Năng lực mĩ thuật của sinh viên ngành Giáo dục Mầm non trường CĐSP Điện Biên thông qua học tập nội dung Thiết kế đồ dùng và đồ chơi

0
100

Giáo dục thẩm mỹ cho trẻ mầm non có nhiều ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Định hướng và giáo dục thẩm mỹ đúng sẽ góp phần giúp trẻ phát triển tư duy, trí tưởng tượng, khả năng quan sát, khả năng sáng tạo và các năng khiếu liên quan đến nghệ thuật. Giáo dục thẩm mỹ tạo điều kiện để trẻ tiếp xúc với nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Từ đó trẻ hình thành tình yêu và nhu cầu về tính thẩm mỹ. Để thực hiện giáo dục thẩm mỹ cho trẻ có rất nhiều phương thức, phương cách và phương tiện. Tuỳ vào mỗi nội dung giáo dục thẩm mỹ mà mỗi loại hình nghệ thuật sẽ có nội dung giáo dục phù hợp với từng độ tuổi, giai đoạn phát triển về thể chất và tinh thần khác nhau của trẻ mầm non.

Là sinh viên ngành Giáo dục Mầm non đòi hỏi khi ra trường phải có nhiều kiến thức khác nhau về mỗi loại hình nghệ thuật. Nhưng trên hết, ngoài kiến thức và hiểu biết về nội dung giáo dục thẩm mĩ, đòi hỏi sinh viên phải được tích luỹ và trải nghiệm các kĩ năng thực hành đối với Âm nhạc, Mĩ thuật. Với các nội dung thực hành ứng dụng mĩ thuật, sinh viên phải có những năng lực về vẽ trang trí, vẽ tranh, thiết kế trong và ngoài lớp học, thiết kế đồ dùng dạy học và đồ chơi cho trẻ mầm non,…

Trong chương trình Giáo dục Mầm non của trường CĐSP Điện Biên, học phần Nghệ thuật tạo hình và Thiết kế đồ chơi cho trẻ mầm non có ý nghĩa thiết thực đối với sinh viên. Học phần trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ sở về Nghệ thuật tạo hình: khái niệm, các thể loại của nghệ thuật tạo hình, đặc trưng ngôn ngữ của nghệ thuật tạo hình, các quy tắc, hình thức xây dựng bố cục trang trí và bố cục tranh,… đồng thời sinh viên còn được trang bị kiến thức về khái lược một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu của nghệ thuật tạo hình Việt Nam và thế giới. Đây là cơ sở nền tảng để sinh viên thực hiện các hướng dẫn các hoạt động thực hành trong tổ chức hoạt động tạo hình ở trường Mầm non.

Đối với phần Đồ dùng dạy học và Đồ chơi, đây là nội dung có các bài học là trọng tâm của học phần này. Với thời lượng 60 tiết thực hành, phần Thiết kế đồ dùng dạy học và Thiết kế đồ chơi đã giúp sinh viên được trải nghiệm những kỹ năng về mĩ thuật ứng dụng: thiết kế, vẽ, cắt – xé dán,… từ đó ứng dụng hình thành các sản phẩm tạo hình: Tranh từ một số loại hạt, hoa lá khô; Con rối theo cốt truyện; Sân khấu múa rối;  Đồ chơi 2D – 3D từ giấy bìa, Đồ chơi 2D, 3D từ các nguyên vật liệu tái sử dụng và Mô hình 3D (công viên, trường học, bản văn hóa,…)

Nhiều năm học qua, dưới sự hướng dẫn tận tâm và nhiệt huyết của các giảng viên tổ Mĩ thuật, mỗi khoá sinh viên ngành học mầm non của Nhà trường đã tạo được hàng ngìn sản phẩm đồ dùng, đồ chơi sau khi kết thúc mỗi kỳ học.Thông qua các lần trưng bày sản phẩm tạo hình do Nhà trường tổ chức, các sản phẩm là đồ dùng dạy học và đồ chơi cho trẻ mầm non được các thầy cô giáo và sinh viên đánh giá cao cả về số lượng, chất lượng và tính thẩm mỹ (Năm học 2019 – 2020: trưng bày hơn 1500 sản phẩm của khối lớp K21MN; Năm học 2022 – 2023: trưng bày hơn 2000 sản phẩm của khối lớp K23MN). Có thể thấy số lượng và chất lượng sản phẩm đồ dùng, đồ chơi của sinh viên được lựa chọn trưng bày qua một số năm học vừa qua đã góp phần phản ánh năng lực của sinh viên trong quá học tập các học phần mĩ thuật nói chung và nội dung Thiết kế đồ dùng, đồ chơi nói riêng. Một số năng lực được thể hiện trong thiết kế đồ dùng dạy học và thiết kế đồ chơi cụ thể như sau:

Năng lực nhận thức thẩm mỹ

Nhận thức thẩm mỹ là một quá trình hình thành lâu dài được hình thành trong trong tích luỹ kiến thức và kĩ năng của quá trình học tập. Do tính đặc thù của hoạt động tạo hình, nhận thức thẩm mỹ sẽ được hình thành trong quá trình suy nghĩ, tìm tòi, thể hiện,… và thành quả của nó được biểu đạt thông qua sản phẩm tạo hình.  Sản phẩm tạo hình của mỗi sinh viên, nhóm sinh viên có cùng một nội dung chủ đề nhưng mỗi sinh viên lại có được cách thể hiện khác nhau về hình thức, chất liệu thể hiện. Sản phẩm đồ dùng đồ chơi của sinh viên tạo được tính thẩm mỹ qua việc tạo hình dáng, chất liệu, màu sắc sinh động và phong phú. Điều đó chứng tỏ nhận thức thẩm mỹ của sinh viên đã được tích luỹ qua quá trình học và trải nghiệm phần thiết kế đồ dùng, đồ chơi là có hiệu quả.

Năng lực phối hợp các kĩ năng tạo hình

Những sản phẩm tạo hình như tranh từ một số loại hạt, hoa lá khô; Con rối theo cốt truyện; Sân khấu múa rối;  Đồ chơi 2D – 3D từ giấy bìa, Đồ chơi 2D, 3D từ các nguyên vật liệu tái sử dụng và Mô hình 3D (công viên, trường học, bản văn hóa,…) đã thế hiện những năng lực phối hợp các kĩ thuật tạo hình của sinh viên. Để hình thành được các sản phẩm trên, đòi hỏi mỗi sinh viên, nhóm sinh viên phải có nền tảng kĩ năng tạo hình căn bản tốt, đồng thời biêt phối hợp nhiều kĩ năng khác nhau của từng cá nhân để tạo nên một hoặc một nhóm sản phẩm. Khi xem xét các sản phẩm tạo hình của sinh viên có thể thấy các đồ dùng, đồ chơi của sinh viên đã biểu hiện năng lực phối hợp nhiều  kĩ năng tạo hình được trang bị trong học tập học phần Mĩ thuật bao gồm: kĩ năng thiết kế, vẽ, cắt -xé dán, nặn, trang trí, chắp ghép,…

Năng lực làm việc cá nhân và phối hợp nhóm

Qua mỗi lần trưng bày sản phẩm tạo hình của sinh viên ngành học Giáo dục Mầm non của Nhà trường, có thể thấy số lượng đồ sộ của các sản phẩm trong cùng một lớp, hay một khoá học. Như vậy, nếu chỉ một sinh viên làm sản phẩm trong thời lượng số tiết qui định của học phần sẽ không có được số lượng sản phẩm tạo hình lớn. Trong quá trình học tập phần Thiết kế đồ dùng, đồ chơi dưới sự hướng dẫn và tổ chức của giảng viên, sinh viên đã được thực hành làm sản phẩm của các nhân và của nhóm, trong đó sự phối hợp làm việc theo nhóm là vô cùng cấn thiết. Chỉ thông qua học tập theo nhóm sinh viên mới có cơ hội phát triển được nhiều ý tưởng, lựa chọn được thiết kế, số lượng sản phẩm, chất liệu và hình thức thể hiện đa dạng và phong phú.

Thiết kế đồ dùng dạy học và Đồ chơi là một phần công việc thiết thực gắn liền với năng lực và ứng dụng mĩ thuật của sinh viên trong học tập tại nhà trường và sau khi ra trường công tác thực tế ở trường Mầm non. Vì đồ dùng, đồ chơi giúp trẻ em phát triển các lĩnh vực thể chất, ngôn ngữ, trí tuệ, thẩm mỹ, tình cảm và kỹ năng xã hội. Các kiến thức và kĩ năng sinh viên học tập được tại trường về thiết kế đồ dùng dạy học và đồ chơi sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển Chương trình giáo dục mầm non, phù hợp với xu thế hội nhập và yêu cầu đổi mới phương pháp. Khi có được những năng lực mĩ thuật ứng dung qua việc thiết kế đồ dùng dạy học và đồ chơi sẽ giúp cho sinh viên nhận thức được vài trò của đồ dùng, đồ chơi trong việc phát triển trí tuệ và năng lực cảm thụ thẩm mĩ như giúp cho trẻ phát triển óc tưởng tượng sáng tạo, tập cho trẻ biết quan sát – nhận xét; giúp trẻ biết nhận thức về cái đẹp và sáng tạo ra cái đẹp. Với sinh viên ngành học Mầm non của trường CĐSP Điện Biên, thông qua các sản phẩm tạo hình đã giúp sinh viên hình thành được những năng lực cần thiết đáp ứng thực tiễn công tác ở trường mầm non.

Một số hình ảnh sinh viên ngành Giáo dục Mầm non của Nhà trường thực hành làm đồ dùng, đồ chơi

Sinh viên ngành học Mầm non thực hành làm sân khấu múa rối

Sinh viên ngành học Mầm non thực hành làm mô hình công viên 3D

Sinh viên ngành học Mầm non cùng giảng viên hướng dẫn chụp ảnh kết thúc học phần

Giảng viên Nhà trường tham quan một gian trưng bày sản phẩm đồ chơi của sinh viên

Tác giả: Vũ Hữu Cương

BÌNH LUẬN