Chuyển đổi số trong giáo dục – Cơ hội và thách thức chuyển đổi số trong giáo dục là gì?

0
2299

Chuyển đổi số trong giáo dục là việc ngành giáo dục áp dụng công nghệ thông tin hiện đại vào công tác học tập, giảng dạy của học sinh, sinh viên, giảng viên nhằm đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao; từ đó tạo nên môi trường học tập bền vững được kết nối từ học sinh đến nhà trường dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại.

Chuyển đổi số trong giáo dục chính là một hệ sinh thái thông minh được kết hợp bởi các yếu tố: công nghệ, dịch vụ và bảo mật nhằm thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số; tạo nên những trải nghiệm có sự tương tác, hợp tác, kết nối và cá nhân hóa.

Chuyển đổi số trong giáo dục tập trung vào 2 nội dung chính đó là:

  • Chuyển đổi số trong quản lý giáo dục: bao gồm số hóa thông tin giáo dục, tạo nên hệ thống các cơ sở dữ liệu lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các thiết bị công nghệ để quản lý, dự báo, điều hành và hỗ trợ ra quyết định trong ngành giáo dục một cách nhanh chóng, chính xác.
  • Chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học: Kiểm tra, đánh giá gồm: thư viện số, hệ thống đào tạo trực tuyến, số hóa học liệu (bài giảng điện tử, sách giáo khoa điện tử, kho bài giảng, ngân hàng các câu hỏi trắc nghiệm), phòng thí nghiệm ảo, xây dựng các trường đại học ảo…

Những năm gần đây, ngành giáo dục rất quan tâm trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của ngành. Chuyển đổi số trong giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng góp phần rút ngắn quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa và đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, ngành giáo dục càng phải chú trọng hơn trong việc áp dụng các nền tảng công nghệ nhằm giữ vững chất lượng giảng dạy và nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước. Tuy nhiên, chuyển đổi số trong giáo dục đến nay vẫn tồn tại những thách thức và nguy cơ.

Những cơ hội mà chuyển đổi số trong giáo dục mang lại cho nền giáo dục

Phát triển sự công bằng kỹ thuật số trong học tập

Công bằng kỹ thuật số trong giáo dục học tập là việc tất cả các học sinh, sinh viên đều có thể truy cập vào các tài nguyên, các dữ liệu thông tin như nhau bằng cách dễ dàng và ít tốn kém hơn. Nhờ chuyển đổi kỹ thuật số mà học sinh có thể học tập, truy cập các nội dung khác nhau ở nhà, ở trường hoặc bất cứ đâu, mọi lúc, mọi nơi chỉ với thiết bị – điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính xách tay… được kết nối internet.

Chuyển đổi số trong giáo dục giúp học sinh mở rộng được tài nguyên học tập không chỉ dừng lại ở thư viện để thu thập nhiều sách (nhiều khi đã có người mượn rồi). Hoặc không cần phải chọn cuốn sách nào để mua trong số những danh sách dài gồm những giáo trình hay tài liệu được đề xuất. Các thông tin có trong thư viện số, trên website, internet sẽ ít tốn kém hơn hoặc hoàn toàn miễn phí và chúng có thể được chia sẻ giữa các học sinh, sinh viên và giáo viên chỉ trong một cú nhấp chuột.

Đặc biệt, công bằng kỹ thuật số trong giáo dục cho phép một người có thể tiếp tục việc học hành của mình xuyên suốt, thậm chí cả cuộc đời mà vẫn đáp ứng được công việc riêng, chăm lo cho gia đình…

Có cơ hội trải nghiệm tùy chỉnh hoạt động giáo dục

Để thúc đẩy quá trình chuyển động số trong giáo dục, giáo viên, thậm chí là học sinh, sinh viên được truy cập vào các lợi ích tùy chỉnh, được phép xây dựng các chương trình giảng dạy sử dụng dữ liệu lớn để định hình việc học tập, giảng dạy trong tương lai.

