MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT, CÁC HÌNH THỨC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT

0
2478

Lê Trọng Hiếu

Khoa Bồi Dưỡng

Mở đầu

Điều 2 Hiến pháp 2013 của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Để xây dựng nhà nước pháp quyền chúng ta phải xây dựng được nhiều yếu tố bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của nhà nước đó. Đặc biệt nói đến nhà nước pháp quyền yếu tố đầu tiên là phải có hệ thống pháp luật hoàn thiện và mọi chủ thể pháp luật phải tôn trọng thực hiện pháp luật một cách nghiêm chỉnh, triệt để, chính xác.

 Trong bài viết này tôi xin đề cập đến vấn đề thực hiện pháp luật và các hình thức thực hiện pháp luật.

Nội dung

1. Khái niệm thực hiện pháp luật:

Thực hiện pháp luật là một quá trình hoạt động có mục đích làm cho những quy định của pháp luật đi vào cuộc sống trở thành những hành vi thực tế hợp pháp của các chủ thể pháp luật.

Qua khái niệm trên chúng ta thấy có một hệ thống pháp luật hoàn thiện vô cùng quan trọng nhưng nếu các quy định của pháp luật chỉ nằm trên giấy tờ không được hiện thực hoá thành các hành vi hợp pháp của các chủ thể pháp luật thì pháp luật cũng không có giá trị. Chính vì vậy, việc tổ chức thực hiện pháp luật có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Để thực hiện đúng pháp luật mỗi chủ thể pháp luật phải hiểu rõ vị trí pháp lí của mình và các quy định của pháp luật trong các quan hệ cụ thể.

2. Những hình thức thực hiện pháp luật

2.1. Tuân thủ (tuân theo) pháp luật

Tuân thủ pháp luậtlà một hình thức thực hiện pháp luật trong đó các chủ thể pháp luật kiềm chế không tiến hành những hoạt động mà pháp luật ngăn cấm.Hành vi thực hiện pháp luật này thể hiện dưới dạng không hành động, không làm những gì pháp luật cấm.

 Ví dụ: Không vượt đèn đỏ, không buôn bán ma tuý, không trộm, cướp…

2.2.Thi hành (chấp hành) pháp luật

Thi hành pháp luật là một hình thức thực hiện pháp luật trong đó các chủ thể pháp luật thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình bằng hành động tích cực. Những quy phạm pháp luật bắt buộc. Những quy phạm quy định nghĩa vụ phải thực hiện những hành vi tích cực nhất định được thực hiện ở hình thức này.

Ví dụ: Chủ thể pháp luật thực hiện nghĩa vụ nộp thuế khi kinh doanh, công dân thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường, cán bộ, công chức thức hiện nghĩa vụ của mình khi thi hành công vụ, học sinh, sinh viên thực hiện nghĩa vụ của người học khi tham gia học tập…

2.3. Sử dụng pháp luật

Sử dụng pháp luậtlà một hình thức thực hiện pháp luật trong đó các chủ thể pháp luật thực hiện quyền chủ thể của mình (Thực hiện những hành vi mà pháp luật cho phép). Những quy pham pháp luật quy định những quyền tư do dân chủ của công dân được thực hiện ở hình thức này. Hình thức này khác với các hình thức trên ở chỗ chủ thể pháp luật có thể thực hiện hoặc không thực hiện quyền được pháp luật cho phép theo ý chí của mình chứ không phải ép buộc thực hiện.

Ví dụ: Chủ thể pháp luật thực hiện quyền tự do kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm, quyền vui chơi, giải trí, quyền tham gia lập hội, hội họp, quyền tự do ngôn luận theo quy định của pháp luật, quyền được thông tin, quyền đối với họ tên, hình ảnh,, danh dự, uy tín….

2.4.Áp dụng pháp luật

  Đây là hình thức thực hiện pháp luật trong đó nhà nước thông qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc nhà chức trách tổ chức cho các chủ thể pháp luật thực hiện các quy định của pháp luật hoặc tự mình căn cứ vào những quy định của pháp luật để tạo ra các quyết định làm phát sinh, thay đổi, đình chỉ, chấm dứt những quan hệ pháp luật cụ thể. Trong trường hợp này các chủ thể pháp luật thực hiện các quy định pháp luật có sự can thiệp của nhà nước.

Nếu như các hình thức thực hiện pháp luật trên các chủ thể pháp luật đều có thể thực hiện thì áp dụng pháp luật luôn có sự tham gia của nhà nước thông qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc nhà chức trách có thẩm quyền. Áp dụng pháp luật là hình thức rất quan trọng của thực hiện pháp luật.

