Một số kĩ năng tự học ngoài lớp học dành cho sinh viên sư phạm

0
6614

Trong vấn đề giáo dục nói chung và việc học nói riêng thì tự học có một vai trò hết sức quan trọng. Tự học giúp người học hiểu sâu, mở rộng, củng cố và ghi nhớ bài học một cách vững chắc nhờ vào khả năng tự phân tích, tổng hợp tài liệu, từ đó có khả năng vận dụng các tri thức đã học vào việc giải quyết những nhiệm vụ học tập mới. Đồng thời, tự học giúp người học hình thành được tính tích cực, độc lập tự giác trong học tập cũng như nề nếp làm việc khoa học. Từ đó quyết  định sự phát triển các phẩm chất nhân cách và quyết định chất lượng học tập của  sinh viên (SV).

Đối với SV sư phạm, việc định hình phương pháp tự học mang một ý nghĩa rất quan trọng bởi kết quả học tập chưa phải là đích cuối cùng, kiến thức và các kĩ năng đạt được trong quá trình tự học sẽ là hành trang cho  SV trong suốt cuộc đời giảng dạy. Vì vậy, SV sư  phạm cần có một số các kĩ năng (KN) tự học sau:

  1. Kĩ năng lập kế hoạch tự học

Việc lập kế hoạch rõ ràng, cụ thể cái gì cần được học trước, cái gì sẽ được học sau, làm như thế không những sẽ giúp quản lí và tiết kiệm được thời gian mà còn giúp chúng ta hệ thống lại những kiến thức đã học một cách khoa học.

KN này cần tuân thủ các nguyên tắc sau: Đảm bảo thời gian tự học tương xứng với lượng thông tin của môn học; xen kẽ hợp lý giữa các hình thức tự học, giữa các môn học, giữa giờ tự học, giờ nghỉ ngơi; thực hiện nghiêm túc kế hoạch tự học như biết cách làm việc độc lập, biết tự ôn tập, kiểm tra. Trước hết cần xác định xem học cái gì, học trong bao lâu và học bao nhiêu (bao nhiêu chương, bao nhiêu trang, bao nhiêu vấn đề… chẳng hạn, đây là một việc không quá khó). Sắp xếp thời gian tự học, đề ra thời gian học từng thứ và phải tuân thủ đúng theo lịch thời gian đó. Hãy học những vấn đề khó trước, nếu không thì hãy bắt đầu với việc học những phần mà cảm thấy dễ và thú vị.

Nên ấn định cho mình một khoảng thời gian làm việc cụ thể, ví dụ thời gian học hiệu quả thường khoảng 45 phút sau đó hãy nghỉ ngơi thư giãn một chút. Không nên thức sau 22 giờ – vì đầu óc sau một ngày làm việc dường như đã bão hòa, không còn tiếp thu thêm được nữa. Lúc rời bàn học, có thể lật qua, lướt mau những dòng đầu của các bài đã ôn để xác định mình đã học được tới đâu, đồng thời gửi tất cả vào tiềm thức bộ nhớ trước khi đưa não vào giấc ngủ

Một trong những lí do khiến SV dễ chán nản, không còn hứng thú với việc tự học là không hoàn thành tốt lịch trình đã đề ra. Nhiều lần như thế dễ làm họ cảm thấy mất dần niềm tin vào chính mình và ngày càng buông thả, bỏ bê chuyện tự học.

  1. Kĩ năng đọc sách

Trong quá trình tự học của SV, đọc sách được coi là khâu quan trọng đầu tiên giúp SV tiếp thu tri thức và phát triển phương pháp tự học hiệu quả. Đọc sách cũng cần xác định mục tiêu cho chính mình như đọc sách gì? liên quan đến chuyên ngành của mình như thế nào? mục đích của việc đọc sách này là gì? chúng có giúp giải quyết vấn đề mình đang tìm kiếm hay không? Tự đặt câu hỏi và xác định mục tiêu sẽ giúp SV hạn chế được vấn đề lan man, tăng sự tập trung cho học tập.

KN đọc sách bao gồm nhiều thao tác: Thao tác tra cứu tài liệu; thao tác chọn sách; thao tác đọc sách.

 Để đọc sách hiệu quả, SV phải tổ chức việc đọc sách của mình với các điều kiện thuận lợi nhất như: bàn ghế ngồi đọc, vở ghi chép, không gian yên tĩnh, mát mẻ, cách ly với các yếu tố gây nhiễu như truyền hình, điện thoại, máy tính cá nhân (nếu không cần thiết)…

  1. Kĩ năng ghi chép ngoài lớp học

KN ghi chép ngoài lớp học gắn bó chặt chẽ với KN đọc sách vì nếu đọc mà không ghi chép thì gần như các thông tin đã học sẽ dần biến mất khỏi trí não. Việc ghi chép giúp chúng ta nhớ lại thông tin tốt hơn. Trí óc sẽ lưu giữ tất cả những gì nhìn thấy, nghe thấy và cảm thấy.

