Nâng cao năng lực quản lý sự thay đổi của hiệu trưởng để hỗ trợ trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học

0
1413

Công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục (CBQL GD), đặc biệt là CBQL GD các cơ sở giáo dục luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Đảng, Chính phủ và ngành Giáo dục và Đào tạo từ đầu những năm 1990. Năm 1997, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định 3481/QĐ-BGD&ĐT ngày 20/11/1997 về chương trình bồi dưỡng CBQL GD, trong đó có khung chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông và thường xuyên điều chỉnh chương trình bồi dưỡng. Trên cơ sở các quyết định của Bộ GD&ĐT, các cơ sở bồi dưỡng CBQL GD đã thực hiện bồi dưỡng hàng chục ngàn CBQL GD các cấp và đã có những đóng góp đáng kể vào công tác quản lý giáo dục của đất nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế – xã hội trong nước và quốc tế có nhiều biến động, GD Việt Nam đang đối diện với nhiều cơ hội và thách thức. Toàn cầu hoá, nền kinh tế tri thức và cách mạng khoa học công nghệ có những tác động lớn làm thay đổi vai trò của người hiệu trưởng nhà trường. Người hiệu trưởng cần phải chuyển đổi từ nhà quản lý thụ động sang một nhà lãnh đạo và quản lý năng động, thích ứng với mọi sự thay đổi và đòi hỏi ngày càng cao của xã hội. Điều này đòi hỏi người hiệu trưởng nhà trường cần hiểu rõ kiến thức và có kỹ năng thành thạo quản lý sự thay đổi.

Vấn đề chuyển tiếp của trẻ từ mầm non lên tiểu học không phải là vấn đề mới mà đã được đề cập đến từ những năm 1980. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay ở Việt Nam, việc hỗ trợ trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp chưa thực sự được quan tâm một cách đầy đủ đối với mỗi nhóm đối tượng riêng biệt – trẻ em ở thành phố và nông thôn, miền núi và vùng khó khăn… Trong các trường mầm non và tiểu học, việc triển khai các hoạt động hỗ trợ còn chưa thực sự hệ thống, sự kết nối giữa hai cấp, bậc học còn lỏng lẻo. Thống nhất cách hiểu về giai đoạn chuyển tiếp, vai trò và trách nhiệm của những bên liên quan, đặc biệt vai trò của hiệu trưởng trường mầm non và tiểu học để từ đó có thể đưa ra những hoạt động hỗ trợ cụ thể thiết thực và hiệu quả là điều vô cùng cần thiết.

Để nâng cao năng lực quản lý việc hỗ trợ trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học, cần xác định những vấn đề trọng tâm sau:

Thứ nhất, quản lý thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi Để thực hiện tốt công tác phổ cập, người hiệu trưởng cần xác định được những công việc cơ bản phải tiến hành như:

– Triển khai cho cán bộ giáo viên thực hiện điều tra số trẻ trong độ tuổi trên địa bàn. Phân công giáo viên đến từng hộ nhà dân điều tra trẻ độ tuổi từ 0 – 5 tuổi, rà soát đối tượng trẻ có hộ khẩu thường trú trên địa bàn, số trẻ đến tạm trú, trẻ có hộ khẩu thường trú nhưng đi học nơi khác và số trẻ nơi khác đến học; tuyên truyền cha mẹ học sinh nhập khẩu hoặc đăng ký cư trú một cách hợp pháp cho trẻ ….

– Tập huấn công tác điều tra cho giáo viên và phân công mỗi giáo viên chủ chốt, có kinh nghiệm điều tra, thông thạo địa bàn phụ trách một điểm để tránh tình trạng bỏ sót hộ dân; phối kết hợp với công an khu vực để rà soát, nắm bắt đầy đủ số trẻ trong độ tuổi trên địa bàn cần huy động đến trường;

– Lập kế hoạch phát triển trường lớp, tính đến số lượng học sinh huy động cho năm học mới; lập danh sách học sinh và chia lớp trên cơ sở phiếu đăng ký học bán trú của cha mẹ học sinh và độ tuổi đã được điều tra; cố gắng chọn lọc, phân loại trẻ cũ và trẻ mới để phân bổ đồng đều cho các lớp, tạo sự công bằng khi phân công nhiệm vụ cho giáo viên.

