Giao tiếp nói chung, kỹ năng giao tiếp nói riêng là một trong những yếu tố
cần thiết của sự phát triển tâm lý con người. Việc cho trẻ đóng các vai trong mỗi
chủ đề của trò chơi đóng vai theo chủ đề sẽ giúp trẻ thể nghiệm các vai trò xã hội,
phát triển các kỹ năng giao tiếp, giúp trẻ nghe, nói – biểu đạt ngôn ngữ, thể hiện
cảm xúc… tốt hơn. Ở trường mẫu giáo, trò chơi đóng vai theo chủ đề là một trong
những hoạt động chủ đạo, giúp trẻ giao tiếp với cô giáo, bạn bè mới, tăng sự tự tin
trong các hoạt động, làm giảm các biểu hiện nhút nhát. Các kỹ năng giao tiếp nếu
được vận dụng tốt thông qua trò chơi đóng vai theo chủ đề sẽ có ảnh hưởng tích cực
đến sự hình thành nhân cách của trẻ mẫu giáo và làm tiền đề cho trẻ trong những
hoạt động học tập ở lứa tuổi tiếp theo. Do tầm quan trọng của các trò chơi đóng vai
theo chủ đề đối với sự phát triển tâm lý, đặc biệt là phát triển các kỹ năng giao tiếp
ở trẻ mẫu giáo, người giáo viên mầm non cần phải quan tâm tới việc đưa trẻ vào
những hoạt động trò chơi tái tạo lại những hành động, những hành vi ứng xử, học
cách biểu lộ thái độ trong các mối quan hệ xã hội với các tình huống khác nhau của
đời sống. “Trong giao tiếp các cá nhân tác động lẫn nhau bằng nhân cách của mình,
làm hình thành ở nhau những năng lực hoạt động, những loại thái độ, những loại
quan hệ về các mặt trong đời sống xã hội. Nếu không có giao tiếp thì con người
không thể thành người được.” Nghĩa là cái bản tính xã hội hay cái tính người ở mỗi
con người đều bắt nguồn từ cuộc sống giao tiếp. Cách ứng xử, mối quan hệ giữa GV và trẻ, đánh giá của giáo viên đối với trẻ ảnh hưởng đến kỹ năng giao tiếp của trẻ 5-6 tuổi qua trò chơi đóng vai theo chủ đề như sau:
Cách ứng xử của giáo viên với trẻ:
Cách ứng xử của giáo viên với trẻ là cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt, nụ cười, ngôn ngữ…, thể hiện sự tôn trọng, quan tâm, nhiệt tình của giáo viên với trẻ. Một số nghiên cứu cho thấy, lời yêu cầu lịch sự của Cô gợi ra những xúc cảm tích cực từ đó ảnh hưởng đến ý định tuân thủ của trẻ. Ngoài ra, nếu được tham gia vào các lớp học với bầu không khí lớp học và mối quan hệ giữa giáo viên và trẻ tích cực thì động cơ học của học sinh được tăng cường. Kỹ năng giao tiếp của trẻ có liên quan đến sự ứng xử tích cực của giáo viên cùng với việc sử dụng các hoạt động vui chơi phù hợp với trẻ.
Sự hiểu biết tâm lý trẻ của GV là vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc
giáo dục trẻ. Hiểu trẻ, biết trẻ ở tuổi nào cần gì, phát triển tâm lý ra sao là bước đầu
tiên giúp cho GV xây dựng mối quan hệ gần gũi với trẻ, giúp GV có cái nhìn đúng
đắn đối với các biểu hiện của trẻ. Hãy luôn tôn trọng trẻ, đáp ứng nhu cầu cho trẻ
được chơi với bạn bè cùng trang lứa để mở rộng phạm vi giao tiếp, khơi dậy các
khả năng tiềm ẩn ở trẻ. Ngược lại, các nghiên cứu cũng cho thấy, cách ứng xử tiêu cực của giáo viên cũng có xu hướng gợi lên cách ứng xử tương tự của trẻ, có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung vào các nhiệm vụ lớp học của trẻ.
Mối quan hệ giữa giáo viên và trẻ.
Mối quan hệ giữa giáo viên và trẻ, có liên quan đến quá trình giao lưu tiếp
xúc của một đứa trẻ với môi trường lớp học. Trong các trường mẫu giáo, giáo viên
là người có uy tín mạnh mẽ nhất đối với trẻ và là nguồn gốc của sự tập trung nhất
của xúc cảm. Quá trình hình thành và phát triển kĩ năng giao tiếp cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi thông qua trò chơi đóng vai theo chủ đề được thực hiện theo cơ chế từ bên ngoài vào bên trong, giai đoạn đầu có thể mang tính áp đặt sau chuyển dần thành tự nguyện, tự giác. Vì vậy, đòi hỏi giáo viên phải có tính kiên trì, nghiêm ngặt trong quá trình luyện tập đồng thời vận dụng những phương pháp và kĩ thuật phù hợp với trẻ để gây hứng thú, khuyến khích trẻ tham gia, phát huy tính tích cực, chủ động của trẻ để phát triển kĩ năng giao tiếp cho trẻ. Chính vì thế, giáo viên không nên ép buộc trẻ chơi. Không nên vì mục đích rèn kỹ năng giao tiếp cho trẻ mà thường xuyên bắt trẻ chơi một trò chơi. Cũng có những lúc, vừa chơi chưa được bao lâu nhưng vì một lý do nào đó mà trẻ đột nhiên không muốn chơi nữa, lúc này nhà giáo dục cũng không nên bắt ép, chỉ cần trẻ thể hiện ra là không muốn chơi nữa, thì nên dừng lại ngay, để tránh làm cho trẻ cụt hứng với trò chơi. Nếu nhà giáo dục tỏ ra quá tích cực qua trò chơi, dễ khiến trẻ phát hiện ra dụng ý sư phạm. Cố gắng dùng đồ chơi thật. Đối với một trường mầm non, một lớp mẫu giáo với số lượng trẻ đông và những chủ đề chơi phong phú thì đây là một công việc khó. Tuy nhiên trong khả năng có thể thì nhà giáo dục cần cố gắng sử dụng đồ chơi thật, thậm chí là tiền thật. Làm được như vậy thì trẻ sẽ hứng thú hơn và sẽ để lại ấn tượng sâu đậm hơn. Dùng vật thật có thể giúp trẻ chơi một cách say mê hơn, chơi xong chú ý rửa tay là được.
