Một số biện pháp quản lý hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại các trường mầm non công lập

0
11143

Nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ là việc làm hết sức quan trọng mà toàn xã hội đều quan tâm. Riêng đối với bậc học mầm non, việc chăm sóc, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ được đặt lên hàng đầu. Theo Điều lệ trường mầm non: “Mục tiêu của giáo dục mầm non là giúp trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mĩ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vào học lớp Một” Để trẻ phát triển cân đối, hài hòa, khỏe mạnh ngay từ những năm tháng đầu đời, trẻ cần phải có một chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc hợp lí và khoa học. Để thực hiện được mục tiêu đó, người Hiệu trưởng phải thực hiện tốt công tác quản lý nhà trường nói chung và quản lý hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ nói riêng. Đó là quá trình tác động liên tục của Hiệu trưởng trường mầm non đến giáo viên, nhân viên, hoạt động giáo dục và các nguồn lực trong và ngoài nhà trường, nhằm đạt mục tiêu nuôi dưỡng trẻ đã đề ra, bằng cách thực hiện các chức năng quản lí lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá.

Một số biện pháp quản lí hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại các trường mầm non công lập:

  1. Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao nhận thức về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non cho đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên và nhân viên các trường mầm non công lập

Mục đích: Giúp đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên và nhân viên có ý thức trách nhiệm hơn trong phát triển năng lực nghề nghiệp, cập nhật xu thế giáo dục mầm non và nhu cầu của phụ huynh trên địa bàn để phục vụ tốt hơn hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở các trường mầm non công lập.

Cách tiến hành:

– Hiệu trưởng các trường phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức khảo sát nhu cầu của phụ huynh trên địa bàn về công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non; tổ chức quán triệt đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, phương hướng nghiệp vụ của ngành đối với mọi cán bộ, giáo viên bằng cách tổ chức các hình thức bồi dưỡng thường xuyên hợp lí, có hiệu quả;

– Đối với hiệu trưởng, cán bộ quản lí các trường mầm non công lập, phải nhận thức được vấn đề tự học, tự bồi dưỡng và tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng để nâng cao trình độ tay nghề vì đó là một trong những tiêu chuẩn quan trọng đánh giá các danh hiệu thi đua;

– Đối với giáo viên, Ban Giám hiệu các trường cần phải thường xuyên tổ chức họp hội đồng nhà trường, tuyên truyền, phổ biến nội dung nuôi dưỡng trẻ cập nhật theo nhu cầu của địa bàn và thực hiện theo quy chế chuyên môn của ngành, giáo viên phải nhận thức được tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng trẻ và hiểu rõ trách nhiệm của mình phải chăm sóc trẻ;

– Đối với nhân viên nuôi dưỡng, Ban Giám hiệu phát tài liệu, các loại sách dạy nấu ăn, hàng tháng họp hội đồng tuyên truyền để nhân viên nuôi dưỡng nhận thức đúng vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc nâng cao về kiến thức khoa học dinh dưỡng nuôi dưỡng trẻ mầm non bằng cách nấu ăn ngon, hợp khẩu vị trẻ, thay đổi thực đơn theo mùa…;

Ngoài ra, Ban Giám hiệu các trường phải tạo điều kiện về vật chất và thời gian để giáo viên và nhân viên nuôi dưỡng yên tâm, phấn khởi tham gia các hoạt động bồi dưỡng, không chủ quan cho rằng đội ngũ giáo viên và nhân viên nuôi dưỡng được đào tạo chuẩn nên coi nhẹ công tác bồi dưỡng thường xuyên.

  1. Lập kế hoạch hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ trong trường mầm non theo chuẩn phát triển của trẻ, phù hợp với tình hình địa bàn, nhu cầu của phụ huynh và điều kiện thực tế của nhà trường

Mục đích: Việc lập kế hoạch của hiệu trưởng là chức năng quản lí đầu tiên có vai trò quan trọng, xác định phương hướng hoạt động và phát triển của nhà trường, của hoạt động nuôi dưỡng trẻ, đồng thời xác định kết quả cần đạt được trong tương lai. Xây dựng kế hoạch theo tiêu chí vận dụng mọi điều kiện của nhà trường vào hoạt động nuôi dưỡng trẻ theo chuẩn phát triển của trẻ sẽ giúp trẻ tăng cường sức khỏe, giảm bớt bệnh tật của trẻ góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non công lập.

