Tranh xé – cắt dán giấy là hình thức tạo hình mà tác phẩm được thể hiện bằng phương pháp xé hoặc cắt dán giấy. Việc thực hiện các bức tranh dựa trên cơ sở màu sắc vốn có của chất liệu giấy mà người thể hiện lựa chọn cho phù hợp với ý đồ của mình. Để thực hiện một bức tranh xé – cắt dán giấy, có thể sử dụng một số kĩ năng như: xé thành dải, xé vụn, xé lần, xé từng nhát, cắt dải dài, cắt vụn, cắt theo hình vẽ, cắt theo trục gấp,… sau khi xé hoặc cắt xong các mảng hình người thể hiện sẽ tiến hành dùng hồ hoặc keo công nghiệp để dán liên kết các yếu tố tạo hình đã được cắt hoặc xé tạo nên những bức tranh hoặc sản phẩm khác nhau theo khả năng của người thể hiện. Tranh xé – cắt dán giấy mang những vẻ đẹp riêng biệt bởi sự kết hợp màu sắc vui tươi, hài hòa, tung tẩy, phóng khoáng, sự mềm mại tinh tế của những đường nét, hình ảnh được tạo nên bằng kỹ thuật xé – cắt giấy.
Ở châu Á, một số nước trong khu vực như: Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia kĩ thuật cắt dán giấy đã được ứng dụng rất nhiều để trang trí sản phẩm thủ công mỹ nghệ đậm chất dân gian. Ở Việt Nam, từ thời xa xưa nghệ thuật cắt dán giấy được ứng dụng trang trí các sản phẩm thủ công mỹ nghệ dùng làm đồ thờ, cúng như: ngai, mũ, long bào, các con vật,… Trong lịch sử mỹ thuật thế giới hiện đại, nhiều họa sĩ đã sử dụng hình thức tạo hình xé – cắt giấy để sáng tạo nên tác phẩm như: Pablo Picasso, Henri Matisse, Georges Braque,… Những năm 1960 ở Việt Nam, nhiều họa sĩ như: Nguyễn Gia Trí, Phạm Viết Hồng Lam đã tiên phong đưa vào tranh xé – cắt dán giấy những sáng tạo mới về kĩ thuật, chất liệu với nhiều chủ đề đa dạng như tranh tĩnh vật, tranh sinh hoạt, tranh phong cảnh mang đậm tâm hồn Việt. Ngày nay, tranh xé – cắt dán giấy đã được một số trường đại học, cao đẳng đào tạo về Mỹ thuật đưa vào giáo trình giảng dạy, được nhiều họa sĩ chuyên nghiệp lựa chọn làm chất liệu chính trong sự nghiệp sáng tác của mình. Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, ở bậc học Tiểu học, THCS, THPT nội dung xé – cắt dán giấy được lồng ghép vào nhiều dạng bài học, hoạt động học của môn Mĩ thuật. Đối với bậc học mầm non, tạo hình xé – cắt dán là nội dung quan trọng trong giáo dục nghệ thuật vì đây là hoạt động tạo hình phù hợp với đặc điểm nhận thức, ngôn ngữ tạo hình của trẻ. Ngoài ra, xé – cắt dán còn thu hút được sự khám phá của trẻ, giúp trẻ thể hiện nhận thức, tái hiện sự vật hiện thực thế giới xung quanh, rèn luyện đôi bàn tay khéo léo, biết sử dụng dụng cụ như: hồ dán, giấy màu để tạo nên sản phẩm. Thông qua sản phẩm tạo hình xé – cắt dán sẽ tạo tiền đề giúp trẻ hình thành năng lực cảm thụ vẻ đẹp của hình ảnh, màu sắc, chất liệu giấy.
Trong học phần Mĩ thuật – Chương trình đào tạo giáo viên ngành Giáo dục Mầm non của Trường CĐSP Điện Biên, xé – cắt dán giấy là nội dung cơ bản góp phần trang bị cho sinh viên nền tảng kiến thức, kỹ năng và hình thành năng lực cảm thụ vẻ đẹp của ngôn ngữ tạo hình. Chủ đề nội dung xé – cắt dán giấy được sinh viên thể hiện thường là: xé – cắt dán con vật yêu thích, xé – cắt dán một bức tranh tĩnh vật hoặc tranh phong cảnh.
