VAI TRÒ CỦA ĐỌC, KỂ DIỄN CẢM TÁC PHẨM VĂN HỌC TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC MẦM NON

0
8161

Văn học có vai trò quan trọng trong giáo dục trẻ mầm non. Nghệ thuật đọc, kể diễn cảm tác phẩm văn học là phương tiện hữu hiệu trong việc đưa tác phẩm văn học đến với thế giới trẻ thơ. Đọc, kể diễn cảm là một quá trình lao động tổng hợp và sáng tạo trong các giờ dạy, học văn nói chung và văn học trẻ em nói riêng.

Trong những năm gần đây, đổi mới chương trình chăm sóc – giáo dục trẻ
mầm non nằm trong xu hướng chung của đổi mới giáo dục và đào tạo. Mục tiêu quan
trọng nhất trong đổi mới chăm sóc – giáo dục trẻ mầm non là hướng đến việc phát
triển tiềm năng và năng lực tối đa ở trẻ; nhấn mạnh vào việc hình thành những giá trị,
kỹ năng sống cần thiết cho bản thân, phù hợp với yêu cầu của gia đình, cộng đồng, địa
phương, chuẩn bị tốt cho trẻ vào tiểu học; bổ sung một số giá trị cần thiết đáp ứng
những yêu cầu của thời kì mới: tự tin, sáng tạo, linh hoạt, chia sẻ, nhân ái…

Trong xu thế đó, khi chăm sóc – giáo dục, rèn luyện kĩ năng học tập, vui chơi cho trẻ mầm non, người giáo viên mầm non cần đảm bảo tính tích hợp, lồng ghép giữa nội dung chăm sóc, nuôi dưỡng với giáo dục toàn diện; chú trọng cho trẻ làm quen với tiếng Việt ở lớp mẫu giáo, quan tâm phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Đây những nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho các nhà quản lý giáo dục mầm non, các nhà giáo trong thực tiễn đổi mới chương trình chăm sóc – giáo dục trẻ mầm non.

Văn học có tác dụng to lớn đến sự hình thành, phát triển nhân cách của trẻ ở
lứa tuổi mầm non nên việc cho trẻ tiếp xúc, làm quen với các tác phẩm văn học là
thực sự cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, do trẻ ở lứa tuổi này chưa tự
mình tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm văn học (trẻ chưa biết chữ), chưa tự hiểu đầy đủ
giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm nên chưa thể gọi là dạy văn cho trẻ mà
chỉ dùng khái niệm cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học (mức độ tiếp xúc ban đầu
nhất). Nên thực chất của việc tiếp xúc này là giáo viên dùng giọng đọc diễn cảm của
mình để đọc thơ, kể chuyện cho trẻ nghe, giảng giải bằng nhiều cách giúp trẻ hiểu
được nội dung và hình thức của tác phẩm. Trên cơ sở đó, giáo viên dạy trẻ đọc thuộc
diễn cảm bài thơ, rèn luyện cho trẻ kĩ năng đọc diễn cảm tác phẩm thơ. Đây là mục
tiêu, nhiệm vụ có vai trò đặc biệt quan trọng và chiếm một vị trí đáng kể trong
chương trình giáo dục mầm non hiện nay.

Cô giáo kể chuyện có sử dụng tranh ảnh minh hoạẢnh sưu tầm

Mục tiêu chính của việc đọc và dạy trẻ đọc diễn cảm thơ là: thông qua hoạt
động đọc diễn cảm để khơi gợi sự hứng thú của trẻ khi nghe thơ gây được hiệu
quả tối ưu khi cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học; dạy trẻ cảm nhận nhịp điệu của
thơ ca, biết thể hiện lại ngữ điệu, giọng điệu của bài thơ hoặc các nhân vật xuất hiện
trong bài thơ; dạy trẻ hiểu nội dung, ý nghĩa của bài thơ, ghi nhớ nội dung bài thơ qua việc đọc diễn cảm; khơi dậy ở trẻ mong muốn được nghe đọc các bài thơ (đối với trẻ ở độ tuổi mẫu giáo nhỡ, mẫu giáo lớn còn là khơi gợi ở trẻ sự hiểu biết, đồng cảm với các
nhân vật trong tác phẩm để hướng thiện) và biết đọc diễn cảm các tác phẩm thơ, truyện
cho người khác nghe.

