Bài và ảnh: Phạm Thị Thu Phương
Tổ chuyên môn là một bộ phận cấu thành trong bộ máy tổ chức, quản lý của nhà trường. Trong trường, các tổ, nhóm chuyên môn có mối quan hệ hợp tác với nhau, phối hợp các các bộ phận nghiệp vụ khác và các tổ chức Đảng, đoàn thể trong nhà trường nhằm thực hiện chiến lược phát triển của nhà trường, chương trình giáo dục và các hoạt động giáo dục và các hoạt động khác hướng tới mục tiêu giáo dục, đưa nhà trường đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Tổ giáo dục mầm non trường Cao đẳng sư phạm Điện Biên có 15 thành viên luôn nhận được sự chỉ đạo, quan tâm, động viên, chia sẻ của Ban chủ nhiệm Khoa cũng như Ban giám hiệu nhà trường trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của người giảng viên với các biện pháp cụ thể như:
Tổ chuyên môn nghiêm túc thực hiện sinh hoạt tổ 2 lần/tháng, sinh hoạt nhóm chuyên môn để vận dụng phương pháp dạy học tích cực nhằm thúc đẩy quá trình học tập của sinh viên đạt kết quả tốt.
Tổ Giáo dục mầm non trường Cao đẳng sư phạm Điện Biên luôn đổi mới cách sinh hoạt theo hướng tập trung giúp đỡ đồng nghiệp nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường vai trò của sinh viên trong việc tự học. Vận dụng các phương pháp dạy học hiện đại trong các môn học; bảo đảm cân đối giữa việc truyền thụ kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho sinh viên, tăng cường liên hệ thực tế, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với nội dung bài học.
Thực hiện tốt việc bảo quản và sử dụng thiết bị dạy học: Sự hỗ trợ của các phương tiện, thiết bị dạy học mang lại hiệu quả cao cho các giờ học trong các hoạt động như: nêu vấn đề; tìm kiếm thông tin; mở rộng kiến thức; củng cố, ôn tập và hệ thống hóa kiến thức; kích thích trí tò mò, lòng ham hiểu biết; kích thích hứng thú học tập. Giảng viên sử dụng triệt để, có hiệu quả tranh ảnh có trong giáo trình cộng với sưu tầm, ứng dụng khéo léo CNTT cho bài dạy sinh động, hấp dẫn thu hút sinh viên nâng cao chất lượng dạy và học trong tổ Giáo dục mầm non nói riêng cũng như trong chất lượng giáo dục và đào tạo của trường Cao đẳng sư phạm Điện Biên nói chung.
Người giảng viên trong mỗi tiết dạy biết liên hệ nhiều kiến thức vào thực tế để sinh viên thấy được ứng dụng và tầm quan trọng của môn học trong thực tiễn.
Với sự chuẩn bị chu đáo, đầu tư trong các bài giảng giúp sinh viên có ý thức học tập, có hứng thú với bộ môn từ đó có ý thức vươn lên.
Tạo không khí lớp học thoải mái nhẹ nhàng, sự gần gũi thân thiện để sinh viên thấy được thương yêu, tôn trọng mình.
Tìm hiểu từng đối tượng sinh viên, thường xuyên theo dõi để kịp thời giáo dục, uốn nắn, lắng nghe và thấu hiểu, dần dần hướng các em đi theo con đường đúng đắn.
Động viên khen thưởng kịp thời tạo động lực cho sinh viên học tập.
Chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và rèn khả năng tự học cho sinh viên.
Kết quả cụ thể là:
Với nhiệm vụ giảng dạy các thành viên của tổ bộ môn luôn đảm bảo yêu cầu về chương trình, nội dung kế hoạch giảng dạy. Năm học 2023-2024 có 100% các đồng chí giảng viên thi giảng viên giỏi vòng tổ bộ môn đều đạt giảng viên giỏi. Qua tổng kết, rút kinh nghiệm các giờ dạy thi giảng đã giúp các đồng chí giảng viên của tổ bộ môn học hỏi, bổ sung thêm được kỹ năng sư phạm hoàn chỉnh, phương pháp nghiệp vụ sư phạm hay từ các đồng nghiệp, là điều kiện để các giảng viên trao đổi, học hỏi. Qua đó cũng giúp tổ bộ môn có thêm cơ sở, căn cứ để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của giảng viên và có căn cứ để đề nghị giảng viên có đủ năng lực, trình độ dự thi giảng viên giỏi cấp cao hơn.
Với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học: năm học 2023-2024 tổ bộ môn có 6 giảng viên đăng kí biên soạn, viết tài liệu giảng dạy nội bộ; 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường và sáng kiến kinh nghiệm nhằm nâng cao và cải tiến chất lượng dạy và học của tổ bộ môn cũng như chất lượng giáo dục của trường Cao đẳng sư phạm Điện Biên.
Một số hình ảnh trong các tiết thi giảng của tổ GDMN – trường Cao đẳng sư phạm Điện Biên