GIA ĐÌNH – NƠI NUÔI DƯỠNG CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TỐT ĐẸP

0
136

Gia đình – hai tiếng thiêng liêng, đó là nơi bình yên và an toàn nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Gắn với gia đình, con người mới có thể cảm nhận được tình yêu thương và sự bao dung vô bờ bến. Để có một mái ấm hạnh phúc, đó là ước mơ đời thường đồng thời cũng khó khăn nhất đối với mỗi con người.

Trong lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, gia đình luôn có vị trí và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ đất nước, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Gia đình là nơi tiếp nhận, kế thừa và chuyển giao những giá trị văn hóa, nhân văn. Những truyền thống quí báu của dân tộc, đã và đang được các thế hệ nối tiếp nhau trong gia đình gìn giữ, vun đắp và không ngừng phát triển. Gia đình bao giờ cũng là tổ ấm, là môi trường đầu tiên nuôi dưỡng và hình thành nhân cách con người.

Gia đình được coi là nền tảng của xã hội. Việc “tề gia” là điều kiện, bước đệm để người quân tử có khả năng “trị quốc”, “bình thiên hạ”. Không quản lý gia đình tốt thì đừng nói đến năng lực quản lý xã hội. Gia đình chính là một xã hội thu nhỏ, là môi trường cho cá nhân rèn luyện phẩm chất nhân cách, năng lực của bản thân. Người chủ gia đình quản lý gia đình, thực hiện mối quan hệ với các thành viên khác trong gia đình thông qua và bằng những phép tắc, chuẩn mực có tính tôn ti, trật tự, nề nếp đã được các thế hệ trước truyền lại. Vì lẽ đó, gia đình trở thành một môi trường rèn luyện và giáo dục đạo đức, lối sống, ứng xử cho mỗi cá nhân; là nơi cá nhân trao và nhận tình cảm yêu thương, tình cảm gắn bó; là nơi cá nhân thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình với người thân.

Ảnh minh họa ( Nguồn internet)

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo và đề cao vai trò của gia đình trong xã hội. Người căn dặn “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt… Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Đã là người trong gia đình thì phải luôn yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, “chị ngã em nâng”, “Anh em như thể tay chân / Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”… Không những thế, theo Bác, mỗi người đều có 2 gia đình đó là gia đình nhỏ của riêng mình, là tổ ấm để sớm tối đi về, còn gia đình lớn chính là Tổ quốc, nơi ấy, mọi người phải cùng có trách nhiệm vun đắp, dựng xây, để gia đình lớn ấy luôn luôn được: Độc lập, tự do, hạnh phúc.

Nhận thức được vai trò to lớn của gia đình, Đảng và Nhà nước ta cũng luôn quan tâm chăm lo, xây dựng, phát triển gia đình ấm no, tự do, phồn vinh, hạnh phúc, đảm bảo tiến bộ và văn minh. Trong văn kiện các kỳ Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII hầu như đều nhắc đến và nhấn mạnh vai trò của gia đình đối với sự hình thành nhân cách của mỗi con người, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Mới đây nhất, chỉ thị số 06-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới” ban hành ngày 24/6/2021 cũng đã khẳng định “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước”.

Những giá trị nổi bật của truyền thống văn hóa Việt Nam thể hiện trong các mối quan hệ trong gia đình, giữa ông bà, cha mẹ với con cháu, giữa anh chị với em, giữa vợ và chồng. Trong mối quan hệ vợ chồng, đề cao sự thủy chung, tôn trọng lẫn nhau. Trong mối quan hệ giữa anh chị em, đề cao sự hòa thuận, nhường nhịn giúp đỡ lẫn nhau. Trong mối quan hệ giữa cha mẹ, ông bà với con cháu đề cao sự hy sinh, tình thương, sự chăm sóc của ông bà, cha mẹ đối với con cháu và sự hiếu thảo của con cháu đối với các thế hệ cha ông. Lòng hiếu thảo của con cháu đối với các thế hệ trước là phẩm chất đứng đầu trong hệ thống giá trị đạo đức của con người Việt Nam, cũng quy định toàn bộ hệ giá trị truyền thống của gia đình người Việt. Phẩm chất này thể hiện ở lòng biết ơn, sự kính trọng, lễ phép và sự chăm sóc tận tình cha mẹ, ông bà khi họ còn sống và thờ phụng khi họ đã chết. Thờ cúng tổ tiên là một biểu hiện của lòng hiếu thảo – giá trị cao nhất trong hệ giá trị đạo đức của con người Việt Nam. Không chỉ có vậy, thờ cúng tổ tiên còn góp phần bảo lưu nhiều giá trị khác của gia đình Việt Nam truyền thống.

