Tổ Giáo dục Mầm non sinh hoạt chuyên môn tháng 8/2023
Bài và ảnh: Vũ Thị Thanh Tâm
Thực hiện kế hoạch năm học 2023-2024 tháng 8/2023 tổ Giáo dục Mầm non tổ chức sinh hoạt chuyên môn với chủ đề “công tác xây dựng chương trình và phát triển chương trình đào tạo K26 ngành Giáo dục mầm non”.
Giáo dục mầm non đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống giáo dục Quốc gia cũng như sự phát triển của mỗi cá nhân trẻ. Do đó việc phát triển chương trình giáo dục mầm non phù hợp với từng giai đoạn là yêu cầu cần thiết với từng địa phương.
Quan điểm xây dựng “Chương trình giáo dục mầm non” mới theo hướng tiếp cận năng lực, quan tâm đến phát triển toàn diện, đặc thù vùng, miền và trao quyền triển khai chương trình giáo dục mầm non ở các địa phương. Chương trình giáo dục mầm non mới chú trọng đến bốn phẩm chất gồm: Yêu thương, tôn trọng, trung thực, trách nhiệm; đồng thời, sẽ chú trọng năm năng lực chung gồm: Giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề, thích ứng, tự lực. Trường Cao Đẳng Sư Phạm Điện Biên luôn đặc biệt quan tâm việc phát triển chương trình đào tạo và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Phát triển chương trình đào tạo ngành Giáo dục mầm non có tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến chất lượng đào tạo giáo viên mầm non. Phát triển chương trình đào tạo là việc xây dựng mới hoặc điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện, mở rộng, cập nhật, nâng cao các chương trình đào tạo.
Căn cứ Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định phê duyệt khung trình độ quốc gia Việt Nam; Căn cứ Thông tư số 23/2022/TT-BGDĐT ngày 30/12/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Điều lệ trường Cao đẳng Sư phạm; Thông tư số 29/2018/TT-BGD-ĐT ngày 24/12/2018 về Quy định khối lượng kiến thức tối thiếu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên; Quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo trình độ trung cấp và trình độ cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên của Bộ GD- ĐT.
Trường Cao đẳng sư phạm Điện Biên trong việc phát triển chươg trình đào tạo GVMN đều được triển khai thực hiện qua ba công đoạn (xây dựng chương trình khung, đề cương chi tiết, biên soạn tài liệu giảng dạy), với các bước nghiệm thu, thẩm định, phê duyệt nghiêm túc, chặt chẽ, nhằm bảo đảm tính cơ bản, tính hệ thống, tính liên thông, tính nâng cao (theo bậc học), tính hiện đại và tính cập nhật. Sau đó tiến hành lấy ý kiến tham khảo, đóng góp của các bên liên quan ban hành chuẩn đầu ra ngành GDMN cho K26 khóa 2023-2026 của nhà trường với 12 chuẩn đầu ra được xây dựng bài bản, hệ thống năng lực cần hình thành được xác định rõ ràng, logic với chương trình đào tạo và cập nhật với đổi mới chương trình phổ thông. Cụ thể: 06 chuẩn về kiến thức; 04 chuẩn về kỹ năng; 02 chuẩn về năng lực tự chủ và trách nhiệm.
Tổ Giáo dục mầm non trong quá trình xây dựng và phát triển chương trình đào tạo tiến hành nghiên cứu, góp ý, xây dựng chương trình khung, đề cương chi tiết, tham gia biên soạn tài liệu giảng dạy bảo đảm chất lượng tốt nhất có thể cho các chương trình đào tạo. Với chương trình đào tạo K26 của trường Cao đẳng Sư Phạm Điện Biên tổ giáo dục mầm non có 9 học phần cần xây dựng chương trình, đề cương chi tiết, bảng mô tả ma trận kiến thức, kĩ năng và năng lực đáp ứng phù hợp với chuẩn đầu ra của ngành đào tạo. Các thành viên trong tổ bộ môn đều tích cực tham gia nghiên cứu, tìm hiểu, xây dựng, đóng góp ý kiến để chương trình đào tạo giáo viên mầm non của nhà trường đảm bảo đáp ứng được chuẩn đầu ra theo yêu cầu đòi hỏi của thực tế tại các cơ sở giáo dục mầm non, phù hợp lứa tuổi, phù hợp khả năng thực hiện, bảo đảm số lượng và chất lượng trong đào tạo.
Sự thành công của công cuộc đổi mới GDMN hiện nay phụ thuộc vào nhân tố chính là các GV đang trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ ở hệ thống các trường mầm non. Vì vậy, chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo GV cần luôn cập nhật những yêu cầu mới, xác định được chuẩn đầu ra rõ ràng, học tập và vận dụng linh hoạt kinh nghiệm của quốc tế để có thể đào tạo được đội ngũ GVMN có năng lực chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục. Bên cạnh đó khả năng tự học, tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng thường xuyên của mỗi GV sẽ giúp họ có khả năng tự hoàn hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn dạy học luôn cần sự đổi mới, sáng tạo hiện nay đáp ứng với phát triển chương trình đào tạo, phát triển nghề nghiệp chuyên môn.
Một số hình ảnh tổ GDMN sinh hoạt chuyên môn