Một số kinh nghiệm đi thực thực tập cho sinh viên sư phạm

0
10016

Bùi thị Hậu – Phòng Đào tạo–Nghiên cứu khoa học

Nguồn: Internet

Thực tập sư phạm (TTSP) là một trong những hoạt động thực tiễn quan trọng đối với công tác đào tạo sinh viên các ngành sư phạm. TTSP giúp giáo sinh làm quen với môi trường sư phạm, trực tiếp vận dụng các kiến thức, kỹ năng sư phạm trong quá trình giảng dạy và chủ nhiệm lớp vào thực tế, điều chỉnh và đúc rút kinh nghiệm làm giàu tri thức bản thân trước khi ra trường. TTSP là cơ sở đánh giá khả năng sư phạm của giáo sinh cũng như đánh giá chất lượng của cơ sở đào tạo các ngành sư phạm.

  1. Tìm hiểu về địa điểm thực tập

Thực tế cho thấy, ở mỗi trường Phổ thông khác nhau sẽ có những yêu cầu khác nhau đối với giáo sinh. Việc tìm hiểu cần tập trung vào vị trí của trường thực tập, đặc điểm của Nhà trường (cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy, số lượng và chất lượng học sinh, các hoạt động bề nổi đáng chú ý), các yêu cầu riêng đối với giáo sinh. Giáo sinh có thể tìm hiểu qua thông tin trên mạng internet, các mạng xã hội facebook, học hỏi từ các anh chị giáo sinh khoá trước, nếu cần có thể đi tiền trạm tìm hiểu trước để nắm được các thông tin về địa điểm thực tập.

  1. Sự tự tin và tác phong mẫu mực

Thực tập là một công việc mang tính tích hợp rất cao những kiến thức sư phạm và sự trải nghiệm nghề nghiệp. Khi bước vào thực tập ở một trường phổ thông, các sinh viên phải thể hiện sự tự tin và tác phong mẫu mực của một người thầy với học sinh. Khi đứng lớp, giáo sinh cần chú ý khâu diễn đạt sao cho rõ ràng và truyền cảm, tránh lan man, ôm đồm kiến thức, nên nhấn vào trọng tâm bài học; trình bày bảng đẹp và hợp lý cũng là yêu cầu cần lưu ý. Ngoài ra, giáo sinh cần có khả năng bao quát lớp, với một phong thái chững chạc, tạo không khí tiết học tích cực, tránh thụ động, độc thoại, hoặc nghiêng nhiều về lý thuyết, giảng dài dòng lan man. Giáo sinh nên nói ngắn gọn, đi thẳng vào trọng tâm bằng lời lẽ đơn giản. Thực tế cho thấy, một số sinh viên lúng túng khi ứng dụng công nghệ thông tin để giảng dạy, đôi khi lạm dụng một cách không cần thiết. Cần phân bố thời gian tiết dạy hợp lý, tránh bị “cháy” hay “ướt” giáo án. Sau tiết học, giáo viên hướng dẫn và những người dự giờ sẽ góp ý, đánh giá tiết học, giáo sinh nên lắng nghe và tiếp thu những ý kiến một cách cầu thị, bình tĩnh bằng thái độ chân thành của một người đi học nghề, tránh những phản ứng căng thẳng, đôi co với người hướng dẫn.

  1. Thái độ làm việc nghiêm túc, tích cực, chủ động

Để việc lên lớp đạt kết quả cao, ngay từ bây giờ các bạn phải tìm hiểu phần kiến thức mà mình sẽ phải dạy hoặc dự giờ trong thời gian thực tập ở trường phổ thông (qua giáo viên bộ môn PPGD của khoa, qua các GV và HS ở trường PT, đọc SGK, tài liệu tham khảo về những nội dung sẽ thực tập…). Sau đó các bạn cần tập soạn giáo án chi tiết, tập giảng một mình hay nhóm, tập viết bảng, tập sử dụng các phương tiện trực quan…Thực tế cho thấy nhiều SV gặp lúng túng khi lên lớp, “ăn không nên đọi, nói không nên lời”, viết bảng xiêu vẹo, trình bày lộn xộn, thiếu khoa học…do không được tập dượt kỹ lưỡng trước khi lên lớp. Bạn cũng cần học soạn các giáo án điện tử, vì ngày càng có nhiều trường phổ thông yêu cầu SV phải có những tiết dạy bằng giáo án điện tử. Chuẩn bị làm đồ dùng dạy học hoặc mượn các đồ dùng dạy học theo các bài sẽ dạy thực tập.

Đôi khi bạn sẽ không được làm công việc chuyên môn, mới đầu có khi phải làm những công việc vặt vãnh, hãy nhớ rằng đó cũng chính là “liều thuốc thử” dành cho bạn. Hãy thể hiện dù bất kì công việc gì đi chăng nữa thì bạn cũng sẽ hoàn thành tốt nhất có thể, đó là thể hiện tính chuyên nghiệp trong công việc – điều rất cần của một nhân viên.

  1. Vững kiến thức chuyên môn

Trước khi bắt đầu kỳ thực tập, các bạn nên ôn tập lại hết những kiến thức sẽ được sử dụng sau đó. Ngoài ra, nên tìm hiểu thêm những thông tin liên quan đến nội dung bài giảng của mình để bổ trợ và làm phong thú hơn cho tiết học. Trong quá trình thực tập, việc phải chuẩn bị giáo án là điều bắt buộc, chính vì vậy trong khoảng thời gian trước khi vào kỳ thực tập, các bạn nên tham khảo các mẫu giáo án của các anh chị đồng nghiệp đi trước và tự mình soạn thảo riêng những giáo án cho riêng mình.

  1. Hoạt động chủ nhiệm

Trước khi sinh hoạt với lớp, giáo sinh cần tìm hiểu kỹ nội qui học sinh của trường phổ thông mà mình đến thực tập, hiểu được đặc điểm tình hình lớp, tiêu chí đánh giá thi đua giữa các lớp học. Trong giờ sinh hoạt lớp, giáo sinh nên tạo bầu không khí thầy trò gần gũi, lắng nghe những tâm tư của học sinh, tạo cho các em sự tin tưởng, từ đó đề ra kế hoạch phù hợp và hiệu quả. Với sức trẻ, sự sáng tạo và nhạy bén, giáo sinh có thể tổ chức nhiều trò chơi theo chủ đề, phù hợp với nội dung buổi sinh hoạt. Khi gặp vấn đề, giáo sinh nên kịp thời trao đổi, xin ý kiến giáo viên chỉ đạo.

Điện Biên, ngày 25 tháng 12 năm 2018

BÌNH LUẬN