Ảnh minh họa ( Nguồn internet)

Các giá trị truyền thống được coi trọng trong gia đình truyền thống đều xuất phát từ chuẩn mực đạo đức, văn hóa. Từ nền tảng đạo đức, các giá trị truyền thống

hướng đến những hành động, ứng xử tốt đẹp của các thành viên trong gia đình. Nhờ vậy, gia đình trở thành khối vững chắc, là hạt nhân quan trọng trong xã hội. Từ gia đình, những giá trị đạo đức được lan tỏa ở những cấp cao như làng xã, Tổ quốc. Chính gia đình là nơi “gieo mầm” những tình cảm tốt đẹp như lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường… Vì thế, giá trị truyền thống gia đình là sức mạnh tiềm tàng của dân tộc, là động lực để xây dựng và bảo vệ đất nước trong chiều dài hàng nghìn năm lịch sử.

Để xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, các thành viên trong gia đình phải luôn gắn bó, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, đối diện khó khăn cùng nhau. Trong cuộc sống của mỗi người bao giờ cũng có niềm vui, nỗi buồn đan xen, sự quan tâm, lời động viên đúng lúc, đúng chỗ của những người thân sẽ là điểm tựa, là động lực tinh thần quan trọng để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Trong xã hội hiện đại, lối sống thờ ơ, vô cảm, vô trách nhiệm đối với chính những người thân, gia đình của mình cũng đang là vấn đề cần cảnh tỉnh trong xã hội hiện đại. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, gia đình phải luôn là chỗ dựa vững chắc, là động lực để mỗi thành viên vươn lên trong cuộc sống.

Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2589/QĐ-TTg ngày 26/12/2013 phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 hàng năm”.

Năm 2014, lần đầu tiên Việt Nam chính thức tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”. Việc tổ chức Ngày Quốc tế Hạnh phúc là để cùng cả thế giới biểu thị mong muốn, niềm tin và quyết tâm phấn đấu vì một thế giới hòa bình, không có chiến tranh, không còn đói nghèo; một thế giới phát triển thịnh vượng và bền vững; một thế giới mà tất cả mọi người dù khác màu da, dân tộc, tôn giáo đều được hưởng trọn niềm hạnh phúc.

Xây dựng gia đình là một vấn đề vừa lớn vừa khó và hết sức hệ trọng đối với cả dân tộc và mọi thời đại. Đây cũng là một sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Qua đó, còn nhằm vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng xã hội; phê phán những biểu hiện, hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật về gia đình. Đồng thời, nhân rộng các mô hình hiệu quả, mô hình mới về xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình. Cùng với đó, biểu dương những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác gia đình, đặc biệt là những người làm công tác gia đình ở cộng đồng.

Hãy cũng nhau kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, hiếu nghĩa của dân tộc  Việt Nam: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”. Hãy yêu thương và chia sẻ để tìm thấy cho mình và giúp những người xung quanh ta, trước hết là gia đình và những người thân để có nhiều giây phút hạnh phúc đích thực. Cho dù có đi đâu, làm gì, gia đình vẫn là nơi để nhớ, để yêu thương và để chúng ta gìn giữ và vun đắp. Và chủ đề chung về gia đình đến năm 2025 mà chúng ta đang nỗ lực thực hiện là: “Gia đình hạnh phúc – Quốc gia thịnh vượng”./.

Tác giả: Phạm Thị Thu Hà – Khoa Bồi Dưỡng

BÌNH LUẬN