Biện pháp tăng tương tác giữa sinh viên với giảng viên trong dạy học trực tuyến ở trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên hiện nay

0
1741

Hiện nay, khi cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội đã và đang trở nên phổ biến. Không những trong các lĩnh vực sản xuất, du lịch, dịch vụ… mà lĩnh vực giáo dục cũng đang được áp dụng có hiệu quả tích cực. Cùng với đó, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở nước ta về cơ bản đã được kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ bùng phát và diễn biến dịch bệnh còn khá phức tạp, do vậy việc chuyển đổi hình thức dạy học từ trực tiếp sang hình thức trực tuyến là rất cần thiết.

          So với dạy học truyền thống, dạy học trực tuyến có những ưu điểm nổi bật, song cũng có những nhược điểm đặc thù. Một trong những hạn chế lớn nhất của hình thức dạy học trực tuyến là thiếu sự tương tác của người dạy với người học một cách trực tiếp. Hạn chế này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học trong nhà trường. Vì vậy, cần có những biện pháp hữu hiệu nhằm tăng tương tác giữa sinh viên và giảng viên trong dạy học trực tuyến, nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến.

Các biện pháp từ phía nhà trường

Thứ nhất, từng bước thực hiện chuyển đổi số nhằm gia tăng tương tác giữa sinh viên và giảng viên theo các cấp độ

Cấp độ một – số hóa một phần học liệu: Nhà trường và giáo viên chuyển một số học liệu sang dạng tài liệu online và gửi cho học sinh thông qua một số công cụ giao tiếp như email, chat. Cấp độ này hầu như không tạo ra sự thay đổi trong việc tăng tương tác trong quá trình dạy học mà chỉ là sự gia tăng tiện ích, là cơ sở, nền tảng cho sự gia tang tương tác.

Cấp độ hai – có hỗ trợ của công cụ quản lý nội dung, giao tiếp: Cấp độ này nâng cao hơn về khả năng vận dụng môi trường số; bắt đầu tạo ra sự thay đổi khi có thể tổ chức những buổi giảng trực tuyến, việc giao bài tập, chia sẻ học liệu tổ chức chặt chẽ hơn dưới sự hỗ trợ của các công cụ.

Tại cấp độ này, nhà trường và giáo viên áp dụng các hệ thống quản lý nội dung LMS, nền tảng giảng dạy (Zoom, Google meets, Microsoft Team). Một số trường có năng lực, nguồn lực, có thể tổ chức toàn bộ hoạt động trên nền tảng công nghệ thành một hệ sinh thái khép kín.

Tuy nhiên cấp độ này vẫn chỉ là số hóa học liệu và hoạt động chứ chưa hoàn toàn chuyển đổi số trong giáo dục, việc tổ chức quản lý hay giảng dạy vẫn theo phương pháp truyền thống, tương tác giữa sinh viên và giảng viên chưa thực sự được phát huy.

Cấp độ 3 – chuyển đổi số trong dạy và học: Cấp độ cao nhất của dạy trực tuyến với cách tư duy và tổ chức của nhà trường được tái cấu trúc, quy trình tác nghiệp thay đổi để phù hợp hình thức này. Giáo viên cũng thay đổi phương pháp luận, phương pháp tiếp cận trong từng bài giảng để thực sự tạo ra một bài giảng online, vượt qua tư duy online hóa việc dạy offline.

Chương trình học xây dựng chủ động, có mục tiêu và lộ trình rõ ràng, được kiểm chứng trong một thời gian dài. Hệ sinh thái đa dạng, tối ưu cho việc thu thập kiến thức của từng cá nhân nhờ kênh trao đổi bài với giáo viên và bạn bè, ngân hàng bài kiểm tra, thi thử, ôn tập kiến thức, luyện thi. Ở cấp độ này, sinh viên được tham gia nhiều hoạt động học tập, được tương tác với giảng viên và bạn bè qua nhiều kênh tương tác.