Với chủ đề xé – dán con vật yêu thích, sinh viên được tự do lựa chọn hình tượng xé dán là con vật quen thuộc trong đời sống hàng ngày. Các con vật được lựa chọn xé dán phải có hình dáng, màu sắc đẹp, sinh động phù hợp với đối tượng trẻ mầm non như: mèo, thỏ, voi, cá,… Quá trình xé – cắt dán con vật, sinh viên có thể ứng dụng các kĩ thuật như xé – cắt theo trí tưởng tượng, lựa chọn các màu sắc khác nhau cho mỗi phần cấu trúc của con vật mà không cần lệ thuộc theo màu sắc thực tế. Ngoài ra sinh viên còn xé – cắt dán thêm các hình ảnh phụ khác đưa vào trong tranh như: cây, hoa, sông, suối… đồng thời kết phối hợp các mảng màu lớn để tạo không gian, tạo chất bề mặt giấy màu nhằm tăng chất cảm thẩm mỹ cho bề mặt của chất liệu bức tranh.
Chủ đề xé – cắt dán tranh tĩnh vật có thể thấy sự đa dạng và phong phú, khả năng sáng tạo của sinh viên Nhà trường qua mỗi bức tranh. Đối tượng thể hiện của các em thường là bình hoa, kết hợp với hoa quả hoặc đồ vật. Với lợi thế hình ảnh, màu sắc sinh động nên có thể thấy mỗi bức tranh tĩnh vật là một thế giới về hoa, quả rất phong phú, đa dạng. Mỗi bình hoa, quả là một thế giới tự nhiên được tái tạo bằng ngôn ngữ tạo hình mang theo sắc thái, và ghi nhận từng cung bậc cảm thụ thẩm mỹ của mỗi sinh viên.
Với chủ đề phong cảnh, nhiều bức tranh của sinh viên Nhà trường đã tái hiện những ấn tượng của mình về vẻ đẹp của nhà cửa, cây cối, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp trên quê hương nơi mình sinh sống, hoặc ấn tượng về phong cảnh mà mình cảm nhận được trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Ở mảng chủ đề này có thể thấy sự đa dạng trong cách thức bố cục hình mảng nhà cửa, cây cối, sông suối,… Với cách phối hợp màu sắc táo bạo, kĩ thuật xé -cắt dán, cách tạo chất đa dạng, nhiều bức tranh đã chuyền tải được dấu ấn đặc trưng văn hóa của dân tộc Thái, Mông vùng Tây Bắc.
Mặc dù là bài thực hành nằm trong khuôn khổ của chương trình học nhưng với sự sáng tạo, năng lực cảm thụ thẩm mỹ riêng của mỗi người, sinh viên ngành học Mầm non của Nhà trường đã tạo nên những “tác phẩm” đầy ấn tượng. Nhiều bức tranh cho thấy cách thức sáng tạo khi phối hợp các chất liệu khác nhau như: giấy mầu, giấy thủ công, đề can, giấy báo, giấy nhăn, giấy gói hoa,… Với kĩ thuật xé – cắt dán khá điêu luyện mỗi bức tranh cho người xem thấy được sự đa dạng, phong phú về cách thức phối hợp hình mảng, đường nét, màu sắc,…
Mỗi năm học qua đi, có hàng nghìn sản phẩm tạo hình, hàng trăm bức tranh xé – cắt dán của sinh viên ngành Giáo dục Mầm non trường CĐSP Điện Biên được tạo ra, mỗi bức tranh góp phần biểu đạt một cá tính, dấu ấn thời gian, mang “giá trị độc bản” của mỗi một con người, nhìn nhận đúng giá trị sản phẩm môn Mĩ thuật nói chung và tranh xé – cắt dán nói riêng sẽ thấy được công sức của người dạy và người học, thấy được tiềm năng sáng tạo mĩ thuật không nhỏ của sinh viên, đó là thành quả thiết thực góp phần nâng cao công tác chất lượng đào tạo của Nhà trường và là hành trang để sinh viên bước vào cuộc sống, công tác sau này.
Giới thiệu một số tranh xé dán của sinh viên ngành Giáo dục Mầm non
Tác giả: Vũ Hữu Cương