MỞ RỘNG LOẠI HÌNH VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG BỒI DƯỠNG CÁN BỘ QUẢN LÝ VÀ GIÁO VIÊN CÁC CẤP CỦA TỈNH ĐIỆN BIÊN

0
681

Thạc sĩ: Phạm Ngọc Cảnh

Phó trưởng Khoa Bồi Dưỡng

Nền giáo dục nước ta hiện nay đang có nhiều thay đổi để phù hợp với sự phát triển của đất nước. Do đó muốn thay đổi chất lượng giáo dục theo hướng tích cực thì mỗi giáo viên phải luôn luôn cập nhật những kiến thức, phương pháp mới, hiện đại thông qua việc tham gian tập huấn, bồi dưỡng, tự bồi dưỡng để nâng cao kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ giảng dạy của mình. Trong những năm qua công tác bồi dưỡng của trường Cao đẳng Sư phạm đã và đang thực hiện khá, tốt. Song để đáp ứng tốt yêu cầu của ngành giáo dục và đào tạo đặt ra hiện nay thì nhà trường cần phải nâng cao chất lượng bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho tỉnh.

Thạc sĩ: Nguyễn Thị Tuyết Mai – Hiệu trưởng trường CĐSP Điện Biên trao chứng chỉ cho học viên.

  1. Đặt vấn đề

Đội ngũ giáo viên được xem là nguồn lực quan trọng của các cơ sở giáo dục, nhà trường và xã hội. Trong một công trình nghiên cứu về giáo dục, tác giả Raja Roy Singh (1994) khẳng định: “Không một hệ thống giáo dục nào có thể vươn cao quá tầm những giáo viên làm việc cho nó”. Nhận định trên cho ta thấy trọng trách cao cả của người giáo viên, nhất là bối cảnh giáo dục hiện nay trong thời đại 4.0. Điều này cũng phản ánh thực tiễn phát triển giáo dục, theo đó chất lượng giáo dục không thể cao hơn chất lượng đội ngũ giáo viên mà chính nền giáo dục ấy đã tạo ra.

Văn kiện hội nghị lần 2 Ban chấp hành Trung ương khóa VIII xác định: “Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục và được xã hội tôn vinh”. Luật Giáo dục hiện hành khẳng định: “Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục. Nhà nước tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; có chính sách sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và trách nhiệm của mình”. Điều đó cho thấy, đội ngũ giáo viên giữ vai trò quan trọng trong việc quyết định chất lượng giáo dục, tham gia thực hiện các hoạt động của nhà trường. Vì thế muốn nâng cao chất lượng giáo dục, phải nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Bên cạnh đó Nghị quyết 29-NQTW thẳng thắn chỉ ra “Quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp.” đồng thời cũng đưa ra mục tiêu: “Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Để đạt được mục tiêu trên một lần nữa khẳng định chúng ta phải có đội ngũ giáo viên thực sự có chất lượng, theo kịp việc đổi mới hiện nay. Do đó cần phải có lộ trình để bồi dưỡng đội ngũ CBQLGD và giáo viên để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đây là một trong những nhiệm vụ của các trường sư phạm trong cả nước nói chung và trường cao đẳng Sư phạm Điện Biên nói riêng trong công tác bồi dưỡng CBQL và giáo viên của tỉnh Điện Biên. Để làm tốt nhiệm vụ trên nhà trường không đơn thuần thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng như hiện nay mà cần phải rộng các loại hình bồi dưỡng CBQL và giáo viên theo định hướng phát triển năng lực gắn với thực tiễn phổ thông thì mới nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh, đồng thời khẳng định vị thế của nhà trường trong giai đoạn mới, có nhiều khó khăn và thách thức.

Tổng kết khóa bồi dưỡng Cán bộ quản lý trường học tại trường CĐSP Điện Biên

  1. Thực trạng công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên của nhà trường trong những năm gần đây.

Trong những năm qua nhà trường chủ yếu làm công tác bồi dưỡng CBQL giáo dục các trường MN, TH, THCS trong tỉnh Điện Biên ngoài ra trường thực hiện bồi dưỡng giáo viên theo đơn đặt hàng của một số phòng giáo dục đào tạo tỉnh Lai Châu, đến tháng 4 năm 2018 trường được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng theo chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập theo Quyết định số 245/QĐ-UBND, ngày 30 tháng 3 năm 2018 của UBND tỉnh Điện Biên, Cụ thể:

a, Công tác bồi dưỡng CBQLGD:

Từ 2012 đến nay trường đã bồi dưỡng được 3060 lượt học viên.

