Trong đôi mắt trẻ thơ, thế giới thật rộng mở, sống động và chứa đựng biết bao những điều mới lạ, bí ẩn, đầy thú vị cần phải tìm hiểu, khám phá. Ở trẻ, cái nhìn cuộc đời thật ngây thơ, gần gũi và trong sáng. Trẻ đã dùng trí tưởng tượng, sự so sánh của mình một cách hết sức hồn nhiên để nắm bắt và nhận thức sự việc, hiện tượng diễn ra xung quanh. Qua so sánh, trẻ có thể khám phá, nhận thức chính xác, sâu sắc về thế giới, chắp cánh cho trí tưởng tượng bay bổng hơn. So sánh trở thành một công cụ hết sức quan trọng trong hoạt động nhận thức thế giới, một phương tiện làm phong phú, sinh động hơn sự diễn đạt trong hoạt động giao tiếp của trẻ. Vì thế, có thể khẳng định, so sánh có ý nghĩa hết sức to lớn trong mọi hoạt động giáo dục đối với trẻ ở trường mầm non.
1. So sánh là công cụ giúp trẻ nhận thức và khám phá thế giới
Thế giới xung quanh con người là một bí ẩn lớn. Con người luôn khát khao tìm hiểu, khám phá và vén bức màn bí ẩn ấy. Con người tìm hiểu, khám phá sự vật, hiện tượng của thế giới xung quanh bắt đầu từ việc quan sát rồi sau đó qua so sánh để suy ra cái chưa biết từ cái đã biết ấy. Chỉ cần thế giới xung quanh ta có một chút liên hệ nhất định nào đó, đặc biệt là mối quan hệ tương đồng hoặc tương phản, thì con người đều có thể đem ra so sánh chúng với nhau. Người ta có thể so sánh cái hữu hình với cái hữu hình, cái vô hình với cái vô hình; cũng có thể so sánh cả cái hữu hình với cái vô hình và ngược lại. Rõ ràng là, muốn nhận biết thế giới, nhận biết chính mình, con người đều cần đến so sánh. So sánh giúp con người lựa chọn, đối chiếu các sự vật hiện tượng với nhau để từ đó khám phá, nhận thức cái mới và tìm ra chân lí.
Có thể nói, con người luôn luôn tìm cách so sánh, phân tích, tổng hợp, khái quát hóa, trừu tượng hóa những sự việc, hiện tượng diễn ra xung quanh mình. Mục đích cuối cùng của những hoạt động ấy là nhận thức thế giới. Nhưng có thể nói rằng, trong số những hoạt động nói trên thì so sánh là hoạt động đơn giản nhất, dễ thực hiện nhất đối với con người. Thông qua so sánh, con người có thể nhận thức về thế giới nhanh hơn, đỡ mất nhiều thời gian hơn mà vẫn đảm bảo được tính hiệu quả, chính xác.
Cũng tương tự như vậy, trẻ em luôn khao khát nhận thức, khám phá thế giới hiện thực xung quanh. Trẻ muốn biết tất cả, muốn thâu tóm tất cả của cuộc sống vào khối óc bé nhỏ của mình nhưng với nhận thức non nớt, trẻ khó có thể tự phân tích, tổng hợp được những gì diễn ra xung quanh. Trong khi đó, trẻ lại có thể nhận thức được hoạt động thông qua so sánh và qua so sánh trẻ cũng có thể tự rút ra được cách hiểu cho mình về đối tượng, dù cách hiểu đó trong giai đoạn này chỉ mang tính hình thức mà chưa phải là nhận thức mang tính bản chất. Điều này giúp trẻ nhận thức được hiện thực xung quanh, hiểu sâu sắc hơn về sự vật, hiện tượng. Nhưng mặt khác, khi trẻ đã nhận thức được một sự vật và hiện tượng nào đó rồi, trẻ lại có thể dùng so sánh để trình bày nhận thức của mình, để thể hiện cách hiểu của mình về chúng. Lúc đó, so sánh lại như một hình thức diễn đạt giúp lời nói của trẻ sinh động, có hình ảnh hơn.
