Yêu cầu của hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mầm non

0
2810

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục mầm non hiện nay, hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ trong trường mầm non là một trong những yếu tố cốt lõi để đánh giá chất lượng, thương hiệu của một trường mầm non. Đây là một trong hai hoạt động trọng tâm trong chương trình giáo dục mầm non, ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Hoạt động này được tổ chức thực hiện có hiệu quả hay không phải đặt trong môi trường quản lí của các cấp quản lí giáo dục

Đối với hoạt động chăm sóc trẻ: các công tác cần được thực hiện là:

Đảm bảo an toàn: Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ, không làm ô nhiễm môi trường học tập của trẻ. Thực hiện nghiêm túc quy chế nuôi dạy trẻ; duy trì nhật ký đón trả trẻ, có lịch phân công giáo viên quản lý trẻ mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt là quản lý trẻ trong các hoạt động đón, trả trẻ, chăm sóc bán trú, hoạt động ngoài lớp học và trẻ mới đi học. Không nhận trẻ ốm, trẻ không có trong danh sách lớp vào học. Đảm bảo an toàn cho trẻ cả về thể chất và tinh thần.

Chăm sóc sức khỏe

Cán bộ y tế phối hợp cùng y tế địa phương thực hiện công tác tiêm chủng mở rộng và theo dõi tiêm chủng, công tác phòng chống dịch bệnh tại cơ sở giáo dục mầm non theo qui định. Quản lý hồ sơ sức khỏe trẻ tại phòng y tế.

Cán bộ y tế phối hợp chặt chẽ với tổ bếp, giáo viên trên lớp thực hiện các biện pháp can thiệp với trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi, béo phì và trẻ khuyết tật học hòa nhập

Giáo viên trên lớp thực hiện nghiêm túc chế độ chăm sóc sức khỏe và vệ sinh cho trẻ theo chế độ sinh hoạt một ngày của trẻ. Duy trì thực hiện lịch vệ sinh hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng.

Tổ chức giấc ngủ cho trẻ cần có đủ trang thiết bị theo quy định, phù hợp theo mùa và đảm bảo vệ sinh. Không cho trẻ nằm ngủ trên chiếu trải trực tiếp trên nền nhà, đặc biệt giáo viên cần trực, theo dõi và đảm bảo an toàn cho trẻ trong giờ ngủ.

Đối với công tác nuôi dưỡng: các hoạt động cần được thực hiện là:

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Thực hiện nghiêm túc việc ký kết hợp đồng với đơn vị cung ứng thực phẩm an toàn, người có giấy phép kinh doanh theo quy định, hàng năm ký hợp đồng thực phẩm vào đầu năm học. Trong Hợp đồng của đơn vị cung ứng cần ghi rõ nguồn gốc từng loại thực phẩm, tên chủ hàng, số chứng minh thư, địa chỉ, điện thoại.

Thường xuyên kiểm tra chất lượng, nguồn gốc, đơn giá thực phẩm.

Đảm bảo chất lượng bữa ăn

Đảm bảo mức ăn 25.000đ/trẻ/ngày.

Thực đơn riêng của từng lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Thường xuyên cải tiến các món ăn và phối hợp các món ăn trong ngày hợp lý, tăng cường rau xanh cho trẻ trong các bữa ăn chiều, không lạm dụng sử dụng thực phẩm chế biến sẵn trong bữa ăn của trẻ.

Tỷ lệ dinh dưỡng duy trì ở mức: P:14-16%; L: 24-26%; G: 60-62% (đối với trẻ nhà trẻ, lượng L có thể từ 26- 30%); (Nhu cầu Ca đối với trẻ 1- 3tuổi: 350mg/ ngày/trẻ; MG 4- 6 tuổi: 420mg/ ngày/trẻ; Nhu cầu B1 đối với trẻ 1-3 tuổi: 0.41 mg/ ngày/trẻ; MG 4-6 tuổi: 0.52mg/ngày/trẻ).

Đảm bảo nước uống cho trẻ đủ, nước tinh khiết cần thử mẫu nước định kỳ. Dùng cây nước nóng phải đảm bảo nhiệt độ nước an toàn và hướng dẫn trẻ sử dụng.

Giao nhận thực phẩm hàng ngày:

Người giao hàng: Kí bàn giao số lượng thực phẩm giao cho trường.

Người trực tiếp nấu bếp: Nhận thực phẩm, ghi đúng số lượng, chất lượng thực phẩm thực tế, thời gian và ký xác nhận vào sổ giao nhận thực phẩm. Sổ giao nhận thực phẩm do tổ bếp quản lý.

Quản lý kho: Hàng ngày xuất thực phẩm từ kho phải có phiếu xuất kho. Nhập lương thực, thực phẩm dự trữ trong kho phải phù hợp với thời gian bảo quản cho phép để tránh thực phẩm để lâu không đảm bảo chất lượng.

Thủ kho chịu trách nhiệm quản lý thực phẩm trong kho, phải có sổ theo dõi xuất, nhập kho, phiếu xuất kho hàng ngày, ghi rõ tên, loại thực phẩm, giá thực phẩm, tồn kho, cuối tháng kiểm kê hàng kho. Thủ kho chỉ được xuất kho khi có phiếu xuất có kí duyệt của Ban giám hiệu, kế toán.

Giáo viên mầm non: Ban giám hiệu phân công luân phiên, hàng ngày kiểm tra, giám sát việc giao nhận thực phẩm và định lượng khẩu phần ăn của trẻ, ký xác nhận tại sổ giao nhận thực phẩm.

Thanh tra: Tham gia kiểm tra (đột xuất) việc giao nhận thực phẩm và khẩu phần ăn cho trẻ, ký xác nhận kết quả kiểm tra.

Ban giám hiệu: Phân công ca trực để cùng nhận thực phẩm và ký xác nhận.

Kế toán: Tham gia giao nhận thực phẩm hàng ngày và ký xác nhận

Chế biến thực phẩm và chia ăn: Chế biến đúng thực đơn, đúng kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ định lượng theo xuất ăn hàng ngày của trẻ. Không để thừa, thiếu quá 5 xuất ăn/ngày (cộng dồn không quá 5 xuất ăn/tuần/ tháng). Định lượng thức ăn chín của từng lớp cần thể hiện rõ tại bảng, trong sổgiao nhận với lớp và có chữký của giáo viên.

Lưu nghiệm thức ăn: Đủ 24h, được bảo quản trong tủ lạnh. Có sổ lưu nghiệm ghi ngày, giờ lưu nghiệm, chữ ký của người lưu nghiệm.

Thực hiện nguyên tắc quản lý nuôi dưỡng

Thực hiện đúng qui định về hồ sơ, qui trình, nguyên tắc quản lý nuôi dưỡng. Nghiêm cấm vi phạm khẩu phần ăn của trẻ dưới mọi hình thức. Thực hiện nghiêm túc việc công khai thực đơn, thực phẩm, đơn giá hàng ngày

Mở đủ theo mẫu các loại sổ sách nuôi dưỡng theo quy định, mỗi ngày in riêng 1 trang, có chữ ký các thành phần đầy đủ và cuối tháng đóng thành quyển, có đủ dấu giáp lai.

Hoàn thiện chứng từ tiền ăn của trẻ hàng ngày, thanh quyết toán tiền ăn của trẻ có thể theo tuần hoặc theo tháng. Cuối tháng quyết toán tiền ăn trong tháng

Tác giả: Đặng Thị Mai

BÌNH LUẬN