Những định hướng, đổi mới trong xây dựng Chương trình giáo dục mầm non của Bộ giáo dục và Đào tạo

0
34

Thực hiện mục tiêu đổi mới Chương trình giáo dục mầm non theo tiếp cận năng lực nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục mầm non đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045; phát triển toàn diện trẻ em mầm non về thể chất, tình cảm, trí tuệ, ngôn ngữ và thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em sẵn sàng vào lớp 1, đặt nền móng cho việc hình thành và phát triển các giái trị cốt lõi của con người Việt Nam. Để đạt được mục tiêu đó, theo GS.TS Lê Anh Vinh – Viện khoa học Giáo dục Việt Nam tại Hội thảo Khoa học quốc gia “Đào tạo giáo viên đáp ứng đổi mới chương trình Giáo dục Mầm non” được tổ chức tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội tháng 10/2024 đã chỉ ra 7 điểm mới trong dự thảo Chương trình giáo dục mầm non so với Chương trình GDMN hiện hành.

Điểm mới 1: Chương trình được đổi mới theo tiếp cận năng lực hướng đến hình thành các giá trị cốt lõi của con người Việt Nam và năng lực chung, dựa trên trục tình cảm-xã hội với 4 phẩm chất “yêu thương, tôn trọng, trung thực, trách nhiệm” và 5 năng lực “tự lực, thích ứng, giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề”. Tiếp cận năng lực được thể hiện qua mục tiêu, nội dung của Chương trình và kết quả mong đợi ở từng lĩnh vực; định hướng phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục, đánh giá sự phát triển của trẻ; được thống nhất phối hợp thực hiện giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng.

Điểm mới 2: Xây dựng và phát triển Chương trình GDMN tiếp cận dựa trên Quyền trẻ em, đảm bảo chất lượng, công bằng, hoà nhập, bình đẳng và tôn trọng sự khác biệt của trẻ; vấn đề giáo dục trẻ em có nhu cầu đặc biệt, vấn đề phát triển ngôn ngữ (quan tâm ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ của trẻ).

Điểm mới 3: Tăng cường tính “mở” của Chương trình, trao quyền cho cơ sở giáo dục và giáo viên trong phát triển chương trình giáo dục trên cơ sở đảm bảo linh hoạt, phù hợp với đặc điểm phát triển của trẻ, điều kiện cơ sở vật chất, môi trường sống, bản sắc văn hoá của địa phương; tăng cường quyền và năng lực tự chủ trong phát triển chương trình giáo dục của các cơ sở giáo dục. Các cơ sở giáo dục mầm non và giáo viên được chủ động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của chương trình giáo dục nhà trường.

Điểm mới 4: Bổ sung quy định về các điều kiện bảo đảm thực hiện Chương trình GDMN mới, nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng. Yêu cầu thực hiện Chương trình làm cơ sở để các địa phương và nhà trường có chính sách huy động nguồn lực, sao cho vừa bảo đảm trẻ em được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo nhu cầu phát triển, vừa bảo đảm quyền trẻ em và bảo đảm quyền của cán bộ quản lý và giáo viên theo Luật Lao động

Điểm mới 5: Trẻ em là trung tâm của quá trình giáo dục, chủ thể trong hoạt động và giao tiếp. Trẻ em học qua chơi và trải nghiệm phù hợp với hoạt động chủ đạo của từng lứa tuổi. Nhà giáo dục là người hỗ trợ trẻ em phát triển trong môi trường an toàn, thân thiện, giàu cảm xúc và có ý nghĩa.

Điểm mới 6: Liên thông với chương trình giáo dục tiểu học (theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018) bổ sung nội dung, phương pháp giáo dục mới.

Cập nhật các nội dung, phương pháp, vấn đề hiện đại, hội nhập quốc tế về quan điểm xây dựng chương trình, quan tâm các vấn đề thời sự của cuộc sống hiện nay và tương lai trong xu thế phát triển của thời đại; tiếp cận với Chương trình GDMN tiên tiến trong khu vực và quốc tế; tiếp cận với các phương pháp giáo dục tiên tiến, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế;

Cá nhân hóa quá trình giáo dục, quan tâm phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội ở trẻ; cụ thể hóa mục tiêu, nội dung giáo dục ở từng độ tuổi hướng đến hình thành những chức năng tâm sinh lí, phẩm chất và năng lực tương ứng, đảm bảo nguyên tắc đồng tâm phát triển, liên thông chặt chẽ giữa các thành tố và nội dung của Chương trình;

Tôn trọng các giá trị văn hóa, tiếp cận đa văn hoá, phát huy các giá trị văn hóa của địa phương, cộng đồng; thích ứng và hòa hợp đa văn hóa đồng thời bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương, ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ và những giá trị truyền thống của quốc gia Việt Nam.

Điểm mới 7: Mở rộng cơ hội tham gia và trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non.

Tin tưởng rằng Chương trình GDMN với cách tiếp cận và quan điểm mới để có điều chỉnh phù hợp, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ phù hợp với thực tiễn hơn, chất lượng hơn. Kỳ vọng Chương trình GDMN sau năm 2025 sẽ đem lại diện mạo mới cho bậc học này./.

Tác giả: Bùi Thị Hậu

BÌNH LUẬN