Chức năng nhận thức là chức năng quan trọng nhất của so sánh. Bởi vậy so sánh là một trong những hoạt động quan trọng nhất để tìm kiếm, phát hiện cái mới. Trong quá trình nhận thức thế giới xung quanh, trẻ thường đem các sự vật, hiện tượng đặt cạnh nhau để so sánh nhằm tìm ra những điểm giống nhau và khác nhau giữa chúng nhằm có được những hiểu biết nhất định. Khi đối chiếu hai đối tượng như vậy, trẻ đã đặt chúng vào cùng một bình diện, nhận xét chúng dựa trên cùng một thuộc tính chung nào đó, như: hình dáng, màu sắc, mùi vị, kích thước, công dụng… mà trẻ phát hiện ra được sự giống nhau và khác nhau giữa chúng. Trong so sánh, trẻ hay lấy cái mình chưa biết, chưa rõ để so sánh với cái mình đã biết, đã rõ nhằm nắm bắt về cái chưa biết, chưa rõ. Do đem cái chưa biết đặt cạnh cái đã biết như vậy mà qua so sánh, trẻ có thể hiểu cụ thể và hình dung được rõ ràng hơn cái chưa biết, cái muốn nhận thức. Vì vậy, có thể khẳng định, so sánh có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển trí tuệ của trẻ đặc biệt là trẻ 5-6 tuổi. Một mặt, so sánh giúp sự nhận biết đối tượng sâu sắc hơn; mặt khác năng lực này sẽ tạo cơ sở cho quá trình khái quát hoá các sự vật, hiện tượng thành nhóm, loại một cách chính xác, chặt chẽ trong nhận thức của trẻ.
2. So sánh là biện pháp giúp trẻ rèn luyện và phát triển tư duy
Trong hoạt động nhận thức, con người phải sử dụng một số thao tác như: phân tích – tổng hợp, diễn dịch, quy nạp… Các thao tác này, một mặt là những thao tác của logic, của tư duy nhằm phát hiện ra chân lí, tìm ra bản chất của sự vật, hiện tượng; mặt khác, chúng cũng đồng thời là các thao tác trình bày những điều đã được con người nhận thức. Trong khi đó, giải thích, chứng minh, bình luận… cũng được gọi là thao tác, nhưng đó không phải là thao tác dùng để phát hiện, để đi tìm cái mới mà chỉ là những thao tác để trình bày những nhận thức mà tư duy chúng ta thu nhận được. Chức năng chủ yếu của chúng chỉ là chức năng trình bày. Trong khi đó, so sánh là một trong những thao tác trí tuệ và vì vậy, so sánh có mối quan hệ qua lại với các thao tác trí tuệ khác trong nhận thức thế giới của trẻ như: phân tích, tổng hợp, diễn dịch, quy nạp… Trong mối quan hệ ấy, thao tác này có thể là cơ sở hoặc là kết quả của thao tác kia và ngược lại. So sánh, một mặt, chịu sự quy định của những thao tác trí tuệ khác; mặt khác, nó cũng tác động trở lại những thao tác, hành động trí tuệ có liên quan. Đây cũng là một trong những cơ sở lí luận của việc hình thành và đánh giá chất lượng, hiệu quả của thao tác so sánh.
Từ lâu, loài người đã nhận ra rằng bất kì một đối tượng nào cũng đều gồm nhiều mặt, nhiều bộ phận hợp thành. Bởi vậy, để hiểu sâu đối tượng, trẻ cần biết rõ từng mặt, từng bộ phận ấy. Thao tác phân chia để nhận thức sự vật và hiện tượng, vạch rõ các bộ phận và tính chất của chúng trong tư duy của trẻ được gọi là thao tác phân tích. Đứng trước những đối tượng nào đó, trẻ muốn so sánh chúng với nhau thì phải có những hiểu biết nhất định về chúng. Hiểu biết đó không phải chung chung mà là hiểu đối tượng đó được hợp thành bởi những mặt, những bộ phận, những phương diện nào, như: đối tượng có màu sắc gì, hình dáng thế nào, tính chất ra sao, có công dụng gì không… Muốn có được những hiểu biết ấy, trẻ buộc phải phân tích. Chỉ khi phân tích được đối tượng và nhận biết được những đặc điểm, phương diện vốn có của nó thì khi đó trẻ mới có thể tiến hành so sánh một cách có hiệu quả. Vì vậy, có thể khẳng định, phân tích là cơ sở để tiến hành so sánh; hay nói một cách khác, muốn so sánh phải lấy kết quả của phân tích làm tiền đề xuất phát để tìm ra bình diện so sánh, phương diện so sánh phù hợp giữa hai đối tượng. So sánh giúp trẻ rèn luyện tư duy phân tích là như vậy. Nhưng so sánh không phải chỉ dừng lại ở mức để có những hiểu biết riêng biệt chỉ về một phương diện nào đó của đối tượng, mà cái so sánh cần đạt tới đối với trẻ chính là sự nhận thức đầy đủ, chính xác về tính chỉnh thể của đối tượng. Chỉ có cái nhìn mang tính hoàn chỉnh mới giúp trẻ nhận thức được sự tác động, mối quan hệ lẫn nhau giữa các mặt, các bộ phận của đối tượng. Bởi thế, khi so sánh xong, trẻ cần phải tổng hợp các bình diện đã được phân tích lại thì việc so sánh mới có ý nghĩa. Tổng hợp là giai đoạn cuối cùng của phân tích, là cái đích của việc nhận thức cái mới. Các phân tích trước khi tổng hợp chỉ là khám phá và lượm nhặt, là nguyên liệu để tổng hợp; còn tổng hợp là dùng những nguyên liệu phân tích được để tạo ra một nhận thức mới. Nếu như phân tích là cơ sở giúp trẻ so sánh thì tổng hợp lại là kết quả của sự phân tích, so sánh mà trẻ cần nhận thức.