Cách tiến hành:

– Hiệu trưởng các trường lập kế hoạch công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo năm học với những định hướng phát triển cụ thể, công việc và thời gian thực hiện, kết quả dự kiến và các giải pháp thực hiện; thu thập, nghiên cứu những quy định của ngành, các thông tư về công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non; đánh giá thành tích và nhược điểm từ năm học trước để xác định mục tiêu cho năm học mới; rà soát các điều kiện thực tế của trường. Đồng thời, Hiệu trưởng lên kế hoạch cải thiện những hạn chế còn tồn đọng trên cơ sở đánh giá, so sánh thực trạng hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà trường với tiêu chuẩn, quy định đã đề ra, xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế của trường và sát các văn bản chỉ đạo của Bộ, Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các quy định, nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm học đó;

– Khi xây dựng kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, hiệu trưởng cần lưu ý đến các yếu tố cấu thành kế hoạch, bao gồm: Các dự kiến về mục tiêu, chỉ tiêu, kết quả hướng tới; tiến độ thực hiện; nội dung công việc gắn liền với hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ; người thực hiện và các điều kiện khả thi; công tác tổ chức, chỉ đạo và điều hành từng nội dung công việc. Những yếu tố này phải phù hợp với điều kiện của nhà trường, tình hình kinh tế – xã hội của địa phương và nhu cầu của phụ huynh.

– Sau khi xây dựng, kế hoạch cần thông qua Ban Giám hiệu, Ban Chỉ đạo công tác y tế trường học, Hội đồng Sư phạm để mọi thành viên nhà trường nắm được công việc trong một năm học; lấy ý kiến đóng góp của mọi thành viên để bản kế hoạch thêm chi tiết, sáng tạo; bổ sung những ý kiến xây dựng của các thành viên vào bản kế hoạch rồi điều chỉnh lại kế hoạch trước khi đưa vào thực hiện.

  1. Tổ chức thực hiện kế hoạch chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ theo quy trình, phù hợp với chuẩn phát triển của trẻ và tận dụng mọi điều kiện của nhà trường

Mục đích: Việc quản lí tổ chức thực hiện công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo quy trình sẽ giúp Hiệu trưởng các trường mầm non công lập dễ dàng trong việc kiểm soát công tác nuôi dưỡng trẻ của trường. Đồng thời, giúp giáo viên, nhân viên triển khai các nội dung công việc theo yêu cầu một cách khoa học, bài bản, tuần tự, không bỏ sót việc nào và mang lại hiệu quả cao.

Cách tiến hành:

– Hiệu trưởng tổ chức thực hiện công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo quy trình gồm 5 bước cơ bản: (1) Tuyển sinh; (2) Phân lớp theo độ tuổi; (3) Chuẩn bị cơ sở vật chất; (4) Thực hiện kế hoạch nuôi dưỡng trẻ; (5) Kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm;

– Đối với bước tuyển sinh, ngay sau khi kết thúc năm học trước, hiệu trưởng tổ chức triển khai điều tra để nắm được số lượng trẻ trong độ tuổi, xây dựng kế hoạch tuyển sinh, chuẩn bị cơ sở vật chất để tiếp nhận trẻ. Khi tiếp nhận trẻ, nhà trường phải yêu cầu phụ huynh cung cấp đầy đủ thông tin về trẻ, đặc biệt là các thông tin về sức khỏe của trẻ;

– Trên cơ sở thông tin về trẻ, phân lớp theo độ tuổi, Hiệu trưởng xây dựng quy chế nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ cho từng khối lớp cụ thể; phân công giáo viên vào các lớp phù hợp với năng lực, thế mạnh của từng giáo viên. Nhà trường phải chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo cho công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng chuẩn phát triển của trẻ và mục tiêu kế hoạch đã đề ra; phải có đủ điều kiện đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ theo đúng quy định;

– Hiệu trưởng phải tổ chức thực hiện đầy đủ và giám sát chặt chẽ các hoạt động sau nhằm đảm bảo trẻ được phát triển tốt nhất trong nhà trường: Vệ sinh học đường; đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm; theo dõi tình hình sức khoẻ, bệnh tật của trẻ; thực hiện công tác phòng chống dịch; công tác tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ; thực hiện chế độ sinh hoạt cho trẻ theo đúng kế hoạch đã đề ra hàng tháng, hàng tuần, hàng ngày; thực hiện chế độ dinh dưỡng đảm bảo đủ về lượng, cân đối các chất dinh dưỡng, có chế độ chăm sóc đặc biệt đối với những trẻ khuyết tật, trẻ thừa cân, trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi, thể nhẹ cân;

– Các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ phải được hiệu trưởng kiểm tra thường xuyên, từ đó có những đánh giá, rút kinh nghiệm đưa ra các biện pháp phù hợp, đảm bảo chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ của nhà trường ngày càng tốt hơn.

Các biện pháp quản lí được đề xuất có tính độc lập tương đối, hướng đến mục tiêu chung nhất là cải thiện hiệu quả quản lí hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở các trường mầm non công lập. Mỗi biện pháp đều có vai trò quan trọng nhất định đối với toàn bộ quy trình quản lí và phải được thực hiện chung với nhau, không xem nhẹ và cũng không được bỏ qua bất cứ biện pháp nào, nếu không sẽ không phát huy được hết hiệu quả của hệ thống các biện pháp này./.

Tác giả: Trần Thị Phương Thanh

BÌNH LUẬN