Phòng chống tham nhũng và Hưởng ứng Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng”

0
512

Ngày viết: 08/10/2021

Sau 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, vị thế, sức mạnh tổng hợp và uy tín trên trường quốc tế được nâng lên. Tuy nhiên, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam họp từ ngày 25/1/2021 đến ngày 1/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội, sau khi thảo luận các văn kiện do Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình, Văn kiện Đại hội XIII đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp căn cơ quyết liệt về phòng, chống tham nhũng: “Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”(1).

Tham nhũng không phải là hiện tượng mới xuất hiện. Nó ra đời và gắn liền với sự tồn tại, phát triển của nhà nước. Cho đến nay, trên toàn thế giới, chưa phát hiện được quốc gia nào không có tham nhũng. Nghĩa là, nó đang hiện diện ở mọi quốc gia không phân biệt sắc tộc, văn hóa và chế độ xã hội. Tuy nhiên, tính chất, mức độ, loại hình tham nhũng ở mỗi quốc gia, mỗi khu vực là rất khác nhau và phụ thuộc vào từng điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội và chế độ chính trị tại các quốc gia đó.

Sau khi giành chính quyền năm 1945, thiết lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đảng và Nhà nước ta chủ trương vừa đẩy mạnh sản xuất, tăng cường bảo vệ Tổ quốc, vừa từng bước hoàn thiện các chính sách quản lý kinh tế, quản lý xã hội và hệ thống pháp luật nhằm chủ động phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự quốc gia.

Thời kỳ này, pháp luật nước ta chưa có khái niệm cụ thể về tội phạm kinh tế nói chung và tội phạm tham nhũng nói riêng nhưng đã có một số văn bản quy định các tội có liên quan đến kinh tế. Trong thời kỳ cải tạo và xây dựng xã hội chủ nghĩa (1954 – 1965), Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định về đấu tranh chống tội phạm kinh tế như Sắc lệnh 267/SL ngày 15/6/1956 về việc trừng trị những âm mưu, hành động phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa; Sắc lệnh số 01-SL ngày 14/4/1957 về chống đầu cơ kinh tế. Đến ngày 21/10/1970, Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa được ban hành. Tội phạm kinh tế được hiểu chủ yếu là các hành vi trực tiếp xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, cố ý làm trái nguyên tắc, chính sách, chế độ, thể lệ, gây thiệt hại đến tài sản xã hội chủ nghĩa, bao che cho kẻ xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa.

Trong thời kỳ cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, tội phạm kinh tế phổ biến là các tội liên quan đến ngành thương nghiệp, trong lĩnh vực lưu thông phân phối, các tội liên quan đến tem phiếu … Trong thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế thị trường, các tội phạm xảy ra phổ biến là các tội buôn bán hàng cấm, tội làm hàng giả, buôn bán hàng giả, vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai, tội cố ý làm trái, tham nhũng … Bước vào công cuộc cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới trên phạm vi cả nước, nhất là từ khi đổi mới đến nay, tình trạng tham nhũng vẫn diễn ra với tính chất, mức độ khác nhau, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đất nước. Để đấu tranh ngăn chặn, phòng, chống hiện tượng này, Đảng, Nhà nước ta ban hành nhiều chủ trương, chính sách phù hợp với từng giai đoạn. Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (từ ngày 20 đến 25/01/1994), xác định: nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội là một trong những nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của đất nước, chế độ và dân tộc. Mỗi kỳ Đại hội, Đảng ta đều ban hành những nghị quyết chuyên đề, hoặc lồng ghép nội dung phòng, chống tham nhũng vào nhiều nghị quyết Trung ương. Hệ thống luật, nghị định, hướng dẫn thực hiện do Nhà nước ban hành liên quan đến lĩnh vực này ngày càng hoàn thiện (Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành được Quốc hội khóa XIV thông qua 11/2018 là luật thứ 3). Hệ thống cơ quan chỉ đạo, cơ quan chuyên trách được tổ chức từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, chuyên sâu. Những năm gần đây, cuộc chiến này được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đẩy mạnh với quyết tâm chính trị cao và đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Với phương châm: “không có vùng cấm”, từ đầu khóa XII đến tháng 12/2020, cơ quan chức năng các cấp đã tiến hành kiểm tra, thanh tra, điều tra, xét xử công khai hàng chục vụ, với hàng nghìn cán bộ các cấp liên quan đã bị xử lý kỷ luật, thu hồi tài sản, nhiều người bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong đó, có: “trên 3.200 đảng viên liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý: 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang” (2).

Nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và người dân, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ góp phần phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã phát động Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng” trên cơ sở đó, tại Văn bản số 2848/UBND-NC ngày 30/8/2021 UBND tỉnh Điện biên  Thực hiện ý kiến của UBND tỉnh Điện biên đã chỉ đạo triển khai trên phạm vi toàn tỉnh. Tại trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, cuộc thi cũng thu hút được nhiều sự quan tâm và hưởng ứng từ các cán bộ, giảng viên của nhà trường. Cuộc thi có nội dung bao phủ được những yêu cầu, kiến thức cơ bản cần tuyên truyền phổ biến cho nhân dân về phòng chống tham nhũng, nội dung thi bao gồm hai phần gồm nội dung trắc nghiệm và nội dung tự luận. Thông qua cuộc thi và các tài liệu hướng dẫn cụ thể, các thí sinh dự thi một lần nữa được tăng cường kiến thức pháp luật về phòng chống tham nhũng.

Tham nhũng luôn là một “căn bệnh” nguy hiểm của xã hội, dù tiếp cận dưới góc độ nào thì vẫn là hành vi bất hợp pháp. Tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi, liên kết thành các lợi ích nhóm. Do đó, phòng, chống tham nhũng là một cuộc chiến cam go, quyết liệt, kéo dài nhằm chống lại kẻ thù “nội xâm” từ chính trong nội bộ của chúng ta. Vì vậy, để có thể phòng ngừa, đẩy lùi được phải tiến hành một cách đồng bộ, đầy đủ, toàn diện các giải pháp nêu trên, thì chắc chắn rằng, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ mang lại hiệu quả cao, tình trạng tham nhũng sẽ được đẩy lùi và các chủ trương, đường lối của Đảng về phòng, chống tham nhũng đề ra trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII sẽ đi vào cuộc sống. Việc tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng” là một hình thức tuyên truyền phổ biến, có hiệu quả tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi đến cán bộ, giảng viên, sinh viên trong toàn trường. Giúp mở ra một hướng mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Cuộc thi giúp cán bộ, đội ngũ giảng viên và sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Điện biên nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về công tác phòng chống tham nhũng. Qua đó góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm về pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, đưa pháp luật vào đời sống nhân dân.

———————————————

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t. 2, tr.145.

(2) Báo cáo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Phát biểu Kết luận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020.

Tác giả: Hà Thị Kiều Trang

BÌNH LUẬN