VÌ MỘT TƯƠNG LAI KHÔNG CÓ BẠO LỰC TRÊN CƠ SỞ GIỚI

0
403

Nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức liên quan và cộng đồng trong việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, chú trọng nhóm đối tượng có nguy cơ cao gây bạo lực, đối tượng dễ bị tổn thương do bạo lực trên cơ sở giới. Đó là một trong những mục tiêu được đặt ra trong Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1464/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2016.

Theo Tuyên bố về Loại trừ bạo lực chống lại phụ nữ của Liên hiệp quốc năm 1993 (CEDAW), khái niệm bạo lực trên cơ sở giới (bạo lực giới) được hiểu là: Bạo lực trên cơ sở giới là bạo lực nhằm vào một người dựa trên cơ sở giới tính của người đó. Nó bao gồm các hành động gây ra những tổn hại về thể chất, tâm lý và tình dục, những đe dọa dẫn đến những hành động nói trên, sự ép buộc và những hình thức khác nhằm tước bỏ tự do của người đó…Bạo lực giới có phạm vi rộng hơn so với bạo lực gia đình, mặc dù cả nam giới và trẻ em trai cũng bị ảnh hưởng, nhưng phụ nữ và trẻ em gái thường phải chịu tác động nặng nề hơn do bạo lực giới gây ra.

Có thể nói, nhiều năm qua, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có khung pháp lý nhằm bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em tương đối hoàn chỉnh. Điều này được thể hiện trong các quy định của chính sách và pháp luật, bảo đảm bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được ban hành và thực thi như: Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2010-2020; Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020… Đặc biệt, Quyết định 1464/QĐ-TTg ngày 22/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” với mục tiêu thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; người có nguy cơ bị bạo lực và nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, can thiệp và hỗ trợ kịp thời nhằm ngăn ngừa bạo lực xảy ra và có cơ hội cải thiện nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc… có thể coi là bước đột phá trong việc nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức liên quan và cộng đồng trong việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

          Nguyên nhân bạo hành:
– Bất bình đẳng giới là nguyên nhân gốc rễ gây ra bạo lực nam/chồng đối với nữ/người vợ trong gia đình. Trong gia đình, người phụ nữ có vị thế và quyền lực không ngang bằng với nam giới, không có quyền tham gia vào các quyết định trong gia đình, khiến họ dễ bị bạo lực do nam giới gây ra.

– Nguyên nhân mắc các tệ nạn xã hội như nghiện rượu, cờ bạc, ma túy, mại dâm được coi là những nguyên nhân cơ bản. Khi sử dụng các chất kích thích như rượu, ma túy, nam giới có nguy cơ giải quyết những khó khăn bằng hành vi bạo lực mà trước hết là bạo lực với các thành viên gia đình.

– Tệ nạn như mại dâm và ngoại tình cũng làm cho người nam giới có thể lạnh nhạt, thậm chí có hành vi đánh đập vợ, con.

– Khó khăn về kinh tế cũng là một trong những nguyên nhân có thể dẫn tới bạo lực gia đình vì khó khăn về kinh tế thường tạo ra các áp lực, căng thẳng và do đó dễ dẫn tới các mâu thuẫn, tranh chấp nếu không biết cách xử lý phù hợp có thể gây nên bạo lực gia đình.

Tuy nhiên không phải cứ có khó khăn về kinh tế là nhất thiết phải có bạo lực gia đình. Thực tế cho thấy nhiều gia đình có mức sống, thu nhập thấp nhưng gia đình vẫn hòa thuận và ngược lại có những gia đình khá giả nhưng bạo lực vẫn xảy ra.
– Những cặp vợ chồng phải bươn chải vất vả để kiếm sống thường bị căng thẳng tinh thần nên dễ dẫn đến việc nam giới thường sử dụng sức mạnh của mình để gây ra bạo lực với vợ.

– Tình trạng thiếu việc làm và nghèo đói cũng làm cho nam giới cảm thấy tự ti khi không làm đúng vai trò là người trụ cột trong gia đình cũng dễ dẫn đến bạo lực gia đình.