3. So sánh là phương tiện tăng cường tính sinh động, hồn nhiên cho lời nói của trẻ
Khi đã có được nhận thức về một đối tượng, trẻ có thể sử dụng so sánh để trình bày những hiểu biết của mình về đối tượng đó. Lúc này, so sánh trở thành một phương tiện diễn đạt, giúp cho lời nói của trẻ sinh động, có hình ảnh hơn. Tất nhiên, không phải bất kì lúc nào, với bất kì lời nói nào, trẻ cũng cần sử dụng so sánh; tuy vậy, trong những trường hợp nhất định nên dùng và cần dùng mà trẻ lại không sử dụng, thì điều này có nghĩa là trẻ đã tự làm mất một lợi thế của so sánh trong hoạt động. Thực tế sử dụng ngôn ngữ cho chúng ta thấy, để giúp trẻ hiểu sâu sắc và sử dụng cho đúng, cho hay một so sánh nào đó, thì đấy không phải là việc dễ dàng. Nhưng vì lợi thế của so sánh trong hoạt động giao tiếp, chúng ta vẫn cần phải tạo cho trẻ một thói quen, một sở thích sử dụng so sánh. Để có được thói quen này, trẻ cần phải kiên trì, phải trải qua thời gian rèn luyện mới có thể đạt được. Dưới đây là một số biểu hiện cụ thể về vai trò của so sánh trong hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ của trẻ:
– Giúp cho lời nói của trẻ trở nên có hình ảnh, có cảm xúc hơn. Nói một cách khác, sử dụng so sánh sẽ tạo được hiệu quả thẩm mĩ cao hơn. Hiệu quả này thể hiện ở việc, qua so sánh, trẻ có thể bộc lộ được cách nhìn hồn nhiên, ngộ nghĩnh, mới lạ, riêng biệt của mình về đối tượng so sánh. Ở đây, dù vô thức, có khi trẻ lại tự mình vượt qua được cái so sánh logic thông thường để đạt đến sự so sánh biểu cảm, cảm xúc, tạo dấu ấn đậm nét, khó quên trong nhận thức của người nghe. Cách dùng so sánh như vậy giúp lời nói của trẻ gần gũi với cuộc sống đời thường, tăng được tính hồn nhiên cho cách diễn đạt… Ví dụ: “Ngoài thềm rơi cái lá đa / Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng” hoặc “Ông mặt trời giận dữ, mặt đỏ gay như một người say rượu”.
– Giúp sự vật, hiện tượng vốn xa lạ trở nên gần gũi, gắn bó với trẻ. Dù là động vật hay bất động vật, đối với trẻ, chúng đều gần gũi, có cuộc sống riêng, có tâm hồn riêng. Trẻ quý mến, yêu thương và bộc lộ tình cảm với chúng chẳng khác gì những người thân. Trẻ thổi vào chúng những suy nghĩ, những tâm hồn, những cá tính. Chúng sống trong tâm hồn trẻ như những con người thật sự, như những nhân vật trong các câu chuyện cổ tích mà trẻ được nghe kể. Biện pháp so sánh kết hợp với nhân hóa là một lợi thế rất lớn trong việc thể hiện những tình cảm này của trẻ. Ví dụ: Em đi, trăng theo bước /Như muốn cùng đi chơi (Nhược Thủy), trong lời thơ này, nhờ có sự so sánh kết hợp với nhân hóa mà một sự vật, hiện tượng của tự nhiên vô tri, vô giác đã trở nên thân thiết, gần gũi, có suy nghĩ, có cảm xúc và trở thành một người bạn thân thiết đối với trẻ.