– Thành lập Hội đồng tuyển sinh; tuyên truyền, vận động trẻ trong độ tuổi phổ cập ra lớp;

– Đối với những trường có đủ điều kiện, thực hiện huy động tối đa trẻ trong độ tuổi mầm non theo qui định đến trường;

– Đối với các trường còn khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ, ưu tiên cho việc huy động trẻ em 5 tuổi đến trường để chuẩn bị tốt cho trẻ trước khi vào lớp 1. Đảm bảo trẻ mầm non 5 tuổi ở vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn được học trong các trường công lập, được chuẩn bị tốt tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Các vùng còn lại huy động trẻ 5 tuổi vào học trong các loại hình trường khác nhau.

– Thực hiện nghiêm túc, đúng qui định chương trình Giáo dục Mầm non cho trẻ em 5 tuổi đảm bảo mục tiêu là giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp 1.

Thứ hai, quản lý thực hiện đổi mới phương pháp dạy học trong trường mầm non và xây dựng môi trường giáo dục thích hợp. Hiệu trưởng trường mầm non cần chú ý một số nội dung cơ bản:

– Chỉ đạo giáo viên đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục, hướng dẫn giáo viên áp dụng linh hoạt các phương pháp giáo dục đảm bảo sự cân bằng giữa các yếu tố: (i) Khám phá; (ii) Các hướng dẫn mang tính dẫn dắt, gợi ý của giáo viên; (iii) Hướng dẫn cụ thể;

– Chỉ đạo cụ thể: thực hiện các mục tiêu, nội dung giáo dục để đảm bảo sự phát triển liên tục của trẻ theo khoa học. Đảm bảo chuẩn bị tốt các kỹ năng cần thiết cho trẻ em năm tuổi vào lớp 1 nhưng tuyệt đối không dạy trước chương trình lớp 1. Bám sát các tiêu chuẩn trẻ mẫu giáo năm tuổi, chú trọng việc tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ ở trường mầm non.

– Khuyến khích và tạo điều kiện về máy móc, thiết bị cho giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

– Hướng dẫn giáo viên chủ động và linh hoạt trong việc thực hiện chương trình, vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế của trường, lớp, vùng miền, địa phương.

– Phối hợp cùng với giáo viên lập hồ sơ, xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân đối với trẻ khuyết tật, theo dõi kiểm tra, đánh giá điều chỉnh kế hoạch giáo dục trẻ phù hợp.

– Hướng dẫn giáo viên sử dụng các dấu hiệu đánh giá trong chương trình giáo dục mầm non.

– Tổ chức môi trường hoạt động của trẻ là một yêu cầu được nhấn mạnh trong thực hiện chương trình. Theo đó nhà trường cần triển khai thực hiện những yêu cầu về tổ chức các khu vực hoạt động của trẻ trong và ngoài lớp, nhằm tạo điều kiện cho trẻ được “học bằng chơi” và “chơi mà học” phù hợp với độ tuổi.

– Chỉ đạo giáo viên sử dụng phương pháp giáo dục trẻ hợp lý, chú trọng đến tổ chức cho trẻ thực hành, luyện tập trải nghiệm, coi trọng vai trò của trò chơi, phương pháp dùng tình cảm, phương pháp dùng trò chơi trong việc tổ chức cuộc sống và tổ chức các hoạt động của trẻ trong trường mầm non.

– Trên cơ sở thực hiện chương trình giáo dục mầm non, hướng dẫn giáo viên lồng ghép các nội dung giáo dục vệ sinh cá nhân, giáo dục kỹ năng sống, ATGT…

– Thường xuyên rà soát đánh giá các yếu tố tác động đến việc đổi mới phương pháp giáo dục và các hoạt động cần chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 như: cơ sở vật chất, tinh thần học hỏi, trình độ của giáo viên, … để giúp người quản lý có cái nhìn tổng thể về vấn đề sẽ triển khai để từ đó xây dựng được kế hoạch chỉ đạo đúng và trúng mục tiêu đề ra.