Kết thúc khóa bồi dưỡng nhà trường lấy phiếu trưng cầu ý kiến học viên, giảng viên (đối với lớp CBQL năm học 2017-2018) và kết quả như sau:

Về nội dung chương trình bồi dưỡng, ý kiến của các học viên như sau:

Như vậy 100% học viên được lấy ý kiến đều cho rằng chương trình bồi dưỡng được thực hiện là rất phù hợp và phù hợp.

Về công tác khác ý kiến của học viên:

Công tác tổ chức và công tác phục vụ khóa bồi dưỡng của trường CĐSP Điện Biên được học viên đánh giá cao: 100% ý kiến đánh giá đạt trở lên. Công tác phục vụ CSVC cho lớp học được đánh giá tốt không có ý kiến nào đánh giá không đạt. Hiệu quả đợt bồi dưỡng đối với mỗi học viên được học viên ghi nhận rất tốt, trong đó 149/152 = 98% ý kiến đánh giá khá tốt, chỉ có 03/152=2% ý kiến  đánh giá là đạt yêu cầu, không có ý kiến nào đánh giá không đạt.

Về thái độ trách nhiệm trong giảng dạy của giảng viên, được học viên đánh giá cao có 2979/3030 lượt ý kiến đánh giá nhiệt tình, rất nhiệt tình chiếm 98%, chỉ có 51/3030 lượt ý kiến đánh giá là đạt yêu cầu chiếm tỉ lệ 2%.

Về phương pháp giảng dạy của giảng viên được học viên đánh giá như sau:  về  mức độ rất phù hợp, phù hợp có  3012/3030 lượt ý kiến đánh giá chiếm 99%, có 18/3030 lượt ý kiến đánh giá là đạt yêu cầu chiếm 1%, không có ý kiến nào đánh giá chưa đạt yêu cầu.

Về hiệu quả giảng dạy có 2876/3030 lượt ý kiến đánh giá hiệu quả giảng dạy của các giảng viên là khá, tốt đạt 95%, có 154/3030 lượt ý kiến đánh giá là đạt yêu cầu chiếm 5%, không có ý kiến nào đánh giá chưa đạt yêu cầu, điều đó chứng tỏ công tác bồi dưỡng đối với học viên mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý nhà trường.

b, Công tác bồi dưỡng giáo viên theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Từ khi được tỉnh giao nhiệm vụ đến nay nhà trường đã bồi dưỡng được 4427 giáo viên các cấp MN, TH, THCS. Trong công tác này chúng ta cũng phải nhìn nhận có một số tồn tại đó là: công tác tổ chức lớp học do số lớp nhiều trong một thời gian rất ngắn nên một số lớp có số lượng học viên lớn gây khó khăn cho cho công tác tổ chức lớp học. Song tồn tại trên đã được khắc phục kịp thời.

  1. Một số giải pháp nhằm mở rộng loại hình và nâng cao chất lượng bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên

3.1. Nâng cao nhận thức về sự cần thiết trong công tác bồi dưỡng CBQLGD và giáo viên.

Trong những năm gần đây giáo dục nước ta có nhiều thay đổi: Thay đổi về nội dung chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; đặc biệt đưa mô hình dạy học mới vào giảng dạy và chuyển đổi hoàn toàn việc dạy học theo phương pháp cũ sang dạy học phát triển năng lực cho học sinh. Điều này đòi hỏi người giáo viên phải liên tục cập nhật những kiến thức mới, phương pháp mới, nội dung chương trình mới phù hợp hơn có nhiều kiến thức tổng hợp hơn. Chính vì vậy mỗi giáo viên phải tự nêu cao tinh thần trau dồi về chuyên môn nghiệp vụ phục vụ cho công tác giảng dạy, thông qua các hình thức bồi dưỡng và tự bồi dưỡng cho bản thân một cách nghiêm túc và chất lượng và coi đó là việc làm thường xuyên thiết thực cho mỗi CBQL và giáo viên đứng lớp. Để nâng cao nhận thức về sự cần thiết trong công tác bồi dưỡng CBQL và giáo viên nhà trường phối hợp với các phòng giáo dục đào tạo tuyền truyền, giới thiệu tới các giáo viên những chương trình bồi dưỡng cần thiết, thiết thực cho họ, để từ đó giáo viên đăng kí cho mình những chương trình mà mình đang yếu, đang thiếu, qua đó trường tổ chức các lớp bồi dưỡng theo yêu cầu, hoặc đưa vào chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên hàng năm theo quy định của Bộ GD&ĐT.