Thứ hai, cần đảm bảo hạ tầng công nghệ phục vụ hoạt động dạy học trực tuyến. Việc đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin rất quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể tới sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên. Hạ tầng máy chủ, mạng internet, tốc độ đường truyền, băng thông và hệ thống các phần mềm có đáp ứng khả năng truy cập, lưu trữ các nguồn tài nguyên học tập, các dữ liệu phục vụ giảng dạy và học tập, có duy trì sự kết nối giữa giảng viên và sinh viên hay không sẽ đóng vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng dạy học khi triển khai hình thức dạy học này. Nếu hạ tầng công nghệ được đảm bảo, thông suốt, quá trình dạy và học trực tuyến với sự hỗ trợ của công nghệ truyền thông đa phương tiện, những bài giảng có tích hợp text, hình ảnh minh họa, âm thanh sẽ làm tăng thêm tính hấp dẫn, thuyết phục của bài học. Thông qua đó, người học được sự hỗ trợ nhanh chóng và đầy đủ từ đa dạng kênh, hệ thống tài liệu được lưu trữ trên hệ thống giúp người học có thể truy xuất các thông tin hỗ trợ quá trình học nhanh chóng và đầy đủ. Bên cạnh đó, các chức năng trò chuyện, tương tác với học viên, giảng viên và quản trị viên hệ thống giúp người học giải quyết được nhiều thắc mắc một cách nhanh chóng.

Nhà trường cần quản lý việc sử dụng có hiệu quả hạ tầng công nghệ thông tin, thực hiện bảo mật, bảo trì hệ thống các thiết bị phần cứng, phần mềm để việc sử dụng ổn định, an toàn, hiệu quả, đảm bảo triển khai việc dạy và học trực tuyến được thông suốt. Bên cạnh đó, các trường cần tổ chức giám sát thường xuyên việc sử dụng hạ tầng công nghệ thông tin; xây dựng đội ngũ cán bộ quản trị và phát triển phần mềm có trình độ chuyên nghiệp để nghiên cứu, phát triển nâng cấp hệ thống; định kỳ tổ chức đánh giá việc khai thác, sử dụng hệ thống thiết bị phần cứng, phần mềm để kịp thời có giải pháp sử dụng hiệu quả hơn, phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin và duy trì nguồn kinh phí hợp lý để bảo trì, đầu tư nâng cấp chất lượng hệ thống.

Các biện pháp đối với giảng viên

Để tăng sự tương tác giữa sinh viên với giảng viên trong dạy học trực tuyến đòi hỏi giảng viên phải có kỹ năng sử dụng công nghệ thành thạo, khai thác tối đa hiệu quả của các ứng dụng sử dụng dạy học. Nếu như giảng viên giảng dạy theo hình thức truyền thống chỉ cần am hiểu nắm bắt sử dụng công nghệ ở một mức tối thiểu nào đó là có thể hoàn thành nhiệm vụ, giảng viên dạy học trực tuyến phải có kiến thức và kỹ năng về sử dụng công nghệ khá thuần thục (ít nhất là với hệ thống vận hành hiện tại, với ứng dụng dạy học đang được sử dụng), giảng viên phải tạo được môi trường khuyến khích sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên.

Vì vậy, để việc dạy học trực tuyến có hiệu quả, phát huy được sự tương tác giữa sinh viên và giảng viên, giảng viên phải tăng cường trau dồi kỹ năng sử dụng, ứng dụng, tích hợp công nghệ thông tin trong sử dụng, xây dựng, thiết kế bài giảng, chương trình và có kỹ năng tương tác với người học thông qua các thiết bị công nghệ. Giảng viên cần tích cực nghiên cứu, tìm hiểu về ứng dụng được sử dụng để sử dụng thành thạo. Khi gặp khó khăn vướng mắc cần trao đổi ngay với đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ từ bạn bè, đồng nghiệp. Đồng thời, vì tương tác giao tiếp trong dạy học trực tuyến là gián tiếp, chủ yếu thông qua “bàn phím”, sinh viên rất khó hiểu được ý tưởng cũng như cảm xúc của giảng viên khi trao đổi cùng sinh viên nên giảng viên cần có tính kiên trì và khả năng đọc suy nghĩ, cảm xúc của người học. Giảng viên cần có sự sáng tạo và linh hoạt trong cách diễn đạt ngôn từ, hướng tới sự truyền đạt hiệu quả ý tưởng, khơi dậy cảm xúc cho người học để thiết kế bài học, xây dựng kịch bản khung khóa học một cách hợp lý.

