Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên tích cực chuyển đổi số trong hoạt động chuyên môn và hoạt động thư viện, hỗ trợ sinh viên học tập nâng cao chất lượng đào tạo

0
425

Chuyển đổi số là chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ tới mọi ngành nghề trong đó có giáo dục và đào tạo. Chuyển đổi số trong đào tạo thực chất là đưa toàn bộ hoạt động đào tạo lên môi trường số, là sự thay đổi cách vận hành của hoạt động đào tạo trên 4 nội dung trọng tâm: Hoạt động giảng dạy, hoạt động học tập, hoạt động nghiên cứu và hoạt động quản lý quá trình dạy, học và nghiên cứu. Chuyển đổi số trong thời kỳ công nghiệp 4.0 được nhận định là chìa khóa để nâng cao hiệu quả giáo dục và đào tạo. Chuyển đổi số mang lại cơ hội áp dụng công nghệ tạo ra những thay đổi nhanh chóng về mô hình, cách thức tổ chức và phương pháp dạy học; tài nguyên học tập số sẽ phong phú; chương trình dạy học được thiết kế đa dạng hơn, cụ thể và đáp ứng tốt hơn. Hiểu đúng về chuyển đổi số, đánh giá đúng tiền đề, thách thức để xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi số hợp lý nhằm nhanh chóng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Đối với hoạt động đào tạo thì việc ứng dụng công nghệ số sẽ giúp lưu trữ các kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu; theo dõi chính xác hoạt động của giảng viên, sinh viên và người quản lý; sẽ quản lý đầy đủ các thông tin, hồ sơ của sinh viên, lưu trữ bảng điểm chính xác và minh bạch; tiết kiệm thời gian, giảm thiểu sự lãng phí chi phí in ấn và đem lại kiến thức sâu rộng. Chuyển đổi số làm thay đổi căn bản cách quản trị, giảng dạy và học tập. Việc thực hiện chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Để chuyển đổi số hiệu quả đòi hỏi phải xác định rõ các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện; phải được thiết kế đồng bộ, được triển khai từng bước có trọng tâm, trọng điểm; có sự quản lý và phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai và tổ chức thực hiện.

Trong những năm qua trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình đào tạo; thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, tuyển sinh, quá trình tổ chức dạy học và giáo dục; quản lý văn bằng, chứng chỉ; thực hiện mã hóa và công khai kết quả đào tạo, bồi dưỡng trên trang thông tin điện tử của Trường. Cụ thể:

Nhà trường thực hiện công tác tuyển sinh trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thí sinh đăng ký và nộp lệ phí tuyển sinh trực tuyến; quá trình nhập dữ liệu, xử lý dữ liệu và xây dựng phương án xét tuyển, xét thí sinh trúng tuyển đều thực hiện trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục Đào tạo.

Các học phần trong chương trình đào tạo được mã hóa trên phần mềm quản lý đào tạo để giảng viên và sinh viên và các bộ phận liên quan khai thác, sử dụng; mã hóa các tiêu chí, tiêu chuẩn trong quá trình xây dựng chuẩn đầu ra của ngành đào tạo. Nhà trường đã thực hiện mã hóa và công khai kết quả đào tạo, bồi dưỡng trên trang thông tin điện tử của Trường.

Nhà trường đã xây dựng trang thông tin thư viện để hỗ trợ quản lý các hoạt động của thư viện; giúp bạn đọc có thể truy cập tài liệu phong phú và đa dạng hơn; có thể cung cấp các dịch vụ tìm kiếm thông minh giúp bạn đọc tìm kiếm tài liệu một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Trong thời gian tới Nhà trường tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, viên chức và sinh về vị trí, vai trò, ý nghĩa của việc thực hiện chuyển đổi số là vấn đề cấp bách, thiết thực; nâng cao văn hoá khai thác và ý thức sử dụng công nghệ thông tin hướng tới các ứng dụng lành mạnh, thiết thực và hiệu quả. Đồng thời hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về ứng dụng chuyển đổi số trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, các hoạt động khác của Nhà trường; thiết lập mối quan hệ điện tử giữa các đơn vị, cán bộ, giảng viên, sinh viên trong toàn trường. Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu; từng bước thực hiện số hóa, xây dựng, cập nhật học liệu số đáp ứng yêu cầu học tập, nghiên cứu, tham khảo của giảng viên và sinh viên; phát triển các hệ thống quản trị nội dung học tập, tra cứu, chia sẻ nội dung số, phần mềm hỗ trợ học tập, quản lý lớp học, thời khóa biểu…Đồng thời tăng cường đầu tư, nâng cấp các thiết bị, hệ thống an toàn thông tin phục vụ quản lý, điều hành; phát triển đội ngũ cán bộ chuyên về các ứng dụng số, học liệu số; tham gia các khóa học nâng cao nghiệp vụ, bồi dưỡng năng lực chuyên môn về vận hành hiệu quả hạ tầng công nghệ thông tin; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; quản lý và giảm sát an toàn thông tin; bảo mật dữ liệu, bảo đảm cơ chế sao lưu, phục hồi máy chủ, máy trạm, các thiết bị đầu cuối liên quan; định kỷ tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn, an ninh, các lỗ hổng bảo mặt của hệ thống phần mềm và dữ liệu, kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý; xây dựng công cụ và triển khai hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, đánh giá kỹ năng nghề của sinh viên trên môi trường số.

Để thực hiện được các hoạt động trong môi trường số hiện nay cần tăng cường đảm bảo các điều kiện về hạ tầng số, thiết bị triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn trong các hoạt động dạy – học và làm việc trên môi trường số; phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học; triển khai đồng bộ hệ thống thông tin quản lý đào tạo; xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin quản lý; hoàn thiện cơ sở dữ liệu về người học, đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và nhân viên, cơ sở vật chất; phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên; tiếp tục thực hiện số hóa tài liệu, giáo trình;

Hy vọng với những ưu điểm của chuyển đổi số, giảng viên và sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên sẽ dễ dàng truy cập các thông tin cần thiết trong quá trình dạy học, giáo trình, tài liệu từ bất cứ nơi đâu và bất kỳ lúc nào; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay.

Một số hình ảnh về thực hiện chuyển đổi số trong Nhà trường

Tác giả: Hà Thị Hương

BÌNH LUẬN