Để đề xuất các khóa học phù hợp và tìm hiểu thêm những khóa học qua việc đưa ra thông tin, dữ liệu liên quan, hệ thống công nghệ này đã sử dụng nguồn dữ liệu lớn (Big Data). Đây cũng là cơ hội để học sinh, sinh viên có thể tùy chỉnh quy trình học tập nhanh hơn, chính xác hơn và tiến bộ hơn.

Cơ hội học tập ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào

Có thể nói, học tập trên nền tảng kỹ thuật số đã phá vỡ ranh giới giữa khoảng cách địa lý và văn hóa, nguồn kiến thức được cung cấp là không giới hạn. Chỉ cần bạn có một thiết bị điện tử được kết nối internet có thể học nhóm, trao đổi kiến thức với các học sinh, sinh viên trên khắp cả nước, xa hơn là trên toàn thế giới, cùng nhau học tập hoặc xây dựng các chủ đề.

Đặc biệt, ngoài các học sinh, sinh viên thì những sinh viên sau đại học, những người đi làm rất tiện lợi, họ có thể học bất cứ nơi nào cần, có cơ hội tiếp cận thông tin nhiều hơn, phong phú hơn và tiết kiệm được thời gian, tiền bạc.

Bên cạnh đó, đối với sinh viên đại học, họ có thể linh hoạt vừa học, vừa tham gia hội thảo, phổ cập kiến thức của trường mà vẫn có thể thực hiện những nhiệm vụ khác như: du học tạm thời, thực tập…

Xây dựng mô-đun trong học tập

Chuyển động số trong giáo dục tác động mạnh mẽ và tích cực nhất trong khả năng xây dựng các mô – đun học tập nhanh hơn. Các nhà giáo dục có thể chuẩn bị các chương trình, các khóa học của họ bằng cách sử dụng những nội dung tốt nhất đã được phát triển trước đó bởi các đồng nghiệp khác.

Nhờ những nội dung kỹ thuật số này mà các nhà giáo dục có thể tạo nên rất nhiều tài liệu hiệu quả. Đặc biệt kỹ thuật số còn giúp các nhà giáo dục đo lường cách học sinh học hiệu quả nhất, điều chỉnh các mô-đun học tập theo các khía cạnh trên những thống kê đo lường.

Đào tạo được thế hệ giảng viên chất lượng cao

Chuyển đổi số trong giáo dục chính là “mảnh đất” đào tạo nên thế hệ những giảng viên chất lượng. Bởi, để thích ứng với việc sử dụng công nghệ cao trong giảng dạy, đội ngũ giảng viên phải không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, phát triển kỹ năng; để phát triển và nâng cao chất lượng giảng dạy,..

Những thách thức trong chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục đào tạo

Hạ tầng công nghệ

Cùng với sự phát triển nhanh trong chuyển động số thì đòi hỏi cùng đó là cơ sở hạ tầng, các thiết bị cho cả người học và người trực tiếp giảng dạy, cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý. Để toàn bộ hoạt động giáo dục và quản lý được vận hành tốt phải có thiết bị phần cứng, các ứng dụng, phần mềm giáo dục, các nền tảng (platform)…

Hơn nữa, chuyển đổi số trong giáo dục yêu cầu các kết nối như: những chương trình, phần mềm riêng lẻ,… phải tương thích với nhau, tích hợp và ‘có thể tiếp cận được’ (accessible) trên cùng một nền tảng. Từ đó, cho phép các hoạt động giảng dạy, quản lý, học tập, đánh giá, kiểm tra, quản lý… tương tác giữa người học với giáo viên và nhà trường. Internet là yếu tố quyết định để quá trình này hoạt động.

Chuyển động số trong giáo dục cần phải đồng hành phối hợp với các ngành khác để mang lại hiệu quả tốt nhất, đặc biệt là ngành viễn thông. Đây có thể là thách thức bởi giáo dục vốn quen hoạt động và vận hành độc lập.

