Phát triển của ngành giáo dục đào tạo tỉnh Điện Biên gắn liền với sự trưởng thành của trường CĐSP Điện Biên từ năm 1963 đến nay

0
10814

Sự nghiệp Giáo dục tỉnh Điện Biên có được như ngày hôm nay có vai trò to lớn của đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục và giáo viên các cấp, mà phần lớn số đó từng được đào tạo hoặc được bồi dưỡng ở Trường CĐSP Điện Biên.

Trải qua 56 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, vượt qua muôn vàn khó khăn với 7 lần di chuyển địa điểm, hơn 600 cán bộ, giảng viên và nhân viên các thế hệ của Trường Sư phạm cấp I Lai Châu, nay là Trường CĐSP Điện Biên đã đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo được 35.370 lượt cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên các cấp. Trong đó có 9.744 sinh viên hệ cao đẳng chính quy, 4.105 học viên hệ cao đẳng sư phạm vừa làm vừa học, 6.570 học sinh trung cấp chính quy và hơn 11 nghìn học viên hệ bồi dưỡng ngắn hạn. Đội ngũ này đã góp phần quan trọng, giúp ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên hoàn thành nhiệm vụ Phổ cập Giáo dục THCS năm 2008; Phổ cập Giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi mức độ I năm 2010 và hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2014.

Trước thực trạng đội ngũ giáo viên nhất là giáo viên THCS, giáo viên tiểu học của Tỉnh đã cơ bản đáp ứng quy mô phát triển, trong vài năm trở lại đây, Nhà trường đã có sự chuyển hướng, điều chỉnh quy mô đào tạo và bồi dưỡng bám sát nhu cầu thực tiễn; đã giảm dần quy mô đào tạo nhất là đào tạo dưới chuẩn; chấm dứt đào tạo trình độ trung cấp và sơ cấp sư phạm, nâng dần quy mô đào tạo hệ cao đẳng và liên kết đào tạo đại học, cao học; đẩy mạnh quy mô bồi dưỡng CBQL giáo dục, giáo viên và nhân viên nghiệp vụ giáo dục nhất là bồi dưỡng nâng chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên.

 Đội ngũ nhà CBQL và giảng viên của Nhà trường ổn định và giảm nhẹ là phù hợp với quy mô phát triển nhưng trình độ và năng lực của đội ngũ lại từng bước được nâng lên. So với những năm đầu Trường mới được nâng cấp thành trường cao đẳng, thời điểm tháng 12 năm 2000 thì trình độ của giảng viên có bước phát triển vượt bậc: Từ chỗ còn 11,5% giảng viên dưới chuẩn và chỉ có 11,5% giảng viên có trình độ Thạc sỹ, đến nay 139/139 giảng viên và CBQL của Trường đạt trình độ chuẩn cử nhân đại học trở lên, trong đó gần 80% số giảng viên có trình độ Tiến sỹ và Thạc sỹ; gần 40% giảng viên được công nhận Giảng viên chính hạng II. Đó là những số liệu rất đáng tự hào đối với một trường chuyên nghiệp ở một tỉnh vùng cao, biên giới như Điện Biên.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của Nhà trường tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. Đến nay phần lớn các công trình đều được xây dựng kiên cố, được đầu tư sửa chữa; các trang thiết bị dạy học và làm việc về cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo.

  Những cố gắng, quyết tâm của một tập thể với truyền thống đoàn kết, vượt khó, luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Lao động hạng Ba năm 1991; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2008; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2013 và sau 50 năm xây dựng trưởng thành nhà trường được tặng thưởng huân chương Độc lập hạng Ba; 01 thầy giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; 06 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Và đặc biệt hôm nay, trước thềm năm học mới, Nhà trường một lần nữa tự hào là một trong số rất ít trường CĐSP trong nước đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục do Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đánh giá, công nhận.

Trước yêu cầu đổi mới căn bản Giáo dục và Đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngành Giáo dục tỉnh Điện Biên sẽ phải tập trung nâng cao chất lượng ở các cấp học và trình độ đào tạo; chuẩn bị các điều kiện, nhất là trình độ, năng lực của đội ngũ để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới theo lộ trình. Để đáp ứng yêu cầu đó, Trường CĐSP Điện Biên sẽ phải thực sự chuyển mình để bắt kịp đổi mới giáo dục phổ thông; sự nhập cuộc tích cực của Nhà trường để đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ CBQL giáo dục, giáo viên các cấp của Tỉnh đáp ứng đổi mới Giáo dục và Đào tạo nói chung, chương trình giáo dục phổ thông mới nói riêng là yêu cầu hết sức bức thiết.