– Tuy nhiên, bạo lực gia đình cũng xảy ra ở các trong các gia đình có điều kiện kinh tế tốt, vợ chồng có trình độ học vấn cao, công việc ổn định, am hiểu về pháp luật.

– Bạo hành giữa cha mẹ và con cái cũng thường xảy ra, vì họ cho rằng mục đích răn đe giáo dục con cái“thương cho roi cho vọt”. Có những hành vi rất thậm tệ như đánh đập, không cho ăn uống, bỏ mặc…Và hậu quả rất là nghiêm trọng, một số trẻ bỏ học, bỏ nhà, vướng vào tệ nạn xã hội.

 – Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình còn hạn chế. Trình độ nhận thức và sự hiểu biết về pháp luật trong một bộ phận người dân còn thấp cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn tiếp tục xảy ra.

Nhiều người do thiếu hiểu biết về pháp luật nên cho rằng cha mẹ có quyền đánh đập, chửi mắng con cái, chồng có quyền đánh vợ…Nhiều phụ nữ, người già cũng không nhận thức được đầy đủ quyền của mình nên không dám đấu tranh mà cam chịu bạo lực.

– Cộng đồng và các gia đình vẫn coi bạo lực gia đình là vấn đề riêng tư trong mỗi gia đình và người ngoài không nên can thiệp. Chính vì vậy, phản ứng của cộng đồng đối với các hành vi bạo lực gia đình còn thờ ơ, chưa mạnh mẽ.
– Việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi bạo lực gia đình còn chưa kịp thời, nghiêm minh, vì thế bạo lực vẫn tiếp tục xảy ra mà không bị ngăn chặn.

Hậu quả của bạo lực giới

– Về sức khỏe thể chất: Sức khỏe bị tổn hại, thương tích đau đớn, có thể bị khuyết tật suốt đời, thậm chí dẫn đến tử vong.

– Về sức khỏe tinh thần: Luôn ám ảnh bị bạo lực; chán nản, buồn rầu, lo lắng, sợ hãi, mất tự tin, hoang mang, trầm cảm; cảm thấy cuộc sống nặng nề, căng thẳng và tuyệt vọng.

– Về sức khỏe sinh sản: Mang thai ngoài ý muốn, thai nhi suy dinh dưỡng, sẩy thai, đẻ non, lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV.

– Hậu quả với trẻ em: Với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi: Khóc nhiều, suy dinh dưỡng, chậm lớn, chậm phát triển trí tuệ, e ngại khi tiếp xúc với người lạ.

– Với trẻ trong độ tuổi trước vị thành niên: thiếu tập trung và không có khả năng chơi tích cực; vụng về, lóng ngóng và hay gây rối; tránh va chạm và dễ chiều theo ý người khác; mất hứng thú với các hoạt động xã hội và giảm năng lực xã hội; lẫn tránh các mối quan hệ với các bạn cùng lứa tuổi.

– Với trẻ vị thành niên: học kém, bỏ học, phạm tội, uống rượu, hút thuốc lá và nghiện ma túy; thiếu tin tưởng vào người lớn; bỏ đi khỏi nhà; có thể có các hành vi bạo lực như người lớn; chán nản và có ý nghĩ tự tử; thậm chí tự tử.

– Hậu quả đối với gia đình: Ly thân, ly hôn. Phải tốn tiền chữa trị phục hồi sức khỏe thể chất  cho nạn nhân và tinh thần của nạn nhân và người chứng kiến bạo lực gia đình sẽ bị ảnh hưởng trong một thời gian dài; chất lượng cuộc sống của thành viên trong gia đình bị giảm sát.

– Giảm thời gian và năng suất lao động từ đó giảm thu nhập gia đình. Không có khả năng làm tròn bổn phận với gia đình nội, ngoại.

– Hậu quả đối với người gây bạo lực gia đình: Phá hỏng mối quan hệ vợ – chồng, cha mẹ – con cái, ông bà

– cháu, cảm thấy cô đơn ngay trong gia đình. Có nhiều trường hợp phải đóng tiền nộp phạt vi phạm hành chính khi có hành vi gây ra bạo lực gia đình. Bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng với nạn nhân.

