Chiến thuật sáng tạo của quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ

0
8919

TS. Nguyễn Thị Hồng Miên

Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử. Chiến dịch Điện Biên Phủ là trận “quyết chiến chiến lược” lớn nhất giữa ta và Pháp. Thắng lợi oanh liệt của chiến dịch Điện Biên Phủ đã đánh dấu đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, là một điển hình xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng về chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật.

Từ đầu tháng 12/1953, thực dân Pháp tăng cường lực lượng quân đội, phương tiện chiến tranh, chiếm đóng Điện Biên Phủ, xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương với 10 trung tâm đề kháng lại chia ra thành 49 cứ điểm phòng thủ kiên cố liên hoàn trang bị hỏa lực mạnh yểm trợ lẫn nhau; có 2 sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm để lập cầu hàng không. Đến thượng tuần tháng 3/1954, tổng số binh lực của địch lên đến 17 tiểu đoàn với 16.200 tên, phần lớn là các đơn vị tinh nhuệ. Với hệ thống công sự vững chắc, lực lượng cơ động mạnh, binh khí kỹ thuật đầy đủ, hiện đại. Pháp- Mĩ coi Điện Biên Phủ là “Pháo đài bất khả xâm phạm”;“cái máy nghiền khổng lồ”, “cái bẫy để nghiền nát chủ lực Việt Minh”.

Trước âm mưu và hành động của địch, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp, thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh và quyết định mở chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ với ý chí “quyết chiến, quyết thắng”. Một trong những yếu tố làm nên thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là sự sáng tạo về chiến thuật tiến công tiêu diệt địch. Chiến thuật “Vây, lấn, tấn, diệt” là một sáng tạo hết sức độc đáo của quân đội ta trong trận chiến Điện Biên Phủ. Vây chặt, lấn sâu, tiến công không ngừng, phá hủy công sự địch, triệt viện binh và tiếp tế, tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm và cụm cứ điểm trên chiến trường Điện Biên Phủ. Với cách đánh “đánh chắc, tiến chắc”, xây dựng trận địa chiến hào từ xa tiến vào gần, ta thực hiện “vây lấn” tập đoàn cứ điểm địch từ ngoài vào trong, lần lượt tiêu diệt từng cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn quân địch. Cách đánh này đã phát huy lợi thế của trận địa tiến công, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng với quy mô lớn, tiến hành “trói địch lại”, đánh “bóc vỏ”. Và với cách đánh này, ta hạn chế được những thế mạnh của quân Pháp là pháo binh, máy bay và chiến hào, đồng thời khoét sâu vào những mặt yếu cơ bản của chúng là ý chí và tiếp tế bảo đảm vật chất, vốn là nhược điểm cốt tử của quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Chiến thuật “vây, lấn, tấn, diệt” trong trận chiến Điện Biên phủ của ta bắt đầu là sử dụng chiến thuật đào hào vây lấn. Bộ đội ta đã rất sáng tạo, biết biến chiến hào từ “vật tĩnh”, là phương tiện phòng hộ thành “vật động”, thành vũ khí tiến công. Chiến hào cứ dài dần theo bước tiến quân. Bộ đội đánh tới đâu, chiến hào theo tới đó. Địch phát hiện, phản kích, tìm cách lấp chiến hào, bộ đội ta giáng trả. Khi địch rút, quân ta lại đào chiến hào để tiến công tiếp. Đây là một công việc được tiến hành rất tỉ mỉ, chu đáo. Bộ đội ta đã xây dựng hai loại giao thông hào: một là loại giao thông hào trục, dùng cho việc cơ động bộ binh, cơ động pháo binh, vận chuyển thương binh, hình thành một đường vòng rộng, vây quanh trận địa ở phân khu trung tâm của địch; hai là loại giao thông hào tiếp cận của bộ binh, xuất phát từ vị trí trú quân của các đơn vị trong rừng đổ ra cánh đồng Mương Thanh, cắt ngang giao thông hào trục, tiến vào những vị trí địch mà ta định tiêu diệt. Các loại giao thông hào thường có độ sâu khoảng 1,7 m (lút đầu người), đáy hào trục rộng 1,2 m, đáy hào bộ binh rộng 0,6 mét. Dọc giao thông hào bộ binh, có đầy đủ hố phòng pháo, hầm trú ẩn, hào chiến đấu và ụ súng để đối phó với những cuộc phản kích của địch. Mỗi mét đường hào được hình thành là cả sự đánh đổi bằng mồ hôi, xương máu của các chiến sĩ ta. Đối với quân pháp, chiến hào của ta là nỗi kinh hoàng của chúng. Nhiều binh lính lê dương đóng quân ở Điện Biên Phủ lúc bấy giờ, sau này kể lại rằng: “Ban ngày nghe tiếng súng nổ, họ không sợ bằng ban đêm, nằm dưới lô cốt nghe âm vang từ tiếng xẻng đào đất của “Quân đội Việt Minh” đang đưa chiến hào tiến lại gần, quây chặt lấy vị trí của họ, cứ tưởng chừng như có cả một gọng kìm khổng lồ đang bóp chặt lại”.