3.2. Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng phù hợp và sát thực với điều kiện hiện nay của ngành giáo dục

Việc thực hiện biện pháp Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng phải cụ thể, rõ ràng với nhìn, mục tiêu bồi dưỡng lâu dài trên cơ sở cập nhật phù hợp đối tượng, nội dung, phương pháp, hình thức bồi dưỡng đa dạng, phong phú, thiết thực; đối tượng, lực lượng tham gia giảng dạy có chuyên môn tốt, các điều kiện nguồn lực, cách thức tổ chức bồi dưỡng phù hợp, hiệu quả.

Khi xây dựng bản kế hoạch bồi dưỡng Nhà trường cần xây dựng kế hoạch đó vừa mang tính khái quát vừa đảm bảo yếu tố chi tiết, cụ thể về công tác bồi dưỡng CBQL, GV ở các lĩnh vực mà họ đang cần phải bổ sung, cập nhật. Bởi vì kế hoạch này vừa là căn cứ pháp lý vừa là chương trình hành động phục vụ triển khai công tác bồi dưỡng trên thực tế, từ đó chủ động tổ chức thực hiện.

Nội dung bản kế hoạch cần rõ ràng, đảm bảo tính khoa học, thuận lợi trong triển khai thực hiện và theo dõi quá trình bồi dưỡng, có các phương án dự phòng, bổ sung, điều chỉnh kịp thời qua đó nâng cao hiệu quả, chất lượng quản lý công tác bồi dưỡng GV

Giải pháp này cần thực hiện qua các bước sau:

Khảo sát thực trạng chất lượng đội ngũ

Tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng đội ngũ CBQL, GV ở các phòng Giáo dục và Đào tạo trong toàn tỉnh thông qua phiếu khảo sát và phỏng vấn cán bộ phòng giáo dục.

Đánh giá thực trạng công tác bồi dưỡng CBQL, GV của nhà trường

–  Xác định mục tiêu bồi dưỡng

Xác định chương trình, nội dung bồi dưỡng phong phú, thiết thực

Xác định phương pháp, hình thức tổ chức bồi dưỡng đa dạng, hiệu quả

Xác định các nguồn lực, đối tượng, lực lượng tham gia bồi dưỡng và điều kiện tiến hành bồi dưỡng

– Xây dựng kế hoạch sát với thực tiễn.

3.3. Đổi mới công tác tổ chức công tác bồi dưỡng

Công tác tổ chức bồi dưỡng rất quan trọng trong việc khẳng định chất lượng và thương hiệu của nhà trường do đó bộ phận giúp việc như khoa Bồi Dưỡng, phòng Đào tạo – Nghiên cứu khoa học cần tham mưu cho lãnh đạo trường trong công tác bồi dưỡng luôn đổi mới về hình thức tổ chức sao cho phù hợp và thuận lợi nhất cho học viên khi tham gia bồi dưỡng. Nhà trường phân công, giao việc, trách nhiệm và quyền hạn rõ ràng, cụ thể cho cá nhân, bộ phận khi tham gia công tác bồi dưỡng cụ thể:

Về tổ chức các nguồn lực: chuẩn bị, sắp xếp, bố trí các nguồn lực một cách đầy đủ, hợp lý như: Tiến hành sắp xếp, bố trí các điều kiện vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, cung cấp tài liệu chuyên môn phục vụ công tác bồi dưỡng; Phân phối các nguồn lực, điều kiện thuận lợi để giảng được đi tham quan học tập, tập huấn những nội dung mới để nâng cao trình độ nâng cao chất lượng bồi dưỡng; Sắp xếp, bố trí thời gian, không gian, môi trường, địa điểm tổ chức bồi dưỡng một cách thuận lợi, hợp lý, khoa học nhất nhằm thu hút đối tượng tham gia bồi dưỡng đầy đủ, tích cực.

