Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh liên kết đào tạo trình độ đại học hình thức vừa làm vừa học tại trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên

0
1868

Ngoài đào tạo sinh viên cao đẳng chính quy, công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, phổ thông thì liên kết đào tạo là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động đào tạo của trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, có ảnh hưởng lâu dài đối với sự tồn tại và phát triển của Nhà trường. Hợp tác đào tạo với các trường đại học và các tổ chức giáo dục trong nước là xu hướng tất yếu của các trường cao đẳng. Việc hợp tác đào tạo đã và đang chứng minh được vai trò trong việc nâng cao quy mô cùng với chất lượng dạy và học. Mục tiêu của liên kết đào tạo là tạo điều kiện tối đa cho các cá nhân có nguyện vọng học đại học hoặc bồi dưỡng nâng cao trình độ tại địa phương có thể lấy bằng của các trường đại học có uy tín trong nước. Và bằng cách này, liên kết đào tạo là một hình thức hết sức hiệu quả để rút ngắn khoảng cách địa lý, tiết kiệm tài chính, công sức và lượng thời gian học tập cho các học viên. Liên kết đào tạo trình độ đại học, hình thức vừa làm vừa học các ngành sư phạm và các ngành ngoài sư phạm được mở tại trường CĐSP Điện Biên đã và đang đáp ứng nhu cầu nâng cao trình độ nguồn nhân lực của tỉnh Điện Biên và một số tỉnh lân cận.

Xác định được vai trò và nhiệm vụ đào tạo của mình, Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên đã có những giải pháp nhằm phát huy hiệu quả của công tác liên kết đào tạo trình độ đại học, hình thức vừa làm vừa học, trong đó các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác tuyển sinh đầu vào được đặc biệt chú trọng và xem đây là một trong những yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của Nhà trường trong thời gian tới.

  1. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên Nhà trường

Cán bộ tham gia công tác tư vấn tuyển sinh, cán bộ viên chức trong nhà trường đóng vai trò hết sức quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và chất lượng về công tác tuyển sinh của Nhà trường. Vì vậy, cần phải nâng cao ý thức và vai trò trách nhiệm của mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên trong trường. Giải pháp này nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên trong nhà trường, để mọi người thấy rõ được trách nhiệm của mình trong công tác khai thác nguồn tuyển sinh mở lớp đào tạo, coi đó là công việc chung của toàn thể cơ quan và gắn liền với quyền lợi và nghĩa vụ mỗi cá nhân. Giải pháp này càng có hiệu quả cao khi mà toàn thể cán bộ, giảng viên nhận thức một cách đầy đủ trách nhiệm đối với tập thể thì bản thân họ sẽ trở thành một tuyên truyền viên làm công tác tuyển sinh, theo đó thông tin tuyển sinh sẽ được lan tỏa nhanh, kịp thời tới người có nhu cầu học tập.

  1. Tăng cường khảo sát nguồn tuyển sinh ở các Sở ban ngành, các huyện thị, xã phường, thị trấn.

Căn cứ Kế hoạch tuyển sinh của các cơ sở liên kết đào tạo, Nhà trường gửi thông báo tuyển sinh qua đường công văn tới các Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục hay cơ quan ban ngành các huyện thị, xã, phường trong tỉnh hoặc cử cán bộ trực tiếp đi giao dịch, tiếp thị tuyển sinh tại các Sở, ban ngành và các địa phương trong tỉnh… Giải pháp này giúp Nhà trường xây dựng được Kế hoạch tuyển sinh sát thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu xã hội và nhu cầu học tập của người học đồng thời khắc phục tình trạng tuyển sinh kéo dài thậm chí không đủ số lượng người học để mở lớp.

  1. Ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội để tăng cường công tác thông tin, quảng cáo.

Đẩy mạnh việc tương tác trên mạng xã hội, sự xuất hiện của mạng xã hội với những tính năng đa dạng, nguồn thông tin phong phú đã cho phép người dùng tiếp nhận, chia sẻ một cách nhanh chóng, thông tin được truyền tải vượt qua trở ngại về không gian và thời gian. Từ những thuận lợi mà nó mang lại, mạng xã hội đã có tác động làm thay đổi nhiều thói quen cũ và hình thành những biểu hiện mới… ở một bộ phận khá lớn những người sử dụng. Đây là giải pháp quan trọng nhằm thông tin, tuyên truyền, quảng bá các nội dung về việc mở các lớp liên kết đào tạo tới các tập thể và cá nhân có nhu cầu học tập được biết.

Giải pháp này có thể thực hiện một cách đồng bộ dưới nhiều hình thức khác nhau như: Phát triển trang Web, Fanpage trường cung cấp thông tin chính xác về tuyển sinh cho học viên và người học, gửi thông báo tuyển sinh qua nhóm Zalo, Facebook các lớp học viên đang học tại trường; hướng dẫn học viên có nhu cầu học tập hoàn thiện đầy đủ các loại giấy tờ của hồ sơ bằng hình thức online giúp giảm thiểu việc đi lại của người học.

  1. Hình thành mạng lưới cộng tác viên trong công tác khai thác nguồn tuyển sinh

 Giải pháp này thực hiện dưới hai hình thức: Cộng tác viên tập thể và cộng tác viên cá nhân. Cộng tác viên tập thể: Có thể chọn một vài huyện có vị trí địa lý gần nhau làm một điểm cộng tác viên, đó là nơi giúp Nhà trường quảng bá thông tin tuyển sinh và là nơi phát hành thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi cho Nhà trường. Cộng tác viên cá nhân: Là hình thức các cá nhân ở mọi vùng miền trong tỉnh có thể thực hiện giúp trường trong việc giới thiệu và đăng ký người có nhu cầu học tập. Thông qua mạng lưới cộng tác viên này mọi thông tin tuyển sinh sẽ đến được với người học ở mọi địa phương trong tỉnh được kịp thời và đầy đủ. Từ đó sẽ thu hút thêm người học kéo theo quá trình mở lớp được nhanh gọn (không quá kéo dài thời gian tuyển sinh).

  1. Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích hợp lý

Đây là giải pháp mang tính kích cầu trong công tác khai thác nguồn tuyển sinh. Cần phải xây dựng một cơ chế khen thưởng đối với cán bộ, giảng viên làm tốt công tác tuyển sinh và chế độ bồi dưỡng phù hợp đối với các cộng tác viên trong công tác khai thác nguồn tuyển sinh (Giá trị trích thưởng tương ứng với số lượng hồ sơ thu được của các cộng tác viên ).

  1. Thành lập Tổ cán bộ chuyên trách trong công tác tuyển sinh

Tổ cán bộ chuyên trách tuyển sinh là giảng viên làm công tác tuyển sinh thuộc phòng Đào tạo – NCKH. Tổ có trách nhiệm tư vấn, tham mưu xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm và đưa ra các chủ trương, cơ chế hoạt động cũng như các phương thức tổ chức thực hiện. Tổ có nhiệm vụ tư vấn cho người học hiểu phương pháp, hình thức đào tạo; thời gian kết thúc khoá học; kinh phí đào tạo đến từng cơ sở GD, địa phương, từng đối tượng để học viên nắm được từ đó họ sẽ chọn chương trình học tập hiệu quả, phù hợp.

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Phương

BÌNH LUẬN