Đồng thời, giảng viên cần tận dụng những tính năng của ứng dụng, tìm hiểu những cách dạy học tăng cường sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên trong dạy học trực tuyến như: Áp dụng bài trắc nghiệm tự động, game online phục vụ nội dung môn học; Áp dụng các chiến lược cộng điểm thưởng thêm vào các bài thường xuyên và bài giữa học phần; Xây dựng nội quy phù hợp nhằm tăng tương tác giữa sinh viên với giảng viên trong dạy học trực tuyến

Các biện pháp đối với sinh viên

Để tăng tương tác giữa sinh viên với giảng viên trong dạy học trực tuyến, đòi hỏi sinh viên phải có kiến thức nhất định về công nghệ thông tin, đặc biệt là kỹ năng trong việc sử dụng máy tính, sử dụng ứng dụng dạy học nhà trường cung cấp và khai thác nguồn tài liệu số trên mạng. Sinh viên cần biết sử dụng thành thạo về ứng dụng mà sinh viên sử dụng để học để có thể tham gia học, lấy tài liệu, khắc phục các sự cố, trao đổi, thảo luận, chia sẻ thông tin với thầy cô và bạn bè. Khi đó, sinh viên sẽ biết tận dụng tối đã các tính năng của phần mềm, tăng hiệu quả học tập, hiệu quả tương tác theo đó cũng tăng theo.

Bên cạnh đó, trong quá trình học trực tuyến, tốc độ chia sẻ màn hình và tài liệu khá nhanh, và khó theo dõi hơn so với qua trình học trực tiếp. Vì vậy, học trực tuyến đòi hỏi sinh viên cần nâng cao khả năng chú ý với bài giảng, đồng thời phải có kỹ năng đọc tốt, đọc nhanh, ghi chép kiến thức để có thể nắm bắt các thông tin mà tài liệu chia sẻ. Khi có kỹ năng đọc nắm bắt tốt kiến thức, sinh viên sẽ tự tin trao đổi với giảng viên trong quá trình học.

Trong quá trình dạy học trực tuyến, người học không trực tiếp lên lớp nên chất lượng tiếp thu phụ thuộc rất lớn vào khả năng tự học, tinh thần tự giác, sự linh hoạt chủ động của người học. Vì vậy, mỗi sinh viên phải có tính chủ động rất cao trong việc nghiên cứu tài liệu, tích cực tương tác với giáo viên cũng như tương tác với những người học khác để tiếp nhận kiến thức, tích cực tham gia thảo luậnTrong quá trình học online, việc trao đổi nhóm, học tập nhóm hoàn toàn có thể thực hiện được dễ dàng. Các phần mềm học trực tuyến hiện này đều có tính năng hỗ trợ giúp người học trong cùng khóa học có thể liên lạc, cùng trao đổi và thảo luận với nhau. Với việc làm việc nhóm, trao đổi, tương tác với nhau các sinh viên có thể hỗ trợ, bổ sung được kiến thức cho nhau hiệu quả. Đây còn là cách giúp cải thiện khả năng làm việc nhóm. Vì vậy, khi tham gia học trực tuyến áp dụng phương pháp học theo nhóm, cùng làm bài tập, cùng giải quyết vấn đề theo nhóm. Học nhóm sẽ giúp cho việc học hiệu quả hơn, kiến thức nhận về nhiều hơn và chất lượng hơn,… Ngoài ra, trong quá trình học, người học cũng có thể cùng trao đổi thông qua các diễn đàn để có được những chia sẻ hữu ích, hỗ trợ bổ ích từ nhiều người khác.

Tác giả: Nguyễn Thị Hiền

BÌNH LUẬN