Thứ ba, triển khai các hoạt động phối hợp giữa trường mầm non và tiểu học để hỗ trợ trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp. Lãnh đạo trường mầm non và trường tiểu học cần đảm bảo sự phối hợp tốt hơn giữa hai cấp, đặc biệt đối với các vấn đề về giai đoạn chuyển tiếp của trẻ. Trường mầm non cần hiểu rõ trẻ được mong đợi gì khi các em chuyển tiếp từ trường mầm non lên trường tiểu học. Trường mầm non nên thực hiện các sáng kiến để giảm nhẹ quá trình thay đổi bằng cách từng bước giới thiệu đến trẻ những thay đổi sẽ diễn ra, lưu ý đến sự thoải mái của trẻ trong quá trình này, cho trẻ dần làm quen với môi trường tiểu học. Tại trường mầm non, quá trình chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi đã được đưa vào chương trình, trong chương trình có các nội dung để trang bị cho trẻ 5 tuổi thông qua chủ đề “Bé làm quen với trường tiểu học”. Với chủ đề này, ngoài những hoạt động làm quen tại lớp mẫu giáo, có thể tổ chức cho trẻ các hoạt động như tham quan trường tiểu học, gặp gỡ với giáo viên dạy lớp 1 và học sinh lớp 1…. Chú ý nên khảo sát trẻ 5 tuổi ra lớp: những trẻ đã học từ lớp 3, 4 tuổi và trẻ mới ra lớp khi 5 tuổi để có kế hoạch cụ thể cho việc chăm sóc giáo dục sát đối tượng …

Thứ tư, triển khai các hoạt động phối hợp với cha mẹ học sinh và cộng đồng trong hỗ trợ giai đoạn chuyển tiếp cho trẻ Việc chăm sóc và giáo dục trẻ em được chia sẻ trách nhiệm giữa nhà trường với gia đình và cộng đồng xã hội. Nội dung phối hợp giữa trường mầm non và tiểu học với gia đình và cộng đồng xã hội bao gồm: (i) Phối hợp thực hiện chăm sóc trẻ/ học sinh; (ii) Phối hợp thực hiện chương trình giáo dục theo mỗi cấp học; (iii) Phối hợp kiểm tra đánh giá công tác chăm sóc, giáo dục trẻ/ học sinh; (iv) Tham gia xây dựng cơ sở vật chất. Để hỗ trợ trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp, hiệu trưởng cần chủ động phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ học sinh trong việc chuẩn bị cho trẻ về thể chất, trí tuệ, ngôn ngữ, các phẩm chất kỹ năng học tập cần thiết để trẻ chuyển từ mầm non lên tiểu học một cách thuận lợi. Sự phối hợp này có thể được thực hiện thông qua việc tổ chức các hoạt động giúp các bậc cha mẹ hiểu được mục đích ý nghĩa, nội dung và cách thức chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi vào lớp 1; phương pháp học tập ở lớp 1 và các năm học tiếp theo.

– Chỉ đạo giáo viên hướng dẫn, tư vấn cho các bậc cha mẹ về các biện pháp chăm sóc, giáo dục trẻ phát triển toàn diện, chuẩn bị cho trẻ tâm thế sẵn sàng đi học lớp 1;

– Tuyên truyền để cha mẹ học sinh hiểu không gây áp lực cho trẻ khi vào lớp 1 phải biết chữ, không cho con học trước chương trình lớp 1;

– Hiệu trưởng trường mầm non và tiểu học phải kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để có những hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp. Đối với trường mầm non và tiểu học ở vùng sâu, xa, vùng dân tộc thiểu số càng phải quan tâm và có cách làm phù hợp, thiết thực để nâng cao hiệu quả sự phối hợp này.

Tác giả: Trần Thị Phương Thanh

BÌNH LUẬN