh viên chưa thực sự được trải nghiệm và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp một cách sâu sắc. Hiện nay, sinh viên cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non của trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên được tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm và thực tập ngay từ năm thứ nhất của khóa học. Đồng thời sinh viên còn thường xuyên được bồi dưỡng, tăng cường các kỹ năng về tin học, Tiếng Anh, các kỹ năng mềm; đặc biệt là rèn luyện nghiệp vụ sư phạm tại các phòng thực hành bộ môn của Nhà trường qua các giờ thực hành của từng học phần theo chương trình đào tạo.

Ngay từ năm học thứ nhất, sinh viên đã được đến các cơ sở giáo dục mầm non để trực tiếp quan sát, tìm hiểu các hoạt động của trường mầm non, thực hành công việc của một người giáo viên mầm non, tương tác, quan sát trẻ trong các nhóm lớp; tổ chức thực hiện hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ; tiếp xúc, làm quen với trẻ mầm non ở các lứa tuổi, làm quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp, rèn luyện các kỹ năng mềm cần phải có; hình thành ý thức, thái độ học tập đúng đắn trong các năm học tiếp theo. Sau đợt thực tập tại các cơ sở giáo dục mầm non, sinh viên hiểu rõ hơn lý thuyết của các học phần đã học, đặc biệt là được trực tiếp thực hành việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ và các hoạt động của trường mầm non, những yêu cầu và phẩm chất của một người giáo viên mầm non.

Trong các năm học tiếp theo sinh viên tiếp tục đến các cở sở giáo dục mầm non, trực tiếp tham gia hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Sinh viên được làm việc với trẻ ở nhiều nhóm lớp có độ tuổi khác nhau, giúp các em có cơ hội trải nghiệm, nâng cao nhận thức về thực tế nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ. Bồi dưỡng lòng yêu nghề, thái độ thân thiện, tích cực trong giao tiếp và có ý thức tự giác trong việc học tập, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp.

Năm học cuối khóa, sinh viên đi thực tập để củng cố các kiến thức trong các học phần đã học theo chương trình đào tạo; tích lũy kinh nghiệm thực tế về phương pháp nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ; chủ động, sáng tạo, tự tin trong giao tiếp và xử lý tình huống ở trường mầm non.

Ngoài ra, sinh viên hàng năm được tham quan thực tế các di tích lịch sử của địa phương, tìm hiểu phong tục, tập quán của các dân tộc trong tỉnh; tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoạt động từ thiện tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc các xã vùng cao, biên giới nhằm trang bị cho sinh viên các kỹ năng xã hội cần thiết đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của người giáo viên mầm non.

Trong những năm gần đây, sinh viên thường xuyên được đến các cơ sở giáo dục mầm non, nhất là các trường thực hành sư phạm để quan sát, tìm hiểu, trải nghiệm hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; hoạt động này luôn được đổi mới cả về nội dung, hình thức, cách thức tổ chức triển khai khoa học và hiệu quả. Tạo cho sinh viên sự say mê, hứng thú, chủ động và linh hoạt trong công việc và cuộc sống. Việc sắp xếp khoa học, hiệu quả giữa lý thuyết và thực hành, giữa học kiến thức và việc tăng cường thực hành, rèn luyện các kỹ năng cho sinh viên là các yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng đào tạo sinh viên của Nhà trường. Kết quả xếp loại thực tập của sinh viên được các cơ sở giáo dục mầm non đánh giá ngày càng cao (năm học 2022-2023 có 782/878 sinh viên xếp loại thực tập xuất sắc đạt 89.1%; năm học 2023-2024 có 577/606 sinh viên xếp loại thực tập xuất sắc đạt 95.22%).

Trong thời gian tới trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên tiếp tục tăng cường ứng dụng tin học trong quá trình đào tạo; thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động chuyên môn; sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý đào tạo; tăng cường bồi dưỡng cho giảng viên Nhà trường năng lực quản lý, tổ chức các hoạt động, hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập, xử lý các tình huống của trường mầm non; tăng cường hoạt động cho sinh viên đến các cơ sở giáo dục mầm non nhằm giúp sinh viên nâng cao kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xã hội, kỹ năng sử dụng tin học trong tổ chức hoạt động dạy học và giáo dục cho trẻ mầm non. Đồng thời tổ chức hội thảo khoa học để trao đổi, chia sẻ các biện pháp, hình thức tổ chức đào tạo sinh viên đáp ứng đổi mới chương trình giáo dục mầm non. Hiện nay, giảng viên Nhà trường đã và đang tích cực nghiên cứu, tìm hiểu thực tiễn đổi mới giáo dục mầm non để đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy phù hợp; đầu tư cơ sở vật chất và khuyến khích giảng viên, sinh viên thực hành tại các phòng học bộ môn; hướng dẫn sinh viên nghiên cứu chương trình giáo dục mầm non mới; xác định được sự khác nhau cơ bản giữa chương trình giáo dục mầm non hiện hành và chương trình giáo dục mầm non mới; đặc biệt chú trọng việc gắn lý thuyết với thực hành; sinh viên được tăng cường trải nghiệm, thực tập của sinh viên tại các cơ sở giáo dục mầm non.

Thực tế cho thấy việc đào tạo gắn lý thuyết với thực hành, tăng cường trải nghiệm, khám phá thực tế, giúp sinh viên yêu trẻ, gắn bó với trường, lớp, chủ động, sáng tạo, tự tin trong giao tiếp và linh hoạt trong xử lý các tình hưống; sinh viên học tập tốt hơn, tích cực hơn trong rèn luyện bản thân và tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội, từ thiện…

Tác giả: Hà Thị Hương

BÌNH LUẬN