Hồ Chí Minh – Người anh hùng giải phóng dân tộc, vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình luôn coi trọng vấn đề xây dựng đạo đức cách mạng, coi đạo đức là cái gốc, cái nền tảng của người cách mạng. Hồ Chí Minh không chỉ bàn một cách sâu sắc, cô đọng, thấm thía về vấn đề đạo đức mà chính bản thân Người đã thực hiện một cách mẫu mực những tư tưởng và khát vọng đạo đức do mình đặt ra, trong đó có phẩm chất tiết kiệm và giản dị. Sự giản dị và tiết kiệm của Bác Hồ được thể hiện trong suốt cuộc đời của Bác và cũng được thể hiện rõ nét trong những lần sinh nhật Bác.
Ngày 19/5/1946, lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định tổ chức sinh nhật nhưng không phải vì bản thân mà để làm nguyên cớ cho đấu tranh ngoại giao. Khi đó, Người tự tổ chức buổi sinh nhật trong tư thế Nguyên thủ quốc gia độc lập có chủ quyền, tiếp đón Cao ủy Pháp tại Đông Dương D’Argenlieu, nhân vật đang mưu toan ngăn chặn chuyến đi của Hồ Chủ tịch – vị Thượng khách của nước Pháp. Sinh nhật tuổi 56 lúc ấy, như Bác nói với đồng bào: “Chưa có gì đáng chúc thọ” nhưng đối với kẻ thù đang đe dọa nền tự do độc lập vừa giành lại được, đây lại là cái cớ Người buộc D’Argenlieu phải đến để đối thoại với hy vọng: “Cuộc bang giao Việt Pháp chắc chắn sẽ có bước phát triển mới”.
Cũng nhân việc “các nhà báo ở đây đã làm to ngày sinh nhật của tôi”, Bác có dịp tốt tiếp xúc với nhân dân, tự vệ, hướng đạo, đại biểu Nam Bộ, với các giới, các cháu thiếu nhi đến chúc mừng; Bác tặng các đại biểu thiếu nhi cây bách tán và mong: “Cái cây sẽ mọc ra một chậu trăm cái tán. Các cháu chăm nom cho cây lớn, cây tốt”. Bác cũng kết hợp nói chuyện, giáo dục nếp sống mới và cần kiệm liêm chính. Ngày kỷ niệm sinh nhật Bác 19/5/1946 trở thành ngày gặp mặt đoàn kết, biểu thị tình cảm và sức mạnh khối đoàn kết toàn dân xung quanh Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh – linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó, một quá trình đấu tranh cách mạng và kháng chiến của đất nước được mở ra; cũng đồng thời có một “tiền lệ mới” được đặt ra như một nếp đạo lý của dân tộc: Mừng sinh nhật Bác Hồ.
Thực ra Bác chỉ muốn và đã có một ngày sinh nhật chung, như trong thư ngày 19/5/1948 gửi Quốc hội và Chính phủ, các đoàn thể, bộ đội, đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài, Người viết: “Tôi và toàn thể đồng bào có một ngày sinh nhật chung: Ấy là ngày cách mạng giải phóng thành công tháng Tám năm 1945”. Khi phải tạo ra sinh nhật riêng như một tiền lệ, Bác luôn thấy “trong lúc toàn dân ta đang kháng chiến gian khổ, mọi công việc hết sức khẩn trương mà lại tổ chức chúc thọ một cá nhân là không nên”. Vì vậy Người đã sử dụng ngày kỷ niệm cá nhân theo phong cách khác biệt.
Những năm Chính phủ và Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, kỷ niệm sinh nhật Bác vô cùng đơn giản nhưng đầm ấm với những lời chúc mừng của đồng bào, đồng chí và những bó hoa rừng của những người phục vụ. Bác rất xúc động và thường dành lúc này để nói về những việc phải làm, về những tấm gương trung thành với Đảng và sự nghiệp kháng chiến.
