Quản lý sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình, xã hội trong giáo dục hướng nghiệp cho học sinh ở các trường trung học cơ sở

0
1253

Quản lý sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong giáo dục hướng nghiệp (GDHN) là sự tác động có mục tiêu, có kế hoạch của chủ thể quản lý nhằm tổ chức có hiệu quả sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong GDHN cho học sinh trung học cơ sở (THCS). Quản lý sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong GDHN cho học sinh THCS bao gồm các nội dung: Lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra đánh giá sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong GDHN cho học sinh THCS.

Lập kế hoạch GDHN có sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội

Hiệu trưởng các trường THCS xây dựng kế hoạch phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong GDHN cho học sinh THCS. Kế hoạch cần xác định rõ mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức phối hợp giữa các lực lượng trên. Kế hoạch cũng cần xác định thời gian cụ thể cho mỗi nội dung, điều kiện cơ sở vật chất, các nguồn lực tham gia phối hợp trong GDHN cho học sinh THCS.

Lập kế hoạch phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong GDHN cho học sinh THCS phải trên cơ sở kế hoạch chung và có sự phối hợp với kế hoạch của các bộ phận trong nhà trường như: Kế hoạch dạy học, kế hoạch hoạt động bộ môn, kế hoạch GDHN, kế hoạch cơ sở vật chất… đáp ứng trọng tâm của từng năm học. Xây dựng kế hoạch phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong GDHN cho học sinh THCS phải dựa trên sự chỉ đạo của Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo, chương trình môn học, nhiệm vụ chính trị, các chủ đề, chủ điểm sinh hoạt.

Kế hoạch phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong GDHN cho học sinh THCS phải phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường, đáp ứng nhiệm vụ trọng tâm của từng năm học nhiệm vụ chính trị của địa phương. Chú ý yếu tố thuận lợi và không thuận lợi khi xây dựng kế hoạch, xem xét khả năng của đội ngũ giáo, của các lực lượng phối hợp, tình hình học sinh, điều kiện cơ sở vật chất,…

 Tổ chức thực hiện sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong GDHN

Hiệu trưởng các trường THCS thực hiện sự phân công, phân nhiệm cụ thể cho các cá nhân, tổ chức để thực hiện kế hoạch phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội đã xây dựng.

Hiệu trưởng tổ chức thành lập Ban chỉ đạo sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong GDHN cho học sinh.

Hiệu trưởng tổ chức chọn lựa giáo viên thực hiện phối hợp với gia đình và xã hội.

Hiệu trưởng tổ chức bồi dưỡng năng lực cho giáo viên về cách thức tổ chức hoạt động phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội bằng nhiều hình thức: cung cấp tài liệu, tổ chức sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt chuyên đề, tổ chức hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm,…

Chỉ đạo sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong GDHN

Sự chỉ đạo của Hiệu trưởng trong quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong GDHN cho học sinh THCS giúp quá trình này diễn ra nhịp nhàng, bám sát các mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch, đồng thời có những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tiễn.

Chỉ đạo phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong GDHN là quá trình Hiệu trưởng thực hiện các nội dung: Xác định các phương thức, cách thức tổ chức sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong GDHN; Ra các quy định chỉ đạo hoạt động phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong GDHN; Quyết định tổ chức sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong GDHN.

Hiệu trưởng cần sử dụng quyền uy kết hợp với thuyết phục, động viên, khích lệ các thành viên trong việc thực hiện nhiệm vụ; giúp các thành viên phát huy được vai trò của mình, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong công việc.

Kiểm tra đánh giá hoạt động phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội

Kiểm tra, đánh giá là nhận định về kết quả của việc thực hiện kế hoạch phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong GDHN cho học sinh THCS. Việc kiểm tra phải dựa kế hoạch đã xây dựng. Phải có tiêu chí, chuẩn mực cụ thể cho từng hoạt động, có thể định tính, định lượng hoặc được sự thừa nhận của tập thể, của xã hội trong những điều kiện hoàn cảnh cụ thể.

Kiểm tra, đánh giá việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong GDHN cho học sinh THCS gồm những nội dung chính sau: Xây dựng các công cụ kiểm tra, đánh giá việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong GDHN cho học sinh THCS; Kiểm tra, đánh giá hoạt động phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong GDHN cho học sinh THCS; Đo đạc mức độ thực hiện nhiệm vụ phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong GDHN cho học sinh THCS; Tổng kết, rút kinh nghiệm, phát hiện những khiếm khuyến, điều chỉnh những vấn đề cần thiết.

Công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện hoạt động phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong GDHN cho học sinh THCS giúp Hiệu trưởng kịp thời phát hiện và điều chỉnh những sai sót trong quá trình thực hiện kế hoạch từ đó đưa ra những uốn nắn, sửa chữa cần thiết.

Tác giả: Nguyễn Thị Hiền

BÌNH LUẬN