Ví dụ:

Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện các văn bản luật do Quốc hội ban hành tất cả các chủ thể pháp luật trong phạm vi quản lí của Chính phu đều phải thực hiện.

Sở nội vụ tỉnh A ra quyết định tuyển dụng công chức H, làm phát sinh quan hệ lao động giữa công chức H vầ cơ quan nhà nước sử dụng công chức đó.

Sở nội vụ tỉnh A ra quyết định điều chuyển công chức H từ cơ quan hành chính sang làm viên chức tại đơn vị sự nghiệp công sẽ làm thay đổi các quyền nghĩa vụ của công chức H sang thành quyền nghĩa vụ của viên chức.

UBND tỉnh B ra quyết định buộc thôi việc với công chức E làm chấm dứt quan hệ lao động giữa công chức E và cơ quan sử dụng công chức E.

Trưởng Phòng cảnh sát giao thông ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với anh C do lái xe có sử dụng rượu, bia, làm phát sinh quan hệ về trách nhiệm hành chính giữa nhà nước và anh C.

2.4.1. Đặc điểm áp dụng pháp luật

– Áp dụng pháp luật là hoạt động mang tính tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước

  + Việc áp dụng pháp luậtchỉ do cơ quan nhà nước, nhà chức trách có thẩm quyền tiến hành.

 Ví dụ : Căn cứ vào quy định của pháp luật trong phạm vi thấm quyền luật định các cơ quan nhà nước, nhà chức trách ra các quyết định giải quyết các công việc theo thẩm quyền của mình

  + Việc áp dụng pháp luật được tiến hành chủ yếu dựa theo ý chí đơn phương của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không phụ thuộc vào ý chí của chủ thể bị áp dụng.

Ví dụ: Cơ quan hành chính nhà nước ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên cơ sơ quy định của luật và đối chiếu với hành vi vi phạm để xử phạt mà không cần người vi phạm đồng ý hay không.

  + Áp dụng pháp luật có tính chất bắt buộc đối với chủ thể bị áp dụng và chủ thể có liên quan.

Ví dụ: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực bắt buộc với người vi phạm, đồng thời chủ thể có liên quan như kho bạc nơi nhận tiền phạt cũng phải thự hiện.

  + Văn bản áp dụng pháp luật chỉ có cơ quan nhà nước, nhà chức trách có thẩm quyền áp dụng.

Ví dụ: Các quyết định áp dụng pháp luật luôn luôn được thể hiện dưới hình thức văn bản áp dụng pháp luật, căn cứ vào phạm vi thẩm quyền do luật định, các cơ quan nhà nước, nhà chức trách có thẩm quyền ra các quyến định (văn bản) áp dụng cụ thể đối với từng trường hợp cụ thể như: Chủ tịch UBND cấp xã có quyền ra quyết định xử phạt hành chính đến 5 triệu đồng, Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền ra quyết định xử phạt hành chính đến 50 triệu đồng…

– Áp dụng pháp luật là hoạt động có hình thức, thủ tục chặt chẽ.

Ví dụ: Việc áp dụng pháp luật là việc các cơ quan nhà nước, nhà chức trách có thẩm quyền căn cứ vào luật để giải quyết một công việc cụ thể nên phải tuân theo hình thức thủ tục do pháp luật quy định như việc xử phạt hành chính đầu tiên phải lập biên bản vi phạm, sau đó chuyển đến cơ quan hoặc người có thẩm quyền theo luật định ra quyết định xử phạt, rồi chuyển quyết định tới người bị xử phạt. Tất cả các hoạt động này phải tuân theo trình tự, thủ tục của luật về thời gian, hình thức văn bản, thẩm quyền ban hành…

– Áp dụng pháp luật là hình thức điều chỉnh cá biệt, cụ thể đối với các quan hệ xã hội xác định.

Ví dụ: Áp dụng pháp luật là các chủ thể có thẩm quyền căn cứ vào luật để giải quyết các công việc cụ thể như quyết định tuyển dụng, quyết định xử phạt, quyết định khen thưởng, quyết định điều động cán bộ, quyết định cấp phép xây dựng…

– Áp dụng pháp luật đồi hỏi tính sáng tạo nhưng phải dựa trên cơ sở pháp luật vận dụng vào thực tế.

Ví dụ: Anh A và Anh B đều vựt đèn đỏ đều bị xử phạt nhưng có thể xem xét tính chất mức độ của 2 người có thể khác nhau một người cố ý vượt sẽ xử lí năng hơn, một người do xe hỏng phanh bất ngờ không dừng kịp nên vượt sẽ xử lí nhẹ hơn…

2.4.2. Các trường hợp áp dụng pháp luật

– Khi cần áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước hoặc áp dụng các chế tài pháp luật đối với các chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật.

