Một số biện pháp đảm bảo hiệu quả dạy và học trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh Covid kéo dài

0
12594

Năm học 2021-2022, theo kế hoạch số 272/CĐSP-ĐT ngày 11 tháng 8 năm 2021 về việc tổ chức dạy học trực tuyến các lớp đào tạo trình độ cao đẳng, trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên đã tổ chức dạy học trực tuyến nhằm đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid. Đây là năm học đầu tiên nhà trường thực hiện dạy và học theo hình thức này, do đó còn nhiều khó khăn vướng mắc trong công tác tổ chức dạy học. Bài viết phân tích những ưu nhược điểm của dạy học trực tuyến, từ đó đề xuất một số biện pháp đảm bảo hiệu quả việc dạy và học trực tuyến cho sinh viên trường Cao đẳng sư phạm Điện Biên.

Trong thời đại Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT) là điều kiện thuận lợi và có sự ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động GD-ĐT, dạy và học trực tuyến trở thành xu thế đào tạo trong thời kì mới. Đặc biệt trước diễn biến phức tạp của dịch Covid thì dạy học trực tuyến là lựa chọn tối ưu nhất và ngày càng phát huy nhiều ưu điểm nổi bật.

So với dạy học truyền thống, dạy học trực tuyến có nhiều ưu điểm: Sinh viên không phải đến trường, có thể học ngay tại nhà, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch Covid; Giảng viên có thể phát huy hiệu quả của việc sử dụng hình ảnh, âm thanh và video để truyền đạt nội dung học tập đến người học giúp bài học thêm hấp dẫn và sinh động. Ngoài ra, giảng viên còn có thể quản lý học viên trong quá trình tham gia học tập; Sinh viên có thể truy cập nguồn tài liệu học tập tại bất kỳ nơi đâu: ở nhà, nơi làm việc hay các địa điểm mạng internet công cộng và vào bất kỳ thời gian nào thích hợp khi họ muốn.

Bên cạnh đó, dạy học trực tuyến cũng có những hạn chế như: Việc dạy học trực tuyến đòi hỏi hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật về Công nghệ thông tin luôn đáp ứng được việc kết nối, đảm bảo tình trạng hình ảnh, âm thanh ổn định. Môi trường dạy và học trực tuyến làm giảm sự tương tác giữa người dạy và người học: Học trực tuyến qua mạng làm giảm khả năng truyền đạt với lòng say mê nhiệt huyết của giáo viên đến sinh viên;  Sinh viên không có nhiều cơ hội học hỏi trao đổi thông tin với bạn bè, không kích thích được sự chủ động và sáng tạo của sinh viên. Học trực tuyến online đòi hỏi cả người dạy và người học phải thành thạo trong việc sử dụng máy tính, sử dụng các ứng dụng dạy học. Việc dạy học trực tuyến cũng làm nảy sinh ra các vấn đề liên quan đến an ninh mạng cũng như các vấn đề về sở hữu trí tuệ… Trong đó, nhược điểm quan trọng nhất của hình thức học online đó chính là thiếu sự tương tác của người dạy với người học một cách trực tiếp.

            Thực tế qua thời gian dạy học trực tuyến vừa qua, những hạn chế này đã bộc lộ: Trong quá trình dạy học, có những lúc vì điều kiện mạng không đảm bảo, giáo viên và sinh viên không vào lớp đúng giờ, hoặc có khi đang dạy, đang học thì bị treo máy, bị thoát ra làm gián đoạn việc dạy và học. Một số giảng viên chưa sử dụng thành thạo các ứng dụng dạy học nên cảm thấy áp lực, dạy học chưa mang lại hiệu quả tích cực. Giảng viên và sinh viên thiếu tương tác làm bài học thiếu sự hấp dẫn, sinh động. Sinh viên chưa tích cực, chủ động, còn biểu hiện học cho có, học đối phó,… Những hạn chế trên nếu không được khắc phục sẽ tác động lớn đến kết quả, chất lượng của việc dạy học trong nhà trường.

