Nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ em lứa tuổi mẫu giáo

0
2579

Hiện nay, xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em đang là vấn đề nhức nhối trên toàn thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. XHTD để lại hậu quả nặng nề cả về thể chất lẫn tinh thần cho nạn nhân. Lứa tuổi Mẫu giáo có vị trí đặc biệt quan trọng, là thời kỳ vàng trong sự phát triển nhân cách của trẻ em. Ở lứa tuổi này, trẻ cần được tiếp nhận, giáo dục các giá trị, hành vi phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, tạo cơ sở cho sự phát triển nhân cách ở những lứa tuổi tiếp theo. Những tổn thương về thể chất và tinh thần mà lứa tuổi này gặp phải có thể để lại hậu quả và trở thành nỗi ám ảnh đối với các em trong suốt cuộc đời.

Trong Chương trình giáo dục mầm non được ban hành kèm theo Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT và Chương trình giáo dục mầm non được sửa đổi một số nội dung theo Thông tư số 28/2016/TT-BGDĐT, nội dung giáo dục giúp trẻ biết một số nguy cơ không an toàn và phòng tránh (nội dung 4 trong Mục Giáo dục dinh dưỡng và sức khỏe cho các lứa tuổi: nhà trẻ, mẫu giáo) mới chỉ dừng lại ở việc dạy trẻ nhận biết và phòng tránh một số tai nạn thương tích, cảnh giác với người lạ.

Hoạt động giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục (KNPCXHTD) trẻ em là nội dung nhạy cảm, do đó nhiều trường mầm non chưa triển khai hoặc lúng túng trong khâu thực hiện. Vì thế, yêu cầu cấp thiết đối với các nhà quản lý giáo dục là phải có các biện pháp quản lý phù hợp để thực hiện và thúc đẩy hoạt động giáo dục KNPCXHTD cho trẻ em nói chung, trẻ mẫu giáo nói riêng. Một trong các biện pháp đó là phải tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giáo viên về nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục KNPCXHTD.

Nội dung giáo dục KNPCXHTD cho trẻ em tại các trường mầm non tập trung vào những vấn đề sau:

– Những kiến thức về vùng kín của cơ thể (đối với giới nữ và giới nam)

– Về quyền của các em với cơ thể của mình: Các em có quyền tuyệt đối với cơ thể của mình, khi các em không muốn, không cho phép, người khác không được phép chạm vào cơ thể của các em

– Về những biểu hiện của hành vi xâm hại tình dục, có nguy hại cho sự an toàn của các em: giới thiệu cho trẻ biết các hành vi sau đây là biểu hiện của xâm hại tình dục:

XHTD trẻ em bằng cách đụng chạm: đây là dạng XHTD phổ biến nhất và dễ dàng nhận ra. Đó là những hành vi tác động trực tiếp lên cơ thể giữa trẻ và thủ phạm như: sờ vào vùng kín của trẻ; ép buộc trẻ quan hệ tình dục hoặc lôi kéo trẻ vào các hành vi tình dục với trẻ em khác hoặc với người lớn; hôn hít hay sờ mó vào những vùng kín của trẻ hoặc bắt trẻ phải làm vậy với mình; ép trẻ thực hiện hành vi mại dâm…

XHTD trẻ em bằng cách không đụng chạm: là những hành vi tác động vào nhận thức, tinh thần, tâm lý tình cảm của nạn nhân. Hình thức XHTD này có thể bao gồm các biểu hiện cụ thể như: dùng lời nói hoặc tranh ảnh khiêu dâm để làm cho trẻ sốc, làm cho trẻ hưng phấn tình dục hoặc làm cho trẻ quen với tình dục; bắt trẻ đứng, ngồi theo tư thế gợi dục để chụp ảnh; dụ dỗ, ép buộc trẻ xem những loại sách báo, phim ảnh khiêu dâm; phô bày bộ phận sinh dục của mình trước mặt trẻ; nhìn trộm trẻ trong khi thay quần áo hoặc khi tắm…

– Về cách ứng xử đúng mực với người khác để phòng tránh XHTD: Dạy cho trẻ biết cách ứng xử đúng mực, giữ đúng khoảng cách trong các mối quan hệ với người thân, với người quen, với người lạ.

