Tác phẩm “Huyền thoại Điện Biên Phủ” – Bản hùng ca vang vọng

0
1474

Ngày viết: 20/7/2020

Lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, không phải ngẫu nhiên mà cả thế giới biết đến Việt Nam như một biểu tượng của tinh thần đấu tranh bảo vệ hoà bình, độc lập. Cũng không phải ngẫu nhiên mà danh từ “Điện Biên Phủ” lại có tên trong từ điển Bách khoa quân sự thế giới. Với “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt/ Máu trộn bùn non, gan không núng, trí không mòn” dưới sự chỉ đạo của Hồ Chủ tịch và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dân tộc ta đã làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” đánh dấu mốc son chói lọi trong những trang sử đầy vinh quang của một dân tộc anh hùng. Tự hào và vinh quang thay một dân tộc nhỏ bé đã chiến thắng những kẻ thù xâm lược hùng mạnh. Bằng sức mạnh trí tuệ và bản lĩnh anh hùng, lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam đã lên đường, chung sức, đồng lòng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” làm nên những chiến công vĩ đại. Chúng ta có quyền tự hào về những con người đã không tiếc tuổi thanh xuân, sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập – tự do của dân tộc. Chính các anh đã làm rạng rỡ dân tộc, nhân dân và non sông đất nước ta.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng máu đào của các anh hùng liệt sĩ vẫn luôn thắm đỏ, sự mất mát của các thương binh, bệnh binh, của thân nhân liệt sĩ, những người ảnh hưởng di chứng chiến tranh vẫn chưa thể nguôi ngoai. Với truyền thống và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” nhân dịp kỉ niệm 73 năm Ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2020), Trung tâm Ngoại ngữ Tin học và Hỗ trợ học tập trân trọng giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Huyền thoại Điện Biên Phủ của tác giả Nguyễn Thị Lâm Hảo, nguyên là chuyên viên Pháp chế – Hội đồng Nhân dân tỉnh Lai Châu.

Tác giả viết Huyền thoại Điện Biên Phủ để kính tặng các Anh hùng, liệt sĩ, thương binh, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đã tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Huyền thoại Điện Biên Phủ gồm có 550 câu thơ lục bát về Điện Biên Phủ. Mở đầu tác phẩm là những câu thơ mộc mạc vẽ lên một bức tranh sơn thủy hữu tình “Lai Châu muôn điệp, nghìn trùng/ Non cao, vực thẳm, ngút rừng xanh xanh”. Được thiên nhiên ưu đãi, nhưng Lai Châu đẹp sống động chính là bởi “Hai mốt dân tộc anh em/ Kết đoàn giữ nước bình yên đất trời”; “Đất thiêng hội tụ anh hùng/ Tướng tài, quân giỏi, kiên trung, kết đoàn!”. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam ngời sáng – ý chí thành niềm tin hào hùng trong mỗi con người nơi trận tiền “Ngày đêm xẻ núi, mở đường/ Trầy tay kéo pháo qua từng núi cao”; Tổ quốc ghi công, nhân dân đời đời nhớ ơn các liệt sĩ. Tác phẩm đã ghi đậm tên và chiến công của các anh “Bế Văn Đàn lập công to/ Vai làm giá súng như pho tượng đồng/ Anh Phan Đình Giót ngoan cường/ Lỗ châu mai lấy thân mình lấp trên”. Tái tạo chiến thắng Điện Biên Phủquả thật là khó, nhưng tái tạo bằng thơ mà là thơ lục bát – phải đúng vần, đúng luật, đúng ý thì lại càng khó hơn. Nhưng tác giả Nguyễn Thị Lâm Hảo đã làm được điều đó một cách tự nhiên, chân thực “Quân ta bền chí kiên gan/ Bám sát trận địa dưới làn bom rơi/ Đánh cho quân giặc tơi bời/ Không còn mảnh giáp, không nơi an toàn”Chiến thắng Điện Biên Phủ đập tan kế hoạch Na- va khắc sâu chân lý “Không hiểu lịch sử Việt Nam/ Pháp thua là chuyện dĩ nhiên, thường tình”. Chiến thắng Điện Biên Phủ vang xa, là bài học lịch sử cho muôn đời.

Huyền thoại Điện Biên Phủ là bản diễn ca sử thi anh hùng. Đọc tác phẩm, người đọc sẽ hiểu hơn về chiến công chói lọi của lịch sử dân tộc và thấy được trách nhiệm của bản thân đối với lịch sử, thêm yêu Tổ quốc, đồng bào và đặc biệt hơn là “Ai lên Tây Bắc, đừng quên; Điện Biên – lịch sử lưu truyền ngàn thu”.

Nhận thấy giá trị văn hóa, lịch sử và ý nghĩa của tác phẩm Huyền thoại Điện Biên Phủ của tác giả Nguyễn Thị Lâm Hảo, Trung tâm Ngoại ngữ Tin học và Hỗ trợ học tập trân trọng giới thiệu tới đông đảo độc giả nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2020). Ngoài những cuốn sách trên, Trung tâm còn rất nhiều cuốn sách hay khác mời quý vị và các bạn tìm đọc.

Tác giả: Nguyễn Thúy Hằng

BÌNH LUẬN