            Để khắc phục những hạn chế trên, đảm bảo hiệu quả, chất lượng dạy và học, cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:

            Thứ nhất, đối với nhà trường, cần đảm bảo hạ tầng công nghệ phục vụ hoạt động dạy học trực tuyến. Việc đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin rất quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể tới tiến độ, chất lượng học tập. Hạ tầng máy chủ, mạng internet, tốc độ đường truyền, băng thông và hệ thống các phần mềm có đáp ứng khả năng truy cập, lưu trữ các nguồn tài nguyên học tập, các dữ liệu phục vụ giảng dạy và học tập hay không sẽ đóng vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng dạy học khi triển khai hình thức dạy học này. Nếu hạ tầng công nghệ được đảm bảo, thông suốt, quá trình dạy và học trực tuyến với sự hỗ trợ của công nghệ truyền thông đa phương tiện, những bài giảng có tích hợp text, hình ảnh minh họa, âm thanh sẽ làm tăng thêm tính hấp dẫn, thuyết phục của bài học. Thông qua đó, người học được sự hỗ trợ nhanh chóng và đầy đủ từ đa dạng kênh, hệ thống tài liệu được lưu trữ trên hệ thống giúp người học có thể truy xuất các thông tin hỗ trợ quá trình học nhanh chóng và đầy đủ. Bên cạnh đó, các chức năng trò chuyện, tương tác với học viên, giảng viên và quản trị viên hệ thống giúp người học giải quyết được nhiều thắc mắc một cách nhanh chóng.

Nhà trường cần quản lý việc sử dụng có hiệu quả hạ tầng công nghệ thông tin, thực hiện bảo mật, bảo trì hệ thống các thiết bị phần cứng, phần mềm để việc sử dụng ổn định, an toàn, hiệu quả, đảm bảo triển khai việc dạy và học trực tuyến được thông suốt. Bên cạnh đó, các trường cần tổ chức giám sát thường xuyên việc sử dụng hạ tầng công nghệ thông tin; xây dựng đội ngũ cán bộ quản trị và phát triển phần mềm có trình độ chuyên nghiệp để nghiên cứu, phát triển nâng cấp hệ thống; định kỳ tổ chức đánh giá việc khai thác, sử dụng hệ thống thiết bị phần cứng, phần mềm để kịp thời có giải pháp sử dụng hiệu quả hơn, phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin và duy trì nguồn kinh phí hợp lý để bảo trì, đầu tư nâng cấp chất lượng hệ thống.

Thứ hai, đối với giảng viên, dạy học trực tuyến đòi hỏi giảng viên phải kỹ năng sử dụng công nghệ thành thạo. Nếu như giảng viên giảng dạy theo hình thức truyền thống chỉ cần am hiểu nắm bắt sử dụng công nghệ ở một mức tối thiểu nào đó là có thể hoàn thành nhiệm vụ, giảng viên dạy học trực tuyến phải có kiến thức và kỹ năng về sử dụng công nghệ khá thuần thục (ít nhất là với hệ thống vận hành hiện tại, với ứng dụng dạy học đang được sử dụng), giảng viên phải tạo được môi trường khuyến khích sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên.

Vì vậy, để việc dạy học trực tuyến có hiệu quả, giảng viên phải tăng cường trau dồi kỹ năng sử dụng, ứng dụng, tích hợp công nghệ thông tin trong sử dụng, xây dựng, thiết kế bài giảng, chương trình và có kỹ năng tương tác với người học thông qua các thiết bị công nghệ. Giảng viên cần tích cực nghiên cứu, tìm hiểu về ứng dụng được sử dụng để sử dụng thành thạo. Khi gặp khó khăn vướng mắc cần trao đổi ngay với đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ từ bạn bè, đồng nghiệp. Đồng thời, vì tương tác giao tiếp trong dạy học trực tuyến là gián tiếp, chủ yếu thông qua “bàn phím”, sinh viên rất khó hiểu được ý tưởng cũng như cảm xúc của giảng viên khi trao đổi cùng họ nên giảng viên cần có tính kiên trì và khả năng đọc suy nghĩ, cảm xúc của người học. Giảng viên cần có sự sáng tạo và linh hoạt trong cách diễn đạt ngôn từ, hướng tới sự truyền đạt hiệu quả ý tưởng, khơi dậy cảm xúc cho người học để thiết kế bài học, xây dựng kịch bản khung khóa học một cách hợp lý. Đồng thời, giảng viên cần tận dụng những tính năng của ứng dụng, tìm hiểu những cách dạy học tang cường sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên trong dạy học trực tuyến.