Đối với sinh viên ngành giáo dục Mầm non đọc, kể không những mang lại những ích lợi nêu trên mà còn là kỹ năng bắt buộc phải rèn luyện để sử dụng trong dạy học ở trường mầm non khi sinh viên đi thực hành, thực tập và sau này trở thành những giáo viên mầm non. Cụ thể hơn, đây là kỹ năng quan trọng nhất trong các kĩ năng cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học. Vì thế, trong chương trình đào tạo giáo viên mầm non, kĩ năng đọc, kể được thực hiện tập trung trong một số  học  phần như: Văn học thiếu nhi và đọc,  kể  diễn  cảm  tác  phẩm văn học; Phương pháp làm quen với văn học.

Thêm nữa, với xu hướng dạy học tích hợp các hoạt động theo chủ đề, chủ điểm thì thơ, truyện đã có mặt trong tất cả các giờ học. Ngoài ra, trẻ em lứa tuổi mầm non chưa biết chữ nên quá trình tiếp nhận tác phẩm văn học phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng đọc, kể của giáo viên.  Vì vậy, có thể khẳng định, việc rèn kĩ năng đọc, kể diễn cảm tác phẩm văn học có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sinh viên ngành giáo dục Mầm non ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Một số yêu cầu và các bước rèn luyện kĩ năng đọc, kể diễn cảm tác phẩm văn học cho sinh viên Sư phạm mầm non.

– Đối với giáo viên:

+ Chuẩn bị ngữ liệu:

Trẻ đọc thơ trong tiết Làm quen tác phẩm văn học  – Ảnh sưu tầm

Giáo viên nghiên cứu Chương trình giáo dục mầm non hiện hành nói chung và môn Phương pháp cho trẻ làm quen với TPVH nói riêng, chuẩn bị nguồn ngữ liệu phong phú, gắn với thực tế dạy học ở trường mầm non.

+ Phân loại sinh viên:

Giáo viên tiến hành khảo sát và phân loại sinh viên theo các nhóm: đọc diễn cảm tốt; đọc lưu loát, bước đầu có diễn cảm; đọc đúng, chưa diễn cảm; đọc chậm, sai, ngọng.

+ Xây dựng kế hoạch dạy học:

Trên cơ sở nắm vững chương trình tổng thể và mục tiêu, nội dung, phương pháp của bộ môn Phương pháp cho trẻ làm quen với TPVH, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học với mục tiêu rõ ràng, nội dung vừa sức, phương pháp, hình thức phù hợp, chuẩn bị học liệu phong phú.

Vì vậy, giáo viên cần tuân thủ những yêu cầu cơ bản: chuẩn bị bài chu đáo trước khi hướng dẫn sinh viên đọc, kể diễn cảm; thiết kế bài giảng khoa học, thẩm mĩ cùng nguồn tư liệu phong phú, đa dạng, gắn với thực tế dạy học ở trường mầm non; chú trọng khâu tìm hiểu bài và luyện tập, phát hiện và sửa lỗi cho sinh viên.

+ Bồi dưỡng tri thức, kĩ năng sống và năng lực cảm thụ văn học cho sinh viên:

Thông qua những giờ học, giáo viên cần bồi dưỡng tình yêu văn học, mở rộng tri thức cho sinh viên bằng cách khuyến khích sinh viên đọc sách, tham gia Câu lạc bộ văn học, các diễn đàn, sân chơi, tăng cường các hoạt động ngoại khoá, các dạ hội văn học với hình thức khác nhau để sinh viên được sống trong bầu không khí của văn học nghệ thuật, “hoá thân” vào các nhân vật để sống và cảm nhận được vẻ đẹp của thế giới nghệ thuật cũng như tư tưởng mà tác giả gửi gắm thông qua hình tượng nghệ thuật.

Muốn rèn luyện cho sinh viên kĩ năng đọc, kể diễn cảm, giáo viên cần phải có một giọng đọc tốt và đạt chuẩn về phát âm, chính tả tiếng Việt; có sức khoẻ và những trải nghiệm nghề nghiệp; có tình yêu văn học và năng lực cảm thụ văn học để có thể truyền cảm hứng và tạo động lực cho các thế hệ sinh viên của mình.