Những năm đất nước bị chia cắt, Bác căn dặn các địa phương, các cơ quan đoàn thể không nên tổ chức chúc thọ linh đình, làm tốn thời giờ, tiền của, trong khi đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn.
Để tránh những nghi lễ vào dịp sinh nhật của mình, Bác không ở Hà Nội mà về thăm nhân dân các địa phương nhưng Bác dặn trước các địa phương không được tổ chức lễ kỷ niệm, không tổ chức chiêu đãi linh đình…
Quà sinh nhật đối với Bác rất quý vì đó là tấm lòng người dân. Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Cứu Quốc dịp sinh nhật năm 1949, Người nói: “Món quà quý nhất đối với tôi là những báo cáo thành tích thi đua ái quốc”. Bác nhắc: “Mừng sinh nhật tôi, đồng bào cho tôi nhiều hoa, bánh. Những thứ đó đáng giá cả. Nhưng xin đồng bào nghĩ đến các đồng bào nghèo khó, hơn là hao phí cho tôi”. Bác dặn chuyển những lẵng hoa đẹp, các loại quà mà các nơi gửi đến biếu Bác để tặng các đơn vị bộ đội, công an, thanh niên xung phong, các nhà trẻ.
Bác Hồ thăm lớp mẫu giáo tại chiến khu Việt Bắc ngày 19/5/1953. Ảnh TTXVN
Lần sinh nhật năm 1969, giữa lúc chiến tranh lan ra cả nước còn đang ác liệt. Thư ký riêng của Bác, ông Vũ Kỳ kể lại: Bác đề nghị không tổ chức sinh nhật vì “Đồng bào ta, nhất là đồng bào miền Nam đang chiến đấu gian lao, hy sinh như thế, Bác không có lòng dạ nào hưởng niềm vui riêng”. Bác không đồng ý về việc đưa ngày 19/5 là ngày kỷ niệm lớn trong năm và yêu cầu “tiền bạc dùng để tuyên truyền ngày sinh của Bác… nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, chớ lãng phí”. Trước lời xin phép của Trung ương, nghĩ đến miền Nam và bạn bè quốc tế, Bác miễn cưỡng đồng ý tổ chức sinh nhật và giục: “Thôi, nếu vậy thì các chú làm thật nhanh cho Bác. Đừng kéo dài, đừng bày vẽ tốn kém. Chỉ cho Bác mấy bông hoa là được rồi. Chỉ 5 bông hồng đỏ thôi”.
Suốt 24 năm làm Chủ tịch nước, nhận trọng trách do nhân dân tín nhiệm, ủy thác, Người không bao giờ coi mình là lãnh tụ mà chỉ như một người lính vâng lệnh quốc dân ra trận, suốt đời tận tụy phục vụ nhân dân. Nhân cách, đạo đức, sự cao thượng ấy mãi mãi làm cho Bác Hồ trở nên cao đẹp, tấm gương mẫu mực về đạo đức làm người cao đẹp nhất. Mỗi người dân Việt Nam đều chung một tình cảm: Bác Hồ vẫn đang sống cùng non sông, đất nước, vẫn luôn thấy “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” trong tất cả các thời kỳ lịch sử, trong bất cứ thắng lợi nào của đất nước và dân tộc.
Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Bác (19/5/1890 – 19/5/2024) là dịp để mỗi chúng ta bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc tới Bác Hồ kính yêu; toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam báo công với Bác về những thành tích cả nước đạt được và quyết tâm sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, sai lầm, thiết thực kỷ niệm sinh nhật Bác. Noi gương Người, học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Người, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần rèn luyện, tu dưỡng mình, học và làm theo những việc làm giản dị, khiêm tốn, thể hiện đúng bản chất của người “công bộc”, người “đầy tớ” của nhân dân để tiếp tục tiến bước trên con đường dựng xây đất nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai các cường quốc năm châu như sinh thời Bác hằng mong muốn.
Tác giả: Nguyễn Thị Hiền