Về cơ chế làm việc: xây dựng nguyên tắc, cơ chế tổ chức bồi dưỡng đảm bảo vận hành nhịp nhàng, linh hoạt như: Xây dựng và ban hành được hệ thống văn bản, cơ chế tổ chức bồi dưỡng khoa học, rõ ràng, cụ thể; Có chính sách thuận lợi thu hút sự tham gia rộng rãi của lực lượng, cộng đồng xã hội vào công tác bồi dưỡng. Rà soát, chỉnh sửa những quy định đảm bảo sự vận hành thông thoáng dễ hiểu, dễ thực hiện; Giao trách nhiệm đi đôi với trao quyền và lợi ích hợp pháp cho cá nhân và tổ chức trong quá trình khai thác, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác bồi dưỡng.

3.4. Phát huy vai trò của các đơn vị cá nhân khi tham gia công tác bồi dưỡng

– Mở rộng các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường thông qua các kênh của các đơn vị, cá nhân tham khi gia bồi dưỡng, đảm bảo sự kết nối hiệu quả giữa lãnh đạo nhà trường và các đơn vị có cá nhân cần bồi dưỡng.

– Khai thác, sử dụng các nguồn lực sẵn có hợp lý và hiệu quả.

– Động viên, khích lệ các cá nhân, đơn vị trong nhà trường phát triển tư duy sáng tạo, hiến kế để đổi mới trong công tác bồi dưỡng.

3.5.  Xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, tạo động lực cho giảng viên tích cực tham gia công tác bồi dưỡng

Môi trường làm việc là nơi diễn ra các hoạt động của nhà trường, dưới tác động quản lý của lãnh đạo trường, sự vận động tương tác của giảng viên, tập thể sư phạm và các nguồn lực khác nhau trong và ngoài nhà trường. Nếu môi trường làm việc không thoải mái hoặc gò bó sẽ gây áp lực trong công việc, làm giảm sút tinh thần, thái độ làm việc của giảng viên, dẫn đến chất lượng và hiệu quả công việc cũng giảm sút. Do vậy, đội ngũ CBQL phải xác định được cách thức cần thiết, phù hợp nhằm làm cho môi trường làm việc ngày càng tốt hơn, thực hiện đầy đủ, kịp thời công bằng, minh bạch các chế độ chính sách của giảng viên khi tham gia giảng dạy. Có chế độ khen thưởng đúng người, đúng việc và thực hiện nghiêm minh công tác kỉ luật khi có giảng viên vi phạm quy chế, quy định chuyên môn.

  1. ĐỀ XUẤT KIẾN NGHỊ

4.1. Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo

– Tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà trường được thực hiện công tác bồi dưỡng CBQLGD và giáo viên thuộc chức năng nhiệm vụ nhà trường đảm nhiệm.

– Chỉ đạo và khuyến khích các phòng giáo dục chủ động, tăng cường rà soát các đối tượng cần phải bồi dưỡng đăng kí bồi dưỡng theo kế hoạch hàng năm.

4.2. Đối với cơ sở nhà trường  

– Thường xuyên cập nhật các chương trình bồi dưỡng có tính mới, hiệu quả với học viên khi tham gia bồi dưỡng.

– Phát triển, mở rộng các kênh thông tin nhằm thu hút sự quan tâm, chia sẻ, trao đổi ý kiến, đóng góp của các đối tượng tham gia bồi dưỡng để từ đó điều chỉnh công tác bồi dưỡng

4.3. Đối với giảng viên khi tham gia bồi dưỡng

– Cần nghiên cứu sâu, lập kế hoạch lên lớp một cách chi tiết và tìm tòi mở rộng các kiến thức chuyên đề được giao khi giảng dạy các lớp bồi dưỡng.

– Chủ động tham mưu đề xuất  những ý kiến hay, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế để nhà trường điều chỉnh công tác bồi dưỡng đạt hiệu quả tốt nhất.

BÌNH LUẬN