– Đối với sinh viên:

+ Lựa chọn tác phẩm: Trẻ ở độ tuổi mầm non có sự chuyển biến mạnh mẽ, phong phú và sâu sắc về mặt thể chất cũng như tinh thần, quan hệ của trẻ với những người xung quanh được mở rộng và phát triển ở nhiều phía. Trẻ khát khao sự trìu mến, thương yêu và biết quan tâm nhiều hơn đến những người thân xung quanh. Những tình cảm này có thể dễ dàng được trẻ gửi gắm vào vào những nhân vật trong các TPVH. Nghệ thuật đọc, kể diễn cảm sẽ được bắt đầu ngay từ việc lựa chọn tác phẩm.

Tác phẩm chính là “nhân vật” trung tâm quyết định sự thành công hay thất bại trong việc thu hút trẻ vào hoạt động đọc, kể diễn cảm để cho trẻ bước đầu làm quen với tác phẩm. Trẻ mầm non có đặc điểm tâm lí rất riêng nên những tác phẩm thơ, truyện được chọn cũng cần có những tiêu chí riêng, như: nội dung đơn giản, ngắn gọn; ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, nhiều màu sắc, âm thanh gần với thế giới trẻ thơ.

+ Tìm hiểu tác phẩm:

Đọc, kể diễn cảm một tác phẩm phải được chuẩn bị kĩ. Việc chuẩn bị trước khi tổ chức một hoạt động dạy học không chỉ là thể hiện “cái tâm, cái tài” của người giáo viên mà còn là một công việc mang tính sáng tạo. Khi chuẩn bị đọc, kể diễn cảm, sinh viên cần phải nghiên cứu kĩ tác phẩm để có được những thông tin cơ bản như: tác giả, tác phẩm, bối cảnh lịch sử, hoàn cảnh ra đời, cảm hứng, chủ đề, nội dung, nghệ thuật, tính cách nhân vật, phong cách ngôn ngữ, đặc biệt là thể loại văn học… Đây chính là những cơ sở khoa học để sinh viên có thể lựa chọn và điều chỉnh giọng đọc của mình cho phù hợp giọng điệu của tác phẩm.

+ Nắm vững nội dung và nghệ thuật của tác phẩm:

Khi đọc, kể diễn cảm, sinh viên phải nhớ từng từ, từng chi tiết trong văn bản, nghĩa là phải thuộc văn bản. Nếu lúc kể, đọc vẫn còn cố phải nhớ nội dung tác phẩm thì sự truyền cảm sẽ không thể có được, các thông điệp muốn gửi gắm đến người nghe sẽ mờ nhạt, lộn xộn. Người nghe sẽ khó lĩnh hội thông tin cơ bản chứ chưa nói đến việc cảm nhận hay rung động.

Những tác phẩm viết cho trẻ em thường dễ nhớ nên sẽ không khó khăn nếu giáo viên lưu ý sinh viên chú trọng nhiệm vụ này. Khi người đọc, kể diễn cảm nắm vững nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, việc truyền đạt đúng từng chi tiết sẽ giữ được phong cách và tính trọn vẹn của toàn văn bản. Hoạt động này rất quan trọng, qua đó, sinh viên xác định đúng được những phương tiện diễn cảm phù hợp, tương ứng để trình bày có nghệ thuật TPVH.

+ Các phương tiện hỗ trợ cho việc đọc, kể diễn cảm:

Băng đài, video, tranh ảnh “động” sẽ là những phương tiện hỗ trợ tốt cho sinh viên khi thực hiện đọc, kể diễn cảm.

Có thể thấy, việc rèn luyện kĩ năng đọc, kể diễn cảm cho sinh viên sư phạm ngành giáo dục mầm non là việc làm rất cần thiết, góp phần không nhỏ vào việc phát triển năng lực và nhân cách của người giáo viên mầm non tương lai, tạo tiền đề tốt cho việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục trẻ em tại trường mầm non sau này. Đây có thể coi là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực của giáo viên mầm non trong xu thế đổi mới. Ngày nay, có nhiều phần mềm hỗ trợ đắc lực cho việc dạy học và đem lại hiệu quả không thể phủ nhận trong giáo dục, nhưng trí tuệ nhân tạo không bao giờ thay thế được giọng đọc diễn cảm của con người. Giọng đọc, kể truyền cảm, ánh mắt trìu mến, ấm áp của thầy, của cô mãi mãi là “chiếc cầu kì diệu” để đưa tác phẩm đến với trẻ, giúp cho việc hình thành và phát triển nhân cách trẻ một cách toàn diện nhất.

Tác giả: Phạm Thị Thu Hà

BÌNH LUẬN