Ngay từ đợt tiến công thứ nhất (từ 13/3/1954 đến 17/3/1954), tiêu diệt các cứ điểm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, ta đã đào các công sự và hình thành những chiến hào tiến lên phía trước, đến tận hàng rào dây thép gai các cứ điểm của địch. Sau chiến thắng đợt 1, bộ đội ta tiếp tục xây dựng hệ thống trận địa tiến công, gồm các đường hào trục, đường hào nhánh để vận chuyển và cơ động lực lượng, hệ thống trận địa tiến công và xuất phát xung phong các trung đoàn, cùng rất nhiều hầm trú ẩn, hầm chỉ huy tiến áp sát, bao vây xung quanh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đến cuối tháng 3-1954, trận địa tiến công và bao vây của ta được xây dựng đã căn bản hoàn thành, trong đó các tuyến xuất phát tiến đánh các cụm cứ điểm phía đông và phía tây được chuẩn bị chu đáo.

Chiến thuật “vây, lấn, tấn, diệt” đươc ra đời trong đợt tiến công 2 (từ 13/3/1954 đến 17/3/1954), ta đồng loại tiến công các cao điểm phía Đông phân khu Trung tâm. Trong số những trận đánh đó, trận đánh ở các cứ điểm 106, 105 và 206 thể hiện sự sáng tạo về cách đánh, tạo nên sức mạnh áp đảo để đánh thắng quân địch. Trong trận đánh cứ điểm 106 (đêm 01/4/1954), ta đào các chiến hào vào sát hàng rào của địch, khi pháo chi viện hỏa lực, các chiến sĩ bí mật vận động theo chiến hào tiến sát hàng rào thứ nhất, diệt các ụ súng của địch, rồi bất ngờ tiến vào trong cứ điểm, tiêu diệt gọn quân địch trong vòng 30 phút. Trận đánh cứ điểm 106 thắng lợi đã đánh đấu sự ra đời của chiến thuật “vây, lấn, tấn, diệt”.  Tại trận đánh cứ điểm 105, một trong những cứ điểm quan trọng bảo vệ cho sân bay Mường Thanh, ta thực hiện xây dựng trận địa tiến công, bao vây cứ điểm và đào hào cắt sân bay Mường Thanh. Trận địa tiến công và bao vây của ta triển khai từ phía đông thông sang phía tây. Với chuẩn bị chu đáo và tinh thần chiến đấu anh dũng, từ đêm ngày 18/4 đến sáng 19/4, bộ đội ta hoàn toàn làm chủ trận địa, diệt và bắt hơn 100 tên địch. Trong trận đánh cứ điểm 206 (cách sân bay Mường Thanh 100m về phía tây), ta đã xây dựng trận địa tiến công theo các phương pháp đào trườn, đào dũi kết hợp với đào ngầm, sử dụng các “con cúi” rơm, bó đót, bao cát để che đỡ trước mặt và hai bên sườn cùng các phương tiện chống hầm để lấn dần vào cứ điểm. Đêm 22/4, sau hơn 2 giờ chiến đấu, ta làm chủ cứ điểm 206. Trận đánh thắng lợi góp phần cùng các đơn vị bạn thắt chặt vòng vây, khống chế và triệt đường tiếp tế của địch, tạo thế cho chiến dịch phát triển chuyển sang đợt 3, tổng công kích, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.

Như vậy, “Vây, lấn, tấn, diệt” là phương pháp chiến thuật do bộ đội ta sáng tạo ra trong quá trình đánh địch ở Điện Biên Phủ, có ý nghĩa chiến dịch, được vận dụng để thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, đảm bảo sự chắc thắng trong tiến công địch. Sự sáng tạo về chiến thuật chính là yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu: “Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, mối quan hệ giữa chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và phương pháp chiến thuật hết sức rõ rệt. Có chiến lược đúng mới có thể có nghệ thuật chiến dịch và phương pháp chiến thuật đúng. Nhưng chỉ có chiến lược đúng cũng chưa đủ, phải có nghệ thuật chiến dịch đúng và phương pháp chiến thuật đúng mới bảo đảm giành được thắng lợi trong chiến tranh …’’.( Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ, Nxb Chính trị Quốc gia, 2004)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Chiến thắng Điện Biên Phủ, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội, 2004.
  2. Điện Biên Phủ, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004.

3. Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, tập V, Nxb Quân đội nhân dân Việt Nam, 1992.

BÌNH LUẬN