Đại tướng Chu Huy Mân – Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đại tướng Chu Huy Mân (17/3/1913-17/3/2023)

0
377

Đại tướng Chu Huy Mân (1913-2006)

Đại tướng Chu Huy Mân tên thật là Chu Văn Điều, sinh ngày 17/3/1913. Ông tham gia cách mạng rất sớm, từ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930). Năm 17 tuổi, Chu Văn Điều được đứng vào hàng ngũ Đảng cộng sản và tận hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

         Đại tướng Chu Huy Mân có bí danh là “Hai Mạnh”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khen ngợi Đại tướng Chu Huy Mân là người chịu khó học tập, rèn luyện, vừa biết cả chính trị, quân sự và công tác tổ chức, vừa có kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu. Trong một lần Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với Đại tướng Chu Huy Mân, khi biết ông đang làm cả nhiệm vụ chỉ huy và công tác chính trị, Người đã nói với ông: “Chú chịu khó gánh cả hai vai cho khỏe càng tốt”. Vì câu chuyện này, bộ đội Tây Nguyên gọi ông với bí danh “Hai Mạnh”, mạnh về quân sự-mạnh về chính trị. Có nhiều lí giải cho bí danh “Hai Mạnh” của Đại tướng Chu Huy Mân, nhưng tựu trung là sự công nhận tài năng thiên bẩm của ông cả về mặt quân sự và chính trị.

          Đại tướng Chu Huy Mân nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch HĐNN, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự TƯ, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; là một tài năng quân sự và kiên định có tầm chiến lược, rất giỏi về chiến dịch và chiến thuật, một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng. Ông đã góp phần phát triển nghệ thuật quân sự, đặc biệt là nghệ thuật chiến dịch tổng hợp gồm hai lực lượng: Chính trị (đấu tranh chính trị, binh vận), Quân sự (ba thứ quân) là đỉnh cao chiến tranh nhân dân ở khu 5 (Đông Xuân năm 1972 ở Bắc Bình Định và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 ở khu 5).

          Từ thực tiễn đấu tranh, người thanh niên Chu Huy Mân sớm bộc lộ tố chất và bản lĩnh của người lãnh đạo, người tổ chức vận động quần chúng và tài năng quân sự thiên bẩm. Từ năm 1937 đến năm 1940, thực dân Pháp đã nhiều lần bắt giam Chu Huy Mân ở nhà lao Vinh rồi chuyển đến các nhà tù ở Đắc Lay, Đắc Tô, Kon Tum.

          Tháng 3/1943, Chu Huy Mân cùng Nguyễn Duy Trinh, Huỳnh Ngọc Huệ và Hà Thế Hạnh tổ chức vượt ngục thành công và tham gia lãnh đạo phong trào cướp chính quyền tại tỉnh Quảng Nam.

          Thời kỳ chống Pháp, bàn chân ông đã in dấu trên nhiều chiến trường, giữ nhiều chức trách quan trọng trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, ở cương vị Chính ủy Sư đoàn 316, ông tham gia chỉ huy các trận đánh đồi A1, C1, C2, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao ông Chu Huy Mân làm Trưởng đoàn cố vấn chuyên gia sang giúp cách mạng Lào xây dựng lực lượng vũ trang. Năm 1958, ông được phong hàm Thiếu tướng, được Đảng, quân đội và nhân dân Lào yêu mến gọi với cái tên Tướng Thao Chăn.

          Năm 1963, sau khi hoàn thành chương trình học nâng cao trình độ lý luận và nghệ thuật quân sự tại Học viện Phowrunde, Liên Xô, Thiếu tướng Chu Huy Mân được Bác Hồ và Trung ương Đảng giao nhiệm vụ vào Tây Nguyên, nghiên cứu và chỉ đạo lực lượng vũ trang Quân khu V đánh xe tăng, bắn máy bay bằng súng trường và trung liên để chống cuộc chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ.

          Tháng 9/1965, là Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận B3 – Tây Nguyên, Thiếu tướng Chu Huy Mân quyết định mở chiến dịch Plâyme – Ia Đrăng. Đây là lần đầu tiên bộ đội chủ lực của ta tiêu diệt hoàn toàn một đơn vị cấp tiểu đoàn lính Mỹ và buộc Mỹ phải thừa nhận đây là “một trận chiến đấu làm thay đổi cục diện chiến tranh”.

          Để giải quyết bớt khó khăn về lương thực cho bộ đội và nhân dân ở chiến trường, Thiếu tướng Chu Huy Mân có sáng kiến tổ chức bộ đội trồng khoai, sắn, rau, chuối ở nơi đóng quân để chủ động lương thực, thực phẩm, nếu không sử dụng đến thì để lại cho những đơn vị đến sau.

          Năm 1974, Thiếu tướng Chu Huy Mân được thăng quân hàm vượt cấp lên Thượng tướng. Năm 1982, ông được phong hàm Đại tướng, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Quân đội và Nhà nước.

          Cho đến tận cuối đời, Đại tướng Chu Huy Mân vẫn trăn trở với công tác xây dựng bộ đội về chính trị tư tưởng. Vị tướng “Hai Mạnh” của Quân đội ta luôn mong muốn phát huy vai trò của người chính ủy, chăm lo xây dựng quân đội tinh nhuệ, trước hết phải tinh nhuệ về chính trị, tinh thần là chủ yếu; chú trọng bồi dưỡng cán bộ về các mặt chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, năng lực và tác phong công tác. Ông đúc kết lại: Chỉ có người cộng sản chân chính, trung thực, vô tư mới trồng được con người cộng sản chân chính.

            Đại tướng Chu Huy Mân mất ngày 3/7/2006, do tuổi cao, sức yếu. Những kỷ vật gắn với cuộc đời chiến đấu và sinh hoạt đời thường bình dị của Đại tướng Chu Huy Mân được con cháu lưu giữ, sưu tầm và trưng bày tại Nhà tưởng niệm. Nhà tưởng niệm Đại tướng Chu Huy Mân được xây dựng tại quê hương của Đại tướng, ở xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Công trình này được UBND tỉnh Nghệ An đầu tư, xây dựng và đi vào hoạt động vào năm 2013, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Chu Huy Mân.

             Đại tướng Chu Huy Mân đã sống một cuộc đời tận hiến, tất cả vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước và xây dựng tổ quốc. Những giá trị về nghệ thuật chính trị và quân sự có tầm ảnh hưởng lớn tới thế hệ của chúng ta, mãi là tài sản vô giá trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Thế hệ trẻ mãi khắc ghi công ơn to lớn của đại tướng và nguyện noi theo tấm gương đạo đức cách mạng của đại tướng Chu Huy Mân.

Tác giả: Vũ Điệp

BÌNH LUẬN