Phương pháp tổ chức hoạt động vui chơi của giáo viên cũng ảnh hưởng rất
lớn đến kỹ năng giao tiếp của trẻ. Nếu cô cố gắng thay đổi cách chơi, cố gắng để
cho mỗi lần chơi khác nhau để trò chơi luôn giữ được sự mới mẻ như là có thể đổi
vai chơi – vai diễn cho trẻ, liên kết các nhóm chơi với nhau… Khi trẻ được đóng các
vai khác nhau, hình thành nên các tổ hợp kỹ năng khác nhau. Các đối tượng khác
nhau có các sự việc và nhu cầu khác nhau, như thế sẽ có rất nhiều câu chuyện xảy
ra. Ngoài việc thay đổi vai chơi cần đổi mới các chủ đề chơi để trẻ được tham gia
vào những mối quan hệ xã hội khác nhau, được rèn nhiều kỹ năng hơn.
Nhà trường mầm non là môi trường thuận lợi để phát triển kỹ năng giao
tiếp cho trẻ. Giáo viên có mối quan hệ gần gũi, ấm áp tạo ra một cơ sở vững chắc
để phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ thông qua trò chơi.
Đánh giá của giáo viên đối với trẻ.
Giáo viên không công bằng, có định kiến, chưa đồng cảm với những khó
khăn trẻ gặp phải, thờ ơ với trẻ… có tác động lớn đến quá trình giao tiếp của trẻ. Ở
độ tuổi này khả năng tự đánh giá của trẻ đang bắt đầu hình thành, nếu người lớn
thường xuyên chê trẻ là kém cỏi, yếu đuối, vô dụng…, thì đứa trẻ sẽ tự nhiên tin vào
điều đó. Sự khiển trách học sinh của giáo viên có thể tác động tiêu cực đến bầu
không khí lớp học và điều này khiến cho trẻ rụt rè khi tiếp xúc và biểu lộ tình cảm
từ đó dẫn đến sự kém tự tin trong giao tiếp của trẻ. Vì vậy, giáo viên tránh để trẻ cảm thấy ngại ngùng. Trong quá trình chơi, có thể trẻ chưa hiểu rõ các mối quan hệ trong khi chơi do vậy có thể có hành vi hoặc ngôn từ không phù hợp thì nhà giáo dục không được tỏ ra ngạc nhiên hay thắc mắc vì làm như vậy có thể sẽ khiến trẻ luống cuống hoặc ngại ngùng, sẽ làm giảm hứng thú chơi. Trẻ sẽ không chơi tự nhiên, không hào hứng và sẽ rất khó hình thành kỹ năng. Người lớn không được lấy kinh nghiệm sống của mình để can thiệp vào tư duy của trẻ, mặc dù hoạt động vui chơi của trẻ mô phong các mối quan hệ của người lớn nhưng trẻ có quyền sáng tạo và sống bằng thế giới riêng – “thế giới trẻ thơ” của mình. Ví dụ trẻ có thể “bán” một mớ rau 5 đồng, xong có thể bán một cân thịt chỉ với giá 2 đồng. Điều quan trọng là để cho trẻ được trải nghiệm những kỹ năng (như mua hàng thì phải trả tiền, trả tiền cho người lớn thì phải đưa bằng hai tay và biết nói lời cảm ơn khi được mua hàng, được giúp đỡ,…).
Không để các kỹ năng giao tiếp làm khó trẻ. Một điều mà các nhà giáo dục
cần chú ý là, mặc dù nhằm phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ, song đây là trò chơi
chứ không phải là “một giờ học” kỹ năng giao tiếp của người lớn. Nhà giáo dục có
thể qua trò chơi để phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ, nhưng không nên vội
vàng. Trong quá trình chơi phải đặt niềm vui của trẻ lên hàng đầu, việc rèn kỹ năng ở vị trí thứ hai. Độ khó của các kỹ năng giao tiếp có thể nâng cao dần dần, nhưng
không nên để các kỹ năng giao tiếp mà trẻ chưa hình thành được làm ảnh hưởng đến
niềm vui trong quá trình chơi của trẻ. Nếu trong quá trình chơi mà người lớn liên tục
uốn nắn các kỹ năng giao tiếp của trẻ thì trẻ sẽ nản chí và mất hứng thú chơi.
Tác giả: Nguyễn Quỳnh Dương