– Giúp thể hiện được cách nghĩ, cách cảm của trẻ trong việc nhìn nhận thế giới. Ngôn ngữ của trẻ chưa phát triển đầy đủ để có thể bộc lộ hết những điều mà mình suy nghĩ, những tình cảm mà trẻ gửi gắm. Vì thế, sử dụng so sánh, trẻ có thể nói được nhiều điều mà bằng ngôn ngữ thông thường trẻ không thể diễn tả được. Qua so sánh, ta có thể nhận ra được đâu là cái mới lạ, cái cảm nghĩ riêng của trẻ. Cách nhìn nhận mới lạ, ngộ nghĩnh đó của trẻ tạo ra những liên tưởng thú vị, những xúc cảm thẩm mĩ trong nhận thức của người nghe. Hơn nữa, trong so sánh, trẻ còn có thể gửi vào đó cả những tình cảm yêu / ghét, kính trọng / coi thường… của mình với đối tượng so sánh, điều mà trẻ không thể tự nói ra được, ví dụ: Bàn tay bé bơi bơi / Là mái chèo nho nhỏ (Chu Huy). Trong so sánh, việc đem đối tượng A (chủ thể so sánh) để so sánh với B (chuẩn so sánh) là cơ sở quan trọng để trẻ thể hiện nhận thức cũng như tình cảm đối với đối tượng được so sánh. Nói chung, so sánh người với vật, cái sang trọng với cái tầm thường, cái cao cả với cái thấp hèn… thường là một sự xúc phạm, sự khinh thị đối với đối tượng được đem ra so sánh. Ngược lại, nếu đối tượng vốn bình thường nhưng lại được đem ra so sánh với cái vĩ đại, cái hiếm thấy… thì việc so sánh đó lại thiên về sự ca ngợi, tôn vinh. Khi bàn về so sánh, người ta thường dẫn ra câu nói: “Mọi sự so sánh đều khập khiễng”. Nhưng như thế không có nghĩa là trong cuộc sống, trong lời nói thường ngày…, người ta không sử dụng so sánh – bởi lẽ, một so sánh đúng, một so sánh hay thường để lại cho người nghe những khoái cảm thẩm mĩ, những hứng thú, những rung động mới mẻ trong việc tiếp nhận lời nói. Các cách nói so sánh đã được chúng tôi dẫn ra trong bài viết này là những minh chứng sinh động cho điều đó.
Tác dụng của so sánh đối với con người nói chung và đối với trẻ nói riêng đều đã được nhiều người thừa nhận. Nhưng rèn luyện cho trẻ mẫu giáo như thế nào để trẻ hiểu được so sánh, cao hơn thế là nói được những lời so sánh… thì nhà trường mầm non cần phải có một chương trình, một nội dung dạy học cụ thể. Việc giúp trẻ có được kĩ năng sử dụng so sánh, điều này đồng nghĩa với việc chúng ta đã trao cho trẻ một phương tiện cực kì sắc bén, có hiệu quả trong hoạt động nhận thức thế giới và thể hiện những suy nghĩ riêng của bản thân mình. Đối với người lớn, việc tạo ra phép so sánh không quá phức tạp, cũng như việc cảm nhận được cái hay, cái đẹp của nó trong lời nói cũng không thật quá khó, nhưng đối với trẻ mẫu giáo thì việc này không đơn giản chút nào. Bởi thế, muốn nâng cao kĩ năng sử dụng so sánh cho trẻ trong mọi mặt của đời sống, việc tất yếu là đòi hỏi sự quan tâm của giáo viên và những hình thức rèn luyện thích hợp một cách bền bỉ, thường xuyên, liên tục. Kĩ năng so sánh của trẻ chỉ tăng lên khi chúng ta đạt được những yêu cầu ấy.
Tác giả: Nguyễn Thị Hiền