Những điểm mới của môn công nghệ trong chương trình giáo dục phổ thông 2018

0
30148

Môn Công nghệ trong Chương trình giáo dục phổ thông mới tiếp thu được những xu hướng lớn về giáo dục công nghệ như: Mô hình năng lực công nghệ, chuẩn hiểu biết công nghệ phổ thông; một số mô hình giáo dục kỹ thuật như mô hình định hướng thủ công; mô hình định hướng thiết kế; mô hình công nghệ đại cương…; định hướng nghề nghiệp ở THPT; tiếp cận giáo dục STEM và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới, chương trình giáo dục công nghệ được thực hiện từ lớp 3 đến lớp 12, thông qua môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học, môn Công nghệ ở THCS và THPT. Công nghệ là môn học bắt buộc trong giai đoạn giáo dục cơ bản; là môn học lựa chọn, thuộc nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Chương trình môn Công nghệ mới có 4 mạch nội dung chính gồm: Công nghệ và đời sống; Lĩnh vực sản xuất chủ yếu; Thiết kế và đổi mới công nghệ; Công nghệ và hướng nghiệp. Trong đó, các mạch 1, 3 và 4 được chú trọng, hoàn thiện hơn so với chương trình hiện hành.

Môn Công nghệ ở cấp tiểu học giới thiệu về thế giới kỹ thuật, công nghệ gần gũi thông qua các chủ đề đơn giản về công nghệ và đời sống, một số sản phẩm công nghệ trong gia đình mà học sinh tiếp xúc hằng ngày, an toàn với công nghệ trong nhà; thiết kế kỹ thuật, công nghệ thông qua các hoạt động thủ công kỹ thuật, lắp ráp các mô hình kỹ thuật đơn giản, trồng và chăm sóc hoa, cây xanh trong môi trường gia đình, nhà trường.

Ở THCS, môn Công nghệ đề cập tới tri thức, kỹ năng về công nghệ trong phạm vi gia đình; những nguyên lý cơ bản về các quá trình sản xuất chủ yếu; cơ sở ban đầu về thiết kế kỹ thuật; phương pháp lựa chọn nghề cùng với thông tin về các nghề nghiệp thuộc các lĩnh vực sản xuất chủ yếu thông qua các chủ đề: Công nghệ trong gia đình; nông – lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp và thiết kế kỹ thuật; công nghệ và hướng nghiệp.

Trong dạy học công nghệ, có những nội dung cơ bản, cốt lõi, phổ thông tất cả học sinh đều phải học. Bên cạnh đó, có những nội dung có tính đặc thù, chuyên biệt nhằm đáp ứng nguyện vọng, sở thích của học sinh, phù hợp với yêu cầu của từng địa phương, vùng miền. Nội dung môn Công nghệ trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp chú trọng tới những kiến thức tổng quan, đại cương và định hướng nghề về công nghệ thông qua các nội dung về bản chất của công nghệ, vai trò, ảnh hưởng của công nghệ với đời sống xã hội, mối quan hệ giữa công nghệ với các lĩnh vực khoa học khác; các tri thức, năng lực nền tảng phù hợp và kết nối được với các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ thuộc một trong hai định hướng công nghiệp và nông nghiệp mà học sinh lựa chọn sau khi tốt nghiệp. Môn Công nghệ trong Chương trình giáo dục phổ thông mới kế thừa nhiều ưu điểm đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn của chương trình môn Công nghệ hiện hành, từ quan điểm xây dựng và phát triển chương trình môn học đến nội dung môn học và phương pháp, hình thức tổ chức dạy học. Bên cạnh đó, Chương trình môn Công nghệ, có một số thay đổi phù hợp với định hướng đổi mới được nêu ra trong Chương trình GDPT tổng thể, với đặc điểm, vai trò và xu thế quốc tế của GD công nghệ. Đó là:

Chương trình phát triển năng lực: Chương trình môn Công nghệ có đầy đủ đặc điểm của chương trình giáo dục định hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Đây là thay đổi bao trùm, có tính chất chi phối tổng thể tới mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá của môn học. Chương trình môn học hướng tới hình thành, phát triển năng lực công nghệ; góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu, năng lực chung được xác định trong Chương trình tổng thể.

Thúc đẩy giáo dục STEM: Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Công nghệ phản ánh hai thành phần là T (technology) và E (engineering) trong bốn thành phần của STEM. Đây là cơ sở để xác định môn Công nghệ có vai trò quan trọng thể hiện tư tưởng giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chương trình môn Công nghệ gắn với thực tiễn, hướng tới thực hiện mục tiêu “học công nghệ để học tập, làm việc hiệu quả trong môi trường công nghệ tại gia đình, nhà trường, cộng đồng”; thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua việc bố trí nội dung thiết kế kỹ thuật ở cả tiểu học, trung học; định hướng GD STEM – lĩnh vực rất được quan tâm trong Chương trình GDPT mới.

Tích hợp giáo dục hướng nghiệp: Chương trình môn Công nghệ thể hiện rõ ràng, đầy đủ vai trò giáo dục hướng nghiệp trong dạy học công nghệ. Sự đa dạng về lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ trong nội dung môn Công nghệ cũng mang lại ưu thế của môn học trong việc lồng ghép, tích hợp nội dung GD hướng nghiệp trong môn học thông qua các chủ đề về lựa chọn nghề nghiệp; các nội dung giới thiệu về ngành nghề chủ yếu thuộc các lĩnh vực sản xuất môn Công nghệ đề cập; các hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp qua các mô-đun kỹ thuật, công nghệ tự chọn. Nội dung GD hướng nghiệp được đề cập ở các lớp cuối của giai đoạn GD cơ bản và toàn bộ giai đoạn GD định hướng nghề nghiệp.

Tiếp cận nghề nghiệp: Ở THPT, chương trình môn Công nghệ chuẩn bị cho HS lựa chọn nghề nghiệp về kỹ thuật, công nghệ. Tư tưởng của GD công nghệ ở cấp học này hoàn toàn mới so với chương trình hiện hành. Trong giai đoạn này, nội dung dạy học tập cho cả hai định hướng công nghiệp và nông nghiệp đều mang tính đại cương, nguyên lý, cơ bản, cốt lõi và nền tảng cho mỗi lĩnh vực, giúp HS tự tin và thành công khi lựa chọn ngành nghề kỹ thuật, công nghệ sau khi kết thúc THPT.

Ngoài ra, môn Công nghệ trong Chương trình GDPT mới đảm bảo tinh giản nội dung, phản ánh được tinh thần đổi mới và cập nhật về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá. Những đổi mới nêu trên cùng góp phần thực hiện tư tưởng chủ đạo của môn Công nghệ là nhẹ nhàng – hấp dẫn – thiết thực.

PGS.TS Lê Huy Hoàng tập huấn chương trình môn Công nghệ tại trường CĐSP Điện Biên

Tác giả: Bùi Thị Hậu

BÌNH LUẬN