Muốn vây, Nhà trường phải tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực quản lý và điều hành, chú trọng chất lượng và hiệu quả các hoạt động nhất là hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với hoạt động đào tạo. Nhà trường cần tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới; đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng phát huy năng lực của người học; duy trì quy mô đào tạo giáo viên trình độ CĐSP mầm non; giảm quy mô và tiến tới dừng đào tạo giáo viên tiểu học và THCS trình độ cao đẳng theo quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS của Chính phủ; từng bước mở rộng loại hình và phát triển quy mô bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nghiệp vụ giáo dục đáp ứng nâng chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên các cấp và thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình.

Trong năm học này và những năm tiếp theo, Nhà trường cần bám sát vào mục tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp cơ bản của Kế hoạch nâng cao chất lượng Trường CĐSP Điện Biên giai đoạn 2020-2025 sẽ được Tỉnh phê duyệt trong thời gian tới để tổ chức thực hiện thật tốt.

Trước hết, Nhà trường cần chú trọng cải tiến, xắp xếp lại bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục rà soát, sàng lọc để đội ngũ giảng viên của trường sư phạm phải thực sự đủ tài, đủ đức đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Giảng viên của Nhà trường phải phấn đấu đạt chuẩn Giảng viên, trở thành giảng viên cốt cán cấp Tỉnh; có năng lực chuyên môn và nghiệp vụ vững vàng, thực sự là các nhà sư phạm mẫu mực, uyên thâm; đủ năng lực thực hiện tốt chức năng đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, giáo viên các cấp của Tỉnh.

Nhà trường cũng cần tăng cường xây dựng và phát triển đội ngũ, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên; tiếp tục cử giảng viên đi học nâng cao trình độ, nhất là đi NCS. Khuyến khích giảng viên nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; cần tạo được lực lượng giảng viên có năng lực tham gia các đề tài khoa học cấp Tỉnh để giải quyết, tháo gỡ những nút thắt trong phát triển, kinh tế, văn hóa-xã hội của Tỉnh nhà. Cần tạo điều kiện cho giảng viên tham gia tập huấn, bồi dưỡng thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; tiếp cận những đổi mới của giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non; tăng cường gắn kết sư phạm với phổ thông để chất lượng đào tạo tiệm cận với yêu cầu sử dụng.

Nhà trường cần chủ động khảo sát thực tế nhu cầu bồi dưỡng cán bộ, giáo viên các cấp; tìm hiểu những khó khăn, bất cập, những mâu thuẫn trong nâng cao chất lượng dạy học ở bậc học mầm non, phổ thông để đề xuất với Ngành nội dung, chương trình bồi dưỡng thích hợp; xây dựng chương trình, tài liệu và triển khai bồi dưỡng đội ngũ CBQL giáo dục, giáo viên và nhân viên nghiệp vụ giáo dục với những cách làm sát hợp; từng bước tiếp cận bồi dưỡng một số loạị hình cán bộ công chức, viên chức ngoài ngành giáo dục với bước đi chắc chắn.

Có thể nói, sự nghiệp Giáo dục tỉnh Điện Biên có được như ngày hôm nay có vai trò to lớn của đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục và giáo viên các cấp, mà phần lớn số đó từng được đào tạo hoặc được bồi dưỡng ở Trường CĐSP Điện Biên. Tin rằng, với bề dày truyền thống tốt đẹp, với những cố gắng, quyết tâm của tập thể sư phạm đã vượt qua vòng đánh giá ngoài của một trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục có uy tín, tập thể Cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên của Nhà trường sẽ bước vào năm học mới với vị thế mới, khí thế mới; sẽ quyết tâm giữ vững danh hiệu và uy tín của một cơ sở đào tạo giáo viên đạt chuẩn chất lượng; sớm khắc phục những tiêu chí chưa đạt hoặc còn tồn tại để hoàn thành tốt trọng trách là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên có uy tín của Tỉnh và khu vực Tây Bắc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển Giáo dục và Đào tạo của tỉnh nhà./.

Điện Biên, ngày 08/10/2019

Người viết: Bùi Quang Huy

BÌNH LUẬN