Vậy SV nên ghi chép những gì? Cần ghi bao nhiêu, dưới hình thức nào? Nên ghi chép dưới dạng phác thảo truyền thống, dưới dạng bản tóm tắt hay ghi lại dưới dạng một loạt các lời phát biểu? Dạng nào giúp SV ghi chép tốt nhất? Mục đích ghi chép cơ bản của SV là tóm tắt được những điểm quan trọng trong cuốn sách, báo cáo, bài giảng.

Ghi chép nhanh mà vẫn đầy đủ ý. SV có thể lưu giữ và thể hiện nội dung cốt lõi của tài liệu thông qua một loạt các ký hiệu, biểu tượng, từ khóa, hình vẽ một cách nhanh nhất có thể…Cần chú ý nhấn mạnh với các từ “cho nên”, “vì vậy” và “chủ yếu”, “điều quan trọng”…

Ghi chép để dễ nhìn và nhớ: SV có thể ghi chép vào những quyển vở mà mình yêu thích, vì chắc rằng nó sẽ được cầm nhiều lần, cảm giác thích thú ban đầu sẽ gây hưng phấn cho người học.

Ghi thành dàn bài: Đọc kỹ nội dung của bài học, chia thành những phần chính, trong phần chính chia thành những mục nhỏ được sắp xếp theo một trật tự phù hợp, dễ nhớ, dễ liên tưởng.

  1. Kĩ năng ôn tập

KN ôn bài là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc chiếm lĩnh kiến thức bài giảng của giáo viên (GV). Đó là hoạt động tái hiện bài giảng như xem lại bài ghi, mối quan hệ giữa các đoạn rời rạc, bổ sung bài ghi bằng những thông tin nghiên cứu được ở các tài liệu khác, nhận diện cấu trúc từng phần và toàn bài. Ban đầu, việc tái hiện bài giảng của SV dựa vào những biểu tượng, khái niệm, phán đoán được ghi nhận từ bài giảng của GV; sau đó, từ hoạt động tái nhận bài giảng, SV dựng lại bài giảng của GV bằng ngôn ngữ của chính mình, đó là những mối liên hệ logic có thể có cả kiến thức cũ và mới. Từ đó hoàn chỉnh việc tổ chức tư liệu học và đưa vào bộ nhớ.

Nguyên tắc của ôn tập hiệu quả là phải để cho đầu óc thư giãn, rồi tự kiến thức sẽ trở về. Nếu muốn ôn lại bài thì hãy ôn lại sau đó 10 phút, rồi 1 ngày, 1 tuần và một tháng. Trong quá trình học, nếu SV cảm thấy mệt mỏi hay buồn chán nên đổi sang một môn học khác, hoạt động khác hoặc thay đổi môi trường học.

  1. Kĩ năng tự kiểm tra, đánh giá hoạt động tự học

Các nhà giáo dục đã khẳng định, kiểm tra, đánh giá trong học tập là quá trình thu thập và xử lý thông tin về tình hình lĩnh hội kiến thức, bồi dưỡng tư tưởng đạo dức, hình thành KN, kỹ xảo của người học so với mục tiêu, yêu cầu học tập.

Việc tự kiểm tra, đánh giá nhìn nhận kết quả học tập qua quá trình tự học có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức: dùng các thang đo mức độ đáp ứng yêu cầu của GV, bản thân tự đánh giá, sự đánh giá nhận xét của tập thể thông qua thảo luận, tự đối chiếu so sánh với mục tiêu đặt ra ban đầu…

Để có KN tự kiểm tra, đánh giá SV cần:

– Xác định được mục tiêu, nội dung bài học

– Xác định các nội dung liên quan trong các tài liệu tham khảo

– Tái hiện những kiến thức liên quan đã được nghe giảng

– Xây dựng dàn ý bài học (hoặc bài thuyết trình)

– Làm bài tập theo yêu cầu

– Dự kiến các câu hỏi và trả lời

– Trình bày trước nhóm (lớp), trao đổi thảo luận với bạn bè.

Điện Biên, ngày 26 tháng 12 năm 2018

Nguyễn Thị Thu Phương – Phòng Đào tao-Nghiên cứu khoa học

Nguồn: Internet

BÌNH LUẬN