Thứ ba, đối với sinh viên, việc học trực tuyến đòi hỏi sinh viên phải có kiến thức nhất định về công nghệ thông tin, đặc biệt là kỹ năng trong việc sử dụng máy tính, sử dụng ứng dụng dạy học nhà trường cung cấp và khai thác nguồn tài liệu số trên mạng. Sinh viên cần tìm hiểu kỹ về ứng dụng mà sinh viên sử dụng để học. Nhiều sinh viên có ý nghĩ chủ quan khi cho rằng việc học trực tuyến chỉ cần đăng nhập vào nhóm, đúng giờ là ngồi học. Tuy nhiên, sinh viên cần tìm hiểu kỹ về các thông tin về hệ thống phần mềm để có thể tham gia học, lấy tài liệu, khắc phục các sự cố,…nếu có thắc mắc gì thì phải hỏi giảng viên, trao đổi với bạn bè để được giải đáp ngay. Khi bạn hiểu cách sử dụng, sinh viên sẽ biết tận dụng tối đã các tính năng của phần mềm, tăng hiệu quả học tập.

Trong quá trình học trực tuyến, tốc độ chia sẻ màn hình và tài liệu khá nhanh, và khó theo dõi hơn so với qua trình học trực tiếp. Vì vậy, học trực tuyến đòi hỏi sinh viên cần nâng cao khả năng chú ý với bài giảng, đồng thời phải có kỹ năng đọc tốt để có thể nắm bắt các ý mà tài liệu chia sẻ. Đọc nhanh, nắm bắt được thông tin mà mình đọc dễ dàng và kịp thời giúp nâng cao hiệu quả học tập đáng kể. Với lượng kiến thức không nhỏ cần lĩnh hội trong từng bài học thì đọc nhanh là cách để cải thiện hiệu quả học tập của chính bản thân. Đồng thời, sinh viên cũng cần tận dụng khả năng ghi chép thường xuyên. Mặc dù giảng viên có gửi lại tài liệu học dưới dạng file mềm thì sinh viên vẫn nên ghi chép. Khi tham gia vào các bài học trực tuyến nếu có thể ghi chép ở những kiến thức, những khía cạnh bản thân thấy cần thiết sẽ là dữ liệu quý, là thông tin vô cùng cần thiết trong lĩnh vực mà chúng ta đang tìm hiểu. Ghi chép giúp việc duy trì nhớ kiến thức hữu ích cho bản thân dễ dàng hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, với học trực tuyến, người học không trực tiếp lên lớp nên chất lượng tiếp thu phụ thuộc rất lớn vào khả năng tự học, tinh thần tự giác, sự linh hoạt chủ động của người học. Vì vậy, mỗi sinh viên phải có tính chủ động rất cao trong việc nghiên cứu tài liệu, tích cực tương tác với giáo viên cũng như tương tác với những người học khác để tiếp nhận kiến thức, tích cực tham gia thảo luận. Học trực tuyến không chỉ nên dừng ở việc bạn chỉ tham gia vào khóa học, tự mình tương tác với giáo viên và tự tìm hiểu một mình. Trong quá trình học online, việc trao đổi nhóm, học tập nhóm hoàn toàn có thể thực hiện được dễ dàng. Các phần mềm học trực tuyến hiện này đều có tính năng hỗ trợ giúp người học trong cùng khóa học có thể liên lạc, cùng trao đổi và thảo luận với nhau. Với việc làm việc nhóm, trao đổi, tương tác với nhau các sinh viên có thể hỗ trợ, bổ sung được kiến thức cho nhau hiệu quả. Đây còn là cách giúp cải thiện khả năng làm việc nhóm. Vì vậy, khi tham gia học trực tuyến áp dụng phương pháp học theo nhóm, cùng làm bài tập, cùng giải quyết vấn đề theo nhóm. Học nhóm sẽ giúp cho việc học hiệu quả hơn, kiến thức nhận về nhiều hơn và chất lượng hơn,… Ngoài ra, trong quá trình học, người học cũng có thể cùng trao đổi thông qua các diễn đàn để có được những chia sẻ hữu ích, hỗ trợ bổ ích từ nhiều người khác.

Dạy và học trực tuyến hiện đang là lựa chọn tối ưu trong tình hình dịch Covid kéo dài và phức tạp. Việc làm quen với hình thức dạy học này trong thời gian đầu không tránh khỏi những vướng mắc, lúng túng. Để đảm bảo hiệu quả dạy và học trực tuyến, đảm bảo chất lượng dạy học đòi các phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp từ phía nhà trường, giảng viên và sự nỗ lực của sinh viên.

Tác giả: Trần Thị Phương Thanh

BÌNH LUẬN