– Về cách phản ứng và thoát hiểm khi bị XHTD: Dạy cho trẻ cách phản ứng khi bị đụng chạm trực tiếp vào cơ thể hoặc những hành vi xâm hại không đụng chạm; dạy cho trẻ cách thoát hiểm khi bị kẻ xấu ôm chặt, bị túm tay hoặc có những hành vi khống chế khác…

– Về sự cần thiết phải thông báo cho người lớn và các lực lượng trợ giúp trước nguy cơ bị xâm hại và khi bị xâm hại: Nói cho trẻ biết rằng cần phải thông báo cho bố mẹ, người thân, giáo viên..về những hành vi bất thường của người khác đối với mình để được trợ giúp kịp thời, ngăn chặn, chống lại hành vi xâm hại

Nội dung giáo dục KN phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ em cần được vận dụng linh hoạt tùy theo từng hoạt động giáo dục và điều kiện cụ thể.

Phương pháp giáo dục KNPCXHTD:

Giáo dục kỹ năng sống nói chung, KNPCXHTD cho trẻ nói riêng phải gắn với các việc làm, tình huống cụ thể: trẻ được quan sát người khác làm, trẻ được tự thực hiện để trải nghiệm. Sự trải nghiệm nhiều lần sẽ giúp trẻ nhận thấy ý nghĩa thiết thực của việc làm, từ đó trẻ sẽ chủ động vận dụng các kĩ năng cần thiết vào từng tình huống cụ thể trong cuộc sống.

Trong quá trình giáo dục KNPCXHTD cho trẻ mẫu giáo, có thể sử dụng các nhóm phương pháp giáo dục sau: nhóm phương pháp trực quan, nhóm phương pháp dùng lời, nhóm phương pháp thực hành. Với phương pháp trực quan bao gồm phương pháp làm mẫu, phương pháp làm cùng, phương pháp làm gương (những phương pháp này giúp trẻ quan sát, bắt chước/tập thử, thực hành thường xuyên những KN cần hình thành); nhóm phương pháp dùng lời bao gồm các phương pháp trò chuyện, giảng giải ngắn (những phương pháp này giúp trẻ huy động tối đa những kinh nghiệm đã có, giải thích và khích lệ trẻ vui vẻ, hào hứng thực hiện KN); nhóm phương pháp thực hành bao gồm các phương pháp trải nghiệm, trò chơi, giao việc (những phương pháp này giúp trẻ bắt chước, tập thử và tích cực thực hành thường xuyên các KN).

Hình thức giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ em lứa tuổi mẫu giáo

Giáo dục KN phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ mẫu giáo có thể thực hiện thông qua nhiều hình thức như: Qua chế độ sinh hoạt trong ngày của trẻ ở trường; Qua hoạt động có chủ đích; Qua tổ chức các hoạt động vui chơi, dạo chơi cho trẻ; Qua tổ chức các hoạt động ngoài nhà trường

Đối với trẻ mẫu giáo, có thể giáo dục KN phòng chống xâm hại tình dục thông qua hoạt động vui chơi. Vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ, khi chơi trẻ được phát triển các kỹ năng ý thức về bản thân, quan hệ xã hội, giao tiếp, thực hiện công việc, ứng phó với những thay đổi. Nội dung chơi của trẻ phản ánh những sinh hoạt hàng ngày trong gia đình, làng xóm. Hình thức chơi chủ yếu của trẻ có thể lồng ghép để giáo dục KNPCXHTD là chơi đóng vai có chủ đề, trò chơi đóng kịch…

Hoạt động giao tiếp được sử dụng để nhận và truyền thông tin về thái độ, kiến thức, kỹ năng phòng chống XHTDTE. Đối tượng giao tiếp là trẻ với các thành viên trong lớp, trường mầm non, trong gia đình, láng giềng, họ hàng, cộng đồng gần gũi.

Tổ chức các hoạt động cô và trẻ cùng làm tại nhóm lớp, lồng ghép các hoạt động giáo dục KNPCXHTD vào chương trình giáo dục trong các hoạt động học, hoạt động hàng ngày của trẻ ở mọi lúc, mọi nơi. Giáo dục trẻ thói quen hành vi có văn hóa: không đi vệ sinh nơi công cộng, thay quần áo ở nơi kín đáo, không để người khác nhìn thấy vùng kín của cơ thể mình, thể hiện các hành vi giao tiếp thân mật như ôm, hôn…phù hợp với từng mối quan hệ…

Việc xây dựng nội dung, xác định phương pháp, hình thức giáo dục PCXHTD phù hợp giúp giáo viên đạt được mục tiêu trong giáo dục PCXHTD cho trẻ trong trường mầm non.

Tác giả: Ngô Thu Hiền

BÌNH LUẬN