Bài học về sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam

0
1340

Bài học về sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước được thể hiện rõ nét trong cuộc chiến chống “giặc Covid-19”

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Có được thắng lợi này, một trong những nguyên nhân, đồng thời cũng là bài học sâu sắc đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Từ thực tiễn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam, chúng ta có thể rút ra một số bài học cơ bản sau:

Thứ nhất, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đánh giá đúng kẻ thù, có chủ trương, đường lối phù hợp với từng thời điểm lịch sử cụ thể, lãnh đạo cách mạng đánh bại kẻ địch từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Thứ hai, giải quyết tốt mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam.

Thứ ba, giữ vững độc lập, tự chủ, đồng thời thực hiện đường lối đối ngoại mềm dẻo tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các nước trên thế giới, phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.

Trong cuộc chiến chống “giặc Covid-19”, bài học Thứ nhất được thể hiện sinh động: Ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở nước ta được phát hiện vào ngày 23-1-2020. Với sự nhạy bén trong phân tích, nhận định tình hình, ngay trong thời điểm toàn dân vẫn đang trong kỳ nghỉ Tết, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã phát đi một thông điệp mang tính chiến lược hết sức mạnh mẽ và sáng suốt: “Chống dịch như chống giặc”. Trận chiến với “giặc Covid-19” đã khởi đầu như vậy, với tâm thế chủ động trên tinh thần không quá lo lắng nhưng tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Trận chiến mở màn (giai đoạn 1), chúng ta đã chiến thắng, cắt đứt mạch lây lan và điều trị khỏi bệnh cho những người bị nhiễm Covid-19. Bước vào giai đoạn 2, bắt đầu từ khi ca bệnh thứ 17 xuất hiện (ngày 6-3), trận chiến đã trở nên khốc liệt hơn, khi lúc này dịch đã lan ra hơn 100 nước. Chưa dừng ở đó, vi rút SARS-CoV-2 vẫn “âm thầm mai phục” và nhen nhóm bùng phát với các ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tại quán bar Buddha (thành phố Hồ Chí Minh), nên Đảng, Nhà nước ta kích hoạt giai đoạn 3 của cuộc chiến, với việc Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công bố dịch trên toàn quốc (ngày 1-4).

Ứng phó với từng giai đoạn của dịch bệnh, chúng ta đã có những quyết sách, chiến thuật tương ứng theo từng cấp độ, phù hợp với tình hình mới. Chỉ đạo nổi bật, kịp thời là Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Công văn số 79-CV/TƯ ngày 29-1-2020, về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành hàng loạt chỉ thị, văn bản chỉ đạo việc phòng, chống dịch Covid-19, trong đó nhấn mạnh tinh thần xuyên suốt là chuẩn bị tốt nhất, sẵn sàng cho mọi tình huống, “chống dịch như chống giặc”, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt, “sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết”. Các địa phương trong cả nước, trong đó có Hà Nội cũng ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị triển khai đồng bộ các biện pháp để quyết liệt “đánh giặc”. Đặc biệt, với Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, cả nước đã thực hiện cách ly xã hội (từ ngày 1 đến 15-4). Đây là biện pháp mạnh mẽ và rất cần thiết đã được thực thi để khoanh vùng “địch”, cắt đứt mọi sự lây lan và tấn công của những “tên giặc SARS-CoV-2” đang lẩn khuất trong cộng đồng. Và những biện pháp này bước đầu đã phát huy tác dụng, khi một số ổ dịch đã được khoanh vùng, không để lây lan thêm…

Trong cuộc chiến chống “giặc Covid-19”, bài học Thứ hai được thể hiện bởi quan điểm vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Nền kinh tế nước ta đang bị thách thức nghiêm trọng bởi ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cũng như các tác động tiêu cực khác từ bên ngoài. Vì thế cần những giải pháp bảo đảm thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế – xã hội (KTXH). Với quan điểm như vậy, Đảng và Chính phủ đã có nhiều quyết sách tăng cường chống dịch, hạn chế ảnh hưởng của dịch đến phát triển kinh tế, nhiều doanh nghiệp, địa phương đã bứt phá vượt qua khó khăn của đại dịch để phát triển. Trong khó khăn chung, Việt Nam một lần nữa là điểm sáng khi chúng ta trở thành một trong số rất ít nước trên thế giới có tăng trưởng dương 2,12% trong 9 tháng đầu năm 2020.

Bài học Thứ ba được thể hiện trong cuộc chiến chống “giặc Covid -19” là: Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tinh thần “toàn dân chống giặc” một lần nữa được nhân lên mạnh mẽ. Đó là hình ảnh những cụ già, em nhỏ ủng hộ những đồng tiền tiết kiệm để chống dịch. Đó là những suất ăn được nhiều người chung tay tình nguyện cung cấp đến khu cách ly… Rồi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bằng những cách làm nhân văn, nghĩa cử ân tình và cao đẹp, tất cả đang chung tay đẩy lùi “giặc Covid-19”, đồng thời khẳng định mạnh mẽ quan điểm nhất quán “Không ai bị bỏ lại phía sau”! trong cam go, Việt Nam lại nổi lên là điểm sáng về tinh thần quốc tế cao cả. Chúng ta đã có nhiều hành động đẹp, thân ái, nghĩa tình giúp đỡ, ủng hộ các nước chống dịch và cũng tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của các nước trên thế giới trong cuộc chiến chống dịch.

Trong trận chiến khốc liệt này, một lần nữa không thể không nhắc đến những hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Họ là đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế, những người đang trực tiếp “tuyên chiến” với “giặc Covid-19”. Họ cũng là những chiến sĩ quân đội, công an đang ngày đêm canh làm nhiệm vụ ở khu cách ly công dân… Rồi các nhà khoa học ngày đêm bám trụ phòng nghiên cứu, để đạt được thành tựu đáng tự hào.

Hơn tất cả, người dân ở mọi lứa tuổi, mọi thành phần đã, đang và sẽ tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ, trở thành những chiến sĩ trên mọi mặt trận chống “giặc Covid-19”. Bản lĩnh, ý chí của người Việt Nam được phát huy, đẩy lên tầm cao mới.

Cuộc chiến này vẫn chưa kết thúc và phải tiếp tục phát huy tốt sức mạnh của toàn dân để giành chiến thắng. Do đó, mỗi người trước hết phải làm tròn bổn phận trách nhiệm công dân, thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để bảo vệ chính mình và cho cả cộng đồng.

Sách lược đúng đắn đi kèm các chiến thuật phù hợp, điều kiện hậu cần đầy đủ, các lực lượng luôn sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ, toàn dân đoàn kết trở thành hậu phương vững chắc, nhất định chúng ta sẽ ca khải hoàn trong trận chiến “giặc Covid-19” như đã từng chiến thắng các kẻ thù xâm lược.

Tác giả: Bùi Quang Huy

BÌNH LUẬN