– Hậu quả đối với xã hội: Giảm sự đóng góp của nạn nhân và người gây bạo lực gia đình đối với xã hội; tạo ra lực lượng lao động tương lai có sức khỏe thể chất và tinh thần yếu, thiếu sáng tạo; ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội; ảnh hưởng đến truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam.

Lễ hưởng ứng vì bành đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 tại Điện Biên- Ảnh: Báo Văn Hoá

Một số giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng bạo lực

– Tăng cường công tác tuyên truyền về truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam và tác hại của bạo lực giới, bạo lực gia đình.

– Phát huy vai trò của tổ chức Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động thành viên của mình thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình.

– Tùy theo đặc điểm, truyền thống văn hóa của từng địa phương, xây dựng các quy chế, quy ước để điều chỉnh các mối quan hệ trong cộng đồng dân cư, trong từng gia đình, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.

– Xây dựng mô hình, Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình. Cung cấp kiến thức về hôn nhân và gia đình; kỹ năng ứng xử, xây dựng gia đình văn hoá và các nội dung khác có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình.

– Ngăn chặn các tệ nạn xã hội là giải pháp phòng, chống bạo lực có hiệu quả nhất. Vì vậy đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội không chỉ tạo nên sự ổn định xã hội mà còn góp phần vào việc phòng, chống bạo lực một cách có hiệu quả.

– Hành vi bạo lực phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật. Nạn nhân bạo lực phải được bảo vệ, giúp đỡ kịp thời và áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc, bố trí nơi tạm lánh; cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật.

– Tuyên truyền, giáo dục không nên nạo phá thai vì mục đích lựa chọn giới tính, đánh đập trong quá trình mang thai ảnh hưởng về tình cảm và thể chất đối với phụ nữ, ảnh hưởng đến kết quả sinh đẻ, mang thai ép buộc.

– Ngăn chặn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào các dân tộc thiểu số.

–  Lên án hành vi phân biệt trong chế độ dinh dưỡng và chăm sóc y tế cho trẻ em gái, …..

– Phòng chống hành vi lạm dụng tình dục nơi làm việc, quấy rối tình dục; kịp thời tố cáo với các cơ quan có chức năng xử lý nghiệm theo quy định của pháp luật.

– Phòng chống hành vi hiếp dâm, mại dâm, buôn bán phụ nữ, mại dâm trẻ em, lạm dụng phụ nữ tàn tật, lạm dụng người già,…

– Vợ chồng phải biết cách ứng xử tế nhị, tôn trọng giúp đỡ nhau; trường hợp vợ chồng có xung đột, mâu thuẩn nên thẳng thắn trao đổi để tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. tạo không khí hoà thuận, cùng có trách nhiệm với nhau trong cuộc sống.

– Trang bị kiến thức, kỹ năng phòng tránh bạo lực về thể chất, tinh thần, tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái.

– Tạo việc làm ổn định cuộc sống, giảm thiểu nạn thất nghiệp, không có thu nhập, áp lực căng thẳng trong công việc, trong cuộc sống,….dẫn đến xung đột, hành vi bạo lực.

Tháng Hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 có thông điệp “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới” qua đó mỗi người, mỗi nhà, mỗi tổ chức cá nhân hãy làm tốt những điều sau:

  1. Bình đẳng giới là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
  2. Chủ động phòng ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em.
  3. Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương.
  4. Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
  5. Hãy tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em.
  6. Hãy hành động vì cộng đồng an toàn, bình đẳng, không bạo lực, không xâm hại tình dục.
  7. Hãy hành động để chấm dứt xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em.
  8. Im lặng không phải là cách để bảo vệ bản thân và nạn nhân bị xâm hại.
  9. Pháp luật sẽ nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại, quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em.
  10. Hãy lên tiếng khi bị bạo lực. Mọi người sẽ giúp bạn.

Tác giả: Phạm Thị Thu Hà

BÌNH LUẬN