Ví dụ: Căn cứ vào quy định của pháp luật cơ quan hành chính nhà nước ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng trái phép và quyết định xử phạt hành chính đối với chủ thể vi phạm.

– Khi quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể không mặc nhiên phát sinh, thay đổi, chấm dứt nếu thiếu sự can thiệp của nhà nước.

Ví dụ: UBND cấp huyện chứng nhận hợp đồng và làm các thủ tục chuyển quyền sử dụng dất từ A sang B làm thay đổi các quyền, nghĩa vụ của A và B.

– Khi xẩy ra tranh chấp về quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa các chủ thể trong quan hệ pháp luật mà các bên không tự giải quyết được.

Ví dụ: UBND cấp huyện ra quyết định giải quyết tranh chấp đất đai giữa Anh A và Anh B. Toà án ra quyết định giải quyết tranh chấp tài sản giữa A và B.

– Trong 1 số quan hệ pháp luật mà nhà nước thấy cần thiết phải tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của các bên tham gia vào quan hệ pháp luật đó, hay xác nhận sự tồn tại hay không tồn tại một số sự việc thực tế.

Ví dụ: Trong quan hệ về chuyển quyền sử dụng đất nhà nước tham gia giám sát bằng cách chứng nhận hồ sơ, thực hiện đăng kí lại chủ sử dụng đối với đất đai, nhà nước thực hiện đăng kí khai sinh, khai tử, kết hôn.

– Áp dụng pháp luậtcòn là hoạt động thực hiện pháp luật của các cơ quan nhà nước nó vừa là 1 hình thức thực hiện pháp luật vừa là cách thức nhà nước tổ chức cho các chủ thể khác thực hiện pháp luật.

Ví dụ: Bản thân các cơ quan nhà nước cũng phải thực hiện pháp luật trong phạm vi thẩm quyền do luật định, đồng thời trong phạm vi thẩm quyền quản lí của mình các cơ quan nhà nước tổ chức cho các chủ thể thuộc đối tượng quản lí của mình thực hiện pháp luật. Chẳng hạn như Trường CĐSP Điện Biên thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật, đồng thời Trường CĐSP còn tổ chức cho cán bộ, giáo viên, sinh viên của nhà trường thực hiện pháp luật..

2.4.3. Các giai đoạn áp dụng pháp luật

– Phân tích đánh giá đúng, chính xác các tình tiết, hoàn cảnh, điều kiện của sự việc thực tế đã xẩy ra.

Ví dụ: Nhà chức trách căn cứ vào pháp luật xem xét hành vi thực tế của một chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật hay không

– Lựa chọn quy phạm pháp luật để giải quyết vụ việc và làm sáng tổ nội dung tư tưởng của nó.

Ví dụ: Sau khi xem xét đánh giá hành vi thực tế nếu có vi phạm pháp luật thì vi phạm luật nào? Được quy định tại điều, khoản nào? Tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi, lỗi, động cơ, mục đích của chủ thể thực hiện hành vi vi phạm…

– Ra quyết định áp dụng pháp luật.

Ví dụ: Xác định được hành vi vi phạm, luật áp dụng, nhà chức trách ra quyết định xử phạt, hay ra bản án.

– Tổ chức thực hiện quyết định áp dụng pháp luật.

Ví dụ: Sau khi quan hành chính ra quyết định xử phạt hoặc Toà án ra bản án quyết định xử phạt hay bản án sẽ được chuyển đến chủ thể vi phạm và các chủ thể có liên quan để thi hành.

Kết luận

Trên đây là một số nội dung về thực hiện pháp luật và các hình thức thực hiện pháp luật. Trong thực tế đời sống xã hội tồn tại rất nhiều các quan hệ pháp luật ở các lĩnh vực khác nhau. Việc thực hiện pháp luật trong các trường hớp khác nhau được thực hiện ở các hình thức khác nhau. Mỗi chủ thể pháp luật luôn phải căn cứ vào các quy định của pháp luật để xác định rõ vị trí pháp lí của mình khi tham gia vào các quan hệ pháp luật cụ thể để thực hiện đúng pháp luật.

 Tài liệu tham khảo

1. Hiến pháp 2013 của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

2. Trường Đại Học Luật Hà Nội; Giáo trình Lí luận chung về nhà nước và pháp luật. NXB Công an nhân dân 2017.

Tác giả: Lê Trọng Hiếu

BÌNH LUẬN