Cô giáo Lò Vũ Điệp – Người gieo hạt trên mảnh đất Điện Biên Anh hùng

0
515

“…Có một nghề không trồng cây vào đất

Mà cho đời những đóa hoa thơm…”

Có lẽ những vần thơ mộc mạc, giản dị đó không còn xa lạ với mọi người, thầy cô chính là những người lái đò thầm lặng, người kết nối dòng chảy tri thức đến với học trò, không những thế thầy cô còn chính là những người gieo hạt giống tâm hồn từ trái tim, sự nhiệt huyết của mình.

Cô giáo Lò Vũ Điệp sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Sơn La, sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ tại khoa Tâm lý giáo dục, trường Đại học sư phạm Hà Nội đã “bén duyên” với mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng vào những ngày đầu xuân của năm 2010. Mùa xuân là mùa của sự ươm mầm, gieo hạt, nảy lộc, đơm hoa kết trái, là mùa của những mầm xanh mơn mởn căng tràn sức sống, là mùa của hy vọng. Cũng chính vì vậy, khi nhận quyết định đến công tác tại trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, cô đặt rất nhiều hy vọng cho nơi “tình yêu bắt đầu” trong sự nghiệp của mình.

Hơn 10 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” tại Khoa Bộ Môn chung trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, cô Điệp luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình để thực hiện tốt nhiệm vụ của người lái đò thầm lặng, người gieo những hạt mầm tương lai cho xã hội.

Với niềm đam mê, nhiệt huyết, sự tận tâm mẫu mực với nghề, cô Lò Vũ Điệp luôn cố gắng nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, trau dồi chuyên môn để truyền đạt kiến thức, kĩ năng cho từng lớp sinh viên. Cô luôn tìm tòi, nghiên cứu, đổi mới phương pháp dạy học, mỗi bài giảng của cô như được thổi linh hồn vào đó, truyền cảm hứng về tình yêu với môn học, biết cách tạo hứng thú, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin động lực đến với học trò. Mỗi tiết dạy của cô, sinh viên gần như được hòa mình vào bài giảng, say sưa cảm nhận tình yêu cô dành cho các em cũng như tình yêu nghề của cô được gửi gắm trong mỗi buổi lên lớp.

Sinh viên Lò Thị Hương đã có những cảm nhận rất riêng về cô: “Đối với em, cô Điệp giống như một người thầy, một người chị, một người bạn để em có thể trao đổi những tâm tư, khó khăn trong cuộc sống cũng như trong học tập mà em gặp phải. Mỗi giờ học của cô chúng em đều rất thích, bài giảng của cố rất dễ hiểu, gần gũi với cuộc sống đời thường. Chính cô đã là động lực, là người tưới mát tâm hồn em bằng sự mộc mạc, chân thành và rất đỗi thân thương của cô. Cũng vì thế em thấy yêu nghề hơn, muốn gắn bó và cống hiến nhiều hơn cho xã hội”

Mặc dù công tác tại ngôi trường nằm trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, nhưng sinh viên của nhà trường chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy cũng gặp không ít khó khăn, có những em sinh viên còn chưa thạo tiếng phổ thông, có những em còn nhút nhát, rụt rè, còn sợ khi phải tiếp xúc với các thầy cô. Nhận thấy được điều đó, cô Điệp luôn gần gũi sinh viên theo cách riêng của mình. Cô thường xuyên quan tâm, động viên, chia sẻ với các em sau mỗi giờ học, khi các em gặp khó khăn cô đều sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ để hiểu các em hơn, giúp các em khắc phục những khó khăn để hòa đồng vào môi trường mới.

Trong quá trình công tác tại trường, bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy cô giáo Lò Vũ Điệp còn tham gia vào rất nhiều các hoạt động như: tham gia thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, nghiên cứu khoa học, tham gia hội thi tiếng hát ngành giáo dục, tham gia bóng chuyền… và đã đạt được rất nhiều những thành tích nổi bật.

Trong năm học 2020 – 2021, cô Điệp đã đạt được một số thành tích:

         + Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2020 – 2021

         + Đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở

         + Đạt giải nhì nội dung: Hùng biện và thiết kế hoạt động giáo dục kết nối cộng đồng tại hội thi giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm toàn quốc lần thứ nhất năm 2020 tại Phú Thọ.

       “Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn chọn nghề dạy học. Đối với tôi, mỗi ngày được lên lớp, được giảng bài, được nhìn thấy học trò tôi thấy mình như được hồi sinh, tôi luôn tâm niệm sẽ cố gắng để gieo những hạt mầm trí tuệ, nhân cách, hướng thiện, những hạt mầm đó sẽ thực sự có ích cho xã hội” cô Điệp chia sẻ.

Thầy cô giáo chính là những người chở đò thầm lặng mỗi năm, chuyến đò nào rồi cũng phải cập bến, chuyến đò nào cũng để lại sự lưu luyến cho người lái đò và người khách sang sông. Những người gieo hạt giống tâm hồn như cô Điệp và như bao thầy cô khác vẫn đang miệt mài để giúp các em chiếm lĩnh tri thức, kĩ năng, làm chủ được bản thân trong cuộc sống. Trên những mảnh đất màu mỡ, trù phú, thầy cô giáo đã gieo những hạt giống xanh mơn man, căng tràn sức sống, vươn lên một cách mạnh mẽ đón những hạt sương mai buổi sớm để bắt đầu một ngày mới. “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ” chúc các thầy cô luôn có được những cánh đồng tri thức xanh bất tận, những hạt mầm nảy lộc đâm chồi, đơm hoa, kết thành những trái ngọt cho cuộc đời.

Người viết bài: Đào Thị Bách

BÌNH LUẬN