Thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Đoàn trường Cao đẳng Sư phạm Điên Biên đã triển khai mô hình “Không gian sáng tạo trẻ” để tạo nên môi trường học tập, thực hành, thực nghiệm lý tưởng, mang lại những trải nghiệm học tập hiệu quả và thú vị nhất dành cho sinh viên của nhà trường.
Không gian học tập đóng vai trò không nhỏ trong việc khơi dậy những nguồn cảm hứng, kích thích ý tưởng sáng tạo cho sinh viên. Ngoài những giờ học trên giảng đường, không gian sáng tạo là nơi sinh viên được vận dụng những kiến thức đã được học trên lớp để thực hành, sáng tạo nhằm thỏa mãn niềm đam mê của mình.
“Không gian sáng tạo trẻ” được BCH Đoàn trường đặt tại tầng 3 khu nhà B3 của nhà trường. Tại đây, các em sinh viên có thể được tham gia thực hành, nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm liên quan đến ngành học như: làm đồ chơi, đồ dùng cho trẻ mầm non, đồ dùng dạy học, các sản phẩm hội họa, mĩ thuật,…
Ảnh 1: Sinh viên tham gia vẽ tranh
“Không gian sáng tạo trẻ” tạo điều kiện cho sinh viên được trải nghiệm thực tiễn, rèn luyện tay nghề, sáng tạo ra các sản phẩm có khả năng ứng dụng vào thực tế, thiết kế các đồ dùng học cụ, đồ chơi hỗ trợ cho nhiều trường mầm non trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ. Những sản phẩm này được tận dụng từ những thứ tưởng chừng như bỏ đi trong sinh hoạt, nhưng với đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của các em, chúng đã trở thành những món đồ chơi, đồ dùng vô cùng hữu ích phục vụ cho hoạt động học tập.
Ảnh 2: Sinh viên thiết kế đồ chơi, đồ dùng dạy học
Sinh viên Lường Thị Thư lớp K22MN3 chia sẻ: “Sau những giờ học ở trên lớp, chúng em được thoái mái để thỏa mãn niềm đam mê của mình. Ở đây, chúng em có không gian để có thể bày biện, cắt xé, tận dụng những đồ bỏ đi như hộp sữa chua, que kem, chai nước, giấy bọc hoa… để làm thành những món đồ chơi rất đáng yêu, cực kỳ bắt mắt và rất tiết kiệm phục vụ cho hoạt động học tập của mình ”.
Trong chương trình tình nguyện hè năm 2021, công trình “Không gian đẹp cho em” do Đoàn trường phát động và tổ chức, từ những rác thải đã được thu gom để tạo ra đồ dùng học tập cho trẻ mầm non. Các em đã làm được 375 sản phẩm học tập và đồ trang trí làm từ rác thải nhựa và phế liệu trong sinh hoạt được sử dụng để trang trí cho lớp học tại trường mầm non Thanh Chăn.
Không dừng lại ở việc ứng dụng kiến thức vào thực tế, nhiều sinh viên còn biến “Không gian sáng tạo trẻ” thành môi trường học tập thú vị để thể hiện năng lực và khẳng định bản thân.
Mặc dù “Không gian sáng tạo trẻ” còn hẹp, mới chỉ phần nào thỏa mãn nhu cầu học tập của các em. Song hoạt động này đã góp phần thúc đẩy đam mê sáng tạo, tình yêu nghề, khích lệ tinh thần tự học, sáng tạo và phát triển năng lực cá nhân trong học tập, rèn luyện của mỗi sinh viên. Đây cũng chính là môi trường “Khởi điểm” của nhiều cựu sinh viên đang vững bước và cống hiến sức trẻ của mình cho các cơ sở giáo dục trong tỉnh nhà.
Người viết bài: Đào Thị Bách