Tư duy và năng lực quản lý

Để vận hành hệ thống quản lý giáo dục như vậy đòi hỏi ban lãnh đạo ngành giáo dục phải thay đổi tư duy, năng lực quản lý. Cần trang bị hiểu biết, tư duy số, làm chủ được công nghệ và hiểu rõ giới hạn của công nghệ.

Đặc biệt, chuyển đổi số thường phụ thuộc rất lớn vào bối cảnh, có thể nó là cơ hội cho đối tượng, địa phương hoặc quốc gia này nhưng lại là thách thức đối với các đối tượng, địa phương hoặc quốc gia khác. Do đó, chuyển đổi số trong giáo dục không có 1 công thức chung cụ thể, đòi hỏi lãnh đạo phải có tầm nhìn chiến lược, đưa ra các giải pháp tuy nhiên họ không có nhiều sự tham khảo hoặc kinh nghiệm từ các ngành khác hay quốc gia khác.

Kỹ năng sử dụng công nghệ

Chuyển đổi số trong giáo dục không thể thành công nếu người trực tiếp quản lý không có đủ kỹ năng sử dụng công nghệ. Giáo viên cần phải có những kỹ năng mới để tổ chức hoạt động giảng dạy, “giữ” được học sinh trong “lớp học”, duy trì được sự chú tâm của học sinh trong toàn bộ quá trình học tập. Họ chính là yếu tố quyết định đến sự thành công trong đào tạo trực tuyến và quá trình chuyển động số.

Sự sẵn sàng tiếp nhận của người học

Một khảo sát về “mức độ sẵn sàng học tập trực tuyến” năm học 2019-2020 – khi dịch Covid 19 xảy ra. Kết quả cho thấy mức độ sẵn sàng học trực tuyến của người học trực tuyến thấp hơn rất nhiều so với giáo viên. Có đến gần 80% sinh viên khảo sát ở nhiều ngành, nhiều tỉnh khác nhau chưa sẵn sàng học tập trực tuyến bởi nhiều lý do.

Bên cạnh những yếu tố như: thiết bị, cơ sở hạ tầng viễn thông… còn có yếu tố kỹ thuật giảng dạy của giảng viên còn chưa đủ sức thuyết phục. Người học cần được trang bị đầy đủ cả về tâm thế và môi trường cũng như phương pháp học tập trực tuyến để đạt được hiệu quả.

Bất bình đẳng trong giáo dục

Chuyển động số trong giáo dục có thể tạo nên bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục giữa các vùng miền và học sinh có điều kiện kinh tế xã hội (SES) khác nhau. Những học sinh ở miền núi, nông thôn thường không được tiếp cận hạ tầng viễn thông tốt, các nguồn tài liệu phục vụ cho quá trình học trực tuyến.

Trường hợp học sinh bị khuyết tật, khiếm thị, khiếm thính… làm cản trở thao tác học tập, điều khiển cũng có là đối tượng chịu tác động của bất bình đẳng số. Các vấn đề như: sách vở, tài liệu, ngôn ngữ, sử dụng thiết bị, thao tác điều khiển, giao tiếp với thiết bị, phần mềm, giáo viên… gặp nhiều khó khăn. Nhóm đối tượng này có thể phải dùng ngôn ngữ riêng, ký hiệu riêng… sẽ có nhiều hạn chế và không được ưu tiên, gây nhiều bất lợi, thiệt thòi.

Chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ là đổi mới phương thức cập nhật thiết bị, công nghệ mà nó còn là vấn đề văn hóa và con người. Hiện nay, dịch bệnh hiện là thách thức lớn đối với toàn xã hội nói chung và với ngành giáo dục nói riêng. Vì vậy, để đạt được mục tiêu tạo nên một quy trình giáo dục hấp dẫn, hiệu quả, cả giáo viên và học sinh đều phải cải thiện kỹ năng của mình và cùng phối hợp vượt qua khó khăn, biến “nguy” thành “cơ” và có được những kết quả tốt.

Tác giả: Phan Thị Lung

BÌNH LUẬN